Đối thoại là xu thế của hòa bình

15:59 30/09/2016 - Thế giới
Một sự kiện quốc tế nổi bật thu hút mối quan tâm đặc biệt của dư luận trong những ngày qua chính là việc Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đạt được thỏa thuận hòa bình lịch sử, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 5 thập kỷ qua.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos trong một buổi phát biểu tại Bogota. Ảnh: AFP

Với việc đạt được thỏa thuận lịch sử trên, người dân Colombia kỳ vọng hòa bình sẽ trở lại để chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhất ở đất nước Nam Mỹ này.

Chấm dứt vĩnh viễn xung đột

Trong suốt 52 năm qua, những cuộc đối đầu liên tiếp giữa quân đội chính phủ và lực lượng FARC đã đẩy nhiều người dân vô tội lâm vào thảm cảnh không gia đình, người thân thích sau các cuộc tấn công đẫm máu, cuộc sống của người dân Colombia luôn trong tình trạng căng thẳng và bất an với các cuộc bắt cóc, đánh bom và tấn công vũ trang...

Những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Colombia và FARC cùng hai nước bảo trợ đàm phán là Cuba và Na Uy, các nước quan sát viên là Venezuela, Chile, Mỹ và Liên hiệp châu Âu kéo dài gần 4 năm qua cuối cùng đã đạt được kết quả. Ngày 24/8, tại Thủ đô La Habana của Cuba, đại diện Chính phủ Colombia và đại diện FARC đã ký kết vào thỏa thuận hòa bình lịch sử dài 297 trang để chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột vũ trang dai dẳng nhất tại Mỹ La tinh.

Thỏa thuận lịch sử gồm 6 điểm đáng chú ý:

Thứ nhất là việc tiến hành một cuộc cải cách nông thôn toàn diện, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, thực thi bình đẳng và bảo đảm quyền lợi của người nông dân.

Thứ hai là thỏa thuận về việc quá trình tham gia chính trường và mở cửa dân chủ để xây dựng hòa bình cho các lực lượng chính trị mới của Colombia, bao gồm cả FARC sau khi chấm dứt cuộc xung đột.

Thứ ba là thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, bao gồm cả việc tái hòa nhập các du kích quân vào đời sống dân sự, kinh tế và xã hội Colombia cũng như bảo đảm về an toàn và việc đấu tranh chống các tổ chức tội phạm vũ trang, trong đó có cả các nhóm bán quân sự cực hữu.

Thứ tư quy định các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề ma túy.

Thứ năm bao gồm các giải pháp cho vấn đề nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang đã kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Thứ sáu là việc thành lập và vận hành các cơ chế để thông qua, triển khai và giám sát thực hiện hòa bình, cũng như giải quyết những khác biệt còn tồn tại và có thể nảy sinh giữa hai bên.

Đàm phán bền bỉ và kiên trì

Đạt được thỏa thuận hòa bình lịch sử trên là cả một quá trình đàm phán kéo dài, với những khó khăn phát sinh từ hai phía. Trong nhiều năm qua, đất nước Colombia luôn bất ổn với các cuộc xung đột giữa các du kích quân của FARC với quân đội chính phủ. Cuộc xung đột giữa FARC và lực lượng quân đội nước này bắt nguồn từ phong trào nông dân đấu tranh phản đối chính sách ruộng đất những năm 60 của thế kỷ trước. Cuộc chiến kích động sự hận thù với những hệ lụy dai dẳng đã khiến nền kinh tế của quốc gia Mỹ La tinh này rơi vào trì trệ kéo dài.

Có được kết quả như ngày hôm nay, là công sức và nỗ lực bền bỉ của Tổng thống Juan Manuel Santos, người được coi là “kiến trúc sư” của thỏa thuận hòa bình lịch sử này. Từng theo học thạc sĩ tại Trường Kinh tế London, Báo chí tại Đại học Harvard, ông Santos đã kinh qua những vị trí quan trọng trong Chính phủ Colombia như Bộ trưởng Ngoại thương dưới thời Tổng thống Cesar Gaviria Trujillo, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Alvaro Uribe.

Ngay từ khi đắc cử tổng thống tháng 8/2010, Tổng thống Santos đã ưu tiên kiếm tìm giải pháp hòa bình để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 5 thập kỷ trên đất nước Colombia. Nỗ lực đàm phán bền bỉ và kiên trì của Tổng thống Juan Manuel Santos khi khởi động hòa đàm từ tháng 11/2012 giữa đại diện Chính phủ Colombia và FARC đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua hàng chục vòng đàm phán, với những đề xuất thay đổi nội dung liên tục, cuối cùng hai bên cũng đi đến nhận thức chung và đồng ý với thỏa thuận cuối cùng.

Người dân Colombia có thể ngẩng đầu hướng tới tương lai. Ảnh: AFP

Khép lại quá khứ, mở hướng tương lai

Đối với cộng đồng quốc tế, việc Chính phủ Colombia và FARC ký thỏa thuận hòa bình đã mở ra một chương mới về cách tiếp cận và giải quyết cuộc xung đột vũ trang bằng biện pháp hòa bình. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chúc mừng Tổng thống Santos và thủ lĩnh FARC Timoleon Jimenez cũng như các bên trung gian hòa giải. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh các bên cần nỗ lực thực thi thỏa thuận, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Colombia trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Santos, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá đây là một ngày lịch sử, một sự kiện quan trọng, mở đường cho một nền hòa bình dài lâu, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở Colombia. Liên hiệp châu Âu (EU) và lãnh đạo các nước Mỹ La tinh cũng đồng loạt chúc mừng nhà lãnh đạo của Colombia và cho rằng nền hòa bình lâu dài ở Colombia sẽ đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng ở trong khu vực.

Dù trong dư luận của Colombia còn nhiều quan điểm khác nhau về thỏa thuận hòa bình đạt được hôm 24/8 vừa qua tại La Habana, nhưng với việc đạt được thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột vĩnh viễn, Chính phủ Colombia và FARC đã mở ra một chương mới về tinh thần hòa giải dân tộc và đoàn kết để phát triển. Phương thức tốt nhất để giải quyết các cuộc chiến tranh chính là bằng cách giải quyết hòa bình. Đúng như phát biểu sau lễ ký thỏa thuận tại La Habana, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia Humberto de la Calle: “Cách tốt nhất để chiến thắng một cuộc chiến là ngồi thảo luận về hòa bình”./.

Thanh Phương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top