Thông tin về phục hồi kinh tế thích ứng với đại dịch Covid-19 trên báo mạng điện tử Việt Nam

Trong những thời khắc cam go của nền kinh tế, báo chí đã thể hiện, phát huy vai trò to lớn của mình trong việc là kênh thông tin truyền đạt các chỉ đạo, chiến lược, sách lược… của Đảng và Nhà nước đến với người dân trong cả nước, giúp những sự chỉ đạo đó được kịp thời, liên tục, liền mạch, không gián đoạn, tạo thống nhất về nhận thức để từ đó toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, chung sức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Thông qua các tờ báo mạng điện tử, các vấn đề của đời sống xã hội, những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, mong muốn của người dân; những tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian chống dịch khiến kinh tế ngưng trệ, sản xuất đình trệ; những vấn đề về ùn ứ nông sản, không có phương án thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; những vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, đứt gãy thông thương, logistic do biện pháp chống dịch giữa các địa phương không đồng bộ dẫn tới việc phương tiện vận tải từ địa phương này không được phép di chuyển sang địa phương khác… đã được kịp thời phản ánh, cung cấp các thông tin chân thực, sống động, kịp thời, là “hơi thở cuộc sống” tới các cơ quan Trung ương để các cơ quan quản lý nắm bắt, từ đó có những điều chỉnh kịp thời về phương án, chính sách.

Những kết quả thông tin

Trong những thời khắc cam go của nền kinh tế, báo chí đã thể hiện, phát huy vai trò to lớn của mình trong việc là kênh thông tin truyền đạt các chỉ đạo, chiến lược, sách lược… của Đảng và Nhà nước đến với người dân trong cả nước, giúp những sự chỉ đạo đó được kịp thời, liên tục, liền mạch, không gián đoạn, tạo thống nhất về nhận thức để từ đó toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, chung sức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Trong những thời điểm nguy cấp, khi các hoạt động, sản xuất đều tạm dừng; mệnh lệnh “ai ở đâu - ở yên đó”, “không tập trung, tụ tập đông người”, nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, các lĩnh vực không thiết yếu phải tạm dừng; các tờ báo giấy (báo in) không tổ chức sản xuất, phát hành, thì một trong những kênh thông tin chủ đạo, liên tục thời điểm này đó là các tờ báo mạng điện tử.

Sau đây là khảo sát thông tin phục hồi kinh tế thích ứng với đại dịch Covid-19 trên báo Vietnamnet và Báo điện tử Chính phủ trong thời gian từ 5/2021 – tháng 5/2022, kết quả cho thấy có những nhóm nội dung chính sau:

Thứ nhất, nhóm nội dung thông tin chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, về phục hồi kinh tế thích ứng với đại dịch Covid-19.

Đây là những thông tin ở tầm định hướng, có ý nghĩa chỉ đạo trên diện rộng. Các báo tích cực thông tin về chủ trương phục hồi kinh tế ở thời điểm cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới nhằm tuyên truyền tổ chức tốt việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, cả nước thực hiện đa mục tiêu, đa nhiệm vụ, những văn bản chỉ đạo của Trung ương có tính định hướng chung để thực hiện theo đúng kế hoạch, mục tiêu đã được họp bàn. Điều này giúp cả nước kiên định mục tiêu, kiên định các phương án đã được xây dựng, từ đó tạo sự thống nhất chung, xuyên suốt.

Thông tin về chủ trương, chỉ đạo của các địa phương là tâm dịch của cả nước khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, chuyển sang giai đoạn phục hồi sản xuất. Những tin bài này tập trung ở các tỉnh trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bình Dương, Bình Phước…

Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM), trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, phục hồi kinh tế sau đại dịch được bắt đầu bằng việc công bố Chỉ thị số 18 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tiếp đó, một loạt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế được TP. HCM ban hành; các giải pháp an sinh xã hội được triển khai thực hiện do TP. HCM tập trung lượng lớn lao động từ các tỉnh thành trong cả nước dồn về. Chủ trương, định hướng quan trọng nhất của TP. HCM đó là ban hành “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP. HCM giai đoạn 2022-2025” với một loạt các giải pháp. Báo Vietnamnet có bài "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP. HCM giai đoạn 2022-2025" phân tích dựa trên số liệu tổng kết của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) về báo cáo đánh giá tổng quan về chương trình này. Sau 11 tháng thực hiện, quy mô kinh tế TP. HCM đã tương đương năm 2020, thời điểm trước khi chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Theo đó, bức tranh kinh tế thành phố đã có nhiều nỗ lực, vượt mục tiêu đề ra.

Thứ hai, nhóm thông tin thực trạng phục hồi, phát triển kinh tế tại các địa phương trong cả nước.

Đây là nhóm bài có tỷ lệ đưa tin số lượng lớn trên báo điện tử Vietnamnet với 4.200/7.235 tin bài, chiếm 58%. Ở báo điện tử Chính phủ, với đặc thù của báo, con số này là 658/4.355 tin bài, chiếm tỷ lệ 15,1%. Ban Biên tập báo định hướng tuyên truyền phản ánh các bức tranh tươi sáng, các mô hình sản xuất, kinh tế hiệu quả, các bài viết về các sáng kiến, sáng tạo trong thời điểm dịch bệnh để gỡ rối cho doanh nghiệp và người dân…

Ngày 6/7/2021, Báo điện tử Chính phủ đăng tải bài viết: “Bắc Giang: Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trở lại” đưa thông tin: tính đến ngày 5/7, tại Bắc Giang, 262 doanh nghiệp với khoảng 74.500 lao động trong các khu và cụm công nghiệp đã hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. Đây là một tín hiệu rất tích cực sau thời gian tỉnh này quyết định đóng cửa 4 KCN, dừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy trong các KCN này để tập trung nhiệm vụ chống dịch. Kinh tế của các cơ sở sản xuất chịu thiệt hại lớn, ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống người lao động và nguồn thu ngân sách địa phương. Cho nên, khi tỉnh cho phép hoạt động trở lại là một tin vui. Tuy nhiên, Báo điện tử Chính phủ cũng nêu các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng phương án chống dịch trong giai đoạn bình thường mới.

Bài viết “Vượt tâm dịch, Bắc Giang giữ vững vùng vải ngàn tỷ” đăng ngày 19/6/2021 đã phản ánh ròng rã hơn 1 tháng chống chọi với dịch bệnh Covid-19, Bắc Giang giữ được vùng vải ngàn tỷ trong chiến lược đa mục tiêu: vừa chống dịch, vừa tái sản xuất các khu công nghiệp và thu hoạch nông sản đúng mùa vụ. Theo đó, ngày 15/6, lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên chính thức được xuất đi 27 quốc gia tại thị trường EU, hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mùa vụ 2021. Trước đó, 70.000 tấn vải thiều đầu vụ của Bắc Giang đã được tiêu thụ hết, một phần lớn được xuất đi Nhật Bản - một trong những thị trường chất lượng cao của quả vải Lục Ngạn.

Thời điểm chống dịch, các chính sách, phương án chống dịch của các tỉnh, các địa phương là khác nhau. Các tỉnh đều muốn “đóng cửa” để đạt mục tiêu chống dịch, lập các chốt chặn, ra các quy chế người từ các vùng khác tới địa phương mình phải an toàn không lây nhiễm, tiêm đủ số lượng mũi vắc-xin theo quy định (của địa phương đó) kèm theo có giấy xét nghiệm Covid-19, tỉnh yêu cầu test nhanh (24h), địa phương khác lại yêu cầu test chậm (kết quả sau 72h)… Điều này vô hình trung xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, không đồng bộ về mặt giải pháp gây đứt gãy hệ thống logistic, đứt gãy quá trình vận chuyển mà đối với nền sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng hóa là khâu then chốt, mắt xích quan trọng của chu trình sản xuất – vận chuyển – tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm…

Trước bất cập này, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị lên các cơ quan Trung ương. Thủ tướng Chính phủ ngay sau đó đã có chỉ đạo bằng văn bản. Bài viết: Chủ tịch các tỉnh không được "ngăn sông cấm chợ" trong phòng chống dịch Covid-19 đăng ngày 15/6/2021, mục Thời sự/Vietnamnet thông tin tới rộng rãi dư luận, người dân và các địa phương về chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, không “ngăn sông cấm chợ”. Đây là chỉ đạo mang tính vĩ mô giải quyết thực trạng bất cập nói trên.     

Thứ ba, nhóm thông tin giải pháp phục hồi kinh tế thích ứng với đại dịch.

Ở nhóm nội dung này, trên báo điện tử Vietnamnet có 1.235/7.235 tin bài, chiếm tỷ lệ 17%. Ở báo điện tử Chính phủ có 637/4.355 tin bài, chiếm 14,62%.

Báo chí giải pháp trong những năm gần đây được nhiều cơ quan báo chí hướng tới. Nó cho thấy trách nhiệm của báo chí đối với các cơ quan quản lý, trách nhiệm của báo chí đối với các vấn đề của xã hội. Báo chí không chỉ đưa ra những câu chuyện, những nút thắt còn tồn tại… mà còn nêu ra được các giải pháp để khắc phục, giải bài toán phức tạp đó.

Ngày 16/5, Bắc Giang tổ chức thần tốc lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trong KCN Đình Trám. Đây là KCN lớn của Bắc Giang với hàng vạn công nhân đang sinh sống, làm việc. Ngay trong đêm 16/5, được sự tăng cường của các y bác sỹ tình nguyện đến từ Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên…, Bắc Giang tổ chức trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm cho gần 1 vạn công nhân tại KCN Quang Châu thuê nhà trọ tại xã Quang Châu (huyện Việt Yên). Đây là những nỗ lực vô cùng lớn của địa phương này nhằm giữ chân, bảo vệ nguồn nhân lực cho việc phục hồi kinh tế sau này. Cuối tháng 5/2021, tỉnh Bắc Giang bắt đầu cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại căn cứ theo các tiêu chí phòng chống dịch mà các cơ sở này đạt được. Báo Vietnamnet ngày 29/5/2021 có bài “Điều kiện để công nhân được đi làm lại tại khu công nghiệp ở Bắc Giang” cung cấp các thông tin để người lao động chủ động nắm các yêu cầu để quay trở lại lao động, làm việc trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh.

Một trong những vấn đề cơ bản của hoạt động sản xuất, đó là nguồn vốn. Giai đoạn này, Chính phủ công bố giải pháp dành một gói 350.000 tỷ cho các doanh nghiệp được vay ưu đãi để tái hoạt động sản xuất. Báo điện tử Chính phủ đăng tải bài viết phân tích “Để người dân, doanh nghiệp sớm tiếp cận với Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội” đưa ra phân tích để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tiếp đó, một hội nghị đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức ngày 7/4/2021 đăng trên Báo điện tử Chính phủ để tìm các giải pháp đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định về chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp hay các chính sách như cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022…

Một số bài học kinh nghiệm

Một là, cần chủ động có kế hoạch xây dựng tin bài, tránh bị động.

Kế hoạch, chiến lược là mấu chốt trong hoạt động quản lý báo chí. Kế hoạch được hoạch định sẽ giúp việc quản lý báo chí được chủ động, tránh bị động. Người quản lý sẽ có cơ sở, căn cứ để phân công, giao việc đúng người, đúng đối tượng; phân chia trách nhiệm theo các cấp bậc quản lý để hoạt động quản lý ngày càng chuyên nghiệp hơn. Kế hoạch sản xuất tin, bài cũng là căn cứ để đánh giá hiệu quả của công việc, mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, kế hoạch, mục tiêu được hoạch định giúp việc giám sát, kiểm soát trong quá trình thực hiện để hướng tới kết quả cuối cùng.

Lập kế hoạch giúp thực hiện xuyên suốt giúp mục tiêu đạt được theo mong muốn, làm việc khoa học, chủ động trong việc kiểm soát và chủ động ứng biến trong các tình huống phát sinh.

Hai là, phát triển nội dung, hình thức biểu đạt thông tin.

Nội dung, hình thức là hai phạm trù của một vấn đề. Nội dung thông tin được biểu hiện dưới một hình thức phù hợp sẽ giúp cho vấn đề đó được nâng cao giá trị từ đó có ý nghĩa hơn. Nội dung của báo chí đòi hỏi các thuộc tính: chính xác, nhanh, đầy đủ, có giá trị đối với đời sống xã hội. Nếu thông tin không chính xác, sai sự thật sẽ mang lại hậu quả lớn đối với đời sống xã hội nói chung, nhất là trong bối cảnh đặc thù cả nước đang gồng mình chống dịch, các nội dung thông tin càng phải chính xác, đúng định hướng.

Thực tế cho thấy, trong quá trình đưa tin chống dịch và phục hồi kinh tế thích ứng với đại dịch Covid-19, còn khá nhiều cơ quan báo chí đưa tin sai, không đúng sự thật đã phải đính chính, chịu sự xử lý của các cơ quan báo chí. Đó là những bài học để công tác quản lý báo chí ngày càng chính xác, hiệu quả hơn.

Ngoài nhiệm vụ thông tin kịp thời, chính xác, các cơ quan báo chí hiện đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Thay đổi nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, nhanh, chính xác, kịp thời, còn có nhiệm vụ thay đổi hình thức thể hiện. Thông tin cần cùng lúc được truyền tải theo đa phương tiện, như video, clip, postcard, livestream trực tiếp… Thông tin đa dạng, phong phú, mới lạ, hiện đại, trên nhiều nền tảng sẽ giữ chân được bạn đọc, từ đó khẳng định vị thế, uy tín của tờ báo.

Ba là, bài học kinh nghiệm về quản lý nguồn lực.

Nhân sự là nguồn lực quan trọng của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Nhân sự của cơ quan báo chí có đặc thù riêng do những yêu cầu riêng của quá trình tác nghiệp, lao động báo chí từ đó đặt ra yêu cầu riêng của sản phẩm tạo thành. Trải qua đại dịch Covid-19, hơn lúc nào hết cho thấy, một cơ quan báo chí mạnh yếu tố hạt nhân, cốt lõi đó là vấn đề con người. Đó là những nhà báo vừa hồng vừa chuyên, vừa có kỹ năng nghiệp vụ lại phải có tình yêu nghề, sự xả thân, cống hiến; sự linh hoạt, thích ứng trong điều kiện tác nghiệp khó khăn.

Để đào tạo được nguồn lực con người, người quản lý cần có cái nhìn tổng thể, biết chăm lo, tạo dựng đời sống người lao động, có những động viên khen thưởng kịp thời; có những chính sách đãi ngộ, khen thưởng, động viên những người có thành tích, cống hiến bên cạnh những quy chế, chế tài chặt chẽ, kỷ cương.

Về thiết bị, máy móc, phương tiện tác nghiệp: các cơ quan báo chí cần trang bị đầy đủ các phương tiện tác nghiệp, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu đưa tin trong giai đoạn mới. Nếu các phương tiện máy móc không hiện đại, cập nhật các nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số… sẽ không tương thích với thời đại mới, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ thời gian, chu trình sản xuất tin bài, thời gian phát song…, từ đó sẽ bị cạnh tranh, tụt hậu với “đối thủ”.

Bốn là, thay đổi phương thức quản lý, thích ứng linh hoạt phù hợp với tình hình.

Dịch bệnh Covid-19 vừa diễn ra giống như một “phép thử” buộc loài người phải thay đổi thói quen, hành vi, cách thức quản lý, điều hành xưa cũ, truyền thống từ trước tới nay. Từ thực tế này, quản lý báo chí giai đoạn mới cần có các phương án dự phòng các tình huống phát sinh. Những phương án đó cần được chú trọng ở tất cả các khâu, đoạn, từ tổ chức bộ máy, nhân sự; cách thức điều hành, quản lý; phương thức kiểm tra, giám sát; phương thức mệnh lệnh, chỉ đạo cho tới các phương thức “mềm” khác như động viên, khen thưởng…

Theo đó, các phương thức mới cần hướng tới, đó là ứng dụng khoa học công nghệ, dựa trên nền tảng số; thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý báo chí. Chế độ quản lý, chỉ đạo được điều hành từ xa trên các nền tảng công nghệ; chế độ báo cáo, giám sát bằng công nghệ; quản lý, nghiệm thu bài vở tin bài bằng công nghệ. Công nghệ AI ngày càng phát triển giúp việc quản lý, điều hành thực chất hơn, hiệu quả hơn, được lượng hóa trong quá trình đánh giá kết quả. Điều này mang lại hiệu suất công việc cao, cách thức quản lý khoa học, hiện đại và ngày càng hiệu quả. 

Năm là, bài học về quản lý tài chính, kinh tế báo chí.

Như đã phân tích, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng. Báo chí là một chủ thể của đời sống xã hội nên cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng nói chung này. Mặt khác, báo chí có đặc thù riêng, hoạt động báo chí không trực tiếp mang lại kinh tế nhưng nó gián tiếp tác động tới hoạt động phát triển kinh tế. Báo chí ngày nay sống vào việc hợp tác truyền thông với các chủ thể, mắt xích sản xuất kinh tế. Nếu chuỗi sản xuất, cung ứng này đứt gãy, kinh tế báo chí bị ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí còn sụt giảm nghiêm trọng hơn.

Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã chứng minh điều đó. Sự sụt giảm của kinh tế - xã hội, một loạt các lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp phá sản, giải thể… đã ảnh hưởng tới thu nhập của các cơ quan báo chí. Không có nguồn thu, báo chí không có kinh phí hoạt động. Từ thực tế này đặt ra bài toán cho các nhà quản lý báo chí, đó là hơn bao giờ hết phải đặt mục tiêu làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin, có những cải biến về nội dung, hình thức để nâng chất lượng của tờ báo; xây dựng tờ báo thực sự trong-sạch-nghiêm túc, gắn bó, đồng hành với đời sống xã hội, với doanh nghiệp, với các chủ thể của đời sống xã hội… từ đó tạo dựng mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ lẫn nhau. Nhà quản lý báo chí tự rút ra những bài học nhìn xa trông rộng, có phương án quản lý tài chính, phương án kinh tế báo chí để có nguồn thu ổn định để đảm bảo ổn định đời sống tờ báo, ổn định đời sống người lao động, có nguồn kinh tế dự phòng để đối mặt với những sự cố khủng hoảng toàn cầu như dịch bệnh Covid-19 vừa trải qua mang lại./.

Nguyễn Kiên Trung

Tài liệu tham khảo:

  1. Tạ Ngọc Tấn - Đinh Thị Thúy Hằng (2009), Cẩm nang đạo đức báo chí, Bộ thông tin và truyền thông phối hợp cùng Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội
  2. TS Nguyễn Văn Dững, Cơ chế tác động của báo chí, tạp chí Khoa học ĐHQGHN, số 23 – 2007
  3. TS Nguyễn Thị Trường Giang (Chủ biên – năm 2017), Báo chí và Truyền thông đa phương tiện, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật
  4. Song Hà, Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” Tạp chí Cộng sản điện tử.
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top