Truyền thông giá trị văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trên báo mạng điện tử hiện nay

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, báo mạng điện tử đã trở thành một kênh truyền thông quan trọng, góp phần quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Với tốc độ lan tỏa nhanh, khả năng tiếp cận toàn cầu và tính tương tác cao, báo mạng không chỉ truyền tải thông tin mà còn là cầu nối đưa các giá trị văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đến công chúng trong và ngoài nước.

Những giá trị văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

Nghị quyết 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 14/1/1993 về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt nêu rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời là mục tiêu. Nền văn hóa mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đặt ra nhiệm vụ chiến lược nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc dân tộc.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa như một trụ cột ngang tầm với kinh tế, chính trị và xã hội, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số. Tại hội nghị này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Ông nhấn mạnh văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, là “nền tảng tinh thần” và “động lực phát triển”. Trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo”. Ông yêu cầu khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, và xây dựng con người Việt Nam với các giá trị chuẩn mực: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện di huấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định: “Văn hóa là sức mạnh mềm của quốc gia, là nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước”. Ông kêu gọi xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, và công dân số, đồng thời bảo vệ sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, báo chí, đặc biệt là báo mạng điện tử, đã và đang trở thành một kênh truyền thông chủ lực, có sức ảnh hưởng sâu rộng đến nhận thức, tư duy và hành vi của công chúng. Với các ưu thế vượt trội như tốc độ truyền tải nhanh chóng, khả năng tương tác cao, phạm vi tiếp cận rộng rãi và tính đa dạng về hình thức thể hiện, báo mạng điện tử không chỉ là công cụ truyền thông hiệu quả mà còn là cầu nối quan trọng để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của dân tộc Việt Nam. Từ những bài viết chuyên sâu về di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, đến các chiến dịch truyền thông về tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước hay các giá trị nhân văn,… báo mạng điện tử đã góp phần định hình nhận thức của công chúng về bản sắc văn hóa dân tộc trong một thế giới ngày càng phẳng.

Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hóa mang tính khoa học, sáng tạo, phù hợp với xu thế thời đại, đồng thời giữ gìn các giá trị truyền thống, phong tục, tín ngưỡng, và tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu, các giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, được đúc kết như:  

Một là, tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước là giá trị cốt lõi, xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam, được tác giả Trần Văn Giàu nhấn mạnh như “hồn cốt” của con người Việt Nam. Đây không chỉ là ý chí bảo vệ lãnh thổ mà còn là lòng tự hào về cội nguồn, văn hóa, ngôn ngữ, và lịch sử dân tộc.

Tinh thần ấy được thể hiện qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, từ thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ví dụ, bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền quốc gia, hay tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong Cách mạng Tháng Tám 1945,… Ngày này, tinh thần yêu nước là nguồn động lực để người Việt Nam vượt qua khó khăn, bảo vệ độc lập, và xây dựng đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nó cũng khuyến khích thế hệ trẻ ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai.

Hai là, tính cộng đồng. Tính cộng đồng là đặc trưng nổi bật của người Việt Nam, thể hiện qua sự gắn kết chặt chẽ trong gia đình, làng xã, và cộng đồng dân tộc. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu nhấn mạnh rằng người Việt luôn coi trọng mối quan hệ tập thể, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Trong cấu trúc làng xã truyền thống, người Việt sống trong các cộng đồng gắn bó, cùng nhau tổ chức các hoạt động như cúng đình, lễ hội, hay giúp đỡ nhau trong mùa màng, thiên tai. Các phong tục như cúng giỗ tổ tiên, lễ hội làng, hay các hoạt động từ thiện như hỗ trợ đồng bào lũ lụt là minh chứng cho tính cộng đồng.

Ngày nay, tính cộng đồng ấy là nền tảng xây dựng xã hội đoàn kết, nhân ái, phù hợp với mục tiêu phát triển con người toàn diện theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh hiện đại, tính cộng đồng khuyến khích các hoạt động xã hội, từ thiện, và sự đồng lòng trong các chiến dịch quốc gia như phòng chống dịch bệnh hay bảo vệ môi trường.

Ba là, lòng nhân ái. Lòng nhân ái là giá trị đạo đức cốt lõi, thể hiện sự khoan dung, thương người, và sẵn sàng giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người gặp khó khăn. Trần Văn Giàu cho rằng lòng nhân ái là biểu hiện của tinh thần nhân văn sâu sắc trong văn hóa Việt Nam.

Trong lịch sử, các phong trào cứu trợ nạn đói, hỗ trợ người gặp thiên tai, hay các hành động nhân đạo trong chiến tranh (như chăm sóc thương binh, cưu mang đồng bào) là minh chứng cho giá trị này.

Lòng nhân ái là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn, phù hợp với tư tưởng của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phát triển con người Việt Nam với các giá trị chuẩn mực như “nghĩa tình”. Nó cũng thúc đẩy các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng, và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Bốn là, tính cần cù. Tính cần cù phản ánh tinh thần lao động chăm chỉ, chịu khó của người Việt, được hình thành từ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Tác giả Trần Văn Giàu nhấn mạnh rằng cần cù là phẩm chất giúp người Việt vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển.

Năm là, óc sáng tạo. Óc sáng tạo là khả năng tìm tòi, đổi mới, và thích nghi với hoàn cảnh của người Việt, được Giáo sư Trần Văn Giàu đánh giá là yếu tố quan trọng giúp dân tộc vượt qua những thách thức lịch sử và tự nhiên. Trong nghệ thuật, người Việt sáng tạo ra các loại hình độc đáo như múa rối nước, hát chèo, ca trù, hay các công trình kiến trúc như đình làng, chùa Một Cột. Trong chiến tranh, các chiến thuật quân sự độc đáo như “vườn không nhà trống” hay chiến tranh du kích là minh chứng cho óc sáng tạo của người Việt.

Ngày nay, óc sáng tạo là yếu tố then chốt để Việt Nam phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Nó khuyến khích đổi mới trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, và công nghệ, đồng thời giúp bảo tồn và hiện đại hóa các giá trị truyền thống.

Sáu là, tinh thần lạc quan. Tinh thần lạc quan là thái độ sống tích cực, luôn hướng đến tương lai tươi sáng dù đối mặt với khó khăn, được tác giả Trần Văn Giàu xem là sức mạnh tinh thần giúp người Việt vượt qua nghịch cảnh.

Bảy là, tính khoan dung. Tính khoan dung là thái độ cởi mở, sẵn sàng tha thứ, và chấp nhận sự khác biệt, được Trần Văn Giàu đánh giá là biểu hiện của tinh thần nhân văn và hòa hợp trong văn hóa Việt Nam.

Về những bản sắc văn hóa Việt Nam cũng được tác giả Phan Ngọc đưa ra như: Tính tổng hợp và hòa hợp: Văn hóa Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bản địa và ngoại lai, từ Nho giáo, Phật giáo đến ảnh hưởng phương Tây, như cách biến tấu áo dài hay ẩm thực phở; Tâm lý trọng tình cảm: Người Việt coi trọng gia đình, cộng đồng, và thiên nhiên, thể hiện qua ca dao, tục ngữ, và các nghi lễ như thờ cúng tổ tiên, lễ Vu Lan; Tính linh hoạt và ứng biến: Khả năng thích nghi với hoàn cảnh khắc nghiệt, từ canh tác lúa nước đến sáng tạo các loại hình nghệ thuật như ca trù, hát chèo, múa rối nước.

Thực trạng truyền thông văn hóa trên báo mạng điện tử Việt Nam

Báo mạng điện tử đã đạt được nhiều thành tựu trong việc truyền thông văn hóa như:

Chuyên mục văn hóa chuyên sâu: Các tờ báo mạng lớn như Báo Nhân Dân, VnExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí đã thiết lập các chuyên mục riêng về văn hóa, như “Di sản Việt Nam” (VnExpress), “Văn hóa – Giải trí” (Tuổi Trẻ), hay “Văn hóa Dân tộc” (Báo Nhân Dân). Các chuyên mục này thường xuyên đăng tải bài viết về các lễ hội truyền thống (Tết Nguyên Đán, Lễ hội Đền Hùng), làng nghề (gốm Bát Tràng, dệt thổ cẩm Tây Nguyên), và các di sản được UNESCO công nhận như Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Đờn ca tài tử.

Ứng dụng công nghệ đa phương tiện: Video phóng sự về nón lá, lụa Mã Châu, hay công nghệ thực tế ảo tái hiện Kinh thành Huế thu hút hàng triệu lượt xem.

Quảng bá quốc tế: Các báo như VietnamPlus, VnExpress International xuất bản bài viết bằng tiếng Anh, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Tiếp cận giới trẻ: Video ngắn về áo dài, múa rối nước trên TikTok, Facebook, và các chiến dịch như “Tôi yêu áo dài Việt Nam” thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, vấn đề truyền thông các giá trị văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trên báo mạng điện tử còn những hạn chế như: Nội dung thiếu chiều sâu, nhiều bài viết chỉ dừng lại ở mức mô tả bề mặt, chưa phân tích về ý nghĩa văn hóa, lịch sử, hay triết lý; thương mại hóa, các báo ưu tiên tin tức giải trí, scandal showbiz để thu hút lượt xem, khiến nội dung văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống của dân tộc bị lu mờ; thiếu tính đa dạng, nội dung tập trung vào các chủ đề quen thuộc như Tết, áo dài, phở, trong khi văn hóa của các dân tộc thiểu số như Chăm, Êđê, Ba Na ít được khai thác; ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, sự du nhập của K-pop, Hollywood khiến một bộ phận giới trẻ thờ ơ với văn hóa truyền thống; hạn chế nguồn lực, thiếu đội ngũ phóng viên có kiến thức chuyên sâu về văn hóa, dẫn đến bài viết thiếu chính xác hoặc không đủ chiều sâu.

Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông văn hóa trên báo mạng

Dựa trên các văn kiện của Đảng, tư tưởng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng phân tích của Trần Văn Giàu, Phan Ngọc và các tài liệu khác tác giả mạnh dạn đề xuất các giải pháp như:

Thứ nhất, đầu tư nội dung chất lượng. Phân tích chuyên sâu, bài viết cần khai thác các giá trị như tinh thần yêu nước, tính cộng đồng (Trần Văn Giàu), hay tính hòa hợp, trọng tình cảm (Phan Ngọc), ví dụ: phân tích triết lý đoàn viên trong Tết; Đa dạng nội dung, các mạng mạng điện tử cần tăng cường bài viết về văn hóa dân tộc thiểu số như lễ hội Katê (Chăm), cồng chiêng (Ba Na); Kết hợp truyền thống và hiện đại, liên hệ các giá trị truyền thống với xu hướng hiện đại, như áo dài trong thời trang quốc tế.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ. Công nghệ VR/AR, tạo trải nghiệm tham quan ảo di tích, lễ hội, làng nghề; video và mạng xã hội, sản xuất video ngắn, sinh động trên TikTok, YouTube, kết hợp âm nhạc hiện đại để thu hút giới trẻ; chiến dịch tương tác, tổ chức thử thách như mặc áo dài, nấu món truyền thống trên mạng xã hội.

Thứ ba, nâng cao năng lực báo chí. Không ngừng đào tạo chuyên sâu, tổ chức khóa học về văn hóa, lịch sử, nhân học,..; hợp tác chuyên gia, mời nhà nghiên cứu văn hóa tư vấn, đảm bảo tính chính xác và chiều sâu.

Thứ tư, chính sách và quản lý. Xây dựng chiến lược quốc gia, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng chiến lược truyền thông văn hóa trên báo mạng, hỗ trợ tài chính cho các dự án chất lượng; cùng với đó, kiểm soát nội dung, xử lý các nội dung sai lệch, phản cảm về văn hóa.

Thứ năm, giáo dục cộng đồng. Giáo dục trường học, phối hợp với báo mạng sản xuất nội dung giáo dục về văn hóa; Sự kiện trực tuyến, tổ chức hội thảo, triển lãm ảo về văn hóa để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.

Truyền thông các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên báo mạng điện tử là sứ mệnh quan trọng để bảo tồn di sản và khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam. Dựa trên các văn kiện của Đảng, tư tưởng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng các giá trị cốt lõi mà tác giả Trần Văn Giàu và Phan Ngọc, các tài liệu, công trình nghiên cứu về văn hóa khác, báo mạng có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để lan tỏa văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Việc khắc phục hạn chế, đổi mới nội dung, và ứng dụng công nghệ sẽ giúp văn hóa Việt Nam tiếp tục là ngọn lửa soi đường cho các thế hệ mai sau.

Hoàng Kim Đức

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1943). Đề cương về văn hóa Việt Nam. Nxb Sự Thật, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998). Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014). Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Nguyễn Phú Trọng (2021). Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Nguyễn Phú Trọng (2021). Bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021. Báo Nhân Dân điện tử.
  7. Tô Lâm (2024). Bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 15/03/2024. Báo Nhân Dân điện tử.
  8. Trần Văn Giàu (1980). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  9. Phan Ngọc (1998). Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  10. Báo mạng điện tử (2020-2024). Các bài viết trên Vnexpress, Vietnamnet, Nhân dân, Văn hóa, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, VietnamPlus về văn hóa Việt Nam (truy cập từ các chuyên mục “Di sản Việt Nam”, “Văn hóa – Giải trí”).

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top