Nhà báo tuyên truyền lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang là lực lượng chủ lực, đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhà báo cách mạng có trọng trách tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, mỗi nhà báo trên mặt trận này cần học hỏi, tu rèn để có kiến thức lý luận chính trị vững vàng. Đó cũng chính là yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi nâng cao năng lực của nhà báo trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

Tuyên truyền lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng yếu của báo chí

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, cùng với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học công nghệ, khoa học lý luận chính trị là một trong bốn trụ cột khoa học của nước nhà. Khoa học lý luận chính trị có chức năng nghiên cứu, bổ sung, phát triển và truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hệ tư tưởng thống trị, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Khoa học lý luận chính trị trực tiếp cung cấp hệ thống luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền lý luận chính trị là tuyên truyền về các thành quả của khoa học lý luận chính trị, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các đường lối, quan điểm của Đảng, hệ thống chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây được coi là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, một nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, một mục tiêu, nội dung cơ bản của lý luận chính trị. Quá trình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng phát huy vai trò của báo chí. Báo chí được coi là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quan niệm đó được luật định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”(1).

Báo chí Việt Nam đang có những chuyển biến mạnh mẽ, đa dạng. Với sự thúc đẩy hiệu quả của khoa học, công nghệ, báo chí đã mở rộng quy mô ảnh hưởng, thu hẹp không gian và thời gian giao tiếp. Báo chí Việt Nam tích hợp đa phương tiện, tương tác và thuận tiện với mọi đối tượng. Nhờ đó, báo chí vừa là công cụ chính trị - tư tưởng vừa là phương tiện, sân chơi giải trí, phổ biến kiến thức cho người dân. Thực tiễn đặt ra yêu cầu hoạt động báo chí nước ta phải hướng trọng tâm vào góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng là giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, từng bước xây dựng con người mới, lối sống mới, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Đó cũng là quá trình báo chí phải phát huy vai trò là nguồn thông tin chính thống, đúng đắn, chính xác, giàu tính định hướng, luôn giữ vị trí chủ đạo trong dòng chảy thông tin của đời sống, đồng thời đấu tranh quyết liệt với nạn tin giả, thông tin chống phá Đảng, Nhà nước.

Nâng cao năng lực của nhà báo trong tuyên truyền lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nhà báo cần rèn luyện nâng cao năng lực tuyên truyền lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:

Thứ nhất, học tập, tích lũy tri thức lý luận chính trị. Đối với nhà báo, việc nắm vững lý luận chính trị và tư tưởng của Đảng là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt các nhiệm vụ báo chí cách mạng, giúp nhà báo có thể xác định rõ lập trường, quan điểm trong việc truyền tải thông tin. Các tác phẩm báo chí chính luận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được xây dựng trên nền tri thức lý luận chính trị của nhà báo. Thông điệp vì vậy luôn hàm chứa tri thức lý luận chính trị như một điểm tựa cho nhà báo lựa chọn góc độ tiếp cận, thể hiện hệ thống chi tiết và quan điểm của mình. Càng có tri thức lý luận chính trị thì sự truyền tải yếu tố chính luận càng sâu sắc, chắc chắn, thuyết phục trong từng tác phẩm. Và cũng trên một nền tảng tri thức lý luận chính trị đủ vững thì nhà báo mới phát huy tốt kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để tuyên truyền lý luận chính trị có hiệu quả.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý luận “là kim chỉ nam cho hành động cách mạng”, nhưng lý luận không phải là lý thuyết cứng nhắc, khô khan mà đầy tính sáng tạo; luôn được bổ sung bằng những kết luận đúc rút được từ thực tiễn sinh động. Người nhận định: “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”(2), “Không có lý luận chính trị thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(3). Tri thức lý luận chính trị quan trọng với từng người, với việc giải quyết các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội đang đặt ra, với sự phát triển của đất nước. Báo chí cần thúc đẩy, thổi lên một làn sóng học tập lý luận chính trị, và vì vậy mỗi nhà báo cần phải có tri thức lý luận chính trị vững chắc hơn. Có tri thức lý luận chính trị đủ vững, nhà báo mới có thể trình bày, phân tích, chứng minh một cách thuyết phục, dẫn dắt công chúng tiếp nhận tri thức lý luận chính trị. Nói cách khác, tri thức lý luận chính trị giúp nhà báo đạt được một tầm cao, chiều sâu thể hiện trong tác phẩm của mình, cái chất đó của nhà báo khiến cho người đọc bị thuyết phục, tác động được đến nhận thức, thái độ, hành vi của họ. Để trau dồi tri thức lý luận chính trị, nâng cao năng lực viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng các nhà báo cần: a) Đọc văn kiện và nghị quyết của Đảng: Nhà báo cần nghiên cứu các văn kiện chính trị quan trọng, bao gồm các nghị quyết, chỉ thị, các báo cáo đại hội của Đảng. Những tài liệu này chứa đựng các quan điểm chính thức và mục tiêu của Đảng; b) Nghiên cứu sách và  tài liệu lý luận chính trị: Nhà báo cần đọc các sách, bài viết và tài liệu lý luận liên quan đến tư tưởng của Đảng. Những tài liệu này giúp hiểu rõ hơn về cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng; c) Đọc rộng để nắm vững tri thức lịch sử và bối cảnh chính trị: Hiểu rõ về lịch sử, các sự kiện quan trọng và bối cảnh chính trị có liên quan để có cái nhìn tổng thể và sâu sắc hơn về các chủ trương, chính sách hiện tại. Và dù làm báo là làm thông tin thời sự nhưng nếu nhà báo không liên tục cập nhật thông tin thông qua các kênh chính thống để nắm bắt quan điểm và thông tin mới nhất của Đảng thì vẫn có thể thiếu sự nhanh nhạy, sắc bén trong tuyên truyền lý luận chính trị.

Thứ hai, rèn luyện năng lực viết chính luận thuyết phục và hấp dẫn. Tác phẩm báo chí chính luận phải có tính định hướng, tính chặt chẽ và tính thuyết phục cao. Đặc biệt, tác phẩm chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải đậm chất luận chiến, có sự luận giải sâu sắc, thể hiện theo phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” với luận chứng rõ ràng, luận điểm thuyết phục. Để viết những tác phẩm như vậy, nhà báo phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”(4). Nhà báo phải tôi rèn ngòi bút, tôi rèn sự sắc bén trong phát hiện đề tài, tổ chức thu thập tư liệu và viết hoặc dựng tác phẩm theo một kết cấu chặt chẽ, mạch lạc. Nhà báo sử dụng các nguồn thông tin đa dạng và đối chiếu thông tin từ nhiều góc độ, giúp nâng cao tính khách quan và chính xác của phân tích. Thông qua phản ánh, phân tích những sự kiện, vấn đề thời sự của đời sống, nhà báo lồng ghép tuyên truyền lý luận chính trị, nói cách khác nhà báo tuyên truyền lý luận chính trị thông qua phản ánh những sự kiện, câu chuyện, con người, việc làm cụ thể, có ý nghĩa xã hội. Nhà báo cũng dùng lý luận chính trị để cắt nghĩa, lý giải, soi chiếu các vấn đề của đời sống, làm cho nội dung tuyên truyền chính trị trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Đặc biệt, trong bối cảnh các thế lực thù địch không ngừng phát tán thông tin xấu độc với các thủ đoạn tinh vi, nhà báo sáng tạo những tác phẩm thuyết phục về luận chứng, rõ ràng, sắc bén về luận điểm, lôi cuốn bằng câu chuyện, nhân vật, sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc phản bác, vạch trần sự thật và giữ vững, củng cố niềm tin của công chúng.

Thứ ba, trau dồi sự dũng cảm, bản lĩnh. Bản lĩnh của nhà báo chính là sự kiên định, nhất quán với đường lối lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân trong mọi tình huống; kiên quyết đứng về phía công lý và lẽ phải; có tinh thần, thái độ tích cực, dũng cảm xông pha vào điểm nóng để tìm kiếm, khai thác thông tin, nhận diện sự thật, đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu, cái giả, với một ngòi bút sắc sảo, trên cơ sở tuân thủ đạo đức và pháp luật. Nhà báo trên mặt trận tư tưởng phải sẵn sàng dấn thân vào những nơi nguy hiểm, gian khó, vất vả để tìm kiếm dữ liệu, nhận diện sự thật, kiểm chứng thông tin, hòng phản bác một cách sắc sảo, vạch trần được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Vì vậy, họ phải là những người dũng cảm, dám dấn thân, không ngại khó khăn, gian khổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Báo chí nước ta là báo chí cách mạng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”(5). Do vậy, mỗi nhà báo trong mọi thời kỳ đều cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trái tim nhiệt huyết và tinh thần phụng sự Đảng, đất nước và nhân dân. Đó cũng là nền tảng cho hoạt động tuyên truyền lý luận chính trị của nhà báo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự đồng hành của Hội Nhà báo các cấp, đội ngũ nhà báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh, nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Lịch sử gần 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy, bằng bản lĩnh vững vàng, một đội ngũ nhà báo đã phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha, có mặt ở những “điểm nóng”, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng. Bản lĩnh đó của nhà báo tiếp tục được phát huy hiện nay trong tuyên truyền lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong môi trường truyền thông số hiện nay, công nghệ tạo các điều kiện để mọi người đều có thể làm truyền thông, nhưng cũng là môi trường để thông tin xấu độc lan truyền, gây ra nhiều tác động xã hội tiêu cực. Nhà báo phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Bản lĩnh là yếu tố giúp nhà báo tạo nên những tác phẩm báo chí thuyết phục về luận chứng, sắc bén về luận điểm phản bác, vạch trần luận điệu sai trái, bảo vệ sự thật. Vì vậy, nhà báo phải trau dồi kỹ năng, không ngừng phát triển năng lực để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí thuyếtphục, hấp dẫn.

Một số đề xuất

Các cơ quan báo chí có cách thức khuyến khích nhà báo sáng tạo và đổi mới trong cách truyền tải, tuyên truyền lý luận chính trị và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần tăng cường sử dụng công nghệ mới, thúc đẩy các hình thức truyền thông sáng tạo và phương pháp tiếp cận công chúng hiệu quả. Mỗi nhà báo cần nêu cao và giữ vững tinh thần, bản lĩnh chính trị, tích cực học tập và thấm nhuần những quan điểm, tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhà báo cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những diễn biến, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa ở trong và ngoài nước để có những thông tin chính xác, kịp thời, định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhà báo cần tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là những lời căn dặn của Người về báo chí, về trách nhiệm của mỗi nhà báo. Cần quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác tư tưởng, báo chí. Để hoàn thành tốt trọng trách, sứ mệnh vẻ vang của “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, mỗi nhà báo phải không ngừng nỗ lực học tập chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực học tập kinh nghiệm làm báo của các thế hệ đi trước và kinh nghiệm của nền báo chí hiện đại trên thế giới. Nhà báo chú trọng việc thâm nhập thực tiễn, lắng nghe nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân để khai thác thông tin, đưa những thông tin hữu ích đến với công chúng báo chí.

PGS, TS Đinh Thị Thu Hằng

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại - từ hàn lâm đến học đường, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Đỗ Chí Nghĩa, Đinh Thị Thu Hằng (2014), Báo chí và mạng xã hội, Nxb Lý luận Chính trị.

3. Luật Báo chí 2016.

4.http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tang-cuong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranhphan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-trong-tinh-hinh-moi-125763.

5. Lê Quốc Minh (2020), Tin giả và trách nhiệm của báo chí, Tạp chí Tuyên giáo, https://tuyengiao.vn/cung-suyngam/tin-gia-va-trach-nhiem-cua-bao-chi-128965.

6. Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2021), Quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật.

Bình luận: 0

Tin tức liên quan

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top