Vai trò của báo chí trong bối cảnh thông tin sai lệch và thông tin giả đang trở thành vấn nạn toàn cầu

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI), tin giả, tin sai lệch đang là vấn nạn toàn cầu. Tình trạng tin giả, tin sai sự thật được tạo ra, phát tán tràn lan, lan truyền rất khó kiểm soát, gây nên nhiều hệ lụy cho các cá nhân, tổ chức, nhằm mục đích gây hiểu lầm cho người đọc, người xem. Trong bối cảnh đó, báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong kiểm chứng thông tin, mà còn trong việc xây dựng lại lòng tin của người dân vào hệ thống thông tin trung thực, khách quan.

Thông tin sai lệch và thông tin giả: vấn nạn toàn cầu

Báo cáo Nguy cơ Toàn cầu 2025 (Global Risks 2025) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) mới đây đã công bố thông tin sai lệch không cố ý (misinformation) và thông tin sai lệch có chủ đích (disinformation) vẫn là những rủi ro ngắn hạn hàng đầu trong năm 2025. Đây là năm thứ hai liên tiếp các dạng thông tin sai lệch này đứng đầu danh sách rủi ro toàn cầu. WEF đã nhấn mạnh mối đe dọa dai dẳng của hai loại thông tin sai lệch đối với sự gắn kết và quản trị xã hội do khả năng làm xói mòn lòng tin và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong và giữa các quốc gia.

Nguy cơ này hiện được xếp cao hơn với các rủi ro khác như: thời tiết khắc nghiệt, phân cực xã hội, gián điệp mạng và chiến tranh.

Cùng với đó, báo cáo “Sự thật không phải là giả mạo: Giải quyết thông tin sai lệch, tăng cường tính toàn vẹn của thông tin” (Facts not Fakes: Tackling Disinformation, Strengthening Information Integrity) phát hành ngày 4/3/2024 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trụ sở tại Pháp, với 38 quốc gia thành viên, chủ yếu là các nước phát triển tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Á và Trung Đông, cho rằng: Sự gia tăng thông tin sai lệch có hậu quả sâu rộng trong nhiều lĩnh vực chính sách, từ sức khỏe cộng đồng đến an ninh quốc gia. Tình trạng này có thể khiến người dân nghi ngờ cả bằng chứng thực tế, gây nguy hiểm cho việc thực hiện các chính sách công và làm suy yếu lòng tin của người dân vào tính toàn vẹn của các thể chế dân chủ.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng: “Thông tin sai lệch không phải là hiện tượng mới, nhưng số hóa đã thay đổi cơ bản phạm vi và tác động của nó. Công nghệ truyền thông hiện cho phép bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể sản xuất và phân phối nội dung, nhưng không có trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn và đạo đức báo chí hoặc học thuật và khoa học, vốn được xây dựng từ lâu để ủng hộ tính toàn vẹn của thông tin”.

Trên thực tế, thông tin sai lệch không cố ý và thông tin sai lệch có chủ đích không phải là hiện tượng mới chỉ xuất hiện trong thời đại internet, mà thực chất đã tồn tại từ lâu trong lịch sử truyền thông của nhân loại. Từ thời cổ đại, các hình thức truyền miệng, kể lại, sao chép tài liệu đã tiềm ẩn khả năng lan truyền thông tin sai. Tuy nhiên, đến thế kỷ 20, đặc biệt trong các cuộc chiến tranh thế giới, thông tin sai lệch có chủ đích bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống như một công cụ chiến tranh tâm lý và tuyên truyền chính trị. Ví dụ điển hình là việc Liên Xô thành lập Cục Thông tin sai (Directorate of Disinformation) để phát tán tin giả chống lại phương Tây. Sang thời hiện đại, internet và mạng xã hội đã làm gia tăng quy mô và tốc độ lan truyền hai dạng thông tin này một cách chưa từng có, đặc biệt từ cuối thập niên 1990 đến nay, với các sự kiện nổi bật như bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, Brexit hay đại dịch Covid-19.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có ba nhóm tác nhân chính gây ra hiện tượng thông tin sai lệch không cố ý và thông tin sai lệch có chủ đích. Thứ nhất, tác nhân con người, bao gồm cá nhân thiếu hiểu biết vô tình chia sẻ thông tin sai, hoặc những người có động cơ chính trị, kinh tế, xã hội cố tình tạo ra và phát tán tin giả để thao túng dư luận. Thứ hai, tác nhân công nghệ, thể hiện qua vai trò của mạng xã hội, thuật toán phân phối nội dung ưu tiên tin giật gân, kích thích cảm xúc, cũng như sự xuất hiện của công nghệ AI, deepfake, làm gia tăng khả năng sản xuất nội dung giả mạo. Thứ ba, tác nhân hệ thống, bao gồm các yếu tố như môi trường pháp lý lỏng lẻo, thiếu cơ chế kiểm soát thông tin, hay tình trạng suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông chính thống, khiến công chúng tìm kiếm thông tin từ những nguồn phi chính thống. Như vậy, thông tin sai lệch không cố ý và thông tin sai lệch có chủ đích tuy có nguồn gốc lâu đời, nhưng trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, chúng đang ngày càng trở thành một thách thức toàn cầu phức tạp và khó kiểm soát.

Hiện nay, hàng tỉ người dùng internet có thể tự sáng tạo ra thông tin dưới nhiều dạng thức khác nhau như hình ảnh, video, âm thanh, chữ…. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho tốc độ lan truyền nhanh chóng của thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.

Chưa kể đến sự phát triển của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gia tăng thách thức này. Nghiên cứu “Sự thao túng cảm xúc thông qua kỹ thuật thiết kế câu lệnh làm gia tăng việc tạo ra thông tin sai lệch trong các mô hình ngôn ngữ lớn trí tuệ nhân tạo” ("Emotional Manipulation Through Prompt Engineering Amplifies Disinformation Generation in AI Large Language Models") của Vinay và cộng sự (2024) chỉ ra rằng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) như GPT-3.5 và GPT-4 có thể bị hướng dẫn để tạo ra thông tin sai lệch khi được cung cấp các lệnh nhấn mạnh yếu tố cảm xúc. Như vậy, AI có thể bị lạm dụng để tạo ra nội dung sai lệch một cách có hệ thống.

Từ góc nhìn của kinh tế học, khi xem xét về nguồn gốc của những luồng thông tin này trong bối cảnh xã hội kinh tế số (data-based economy) đang phát triển mạnh mẽ toàn cầu, OECD và WEF đều đề cập đến các động cơ kinh tế khiến các doanh nghiệp sử dụng đa dạng hơn các thuật toán để lan truyền thông tin, sử dụng giá trị của thông tin như một hàng hóa, thay vì một lợi ích công cộng. Điều này gây tổn hại đến chất lượng báo chí, vốn đang phải đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng tăng và môi trường rủi ro cao.

Vai trò của báo chí trong việc duy trì tính toàn vẹn của thông tin

Liên quan đến công chúng truyền thông trong xã hội thông tin ngày nay, theo tác giả Lê Thu Hà (2020): “Khả năng tương tác của công chúng ngày càng gia tăng so với thời gian trước đây. Đại bộ phận người dân đã ý thức được vai trò và quyền hạn của mình trong việc tương tác. Đây là phạm trù tương tác căn bản nhất, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân”.

Công chúng báo chí trong truyền thông hiện đại có nhiều điểm khác biệt căn bản so với công chúng báo chí trong các thời kỳ truyền thông trước. Nếu trước đây, công chúng báo chí chủ yếu là những người tiếp nhận thông tin một chiều, với vai trò thụ động, phụ thuộc vào nội dung do các cơ quan báo chí truyền thống cung cấp (báo in, phát thanh, truyền hình), thì trong truyền thông hiện đại, đặc biệt dưới tác động của internet và mạng xã hội, công chúng đã trở thành những người dùng tích cực, có khả năng tương tác, phản hồi, tham gia sản xuất và chia sẻ nội dung. Công chúng ngày nay đa dạng về nhu cầu, hành vi tiếp nhận và nền tảng tiếp cận thông tin. Họ cũng đòi hỏi thông tin nhanh, cá nhân hóa, phù hợp với bối cảnh và sở thích riêng. Đồng thời, công chúng hiện đại có quyền lựa chọn nguồn thông tin, dễ dàng đối chiếu, kiểm chứng và tham gia vào quá trình hình thành dư luận xã hội.

Ngoài ra, các giải pháp công nghệ mới cũng đo lường và ngày càng thích ứng với tâm lý - hành vi của người dùng, giúp họ dễ dàng tìm kiếm, tiếp nhận, sử dụng thông tin, cũng như tác động vào tâm lý và hành vi của họ một cách tự nhiên. Nghiên cứu về "Buồng dội âm thông tin giả trên Facebook", Mathias-Felipe de-Lima-Santos và Wilson Ceron (2023) phát hiện ra một số nhóm Facebook tham gia vào các chiến dịch phối hợp, chia sẻ nội dung giống hệt nhau, dẫn đến việc người dùng tiếp xúc lặp đi lặp lại với các thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Hiện tượng này tạo ra "buồng dội âm thông tin giả", nơi người dùng chỉ tiếp xúc với những thông tin củng cố niềm tin sẵn có của họ, làm giảm khả năng tiếp cận với các quan điểm đa chiều. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng các buồng dội âm này có thể làm suy yếu các quá trình dân chủ bằng cách củng cố niềm tin sai lệch và hạn chế sự tiếp xúc với thông tin chính xác.

Trước những nguy cơ ngày càng gia tăng đó, năm 2024, Liên Hiệp Quốc đã công bố nỗ lực duy trì tính toàn vẹn của thông tin (information integrity) với 5 nguyên tắc toàn cầu bao gồm:​ (1) Niềm tin và khả năng chống chịu của xã hội (2) Khuyến khích lành mạnh (3) Trao quyền cho công chúng (4) Truyền thông độc lập, tự do và đa dạng (5) Tính minh bạch và nghiên cứu.

Với vai trò của cơ quan ngôn luận của Đảng, chính quyền và nhân dân - các cơ quan báo chí tại Việt Nam chính là những đơn vị có khả năng đáp ứng được các nguyên tắc này. Một số giải pháp cơ bản có thể kể đến phù hợp với các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc cũng như thực tiễn tại Việt Nam như:

Thứ nhất, tăng cường năng lực xác minh và kiểm chứng thông tin. Trong bối cảnh thông tin sai lệch lan tràn trên mạng xã hội, cơ quan báo Đảng cần đầu tư và bổ sung các công cụ và quy trình xác minh thông tin để đảm bảo độ chính xác và tin cậy của nội dung đăng tải. Chẳng hạn như sử dụng Google Reverse Image Search, TinEye, Yandex Image để kiểm tra nguồn gốc, tính nguyên bản của hình ảnh; sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu và AI như Natural Language Processing (NLP), AI-based text analysis để phân tích nội dung văn bản tự động, phát hiện dấu hiệu bất thường như tin giả, tin xuyên tạc…. Các bộ phận chuyên trách về kiểm chứng thông tin sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các tin giả, bảo vệ độc giả khỏi tác hại của các thông tin sai lệch và tin giả.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức thể hiện. Như đã đề cập ở bên trên, sự dịch chuyển từ “độc giả thụ động” sang “công chúng tích cực, tương tác” đặt ra yêu cầu báo chí phải thay đổi nội dung, hình thức, phương thức truyền tải, cũng như phát triển các nền tảng kỹ thuật số để giữ vững vai trò và sức hút trong môi trường truyền thông số. Do đó, cơ quan báo chí cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng nội dung, đảm bảo tính chính xác, khách quan và hấp dẫn; đồng thời, đổi mới hình thức thể hiện thông tin qua các định dạng đa phương tiện như video, podcast, infographics sẽ giúp truyền tải thông tin hiệu quả hơn trong kỷ nguyên số.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển các nền tảng số đa dạng sẽ giúp báo chí tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, thế hệ lớn lên với tư duy và thói quen công nghệ. Các bài báo, bản tin cần được thiết kế lại theo những ký thuật tạo nội dung (content creation) phù hợp với mạng xã hội, tránh việc đưa nguyên văn phong hàn lâm vào các nền tảng mạng xã hội sẽ khó tiếp cận được công chúng trẻ genZ, gen Alpha đang lớn lên trong xã hội công nghệ và sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội.

Thứ tư, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đội ngũ làm báo cần được thường xuyên đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức về công nghệ mới. Khi năng lực chuyên môn được nâng cao, đội ngũ phóng viên, biên tập viên sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy cho công chúng, giữ vững được hiệu quả thông tin và không bị chậm lại so với các nền tảng truyền thông khác trong cuộc chiến “thông tin” ngày nay.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội. Các cơ quan báo chí cần hợp tác với các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng mạng để xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh. Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và phối hợp hành động thường xuyên chính là giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả trong việc phòng chống và xử lý thông tin sai lệch, thông tin giả.

Việc đặt báo chí chính thống vào tâm điểm của chiến lược bảo vệ tính toàn vẹn thông tin, không chỉ là phù hợp với xu thế toàn cầu, mà còn là sự kế thừa vai trò lịch sử và chức năng chính trị - xã hội vốn có của báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là nội dung quan trọng trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang thực hiện hợp nhất các cơ quan báo chí ở địa phương, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả truyền thông, và gia tăng vai trò của báo chí trong định hướng dư luận xã hội như hiện nay.

Hoàng Thị Phương Loan

----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

  1. World Economic Forum (2025) The 20th edition of the World Economic Forum’s Global Risks Report.
  2. OECD, Facts not Fakes: Tackling Disinformation, Strengthening Information Integrity OECD.
  3. Lê Thu Hà (2020), Công chúng báo chí, Nxb Lao động.
  4. Mathias-Felipe de-Lima-Santos (Đại học Macquarie, Úc) và Wilson Ceron (Đại học Liên bang São Paulo, Brazil) (2023) Disinformation Echo Chambers on Facebook, Nxb MDPI Books.
  5. United Nation (2024) United Nations Global Principles for Information Integrity: Recommendations for Multi-stakeholder Action.
  6. Rasita Vinay , Giovanni SpitaleNikola Biller-AndornoFederico Germani (2024) Emotional Manipulation Through Prompt Engineering Amplifies Disinformation Generation in AI Large Language Models", University of Zurich, Zurich, Switzerland.
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top