Tình báo Mỹ đã phát hiện ra hàng chục hầm ngầm kiên cố được xây cho các nhà lãnh đạo Nga

22:37 17/08/2016 - Thế giới
Theo trang mạng Freebacon mới đây, Nga đang xây dựng hàng loạt boong-ke chỉ huy hạt nhân cỡ lớn dưới lòng đất, một tín hiệu mới nhất cho thấy Moskva đang hướng đến chương trình hiện đại hóa các lực lượng chiến lược chủ yếu.

Một hầm ngầm phóng tên lửa dưới mặt đất của Nga. Ảnh: AP

Các quan chức tình báo Mỹ cho biết việc xây dựng đã diễn ra trong vài năm với “hàng chục” boong-ke ngầm ở Moskva và trên khắp cả nước.

Việc phát hiện ra những boong-ke chỉ huy bí mật này diễn ra sau khi Tướng Lục quân Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) ở Stuttgart (Đức) và đồng thời đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Tối cao NATO, cảnh báo rằng Nga đã thông qua một học thuyết sử dụng hạt nhân mà ông gọi là “đáng báo động”. 

Phát biểu tại một hội nghị do Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ tài trợ, Tướng Scaparrotti nói: “Rõ ràng là Nga đang hiện đại hóa các lực lượng chiến lược của họ. Học thuyết (sử dụng hạt nhân) của Nga nêu rõ rằng các vũ khí hạt nhân chiến lược có thể được sử dụng trong một kịch bản đáp trả truyền thống. Điều này là đáng báo động và nó nhấn mạnh tại sao các lực lượng hạt nhân của Mỹ và NATO tiếp tục là một thành tố trụ cột trong khả năng răn đe của chúng ta”.

Tuy nhiên, có rất ít thông tin chi tiết về các hầm ngầm hạt nhân mới của Nga được tiết lộ. Truyền thông nhà nước Nga cho biết các hầm ngầm đang được xây dựng tại Moskva như một phần của việc tăng cường các lực lượng chiến lược.

Hồi tháng 1 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ rằng một hệ thống kiểm soát và chỉ huy đã được hiện đại hóa sẽ được chuyển giao cho lực lượng chiến lược trong năm nay. Hãng thông tấn RIA Novosti mô tả hệ thống này như một hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến thế hệ thứ năm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tá Dmitri Andreyev nói rằng hệ thống mới trên, được viết tắt là IASBU, sẽ sử dụng các tín hiệu kỹ thuật số để truyền đạt các mệnh lệnh chiến đấu và chỉ huy các lực lượng chiến lược. "Hệ thống chỉ huy chiến đấu tự động tiên tiến thế hệ thứ 5 đang được thử nghiệm tại các công ty công nghiêp quốc phòng”, ông Andreyev nói và cho biết thêm rằng vào cuối năm nay, các đơn vị tên lửa được trang bị những "sở chỉ huy được hiện đại hóa và các hệ thống tên lửa chiến lược tiên tiến được phát triển theo các phần thuộc IASBU".

Hệ thống này sẽ được sử dụng bởi các đơn vị tên lửa liên lục địa mới SS-27 và sẽ bảo đảm các đơn vị đó nhận được mệnh lệnh thông suốt. Thiếu tá Andreyev nhấn mạnh: "Điều này sẽ cho phép sử dụng các hệ thống tên lửa mà không bị hạn chế về khoảng cách trong khi tiến hành cơ động và mở rộng các lựa chọn trong việc chọn lựa các tuyến đường tuần tra chiến đấu của họ".

Một quan chức cho biết, các cơ sở hạt nhân ngầm mới của Nga tương tự như công trình trước đó về những tổ hợp chỉ huy và kiểm soát trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nga cũng tiếp tục xây dựng cơ sở hạt nhân dưới lòng đất sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Năm 1997, CIA từng báo cáo thông qua các kênh mật rằng công trình bao gồm một hệ thống tàu điện ngầm dưới lòng đất từ nơi ở của Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin ở ngoại ô Moskva tới một trung tâm chỉ huy của giới lãnh đạo. Báo cáo mô tả công trình này là một "sở chỉ huy chiến lược, có khả năng tồn tại trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công hạt nhân tại núi Kosvinsky", nằm sâu trong dãy núi Ural khoảng 1.400km về phía Đông Moskva.

Những hình ảnh vệ tinh về núi Yamantau, cũng cách khoảng 1.400km về phía Đông Moskva tại dãy núi Ural gần thị trấn Beloretsk, cho thấy sự phát triển của một "tổ hợp nằm sâu dưới lòng đất" và những công trình hỗ trợ mới trên mặt đất tại khu vực này.

CIA cũng xác định được một hầm ngầm để các nhà lãnh đạo Nga sử dụng tại Voronovo, khoảng 75km về phía Nam Moskva. Một hầm thứ hai ở Sharapovo cách Moskva khoảng 55km, được kết nối trực tiếp bởi một tàu điện ngầm đặc biệt.
Việc chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân này ước tính trị giá hàng tỷ USD, và làm dấy lên câu hỏi về sự viện trợ của Mỹ trong quá khứ cho Moskva nhằm giúp bảo đảm an toàn các cơ sở hạt nhân an toàn của Nga.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng có thể có những phản ứng của Mỹ liên quan đến các tổ hợp hạt nhân dưới lòng đất của Nga, trong đó có việc phát triển bom hạt nhân có khả năng thâm nhập sâu, đặt ra mối nguy hiểm đối với công sự chỉ huy của Moskva.

Một lựa chọn khác được các chuyên gia hạt nhân đề xuất là phát triển vũ khí hạt nhân có hiệu suất thấp để có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công chính xác./.

Nguồn: TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top