Thế kỷ XX qua 150 bức ảnh
16:56 16/02/2022
- Thế giới
Ngồi buồn, tôi rút một tập tư liệu trong kho lưu trữ ra đọc giải khuây những ngày tự nhốt mình trong nhà do Covid-19, chấp hành lời khuyên người cao tuổi nếu không có việc thật cần không nên đến chỗ tụ tập đông người, tôi du dú từ bao lâu trong căn nhà xập xệ ven một ngõ phố đã tự động trở thành chợ cóc, tiêu biểu cho một trong nhiều khuôn mặt của Hà Thành ở các tuyến sau.
Những bức ảnh thay đổi thế giới trong thế kỷ XX
Một số tạp chí, bản đặc biệt của tuần báo Pháp L’Express đánh dấu năm cuối cùng của thế kỷ 20, số 2478, từ ngày 31/12/1998 đến 6/01/1999, với nhan đề chung chạy suốt chiều ngang tập tạp chí ăn khách nhất trong số các tuần báo Pháp vốn đã dày: 100 NĂM, 150 BỨC ẢNH. Bìa 4 còn dán con tem ghi rõ là được gửi trực tiếp qua đường hàng không quốc tế từ tòa soạn qua bưu kiện ngoại giao đến Tòa đại sứ Pháp ở Hà Nội, trước khi chuyển đến ông bạn già với tư cách phù du Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Pháp.
Nói đến thế kỷ XX là nhiều người chúng ta, cũng như phần đông người trên hành tinh này, thường nghĩ tới hai cuộc Chiến tranh thế giới giữa các nước giàu những năm 1914-1918 và 1939-1945, cướp đi tính mạng của mấy chục người dân hiền lành vô tội, và hai cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuộc đầu, khởi đầu từ Hoa Kỳ, diễn ra vào thập niên 30 làm tan nát bao nền kinh tế quốc gia, gây điêu đứng cho hàng chục hàng trăm triệu người lao động. Cuộc khủng hoảng cuối bắt đầu năm 1997 từ sàn chứng khoán Bangkok, Thái Lan láng giềng của nước ta, làm bốc hơi tài khoản của bao đại gia cùng những tiểu gia ăn theo các bước thăng trầm của chỉ số chứng khoán.
Bức ảnh "Em bé Napalm" của nhiếp ảnh gia Nick Ut
Hóa ra nội dung tạp chí không phản ánh những cái đó theo cách tôi suy nghĩ. Các nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh có cách nhìn riêng của họ. Ngay từ trang đầu của ấn phẩm đặc biệt ấy, nói chính xác là trang 2-3 (bởi trang 1 như thông lệ dành cho cho các thông tin về Tòa soạn tạp chí L’Express và Mục lục số này), các nhà tuyển chọn đã dùng một tấm ảnh đặc biệt minh họa cho bài xã luận do đích thân ông Chủ bút Denis Jembar viết, dài vẻn vẹn 17 dòng và trong khuôn khổ hai cột của tạp chí. Đó là ảnh em bé Việt Nam trần truồng chạy trốn sau khi dính bom napalm, do nhà nhiếp ảnh người Việt mang tên Nick Ut, phóng viên Hãng thông tấn AP, Mỹ chụp tại chỗ. Nhà báo Joseph Maggiori, thay mặt ba người được giao trách nhiệm tuyển chọn các bức ảnh viết:
“Văn pháp nhiếp ảnh (l’écriture photographique) đòi hỏi những điều kiện đặc biệt, riêng của nó, thì mới có thể diễn đạt đầy đủ, như ánh sáng, độ nhạy cảm của phim... Bức ảnh chịu những ràng buộc mà bài báo viết không cần phải quan tâm.
“Hãy nhìn bức ảnh em bé gái bị bom napalm đốt cháy thân thể đang chạy trốn khỏi đạn bom kia, tại một con đường tại nước Việt Nam năm 1972. Bức ảnh bấm tại chỗ của nhà nhiếp ảnh Nick Ut trở thành biểu trưng kinh tởm của chiến tranh tàn ác và trần trụi. Phan Thị Kim Phúc đã thoát khỏi cửa tử, năm nay cô 32 tuổi (thời điểm 2004) và hiện đang sống tại Toronto, Canada. Cô là chứng nhân. Bức ảnh của Nick Ut là chứng nhân. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn kỹ hơn, nhìn gần hơn một ít. Phía bên phải bức tranh còn có bóng một người đàn ông cao lớn đang rảo bước. Ta sẽ ngỡ đó là một anh lính Mỹ (như tốp lính hàng sau) vì anh cũng đang mặc quân phục trên người. Đó là một phóng viên nhiếp ảnh. Anh ta cũng phải đối mặt với cái chết chẳng khác gì Nick Ut. Anh ta có mặt ở đây nhằm bấm nút kịp thời, tạo nên một bức hình mạnh mẽ. Nó sẽ đi vòng quanh thế giới. Nó sẽ vạch trần sự tàn khốc của chiến tranh. Anh là David Burnett, một trong những phóng viên nhiếp ảnh xuất sắc nhất thời ấy. Nhưng anh đã không làm được việc anh muốn làm như Nick Ut. Máy anh hết phim. Anh đang vừa đi vừa lắp cuộn phim khác”.
Người chấp bút bài tổng luận trên nhấn mạnh góc ạnh kỹ thuật của nghề làm phóng viên ảnh. Tôi muốn suy ngẫm từ một góc nhìn khác. Thử đặt câu hỏi: Đến cuối thế kỷ 21 đầu thế kỷ 22 tới, nếu có ai muốn làm một số tạp chí hoành tráng tương tự L’Express (số đặc biệt này phát hành 659.900 bản, hầu hết là ảnh màu) với nhan đề cũ 100 NĂM, 150 BỨC ẢNH, các nhà nhiếp ảnh sẽ sử dụng những phương tiện nào? Chắc chắn không phải với chiếc máy Leica thời trước và cuộn phim Kodak dài lòng thòng. Hãng phim này đã chấm dứt các sản phẩm phim cuộn của họ mấy chục năm nay rồi. Máy ảnh nhãn hiệu Leica vẫn còn nhưng nó đâu có cần đến những cuộn phim.
Nhiếp ảnh gia Nick Ut. Ảnh báo CÔNG LÝ.VN
Chưa một ai có thể hình dung nếu đến cuối thế kỷ này có ai làm một ấn phẩm đặc biệt “Một thế kỷ qua 150 bức ảnh” - tôi dùng tạm tiêu đề sẵn có - chúng ta sẽ sử dụng loại công cụ nhiếp ảnh nào phù hợp thời tin học số hóa và những 4G, 5G gì gì đó thú thật tôi không đủ sức am tường.
Không có ai!
Cuộc sống của báo chí hiện đại luôn vươn mình băng nhanh lên phía trước. Nó đẩy lùi không ít nhà báo về các tuyến sau, thậm chí hắt họ ra khỏi cuộc chơi.
Từ nhiều chục năm nay, khi đã đủ lớn để có ít nhiều hiểu biết về nghề nghiệp của mình, tôi luôn tin báo in, phát thanh, truyền hình là ba thể hình cơ bản của báo chí, bởi nó đến với người qua các giác quan: đọc, nghe, nhìn. Từ khi xuất hiện thuật ngữ “truyền thông”, tiếp sau đó là sự ra đời ồ ạt của các mạng xã hội, báo chí và truyền thông vốn là hai từ riêng biệt, nay gắn kết vào nhau tới mức nhiều người chẳng buồn hạ bút đánh dấu phẩy vào giữa “báo chí” và “truyền thông”.
Một thế kỷ.
Một khoảnh khắc thời gian mơ hồ tựa cánh bướm mong manh, như đóa hoa tươi sáng nở tối tàn, rồi tất cả sẽ bị cuốn trôi theo dòng chảy vô tận vô cùng. Vâng, có nghĩa lý gì khoảnh khắc một thế kỷ, nếu ta đặt vấn đề thế kỷ ấy sẽ ẩn chứa những đổi thay nào trong cuộc sống của báo chí, truyền thông đương đại. Dù có ai đó thử làm việc ấy thì tôi e rốt cuộc anh ta sẽ biến thành nhà viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, chứ không phải là nhà báo theo nghĩa cổ điển quen thuộc với nhiều thế hệ chúng tôi: nhà báo journaliste gắn kết với độc giả của mình qua công cụ presse (máy in) và bằng sản phẩm journal (phát hành hằng ngày).
Tôi tin chắc không có ai, kể cả những nhà khoa học hàng đầu, có thể hình dung báo chí truyền thông thế giới này đến cuối thế kỷ 22 sẽ tác nghiệp với những phương tiện kỹ thuật, công nghệ nào. Chắc khó có ai.
PHAN QUANG
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Cách các tờ báo Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) (03:54 10/05/2023)
- Nhà báo Việt Văn được vinh danh tại cuộc thi ảnh quốc tế (10:40 24/03/2023)
- Cựu Thư ký Báo chí của ông Biden dấn thân vào lĩnh vực mới (05:37 27/02/2023)
- Đưa tin về xả súng, phóng viên Mỹ bị bắn chết tại hiện trường (09:48 23/02/2023)
- Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực triển khai gìn giữ hòa bình (03:14 23/02/2023)