Sau 1 năm Facebook, Youtube… chiến đấu, “vi-rút” tin giả vẫn lây lan

21:01 31/07/2021 - Thế giới
Facebook, YouTube và Twitter đều cấm thông tin độc hại có liên quan đến Covid-19 vì đại dịch đã diễn ra trên khắp thế giới. Vậy nhưng tin giả vẫn đang gia tăng trên không gian mạng.

Trên YouTube, tài khoản của 6 trong số 12 nhà hoạt động chống vắc-xin được Trung tâm Chống lại sự thù ghét trên nền tảng kỹ thuật số xác định phải chịu trách nhiệm cho việc tạo ra hơn một nửa nội dung chống vắc-xin được chia sẻ trên mạng xã hội. Trên Facebook, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm ủng hộ cánh tả có tên Avaaz đã thực hiện một cuộc thử nghiệm vào tháng 6. với nỗ lực chứng minh tài liệu chống vắc-xin tác động đến mọi người. Hai tài khoản mới mà tổ chức thiết lập đã đề xuất 109 trang chứa thông tin chống vắc-xin chỉ trong hai ngày.

Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Vivek Murthy phát biểu về tin giả tại cuộc họp báo thường niên ở Nhà Trắng 

Tin giả tác động đến cuộc sống thật

Tỷ lệ tiêm vắc xin ở Hoa Kỳ đã bị đình trệ và một số thành phố đang tái thực hiện khuyến cáo sử dụng khẩu trang khi các trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tăng trở lại. Tổng Y sỹ Hoa Kỳ, Vivek H. Murthy, đã đưa ra cảnh báo rằng thông tin sai lệch về vắc-xin lan truyền trên mạng là một phần nguyên nhân khiến người Mỹ từ chối tiêm vắc-xin, dẫn đến cái chết và bệnh tật. Về vấn đề này, tổng thống Joe Biden cũng đổ lỗi cho các công ty truyền thông xã hội.

Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng các phương tiện truyền thông xã hội đang đóng một vai trò quan trọng. Trọng tâm của vấn đề là các thuật toán đề xuất nội dung của mạng xã hội, thường được thiết kế để thúc đẩy nội dung thu hút nhiều người nhất, bất kể đó là gì - thậm chí cả thuyết âm mưu.

Hany Farid, nhà nghiên cứu và giáo sư về tin giả tại trường Đại học California (Berkeley), đề cập đến thuyết âm mưu lâu đời về đường mòn ngưng tự trên máy bay. “Từ lâu nay, những công ty đều bỏ qua vấn đề trên bởi họ nghĩ rằng ‘Ai quan tâm Trái đất phẳng hay tin vào đường hóa học’, tất cả đều có vẻ vô hại. Vấn đề với những lý thuyết âm mưu có vẻ vô hại này là chúng dẫn đến sự ngờ vực chung trong người dân về chính phủ, tổ chức, nhà khoa học và truyền thông, và điều đó đã tạo tiền đề cho những gì chúng ta đang thấy bây giờ.

Ngày 22/7, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (D-Minn) đã đề xuất một dự luật sẽ loại bỏ các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý mà các công ty công nghệ đang hưởng lợi khi có thông tin sai lệch về sức khỏe trên nền tảng của họ. Dự luật là một trong những nỗ lực dài hơi nhằm cải cách Mục 230, đạo luật cũ kéo dài hai thập kỷ, nhằm bảo vệ các công ty Internet khỏi bị kiện vì nội dung được đăng trên trang của họ. Jeff Kosseff, giáo sư luật an ninh mạng tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ, cho biết ngay cả khi dự luật được thông qua, nó cũng khó có thể đi tiếp.

Chiến trường tự tạo của Facebook, Youtube, Twitter…

Các công ty công nghệ cho hay họ đã có bước tiến lớn chống lại tin giả, tin độc hại về vắc-xin Covid-19 trên nền tảng mạng xã hội. Facebook thông tin họ đã gỡ bỏ hơn 18 triệu bản tin sai lệch kể từ đầu năm ngoái. Twitter thêm nhãn cho các “tweet” có chứa thông tin sai lệch về vắc-xin Covid-19 và cấm các tài khoản liên tục đăng thông tin sai lệch về vắc-xin, được kiểm soát bằng một hệ thống. Chỉ trong tuần này, Twitter đã tạm thời đình chỉ tài khoản của Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (R-Ga.) vì vi phạm chính sách thông tin sai lệch covid-19 trên nền tảng mạng xã hội này.

Người phát ngôn của Twitter, Trenton Kennedy, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục có biện pháp đối với các nội dung vi phạm chính sách thông tin gây hiểu lầm liên quan đến Covid-19, đồng thời cải thiện và mở rộng nỗ lực để lan rộng thông tin y tế đáng tin cậy”.

Người phát ngôn Elena Hernandez từ YouTube cho biết đã gỡ hơn 900.000 video vi phạm các quy tắc của họ về thông tin kể từ khi đại dịch khởi phát. “Kênh Youtube của các nhà hoạt động chống vắc-xin chịu trách nhiệm về phần lớn nội dung chống vắc-xin tồn tại trên nền tảng này, nhiều video đã bị gỡ xuống và chủ kênh nhận các cảnh cáo có thể dẫn đến lệnh cấm kênh vĩnh viễn” – Elena Hernandez cho hay.

Vấn đề tin giả, tin sai sự thật về vắc-xin Covid-19 xảy ra từ rất sớm trên mạng xã hội. Các phương trình toán học được gọi là thuật toán đoán sở thích của con người, bằng cách theo dõi những gì họ xem và nhấp vào, sau đó cung cấp thêm nội dung tương tự dựa trên kết quả đầu tiên. Mục tiêu tổng quát là thu hút sự chú ý của mọi người, từ đó nền tảng sẽ hiển thị quảng cáo sinh lợi. Vì vậy, thuật toán thường ưu tiên nội dung giúp mọi người ở lại lâu hơn và tương tác nhiều hơn.

Người phát ngôn của Facebook, Kevin McAlister cho biết các thuật toán của công ty cũng được thiết kế để xóa và hạn chế thông tin sai lệch trên trang.

Nhìn chung, miễn là nội dung không vi phạm các quy tắc về vi phạm bản quyền, ảnh khỏa thân và bắt nạt, thì nội dung đó được phép lưu hành trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng trong những năm gần đây, khi các nền tảng xã hội bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trong chính trị và xã hội trên toàn thế giới, nhà phê bình và cơ quan quản lý đã thúc đẩy các công ty kiểm soát nhiều loại nội dung, ví như các bài đăng phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính có khả năng kích động bạo lực trong thế giới thực.

Các nền tảng này cũng cho phép một lượng lớn thuyết âm mưu và nội dung hoài nghi về vắc-xin nở rộ trong nhiều năm trên các trang tin của họ. Những người có ảnh hưởng trong vấn đề chống vắc-xin đã trở nên nổi tiếng hơn trên các phương tiện truyền thông xã hội từ rất lâu trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Phần lớn các nền tảng này đã làm ngơ cho đến năm 2019.

Trong thời gian đó, một số đợt bùng phát bệnh sởi và áp lực dư luận đã khiến các công ty công nghệ bắt đầu loại bỏ nội dung chống vắc xin. Hội đồng của Thượng viện đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ sức khỏe cộng đồng trong đời thực do thông tin sai lệch. Khi đó, các công ty công nghệ mới bắt đầu có biện pháp với các nội dung này trên nền tảng của họ.

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, vắc-xin đã trở thành một vấn đề chính trị, đặc biệt là khi thông tin sai lệch cho rằng vắc-xin liên quan đến chứng tự kỷ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh xác nhận rằng vắc xin không gây ra chứng bệnh này.

Facebook, Twitter và YouTube đã dựa trên khái niệm “tác hại trong thế giới thực” để thông báo các chính sách hạn chế. Khi áp lực của công chúng về ảnh hưởng truyền thông xã hội đối với các sự kiện chính trị và sức khỏe trong đời thực tăng lên, các công ty bắt đầu đào tạo người kiểm duyệt máy tính và nhân sự, nhằm nắm bắt một số thông tin có vấn đề - và họ phải đối mặt với một bài kiểm tra không giống ai khi đại dịch xảy ra.

Các phong trào chống vắc xin diễn ra ở Hoa Kỳ 

Hàng triệu người đã tin tưởng đặt câu hỏi với gã khổng lồ Google về cách họ có thể tự bảo vệ mình khỏi vi-rút. Sundar Pichai, giám đốc điều hành của Google cho biết, nhiệm vụ của Google là cung cấp cho mọi người thông tin chính xác nhất. Kết quả tìm kiếm đứng đầu danh sách là các liên kết đến CDC và Tổ chức Y tế Thế giới. Hàng chục nghìn quảng cáo cố gắng lợi dụng sự hoảng loạn đã bị chặn. Phát ngôn viên của Google đưa ra lời hứa rằng YouTube (thuộc sở hữu của Google) sẽ gỡ bỏ bất kỳ video nào có nội dung giả mạo liên quan vi rút SARS-CoV-2.

Bên cạnh hành động ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch về sức khỏe, Facebook và Twitter cũng vấp phải chỉ trích dữ dội từ Tổng thống Donald Trump và các đồng minh của ông vào năm ngoái khi các công ty này bắt đầu dán nhãn và xóa các bài đăng của ông vì vi phạm chính sách về thông tin sai lệch và kích động bạo lực. Cả ba công ty truyền thông xã hội đã cấm tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ.

Vào tháng 5 năm 2020, một đoạn video dài 26 phút, giới thiệu cho một bộ phim tài liệu sắp tới có tên "Plandemic" (Kế hoạch đại dịch), có phân cảnh một nhà hoạt động chống vắc-xin nổi tiếng tuyên bố rằng các tỷ phú đang giúp sức cho việc lây lan vi-rút để tăng cường việc sử dụng vắc-xin. Tác phẩm được sản xuất khéo léo, giống như một bộ phim tài liệu chuyên nghiệp và nhanh chóng lan truyền trên toàn thế giới. Vào thời điểm Facebook gỡ video gốc xuống, video đã được xem 1,8 triệu lần và các phiên bản mới của nó vẫn tiếp tục được cắt xén. YouTube tiếp tục nỗ lực gỡ bỏ các bản sao của video, mặc dù một phiên bản đã đạt đến 7,1 triệu lượt xem trước khi bị xóa.

Các nền tảng được kết nối với nhau một cách chặt chẽ. Một video trên YouTube có nội dung tẩy chay vắc-xin có thể không được đề xuất bởi thuật toán của nền tảng này, nhưng nếu nó được chia sẻ trong một nhóm Facebook hoặc được một nhà hoạt động đăng lại trên Twitter, nó vẫn có thể nhận được rất nhiều lượt xem. Với “Plandemic”, các phiên bản của video tiếp tục xuất hiện ngay cả sau khi Facebook và YouTube gỡ bỏ các bản gốc, biến việc thực thi chính sách cấm thành một trò chơi đánh cá và đuổi bắt.

Trong những tháng vừa qua, một thuyết âm mưu đã được lan truyền trên không gian mạng rằng vắc-xin Covid-19 sẽ được sử dụng để gắn vi mạch vào cơ thể của mọi người Mỹ. Một cuộc thăm dò của YouGov được công bố vào ngày 15 tháng 7 cho thấy, 20% người trưởng thành ở Hoa Kỳ tin rằng thuyết âm mưu trên có thể xảy ra hoặc chắc chắn đúng.

Đã có nhiều video xuất hiện vào đầu năm 2021 về những người cố gắn nam châm vào cánh tay ở nơi được tiêm vắc-xin. CDC bác bỏ điều hoang đường và cho biết vắc-xin "không chứa các thành phần có thể tạo ra trường điện từ tại vị trí tiêm."

Các nhóm chống vắc-xin cũng đã phát triển để tránh bị phát hiện, họ sử dụng các từ mã để bảo vệ bản thân khỏi các thuật toán kiểm duyệt. NBC báo cáo rằng một nhóm chống tiêm chủng với hơn 40.000 người theo dõi trên Facebook tự gọi mình là “Bữa tiệc khiêu vũ”. Các thành viên gọi việc chủng ngừa là “khiêu vũ” và dùng từ “pizza” để ám chỉ vắc-xin “Pfizer”.

Ngày nay, nội dung chống vắc xin vẫn còn phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu chưa được công khai của Avaaz đã kiểm tra cách thuật toán của Facebook phản ứng với các tài khoản bắt đầu tương tác với bản tin liên quan đến vắc xin.

Một tài khoản bắt đầu bằng cách thích một trang có thông tin sai lệch về vắc-xin. Tài khoản khác bắt đầu bằng cách tìm kiếm nội dung “vắc-xin”, cho ra kết quả bao gồm các trang có nội dung chống vắc xin.

Các nhà nghiên cứu của Avaaz viết trong báo cáo: “Việc mở và thích một số trang trong số này đã dẫn tài khoản của chúng tôi vào một mạng lưới các trang có hại tương tự, dường như được liên kết với nhau và được thúc đẩy bởi thuật toán đề xuất của Facebook”.

McAlister, đến từ Facebook cho biết công ty đã ngừng đề xuất việc xuất hiện một số trang được trích dẫn trong báo cáo đến với người dùng. Ông nói trong một tuyên bố: “Sự do dự về vắc-xin ở những người sử dụng Facebook ở Hoa Kỳ đã giảm 50% và mọi người đang dần chấp nhận vắc-xin mỗi ngày”.

Trong một nghiên cứu riêng biệt được công bố ngày 20/7, các nhà nghiên cứu tại nhóm cánh tả có tên Vấn đề truyền thông cho nước Mỹ, đã xác định được 284 nhóm Facebook chống vắc xin công và tư, với hơn tổng cộng 520.000 người theo dõi.

“Điều đó thực sự nói lên quy mô của vấn đề,” Jevin West, giám đốc Trung tâm Thông tin cho Công chúng tại Đại học Washington, cho biết.

Vấn đề còn bỏ ngỏ

Theo CNN đưa tin và tờ Washington Post xác nhận, gần đây, Facebook chỉ mới chặn hashtag #VaccinesKill.

Các thông điệp chống vắc-xin lan truyền trên mạng xã hội cũng đã ảnh hưởng đến nhiều phong trào trong cuộc sống thực, bao gồm Nam California, nơi các nhóm hoạt động nở rộ. Thời gian trước đó, một cuộc biểu tình chống vắc-xin đã tạm thời đóng cửa trung tâm vắc-xin tại Sân vận động Dodger.

Các công ty truyền thông xã hội cho biết, quyết định loại bỏ nội dung gì trên mạng xã hội không phải là vấn đề dễ dàng.

Họ nói rằng sự chần chừ, trì hoãn hoặc từ chối vắc xin, có thể là một lĩnh vực phức tạp phần lớn nội dung trực tuyến về vắc-xin có thể là từ những người bày tỏ mối quan tâm chứ không phải cố tình lan truyền thông tin sai lệch.

“Các cuộc trò chuyện về vắc-xin có nhiều sắc thái, vì vậy không phải lúc nào nội dung cũng được phân chia rõ ràng thành hữu ích và có hại. Thật khó để đưa ra ranh giới về các bài đăng chứa trải nghiệm cá nhân của mọi người với vắc xin”, Kang-Xing Jin, người đứng đầu bộ phận y tế của Facebook, cho biết trong một bài viết trên tờ San Francisco Chronicle vào tháng 3.

Các nền tảng cũng đã làm rất nhiều để khuyến khích người dùng của họ đọc thông tin về Covid-19 và vắc xin được sản xuất bởi bác sĩ và tổ chức chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy. Facebook, YouTube và Twitter đều sửa đổi các liên kết đến thông tin từ CDC trên các bài đăng liên quan đến sức khỏe. Ngày 19/7, YouTube cho biết họ sẽ quảng cáo các video đã được kiểm tra theo hướng dẫn của Học viện Y khoa Quốc gia ở đầu các kết quả tìm kiếm liên quan đến sức khỏe.

Nhưng việc bổ sung thêm nhiều thông tin tốt không thể xóa bỏ những thông tin xấu tồn tại trên mạng xã hội, đặc biệt, khi một số thông tin sai lệch dẫn đến việc người dân từ chối một liều vắc xin có thể cứu sống bản thân mình.

Khánh Trinh 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top