Pulitzer và góc nhìn khác về ảnh báo chí hiện đại

23:54 12/07/2016 - Thế giới
Đầu tháng 4 vừa qua, Pulitzer - giải thưởng danh giá nhất của làng báo thế giới đã công bố danh sách những người đoạt giải. dù chủ nhân của những tác phẩm báo chí xuất sắc đã được tôn vinh một cách xứng đáng nhưng vẫn gây ra nhiều bất an về tương lai của ngành báo chí hiện đại.

Người tị nạn chen chúc nhau trên một chiếc thuyền từThổ Nhĩ Kỳ tới HyLạp. Ảnh đoạt giải Putlitzer 2016 của New York Times

Những bức ảnh làm tròn bổn phận Trong số các loại hình báo chí, báo ảnh là phương tiện có sức truyền tải mạnh mẽ, giúp độc giả cảm nhận một cách nhanh nhất, sâu sắc nhất thông điệp của tác giả. Vì thế, những tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải Pulitzer thường rất ít phải dùng đến chú thích vì tự thân tấm ảnh đã nói lên tất cả, ghi lại những khoảnh khắc làm thay đổi lịch sử thế giới. Nhiều bức ảnh đã phơi bày một cách trực tiếp sự khốc liệt của chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, vừa mang đến sự sợ hãi nhưng cũng đầy hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại.

Năm nay, những bức ảnh nhận giải Pulitzer của New York Times và Reuters một lần nữa cho thấy báo chí đã làm tròn bổn phận phản ánh sự thật và phát đi những thông điệp cảnh tỉnh của mình. Những bức ảnh khốc liệt và đau đớn về những người tị nạn đang hàng ngày hàng giờ đánh cược tính mạng với đại dương, với hàng rào thép gai để tìm đường đến châu Âu. Những tấm ảnh vừa mang đến cho người xem cái mặn mòi của nước mắt, cái chòng chành của biển khơi, sự tuyệt vọng của những người muốn thoát khỏi cuộc sống đầy bom đạn, nghèo khó nơi quê nhà. Tờ Boston Globe (Mỹ) cũng nhận giải thưởng nhiếp ảnh cho loạt ảnh ghi lại những khoảnh khắc khi đơn côi, tuyệt vọng khi lại trong trẻo, hồn nhiên của một cậu bé bị bạo hành.

Một người tị nạn Syria ôm chặt hai con khi cố gắng rời khỏi chiếc xuồng tới quần đảo Lesbos, Hy Lạp. Ảnh: Reuters

Lần lại danh sách giải thưởng mấy năm gần đây của Pulitzer có thể thấy, ảnh tin tức, ảnh phóng sự... thực sự là một “quyền lực” của làng báo toàn cầu, các phóng viên ảnh luôn là những người tiên phong, sống hết mình với thời cuộc. Dù là chiến trường khốc liệt hay các điểm nóng về biểu tình, khủng bố,... phóng viên ảnh luôn là những người ở tuyến đầu. Năm ngoái giải Pulitzer ở hạng mục ảnh tin tức đã thuộc về tờ The St Louis Post-Dis- patch với loạt ảnh phản ánh các vụ biểu tình phản đối việc thanh niên da màu Michael Brown bị viên cảnh sát da trắng bắn chết tại thị trấn Ferguson, gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Năm 2014, tờ The New York Times cũng giành cú đúp với ảnh tin tức và ảnh phóng sự với chùm ảnh ghi lại vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại trung tâm mua sắm Westgate (Kenya) và bài báo ảnh về một nạn nhân trong vụ đánh bom tại giải Marathon Boston.

Năm 2012, hình ảnh thương tâm về một bé gái đang khóc sau một cuộc tấn công đánh bom liều chết vào một ngôi đền đông đúc ở Kabul (Afganistan) của phóng viên Mas- soud Hossaini (hãng AFP) đã đoạt giải Pulitzer. Có thể nói, bức ảnh này đã tác động đến độc giả nhiều hơn bất kỳ tin tức, bài phân tích, phóng sự nào khác về tình hình bất ổn tại Afghanistan. Đúng như ông Sig Gissler - Trưởng ban điều hành giải Pulitzer nhận xét, bức ảnh của AFP không chỉ là “một khoảnh khắc mê hoặc của nhiếp ảnh” và là “một tấm hình bạn sẽ nhớ mãi”.

Sự thoái trào của báo ảnh

Tuy tiếp tục khẳng định uy tín, sự chuyên nghiệp của ngành báo chí Mỹ nói riêng và thế giới nói chung nhưng giải thưởng Pulitzer cũng không thể đứng ngoài cảnh chợ chiều của truyền thông toàn cầu. Từ chỗ chỉ có 13 hạng mục theo di chúc Pulitzer, đến nay giải thưởng này đã có tới 21 hạng mục, phản ánh tình trạng đáng buồn của một cuộc khủng hoảng thừa giải thưởng. Sau 24 giờ hân hoan với những thông tin đậm đặc về giải thưởng Pulitzer, làng báo lại phải đối mặt với câu hỏi mà họ phải tìm cách trả lời trong suốt 364 ngày còn lại của năm: báo chí rồi sẽ đi về đâu? Với hàng triệu thông tin được phản ánh, đâu là thông tin có giá trị và được độc giả nhớ tới. Hơn 1.200 tác phẩm lọt vào chung khảo của giải thưởng Pulitzer năm nay đại diện cho những thông tin xuất sắc nhất, có giá trị nhất, tiêu hao nhiều sức lao động nhất của các tòa soạn cũng bị lãng quên chỉ trong một ngày.

Điều đáng buồn là đại đa số tên người được giải Pulitzer cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Chỉ có một số ít nhà báo trở thành huyền thoại như Bob Woodward và Carl Bern- stein (phanh phui vụ Watergate), Marguerite Higgins (phóng viên mặt trận Triều Tiên), Peter Arnett (viết về chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam)... Liệu đây có phải là sự khích lệ để giúp nghề báo trở nên hấp dẫn đối với lớp trẻ mạnh về tinh thần và anh minh về trí tuệ như Joseph Pulitzer mong muốn hay không. Sau 100 năm tồn tại, Pulitzer cũng không còn là “bảo chứng vàng” cho các tác giả đoạt giải trong vòng xoáy của thoái trào của báo in truyền thống. Sự lên ngôi của truyền thông đa phương tiện khiến các phóng viên ảnh đang phải đối mặt với áp lực từ “nhà báo công dân”, từ mạng xã hội.

Hồi tháng 1/2016, Johnston Press - một tờ báo ở Midlands (Anh) đã tuyên bố loại bỏ hoàn toàn vị trí của các phóng viên ảnh toàn thời gian trong tòa soạn và chỉ sử dụng ảnh của độc giả, cộng tác viên gửi. Cùng thời điểm, tại Mỹ, The Orlando Sentinel cũng có động thái tương tự. Bước đi này đã được tờ Chicago Sun-Times thực hiện từ tháng 3/2013 khi sa thải 28 phóng viên ảnh, kể cả nhiếp ảnh gia từng được giải Pulitzer là John White để tập trung cho báo chí đa phương tiện. Tờ báo này chỉ thuê lại 4 phóng viên ảnh sau khi chịu áp lực lớn từ dư luận và nghiệp đoàn.

Frank Folwell - phóng viên ảnh kỳ cựu của tờ USA Today chua chát thừa nhận, sự thoái trào của báo chí in ấn truyền thống đã khiến hàng ngàn phóng viên ảnh mất việc. Nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và toàn thời gian cho các tờ báo đã phải chuyển sang hành nghề tự do như chụp ảnh cưới, sinh nhật hoặc khá hơn là đầu quân cho các công ty quảng cáo. Trên thực tế, theo báo cáo của Hiệp hội các biên tập viên tin tức Mỹ, phóng viên ảnh bị tác động nhiều nhất trong làn sóng cắt giảm nhân sự của làng báo toàn cầu. Chỉ tính riêng trong năm 2012, 43% phóng viên ảnh, nhà quay phim đã bị mất việc. Ngân sách bị cắt giảm là nguyên nhân chính khiến các tờ báo phải sa thải phóng viên ảnh để dùng cộng tác viên.

Một gia đình cố gắng chui qua hàng rào dây thép gai để vào Hungary. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Folwell cũng cảnh báo rằng, dù có tới 300 triệu hình ảnh được up lên Facebook mỗi ngày, và khoảng 16 tỷ hình ảnh đã được chia sẻ trên Instagram nhưng lượng ảnh này chỉ có thể “lấp đầy một khoảng trống nhỏ’ của làng báo. Đó là chưa kể đến việc chỉ có một số ít ảnh của của các “nhà báo công dân” là có giá trị, còn lại hầu hết là “đồ bỏ” đối với báo chí chuyên nghiệp. Và trong vòng xoáy thoái trào của báo chí truyền thống, chỉ có số ít các phóng viên ảnh chuyên nghiệp năng động hơn, xuất sắc hơn mới có thể tồn tại.


Hà Giang
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top