Những khó khăn mới của Thổ Nhĩ Kỳ

16:40 17/07/2016 - Thế giới
265 người chết, 1.440 người bị thương, tòa nhà Quốc hội bị phá hủy một phần, đó là những con số thống kê ban đầu của cuộc đảo chính xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7. Cho dù chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố đã kiểm soát toàn bộ tình hình, nhưng vụ đảo chính đẫm máu diễn ra cho thấy chính trường đất nước nằm vắt giữa hai lục địa Á – Âu này dự báo sẽ còn nhiều biến động trong thời gian tới và cần có thời gian để những nỗ lực hòa giải dân tộc phát huy tác dụng.

Vụ đảo chính thứ năm trong vòng 60 năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra đêm 15-7 ở hai địa điểm chính là thủ đô Ankara và thành phố Istanbul đã tạo nên cơn địa chấn trên chính trường đất nước hơn 80 triệu dân này. Lực lượng quân sự tiến hành đảo chính đã nhanh chóng bắt giữ Tổng tham mưu trưởng Hulusi Akar làm con tin.

Các phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ vẫy cờ sau khi lực lượng đảo chính chiếm giữ cầu Bosphorus đầu hàng. (Ảnh: Reuters).

Trên trang web của tổng tham mưu trưởng, lực lượng đảo chính cho biết đã bắt giữ ông Hulusi Akar làm con tin và phát đi thông báo muốn thiết lập tự do và dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng đảo chính cũng nắm quyền kiểm soát kênh truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (TRT) tới 2 giờ sáng ngày 16-7. Trong thời gian chiếm giữ đài truyền hình, lực lượng đảo chính đã phát đi thông cáo của Hội đồng hòa bình đất nước kêu gọi thiết lập lệnh giới nghiêm và thiết quân luật trên phạm vi cả nước.

Tổng thống Erdogan đã xuất hiện trên kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc phỏng vấn ngắn với người dẫn chương trình từ điện thoại thông minh tại thị trấn Marmaris nơi ông đang nghỉ mát. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Erdogan đã kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ hãy xuống đường tới các quảng trường và sân bay để ủng hộ chính phủ.

Các cuộc đụng độ giữa người dân với lực lượng đảo chính và giữa lực lượng đảo chính với các lực lượng trung thành với Tổng thống Erdogan trong suốt đêm 15-7 đã khiến con số thương vong nặng nề.

Các vụ nổ ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul diễn ra đến tận rạng sáng ngày 16-7. Tòa nhà Quốc hội Thổ nhĩ Kỳ đã bị các vụ tấn công phá hủy một phần. Ở Istanbul, các máy bay chiến đấu đã quần thảo suốt đêm trên bầu trời và ném ít nhất hai quả bom xuống gần quảng trường Taksim ở giữa trung tâm thành phố và ở vùng ngoại ô Alibeykoy.

Ở thủ đô Ankara, các cuộc giao tranh giữa lực lượng đảo chính và lực lượng thân chính phủ diễn ra ác liệt nhất ở ngoại ô vùng Golbasi, nơi đặt tổng hành dinh của lực lượng đặc nhiệm. Theo con số thông báo của Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, có 104 quân đảo chính bị chết và 2.800 quân nhân đảo chính bị bắt.

Vụ đảo chính xảy ra trong bối cảnh tình hình chính trị đang rất căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối đầu với lực lượng người Kurd ở miền đông nam và mối đe dọa từ tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS). Ba đảng đối lập trong Quốc hội gồm đảng Phong trào Dân tộc (MHP), đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) và đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd đều lên tiếng phản đối cuộc đảo chính. Thất bại của cuộc đảo chính quân sự này có thể một lần nữa củng cố vị thế của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Tiếp theo thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11-2015, đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Đây cũng là thử thách lớn nhất mà ông Erdogan gặp phải kể từ khi nắm quyền năm 2003.

Trong vụ đảo chính này, Tổng thống Erdogan đã lên án những kẻ gây ra vụ đảo chính là những kẻ phản bội tổ quốc và sẽ phải bị trừng trị. Trong đó, người được ông Erdogan coi là chủ mưu của vụ đảo chính lần này là Fethullah Gulen, người đã sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999.

Vậy là kể từ 60 năm qua, các cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đều do giới quân sự thực hiện. Trong các cuộc đảo chính diễn ra trước đó năm 1960, 1971, 1980 và 1997, giới quân sự luôn là khởi nguồn của các cuộc đảo chính. Tuy nhiên, trong cuộc đảo chính lần này, dư luận quốc tế đã bày tỏ ủng hộ chính phủ của Tổng thống Erdogan được nhân dân bầu lên. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi tất cả các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ do người dân bầu lên của ông Erdogan.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên, trên địa chỉ Twitter cá nhân đã chúc mừng sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và các đảng chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đối với nền dân chủ ở đất nước này. Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU) cũng cho biết: Trong khi liên hệ thường xuyên với phái đoàn của EU ở Ankara và Brussels khi đang họp tại hội nghị thượng đỉnh Á – Âu tổ chức ở Mông Cổ, tôi kêu gọi các bên hãy tôn trọng các thể chế dân chủ.

Cuộc đảo chính ngày 15-7 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút mối quan tâm của toàn thế giới, đặc biệt là sự chú ý của Mỹ và châu Âu. Với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu chống IS ở Trung Đông. Việc Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào bất ổn sẽ khiến việc Mỹ và NATO gặp rất nhiều khó khăn bởi Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp lực lượng lớn trong NATO và cũng là nơi đặt căn cứ quân sự quan trọng của NATO ở châu Âu. Việc giải quyết vấn đề người nhập cư vào châu Âu cũng không thể đạt kết quả nếu thiếu sự hợp tác chặt chẽ từ phía quốc gia này.

Kể từ khi các cuộc nổi dậy ở các nước Arab xảy ra cách đây 5 năm khiến nhiều nước Trung Đông rơi vào bất ổn và nước láng giềng phía nam Syria rơi và cuộc nội chiến đẫm máu, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm của sự chú ý bởi vai trò trung gian quan trọng. Nhưng những bất đồng nội bộ xảy ra đêm 15-7 từ chính lực lượng quân đội cho thấy chính phủ của Tổng thống Erdogan sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hàn gắn những mâu thuẫn đã trở nên quá sâu sắc và ổn định đất nước trước khi đóng góp công sức kiến tạo một nền hòa bình bền vững cho khu vực Trung Đông đã và đang trải qua quá nhiều xung đột và hận thù dai dẳng.

Nguồn: NDĐT

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top