Mô hình toà soạn hội tụ AJE ở Kuala Lumpur
00:12 16/12/2016
- Thế giới
Kuala Lumpur là một trong bốn thành phố trên thế giới
có trụ sở của Al Jazeera English (AJE) - một trong những
kênh truyền thông hàng đầu thế giới và cũng là kênh phát
sóng tin tức 24 giờ bằng tiếng Anh đầu tiên ra đời tại Trung
Đông.
Trường quay của tòa soạn hội tụ AJE ở KualaLumpur. Ảnh: Getty Images
AJE Kuala Lumpur được thành lập từ năm 2006 và được xây dựng theo mô hình tòa soạn hội tụ, tuy nhiên mô hình hội tụ tại AJE Kuala Lumpur có một số điểm khác biệt.
Đôi nét về mô hình tòa soạn AJE Kuala Lumpur
Tòa soạn AJE được đặt tại tầng 60 của tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, Malaysia với thiết kế hiện đại, không gian mở và rộng rãi. Giống như nhiều mô hình tòa soạn hội tụ khác, tòa soạn AJE không có một rào cản vật lý nào giữa các bàn làm việc hay các phòng ban ngoại trừ phòng vận hành MCR (Master Control Room) và phòng Triển lãm (Galerry) được bố trí riêng biệt để bảo mật tin tức và cách âm.
Tòa soạn được phân ra từng khu theo chức năng. Những người có chung nhiệm vụ sẽ ngồi cùng với nhau để có thể dễ dàng phối hợp trong công việc, chẳng hạn như bộ phận biên tập chương trình, bộ phận sản xuất truyền hình, phòng hoạch định, tổ vệ tinh và các biên tập viên trực tuyến... Tất cả các bộ phận này được đặt gần bàn tin - News Desk, nơi tiếp nhận tin tức, chọn lọc tin và phân bổ tới các bộ phận khác.
Một điểm khá đặc biệt của tòa soạn AJE là nó không chỉ vận hành bên trong tòa soạn mà có sự kết nối chặt chẽ với trụ sở chính ở Doha và hai trung tâm truyền thông khác ở London và Washington DC. Thông qua máy tính và công nghệ Internet, nguồn tin được chia sẻ giữa bốn trung tâm.
Các nhà báo và biên tập viên được cấp địa chỉ người dùng (user ID) để đăng nhập hệ thống, viết và biên tập tin bài, truy cập tài liệu từ bốn trung tâm truyền hình của AJE, đồng thời nhận các cuộc gọi, kết nối với các phóng viên AJE và các phóng viên tự do trên toàn thế giới thông qua thư điện tử.
Bàn tin News Desk
News Desk là nơi tiếp nhận tin tức từ các nơi về tòa soạn AJE. Tin tức hằng ngày sẽ được cập nhật thông qua các hãng tin, các kênh phát thanh truyền hình, website và các phóng viên của AJE. Khi thấy bất cứ thông tin nào có giá trị, nhân viên News Desk sẽ chuyển tới các biên tập viên.
Chẳng hạn, trong trận động đất xảy ra vào năm 2009 tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, News Desk được một phóng viên của AJE thường trú tại Jakarta gọi điện đến để báo cáo thông tin về trận động đất. Sau đó vài phút, nhân viên News Desk nhìn thấy các dữ liệu báo về và chuyển sang nhóm biên tập viên chương trình để soạn thảo nội dung từ các nguồn thông tin tin cậy.
Trong lúc đó, nhân viên News Desk ghi lại một kênh truyền hình địa phương đang trình chiếu lại hậu quả của trận động đất bằng tiếng Indone- sia, theo dõi các cập nhật mới nhất trên đường dây tin tức (news wire) và liên lạc với các phóng viên và nhân chứng thông qua mạng Skype.
Dưới mỗi màn hình máy tính, có sáu chiếc màn hình cỡ nhỏ xếp thành hàng dùng để trình chiếu các chương trình tin tức từ các hãng tin và các kênh truyền hình như AP, Reuters, CNN và BBC World. Phía bên trái có một màn hình tivi thường để nhận tin tức truyền hình từ tín hiệu vệ tinh. Ngoài ra, có một chiếc điện thoại to màu đen được đặt ở giữa, kế bên bàn phím máy tính. Sự hỗ trợ của loạt các thiết bị này giúp cho tốc độ thu thập tin tức dữ liệu tại News Desk trở nên vô cùng nhanh chóng và thuận tiện.
Thông thường, trong toà soạn hội tụ thường có một bàn siêu biên tập (Super Desk) là trung tâm kết nối của tất cả các đầu việc từ các loại hình báo chí khác nhau như báo in, báo mạng, truyền hình bên trong toà soạn; và Super Desk thường được coi là “biểu tượng” của sự hội tụ trong toà soạn. Tuy nhiên, trong toà soạn AJE Kuala Lumpua không có Super Desk.
News Desk được đặt tại trung tâm của toà soạn và có kết nối tới các bộ phận khác nhưng hầu hết công việc của nó là phục vụ cho truyền hình và thường ít tham gia vào quá trình sản xuất tin trực tuyến. Như trong sự kiện về trận động đất tại Jakarta kể trên, hầu như tin tức tới News Desk được chuyển qua nhóm truyền hình, còn bộ phận trực tuyến được nghe lại và tìm kiếm thông tin từ các hãng thông tấn.
Công việc của các biên tập viên AJE
Là một kênh tin tức phát sóng 24/24 giờ nên công việc của các biên tập viên ở AJE thường rất bận rộn. Lượng công việc đổ về liên tục với các deadline nối tiếp nhau, do đó mà biên tập viên không có thời gian để xem xét hay xử lý lại các phần việc đã làm. Họ thường xuyên phải cập nhật tin tức để có thể phủ đầy các khoảng thời gian phát sóng trong ngày. Đặc biệt với các biên tập viên làm báo trực tuyến, trung bình ít nhất mỗi giờ phải có một tin mới được sản xuất.
So với nhóm làm việc về truyền hình thì nhóm mạng chiếm một không gian khá nhỏ trong toà soạn. Họ ngồi cùng nhau ở bốn chiếc bàn phía bên phải toà soạn. Nguồn nhân lực cũng rất mỏng, thường thì chỉ có hai hoặc ba người ngồi tại toà soạn: một người là biên tập viên chính, chịu trách nhiệm cho mỗi bài báo trực tuyến được phát hành trên AJE site, hai người kia viết và biên tập tin tức trực tuyến và tải các video clips lên kênh Al Jazeera trên YouTube. Tuy nhiên, nhóm này đóng vai trò lớn trong việc sản xuất các tin tức liên kết đa phương tiện.
Nhóm trực tuyến thường cập nhật những tin mới lên web một cách nhanh chóng, họ ưu tiên những tin mới nhất, sau đó mới làm việc với các tin tức khác khi họ có thời gian. Quá trình sản xuất tin tức của nhóm trực tuyến thường nhanh hơn nhóm truyền hình vì họ chỉ phải kiểm tra thông tin qua “một lớp” - mỗi khi biên tập viên trực tuyến hoàn thành một tin, người đó sẽ trực tiếp cập nhật luôn lên web, trong khi truyền hình thì phải trải qua quá nhiều bước như: thu thập tin tức, soạn thảo văn bản, biên tập, kiểm tra chéo, trình chiếu và quảng bá.
Trong tòa soạn AJE Kuala Lumpur, sự kết nối giữa hai nhóm biên tập truyền hình và biên tâp trực tuyến không cao. Họ thường chỉ biết đến phần việc của nhóm mình và không quan tâm đến nhóm còn lại. Các cuộc họp toà soạn được tiến hành ở phía bộ phận truyền hình và biên tập viên trực tuyến chính chỉ tham gia để nghe và nắm bắt được kế hoạch phát hành của toà soạn chứ ít khi tham gia thảo luận. Điều này cho thấy toà soạn AJE ở Kuala Lumpur tuy có phát triển theo mô hình hội tụ nhưng vẫn nghiêng về thế mạnh truyền hình của họ./.
Bùi Thị Vân Anh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Cách các tờ báo Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) (03:54 10/05/2023)
- Nhà báo Việt Văn được vinh danh tại cuộc thi ảnh quốc tế (10:40 24/03/2023)
- Cựu Thư ký Báo chí của ông Biden dấn thân vào lĩnh vực mới (05:37 27/02/2023)
- Đưa tin về xả súng, phóng viên Mỹ bị bắn chết tại hiện trường (09:48 23/02/2023)
- Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực triển khai gìn giữ hòa bình (03:14 23/02/2023)