Khi Tổng thống Mỹ gay gắt với truyền thông

17:15 21/03/2017 - Thế giới
Đúng phong cách Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ vừa có thêm một động thái “vô tiền khoáng hậu”. Cuộc họp báo hôm 17/2, sự kiện dành riêng cho báo chí lần đầu kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, bất ngờ được ông biến thành diễn đàn bày tỏ phẫn nộ với giới truyền thông “xứ cờ hoa”

Báo chí Mỹ trở thành tâm điểm chỉ trích của công chúng. Ảnh minh họa

Lời chỉ trích gay gắt

Cuộc họp báo kéo dài 75 phút ấy đã tạo nên những khoảnh khắc đáng chú ý trong lịch sử chính trị hiện đại của Mỹ, khi ông Trump trở thành một trong số rất ít nhà lãnh đạo Mỹ thể hiện sự phẫn nộ với giới truyền thông một cách công khai, trực diện.

Lời cáo buộc truyền thông vượt tầm kiểm soát được ông Trump lý giải bằng nhận định “không có kênh báo chí nào lại thiếu trung thực hơn kênh truyền thông chính trị” tại Mỹ. Lý do ông đưa ra là, báo chí Mỹ đã thiếu công bằng với Tổng thống, khi đưa tin hoạt động trong bốn tuần đầu tiên của chính quyền mới, quãng thời gian ông chủ Nhà Trắng đối diện nhiều cuộc khủng hoảng.

Không phải chính phủ đầu tiên ở Mỹ khởi đầu nhiệm kỳ thiếu suôn sẻ, nhưng Chính quyền Tổng thống Trump là trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất, với một loạt sự kiện đình đám, từ cuộc chiến với truyền thông, nghi ngại từ các đối tác và đồng minh bên ngoài, cho đến trận đấu pháp lý xuất phát từ sắc lệnh bị chỉ trích là bài Hồi giáo, cùng một loạt bê bối dẫn tới các vụ ra đi của những quan chức chỉ vừa mới được bổ nhiệm.

Dù cho rằng “mớ hỗn độn” hiện nay tại Nhà Trắng là “kế thừa” từ các đời chính quyền tiền nhiệm, song ông Trump khẳng định, Chính phủ của ông đang vận hành như một cỗ máy trơn tru, rằng trong khoảng thời gian 4 tuần, chưa có chính phủ làm được nhiều như các cộng sự của ông... Ông Trump cũng không quên bảo vệ sắc lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ bằng cách chỉ trích hệ thống tư pháp Mỹ, hay cáo buộc truyền thông thiếu trung thực khi trích dẫn các nguồn tin bị rò rỉ trong vụ Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức...

Căng thẳng chưa dừng lại, khi một ngày sau cuộc họp báo bất thường, trên mạng xã hội Twitter, ông Trump tiếp tục bình luận rằng báo chí là “kẻ thù của người dân Mỹ”. Một tuần sau đó, ngày 24/2, một loạt hãng tin và kênh truyền hình lớn của Mỹ đã không được phép tham gia cuộc họp báo thường kỳ, do Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spice chủ trì.

Buổi họp báo cũng không có camera truyền hình trực tiếp như thường lệ. Một loạt hãng truyền thông vốn bị Tổng thống Trump “bêu tên” trước đó đã không được tham dự, như CNN, New York Times, Los Angeles..., những hãng tin lớn như Reuters, Bloomberg và CBS cũng nằm trong danh sách hãng truyền thông bị “cấm cửa”. Thậm chí, Tổng thống Trump còn dọa sẽ không dự tiệc chiêu đãi báo chí do Hiệp hội truyền thông Nhà Trắng (WHCA) tổ chức.

Tổng thống Trump đã cấm cửa một số hãng truyền thông trong các cuộc họp báo sắp tới

Động thái khác thường

Theo những người có mặt tại cuộc họp báo hôm 17/2 của Tổng thống Trump, trái ngược bầu không khí ồn ào vốn có, sự kiện bất thường ở phòng họp phía Đông Nhà Trắng hôm đó mang nặng tâm trạng bức xúc và phẫn nộ, cả từ phía Tổng thống lẫn các đại diện truyền thông Mỹ.

Trong khi những người ủng hộ Tổng thống Trump chỉ trích truyền thông Mỹ luôn đưa tin bất lợi về Tổng thống và thổi phồng việc ông Trump gay gắt với báo chí, thì giới truyền thông dành cáo buộc Tổng thống thiếu tôn trọng báo chí. Phóng viên đài BBC Jon Sopel than phiền rằng, trong nửa tiếng Tổng thống đã chỉ trích báo chí, thậm chí khi nhận câu hỏi, ông Trump liên tục ngắt lời phóng viên và không trả lời vào chủ đề chính. Với nhiều phóng viên Mỹ, đây là cuộc họp báo bất thường nhất mà họ từng tham dự.

Những cuộc “họp báo không camera” như buổi thông báo của Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng là chuyện hiếm xảy ra. Lý giải cho sự bất thường liên tiếp này, ông Sean Spice chỉ thông báo, công việc của Văn phòng báo chí là bảo đảm thông tin đầy đủ cho người dân thông qua truyền thông, họ trả lời toàn bộ câu hỏi của báo chí và không nhất thiết phải đứng trước camera như mọi ngày. Đáng chú ý là, động thái chống truyền thông nêu trên được thực hiện chỉ vài giờ sau bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ, trong đó ông hứa “làm gì đó” với những những hãng tin mà ông cho là “giả mạo”.

Quyết định từ chối đứng trước camera của người phụ trách truyền thông của Nhà Trắng đã dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của các hãng tin bị khước từ. Một loạt phóng viên các hãng lớn, như AP hay tạp chí Time, ngay lập tức rời khỏi phòng họp. Nhiều nhà báo chỉ trích việc họ bị từ chối tham dự kênh thông tin mở của Nhà Trắng cho thấy sự bảo thủ nguy hiểm và chưa có tiền lệ...

Những lời chỉ trích và động thái gay gắt với báo chí gần đây của Tổng thống Donald Trump được ví như “giọt nước tràn ly”. Thực tế, ngay từ giai đoạn tranh cử, ông Trump đã đối mặt sự “quay lưng” của giới truyền thông. Thậm chí, một số kênh truyền hình còn bị cáo buộc “ăn theo” khi tận dụng những chỉ trích của dư luận nhằm vào Tổng thống để tăng lượng người xem.

Tuy nhiên, những động thái bất thường liên tiếp của ông Trump nhằm đáp trả sự “bất công” của truyền thông cũng được cảnh báo gây hệ lụy tiêu cực. Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Tổng thống sau một tháng lãnh đạo Nhà Trắng không cao, cuộc đối đầu truyền thông hẳn không có lợi cho ông Trump thời gian tới./.

Chu Hồng Thắng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top