Khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 144

18:15 21/03/2022 - Thế giới
Tối 20/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Nusa Dua trên đảo Bali của Indonesia, với sự tham dự của các đại biểu đến từ 132 quốc gia, trong đó có 68 Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại lê khai mạc IPU-144. Nguồn: nasional.kompas.com

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn sẽ tham dự các phiên họp toàn thể, hội thảo, thảo luận, cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ IPU-144 với chủ đề “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 - Vận động Nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu.”

Phát biểu khai mạc IPU-144, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã điểm lại những thách thức mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, cho rằng biến đổi khí hậu là “thách thức khủng khiếp” nếu chính phủ và quốc hội các nước không kịp thời có các chính sách để giải quyết. 

Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn biến đổi khí hậu rất khó khăn, ví dụ trong quá trình chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng mới và tái tạo.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán khí hậu thường được thảo luận ở cấp độ toàn cầu, song chưa có hành động thực sự.

Do vậy, người đứng đầu nhà nước Indonesia cho rằng thế giới cần hành động để huy động các nguồn tài chính khí hậu, đầu tư vào năng lượng mới và tái tạo, và chuyển giao năng lượng. 

Trên tinh thần đó, Tổng thống Jokowi bày tỏ hy vọng tất cả nghị viện các nước thành viên IPU có thể huy động cùng với chính phủ để đưa ra một quyết định, một hành động thực sự và cụ thể để có thể triển khai trên thực địa.

Diễn ra từ ngày 20-24/3, IPU-144 sẽ xem xét các hành động cần thiết của Nghị viện nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thực thi  Thỏa thuận Paris, tận dụng giai đoạn phục hồi COVID-19 để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời đảm bảo giải quyết nhu cầu của các nhóm dân cư có nguy cơ cao như phụ nữ và thanh niên.

Các đại biểu cũng sẽ tập trung thảo luận các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới và dự kiến thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt về chủ đề “Suy nghĩ lại và tái điều chỉnh cách tiếp cận các tiến trình hòa bình nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài,” trong đó tái khẳng định nguyên tắc đối thoại cốt lõi của IPU nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Được thành lập năm 1889 với trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ, IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới.

Hiện IPU quy tụ 178 quốc hội thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực với sứ mệnh thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn./.

Theo TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top