Góc khuất phía sau thông tin được tiết lộ

15:47 28/03/2017 - Thế giới
Những công bố trên báo chí ở nhiều nước từ nguồn tài liệu được đặt cho cái tên gọi là Tài liệu Panama (Panama Papers) đang làm chấn động cả thế giới.
Vụ tiết lộ tài liệu Panama gây chấn động thế giới:

Hồ sơ Panama - Vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: TL

Chúng mới chỉ là những tiết lộ ban đầu và chưa phải là tất cả, nhưng cũng đã đủ để có được tác động đáng nể đầu tiên. Chúng đã làm chính trường và xã hội chao đảo ở Iceland khi Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson từ chức, cho dù sau đó lại không từ chức và nước này phải có tổng tuyển cử trước thời hạn. Chúng đã buộc đương kim Thủ tướng Anh David Cameron phải thú nhận đã trục lợi thông qua những công ty bình phong, hay còn được gọi là công ty ma của chính người cha của mình.

Chúng xoay quanh những hành vi mờ ám, những thủ đoạn tinh vi, những lối đường lắt léo trong chuyện rửa tiền, lậu thuế và trốn thuế của những chính khách và chức sắc hiện đã về hưu cũng như còn tại vị, của những nhân vật nổi tiếng và doanh nghiệp cỡ bự trên thế giới, của giới thượng lưu lắm tiền nhiều của và những cá nhân quyền uy ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Báo chí đã có được lần làm bàn mới trong cuộc chơi về uy lực và giành về uy tín trong xã hội. Tài liệu Panama không phải lần soi rọi đầu tiên vào khoảng tối thẫm ở phía sau những gì biểu lộ ra bên ngoài, không phải là lần lập công đầu tiên của báo chí, nhưng là lần mới và có quy mô, mức độ lớn nhất từ trước tới nay. Nó tạo ra bước ngoặt rất quan trọng đối với sự phát triển của báo chí trên thế giới.

Trước Tài liệu Panama có Wikileaks năm 2010 với dung lượng tài liệu 1,7 GB, có vụ Offshore năm 2013 với dung lượng tài liệu 260 GB, có vụ tiết lộ thông tin về trốn thuế và lậu thuế ở Luxemburg năm 2014 với dung lượng tài liệu 4 GB và vụ tiết lộ về các ngân hàng ở Thụy Sỹ trốn, lậu thuế năm 2015 với dung lượng tài liệu 3,3 GB.

Trước Tài liệu Panama có những tiết lộ của nguyên chuyên viên phân tích của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden. Mức độ và tính chất tác động của các vụ tiết lộ thâm cung bí sử nói trên khác nhau, nhưng về quy mô thì đều chẳng thấm vào đâu so với Tài liệu Panama. Tài liệu Panama bao gồm khoảng 11,5 triệu tài liệu, dung lượng đã được số hoá là 2,7 Terabyte.

Báo chí lại một lần nữa lên ngôi khi được lựa chọn, nhờ cậy và tin tưởng để phơi bày sự thật. Một nguồn cung cấp tài liệu nặc danh đã tìm đến tờ nhật báo Sueddeutsche Zeitung (Báo Nam Đức) ở Đức để cung cấp Tài liệu Panama. Cho tới nay, ngoài tờ báo này ra, thế giới bên ngoài không biết gì về nguồn cung cấp tài liệu này ngoài mong muốn là “những hành vi phạm tội này được công khai hoá”.

Trụ sở hãng luật Mossack Fonseca tại Panama. Ảnh: TL

Có thể cũng vì Mossack Fonseca do một người Đức thành lập mà nguồn cung cấp thông tin nặc danh kia đã chọn một tờ báo ở Đức để uỷ thác. Nhưng chắc chắn rằng nguyên nhân vì tờ Nam Đức có uy tín lớn ở nước Đức và châu Âu, có diện đối tượng độc giả rất rộng, là một trong một vài tờ nhật báo, rất ít, ở Đức được liệt vào diện “không thể thiếu”. Tờ báo này không bị coi là thái quá và cực đoan, khá khách quan về chính trị chứ không lệch hẳn về đảng phái hay phe cánh chính trị nào ở nước Đức. Nó còn gây dựng được danh tiếng về tích cực chống rửa tiền, trốn thuế và lậu thuế.

Điều đặc biệt nhất và đáng chú ý nhất về phương diện báo chí ở Tài liệu Panama là sự tham gia của rất nhiều nhà báo từ rất nhiều nước trên thế giới. Nó là sản phẩm báo chí của tập thể, trước đó chỉ là hành động của cá nhân. Khối lượng dữ liệu thông tin đồ sộ tới mức quá tải đối với tờ báo Nam Đức. Ban biên tập báo cho biết, họ phải cần thời gian 20 năm để xử lý. Vì thế, họ chọn giải pháp là nhờ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế tham gia. 376 nhà báo đến từ 76 quốc gia đã tham gia xử lý Tài liệu Panama. Tất cả phải cam kết giữ kín chuyện này cho tới 20h00 ngày 3/4 vừa qua (giờ GMT). Và họ đã cùng nhau xử lý Tài liệu Panama trong suốt một năm qua.

Lần này không chỉ là những tiết lộ đơn thuần mà còn là sản phẩm của báo chí điều tra. Lần lập công mới giúp báo chí nâng cao được vai trò, ảnh hưởng và uy tín. Cho dù có phần hơi muộn, báo chí dường như đã tìm ra được một câu trả lời, hoặc một cách trả lời, cho những câu hỏi mà thời kỳ toàn cầu hoá và công nghệ số đưa lại.

Tiết lộ chuyện thâm cung bí sử như Wikileaks, Offshore Leaks, Luxemburg Leaks, Swiss Leaks hay Edward Snowden và bây giờ với Tài liệu Panama có vẻ như đang giúp báo chí ở thời đại công nghệ kỹ thuật số gây dựng sứ mệnh về tìm tòi, xử lý và tiết lộ chuyện thâm cung bí sử không phải để kích động hiếu kỳ như thường thấy trên báo chí lá cải mà nhằm để mọi chuyện chính trị, kinh tế và tài chính của quốc gia và thế giới được minh bạch hơn và đúng đắn hơn. Đấy đồng thời cũng còn là sứ mệnh của báo chí nhằm tôn vinh việc tuân thủ đạo đức chính trị và văn hoá, luân lý xã hội.

Nhưng chính Tài liệu Panama cũng cho thấy báo chí dễ bị và đã bị chính trị sử dụng và điều khiển như thế nào. Chính phủ Nga và Wikileaks đã cáo buộc Mỹ đứng sau vụ tiết lộ lần này. Việc nhiều hãng, tổ chức, viện nghiên cứu ở Mỹ và các nước phương Tây mạnh tay chi tài chính cho xử lý Tài liệu Panama không vô tư như họ đang quả quyết. Việc Mỹ và Đức gần như không bị ảnh hưởng gì bởi Tài liệu Panama được giải thích và biện luận, nhưng vẫn đặt ra nhiều câu hỏi lớn nhằm có được câu trả lời thoả đáng và thuyết phục chứ không khiên cưỡng về tự do báo chí ở Phương Tây./.

Lũng Nhai

Tags
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top