Gam trầm trong bức tranh đa sắc
17:00 23/01/2017
- Thế giới
Một bức tranh đa sắc về thế giới năm 2016 đã được vẽ nên
từ hàng loạt sự kiện, điểm nóng và các vấn đề nhức nhối toàn
cầu.
Bức tranh đa sắc về thế giới năm 2016
Bất ổn chính trị, xung đột, khủng bố là những gam màu xám chi phối bức tranh toàn cảnh, nhưng những tia sáng hy vọng về sự đổi thay tích cực hơn vẫn le lói, khi thế giới bước sang năm 2017.
Nỗi bất an thường trực
Chủ nghĩa khủng bố quốc tế thách thức trực tiếp an ninh phi truyền thống toàn cầu. Khắp các thành phố lớn, vốn yên bình, từ Paris đến Brussels, từ Munich đến Istanbul..., khủng bố đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, đe dọa phá hủy danh xưng “hòa bình vĩnh cửu” mà châu Âu dày công tạo dựng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Đáng lo ngại là, những nghi phạm khủng bố có thể lọt qua mạng lưới an ninh được tiếng là chặt chẽ của phương Tây, ẩn náu ngay giữa lòng châu Âu và chuẩn bị vũ khí, tài chính, tinh thần cho những vụ tiến công kinh hoàng.
Thêm một năm trôi qua, những yếu tố được cho là “nguồn cơn” gây bất ổn và nỗi hoảng sợ ở châu Âu, đó là xung đột ở Syria và cuộc chiến chống lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), tiếp tục chưa được giải quyết. Trái lại, điểm nóng Syria tạo ra hai chiến tuyến, giằng co ác liệt, khi Nga và Mỹ can dự rõ rệt hơn. Cuộc quyết chiến với IS ở Aleppo của Syria hay Mosul của Iraq chưa tới đích, vô tình “tạo động lực” để IS quay đầu trả thù, bằng những hành động tàn bạo hơn...
Khởi nguồn từ chiến tranh và xung đột, bất ổn và đói nghèo ở bên kia Địa Trung Hải, làn sóng người di cư tràn vào châu Âu chưa dừng lại. Châu Âu chỉ có thể kiểm soát số lượng người qua biên giới, chứ không thể phân tách đâu là người tị nạn cần trợ giúp, đâu là người di cư vì mục đích kinh tế và đâu là thành viên IS và tay súng khủng bố đe dọa an ninh “lục địa già”. Bởi thế, các đường biên giới bị nhiều nước thành viên đóng lại. Thỏa thuận “hoán đổi” với Thổ Nhĩ Kỳ không phát huy tác dụng.
Tại châu Á, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân, đẩy quan hệ liên Triều và bán đảo Triều Tiên vào trạng thái căng thẳng cao độ. Căng thẳng liên quan tranh chấp ở biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn tiếp diễn, nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) thuộc Liên hợp quốc về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã tạo tiền lệ, cơ sở pháp lý quan trọng và được kỳ vọng góp phần hạ nhiệt nỗi bất an ở khu vực.
Brexit gây ra "cú sốc chính trị" đối với châu Âu. Ảnh: TL
Làn sóng bài ngoại và các “cú sốc chính trị”
Thời điểm từ này được tra cứu nhiều nhất là ngày 24/6, một ngày sau khi số đông cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, đưa nước Anh ra khỏi “mái nhà chung EU”.
Tâm lý hoài nghi châu Âu âm ỉ ở Anh từ lâu, Brexit chỉ là kết quả của “giọt nước tràn ly”, khi lợi ích của London không còn trùng khớp với Brussels, khi những nghĩa vụ với EU vượt sức chịu đựng của nước Anh, và khi làn sóng bài ngoại, đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan dâng cao chưa từng thấy ở “cựu lục địa”, mà trên thực tế thể hiện bằng những “bức màn sắt” dựng lên trên các đường biên giới nhằm ngăn dòng người nhập cư. Dù gì, Brexit cũng cho thấy rõ sự bất cập, cứng nhắc trong chính sách hội nhập châu Âu và là phản ứng với những nghĩa vụ bất bình đẳng mà EU đặt ra.
Tuy nhiên, Brexit không phải là “cú sốc chính trị” duy nhất mà thế giới đã trải qua trong năm 2016. Cái tên Hồ sơ Panama cũng từng “làm mưa, làm gió” trên truyền thông, làm khuynh đảo chính trường nhiều nước, làm chấn động dư luận toàn cầu. Brexit cũng không phải là đại diện duy nhất cho làn sóng bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan bất ngờ dâng cao ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới. Sau Brexit, cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp ở Italia hé mở thuật ngữ mới Itexit, theo kiểu Grexit, tạo ra “cơn ác mộng” với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Tổng thống Mỹ góp thêm minh chứng cho sự lên ngôi của lực lượng chính trị dân túy, khi cử tri Mỹ ủng hộ “người ngoại đạo” D. Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Chủ nghĩa dân túy được đẩy lên cao, cùng tâm lý chống toàn cầu hóa, đe dọa hủy hoại các thỏa thuận thương mại đa phương vốn được ca ngợi đại diện thế hệ mới của FTA.
Tương tự, năm qua cũng chứng kiến hợp tác đa phương bị tác động không nhỏ từ các mối quan hệ nước lớn, thậm chí thế giới bị đẩy tới gần ngưỡng trở lại thời kỳ đối đầu cường quốc. Bất đồng Nga - Mỹ dai dẳng trong nhiều vấn đề, điển hình là các cuộc khủng hoảng Syria và Ukraine. Căng thẳng Nga - NATO thêm nhiều lần gần chạm ngưỡng nguy hiểm. Trong khi đó, khủng hoảng cả về chính trị và kinh tế tiếp tục gây bất ổn, không chỉ ở những nước đã chìm trong bất ổn nhiều năm qua như Libya, Iraq, Syria hay Afghanistan, mà ở thêm nhiều nước, từ các nước châu Phi, đến Thổ Nhĩ Kỳ, hay Brazil, Venezuela...
Năm 2016 Hiệp ước Paris về bảo vệ khí hậuTrái đất chính thức có hiệu lực. Ảnh: TL
Những đốm sáng lấp lánh
Trong bão tố khó lường là vậy, bức tranh thế giới đậm gam xám vẫn lấp lánh những tia sáng, thắp lên hy vọng hòa bình, hợp tác và phát triển. Tuy trải qua một năm thiếu dấu hiệu khởi sắc, nhưng kinh tế thế giới vẫn duy trì đà phục hồi, đặc biệt đã tránh được tác động nguy hiểm từ các cú sốc của các vấn đề chính trị quốc tế. Rất may, chao đảo tức thì sau các sự kiện như Brexit nhanh chóng qua đi, không để lại di chứng nguy hại. Sau khi được “cởi trói”, Iran nhanh chóng gia nhập trở lại thị trường dầu mỏ toàn cầu, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn góp phần cùng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ổn định giá dầu thế giới trong một thời gian dài.
Nỗ lực không mệt mỏi Chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) nhằm đạt được hòa bình lâu dài và bền vững đã tới đích. Hiệp định hòa bình cuối cùng đã đạt được, dù văn kiện đầu tiên đã bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân. Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Tổng thống Colombia M.Santos, người đại diện cho nỗ lực bền bỉ vì hòa bình của người dân Colombia.
Có thể, những điểm sáng nêu trên chưa đủ để xua tan nỗi bất an vì khủng bố, mối lo ngại vì bất ổn chính trị và kinh tế, nhưng dẫu sao, vẫn thắp lên những tia sáng hy vọng cho nhân loại.
Trong một thế giới đầy biến động, nhiều thách thức như vậy, châu Á - Thái Bình Dương, nơi tập trung nhiều nền kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, vẫn được đánh giá là khu vực khá ổn định, so với các khu vực khác, như Trung Đông, Bắc Phi... Trong tiến trình phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Việt Nam không thể đứng ngoài những thách thức toàn cầu. Nằm ở khu vực năng động nhất thế giới, Việt Nam càng có điều kiện để thể hiện sự chủ động, tích cực cũng như nâng cao vị thế quốc gia, khi tham gia các công việc chung của thế giới. Và vai trò chủ trì Năm APEC 2017 sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam./.
Chu Hồng Thắng
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Cách các tờ báo Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) (03:54 10/05/2023)
- Nhà báo Việt Văn được vinh danh tại cuộc thi ảnh quốc tế (10:40 24/03/2023)
- Cựu Thư ký Báo chí của ông Biden dấn thân vào lĩnh vực mới (05:37 27/02/2023)
- Đưa tin về xả súng, phóng viên Mỹ bị bắn chết tại hiện trường (09:48 23/02/2023)
- Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực triển khai gìn giữ hòa bình (03:14 23/02/2023)