Đối thoại Pháp-Việt: Chung quyết tâm nâng cao hiệu quả hợp tác

22:49 26/07/2016 - Thế giới
Ngày 25/7, phát biểu tại Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Pháp-Việt Nam lần thứ 4 ở Paris, ông Matthias Fekl, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương của Pháp cho rằng, hai nước cần nỗ lực và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại. Mục tiêu nhằm có được những thỏa thuận hợp tác sâu rộng hơn để minh chứng cho quan hệ hợp tác và hữu nghị khăng khít giữa hai nước.

Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Pháp - Việt diễn ra tại Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp.

Tham dự cuộc đối thoại có ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Matthias Fekl, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, phát triển du lịch và người Pháp tại nước ngoài; ông Jean-Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Pháp và đại diện các bộ ngành của hai nước.

Hai nước có đủ điều kiện để nâng cao hiệu quả hợp tác

Phát biểu khai mạc Kỳ họp lần thứ 4 Đối thoại cấp cao về kinh tế Pháp-Việt, ông Matthias Fekl đề cập đến kết quả tích cực của các cuộc đối thoại và gặp gỡ từ năm 2015 khi hai bên đã phát triển thêm quan hệ đối ngoại kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không và chế biến thực phẩm.

"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực cải cách của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp cũng như ngân hàng, hiện đại hóa, tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng tôi cũng xin ghi nhận những biện pháp tích cực của Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước", ông Matthias Fekl nói, đồng thời khẳng định rằng Chính phủ Pháp rất quan tâm đến việc thu hẹp mức thâm hụt đang nghiêng về phía Pháp.

Đoàn Pháp tham dự đối thoại.

Quốc vụ khanh Pháp cho rằng, hai nước đạt mức tăng trưởng cao trong hợp tác kinh tế nhưng hai bên thật sự có thể đạt được những kết quả cao hơn nữa. "Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện thuận lợi hơn để tăng cường trao đổi kinh tế ngoại thương giữa hai nước. Pháp có đủ điều kiện trở thành đối tác quan trọng để hợp tác, hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế và các lĩnh vực khác như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, sản xuất, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh...", ông Matthias Fekl khẳng định.

Ông Matthias Fekl cho biết thêm, Pháp rất coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam vì vậy cuộc đối thoại kinh tế cấp cao giữa hai nước lần này là dịp để hai bên thảo luận cụ thể hơn về vấn đề hợp tác kinh tế.

Vào tháng 9, Tổng thống Pháp sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là dịp để hai bên tăng cường quan hệ kinh tế, đưa chương trình hợp tác lên tầm cao mới. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức gần 7% dù có nhiều thách thức. Đây là kết quả rất tích cực và Pháp mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao trong thời gian tới, để xúc tiến đàm phán quốc tế càng thuận lợi hơn.

Vì vậy, ông Matthias Fekl cho rằng, đối thoại cấp cao lần này có ý nghĩa quan quan trọng chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande, để có được những thỏa thuận hợp tác sâu rộng hơn. Đây sẽ là minh chứng cụ thể cho quan hệ hợp tác và hữu nghị khăng khít giữa hai nước.

Đoàn Việt Nam tham dự đối thoại.

Về phần mình, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, cuộc đối thoại là cơ hội để hai bên thúc đẩy quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư. Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên tăng cường hợp tác kinh tế với Pháp và đây là một trong những trụ cột của nội hàm đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Tại kỳ họp lần này, hai bên tập trung trao đổi về tình hình quan hệ song phương, đặc biệt là những tiến triển hay vướng mắc của các hồ sơ dự án trọng điểm, đồng thời thảo luận những định hướng hợp tác trong tương lai với hai chủ đề ưu tiên là tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu. Mục tiêu nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển và Pháp có kinh nghiệm, trình độ quản lý và công nghệ hiện đại.

Tại cuộc đối thoại, hai bên đánh giá tiến độ thực hiện của các dự án hỗ trợ phát triển chính thức trong lĩnh vực phát triển đô thị và y tế, các dự án đầu tư và góp vốn, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản và dược phẩm. Phía Việt Nam trình bày về chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, việc huy động các nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khi đó, phía Pháp giới thiệu các công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo ít tác động đến môi trường sinh thái, các giải pháp an toàn thực phẩm tại vùng nhiệt đới. Đây là những lĩnh vực Việt Nam đang cần thu hút đầu tư nước ngoài để tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo vệ tốt môi trường.

Doanh nghiệp Pháp sẵn sàng mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Ngày 24-7, trước khi diễn ra Đối thoại cấp cao về kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn chủ trì cuộc gặp các doanh nghiệp Pháp với sự tham gia của đại diện doanh nghiệp Việt Nam gồm FPT, Viettel, Vietnamairlines.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương và Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn chủ trì cuộc gặp các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp từ đầu năm 2016, được mở đầu bằng chuyến thăm Việt Nam trong tháng 3 vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartelone và tiếp đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian.

Năm 2016 cũng được đánh dấu bởi ba sự kiện kinh tế lớn gồm: Đối thoại kinh tế cấp cao lần thứ tư tại Paris, Hội nghị hợp tác phi tập trung Việt Nam-Pháp vào giữa tháng 9 sắp tới tại Cần Thơ và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Pháp tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 10 tới.

Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 9 tới, đây là chuyến thăm được trông đợi từ rất lâu. Sự kiện này sẽ tạo một cú hích cho sự phát triển các quan hệ đa dạng, sâu sắc và toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Pháp; đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược đã được hai nước ký kết vào tháng 9-2013.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, sự hiện diện của các tập đoàn và công ty lớn của Pháp chứng tỏ sự quan tâm đến các hoạt động đầu tư và hợp tác với Việt Nam. Điểm lại tình hình kinh tế trong năm 2015 và sáu tháng đầu năm nay, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao dù bị tác động của các hiện tượng biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn hoặc các yếu tố khách quan như giá dầu thấp trên thị trường thế giới.

Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam đã không điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng mà đưa ra một loạt giải pháp cấp bách để đẩy mạnh tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm gồm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp, điều hành các chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, môi trường đầu tư-kinh doanh được cải thiện, sự năng động của nền kinh tế ở Việt Nam là sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kết thúc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)... Rất nhiều nhà đầu tư chuẩn bị tận dụng cơ hội khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực để có những quyết định đầu tư vào Việt Nam. Trong sáu tháng đầu năm 2016, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Đây cũng là những lý do quan trọng để các tập đoàn hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực hàng không-vũ trụ, chế tạo vệ tinh, quản lý sân bay, năng lượng, ngân hàng như Airbus, Alstom, ADP, EDF, Areva, La Poste… tham dự cuộc gặp này để tìm hiểu các dự án đầu tư. Nhiều tập đoàn Pháp đã triển khai các dự án đầu tư và hợp tác quan trọng và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam như EDF ở Nhà máy điện Phú Mỹ, Airbus Defence and Space với dự án vệ tinh quan sát đầu tiên của Việt Nam, Alstom Transport cung cấp thiết bị cho ngành đường sắt Việt Nam...

Nhân dịp này, các doanh nghiệp Pháp đã giới thiệu về thế mạnh công nghệ, tiềm lực tài chính, đồng thời đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư và kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư ngoài nước. Với những điều kiện hấp dẫn hiện nay, các doanh nghiệp Pháp cho biết mong muốn được mở rộng quy mô và tăng vốn cho các dự án đang hoạt động cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp Pháp tin rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande là dịp rất tốt để doanh nghiệp hai nước xúc tiến, ký kết các dự án hợp tác quan trọng và sẽ là cú hích cho quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai nước.

 

Pháp là đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Dược phẩm, thiết bị giao thông, hóa mỹ phẩm, nông sản… Số liệu của hải quan hai nước cho thấy xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam trong năm 2015 đã tăng lên 72,5% so với năm 2014. Nếu không tính xuất khẩu liên quan đến lĩnh vực hàng không thì xuất khẩu của Pháp vào Việt Nam tăng 19,8%. Song song với đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt giá trị 3,7 tỷ euro trong năm 2015, tăng 34,2% so với 2014.

Nguồn: NDĐT

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top