Chiến lược sáu mũi nhọn trong tiêm chủng Vắc-xin

17:40 22/12/2021 - Thế giới
Trong những tháng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ đã có bước chuyển biến tích cực rõ rệt. Chính quyền của ông Biden đã đưa ra “Chiến lược Sáu mũi nhọn” (Six-point Action Plan) nhằm đánh bại Covid-19 và đưa nước Mỹ quay về đúng định hướng phát triển. Tuy nhiên, liệu hiệu quả thực sự của chiến lược và phản ứng của người Mỹ có đi đúng hướng như những gì chính quyền Biden đã đặt mục tiêu?
Truyền thông Mỹ:

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết liệt từ chiến lược Sáu mũi nhọn

Chiến lược Sáu mũi nhọn chống Covid-19 được chính thức công bố trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng vào ngày 09/09/2021. Đây có thể coi là biện pháp quyết liệt và mang tính bắt buộc cao nhất đối với người dân Mỹ kể từ khi đại dịch xuất hiện. Tổng thống Biden gọi đây là chiến lược hành động toàn diện nhằm chống lại sự lan rộng và ảnh hưởng của Covid-19 đến mọi mặt trong đời sống xã hội và kinh tế nước Mỹ, đặc biệt để đối phó với các biến thể nguy hiểm mới.

Thứ nhất, tăng cường tiêm phòng Covid-19 cho những người chưa tiêm, trong đó bao gồm cả tiêm chủng bắt buộc đối với một số lực lượng lao động nhà nước và tư nhân.

Thứ hai, gia tăng bảo vệ cho người dân đã tiêm chủng bằng cách tiêm liều tăng cường để đối phó với biến thể mới. Mũi tiêm bổ sung miễn phí được phân phối rộng rãi tại 80.000 địa điểm trên khắp cả nước.

Thứ ba, tiếp tục mở cửa trường học an toàn và cung cấp cho giáo dục gói hỗ trợ 130 tỷ USD trong quỹ Kế hoạch Cứu hộ Hoa Kỳ (ARP).

Thứ tư, tăng cường tỷ lệ xét nghiệm và yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng. Chính phủ đã sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (Defense Production Act) để thúc đẩy sản xuất kit xét nghiệm nhanh và huy động các hãng bán lẻ như Amazon, Kroger và Walmart bán kit xét nghiệm tại nhà phi lợi nhuận trong 3 tháng cuối năm 2021.

Thứ năm, phục hồi nền kinh tế Mỹ - một trong những mối quan tâm hàng đầu của Biden từ khi lên nắm quyền. Trong chiến dịch Sáu mũi nhọn, ông tuyên bố sẽ mở rộng gói vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ với lãi suất thấp và dài hạn hơn.

Cuối cùng, cải thiện chăm sóc y tế cho bệnh nhân Covid-19 bằng cách tăng cường lực lượng quân y hỗ trợ các bệnh viện quá tải trên khắp cả nước và sản xuất thêm liều kháng thể Covid-19 mới.

Sau khi công bố, bước đầu tiên trong chiến lược mới là tiêm chủng bắt buộc đối với một số lực lượng người lao động trong khu vực nhà nước và tư nhân. Với việc thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận trong phòng chống dịch bệnh, tác động trực tiếp vào những điểm yếu cố hữu trong nền y tế Mỹ, chiến lược Sáu mũi nhọn được kỳ vọng sẽ không chỉ đạt hiệu quả cao tại Mỹ mà còn trở thành hình mẫu chống dịch Covid-19 cho các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Thay đổi nhận thức về tiêm chủng bắt buộc

Sau khi chính thức triển khai chiến lược Sáu mũi nhọn chống Covid-19 trên quy mô toàn nước Mỹ, chính quyền Biden đã có những bước truyền thông rộng rãi đến người dân nhằm lan tỏa thông điệp và mục đích của chiến lược. Ngay sau khi được công bố trong bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden, hàng loạt các trang thông tin chính phủ đã đăng tải các thông tin chính xác, đầy đủ và cập nhật về chiến lược này để người dân có thể tiếp cận dễ dàng.

Cụ thể, trang web chính thức của Chính phủ Mỹ và trang web chính thức của Nhà Trắng thường xuyên đưa tin về những hoạt động nằm trong chiến lược Sáu mũi nhọn của Tổng thống Joe Biden, kèm theo đó là những lời kêu gọi hành động của người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, trang web riêng của Tổng thống Biden có nhiệm vụ tuyên truyền và thông tin về chiến lược. Tất cả những thành công nổi bật của chiến lược đều được đăng tải như việc chiến lược của Biden giúp nước Mỹ đi đúng hướng trong việc ngăn chặn Covid-19 hay kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật trong đại dịch, cách thức hỗ trợ giúp người dân nhận bảo hiểm y tế …

Thời gian này, cổng thông tin tiêm chủng Mỹ cũng hoạt động mạnh mẽ trong việc tìm kiếm vắc-xin gần khu vực ở của người dân, cung cấp các thông tin cần thiết về vai trò tiêm vắc-xin, các loại vắc-xin hiện hành, bởi đây là một trong những mục tiêu chính của Biden trong chiến lược này.

Có thể thấy, với chiến lược Sáu mũi nhọn của Tổng thống Biden, truyền thông chính phủ Mỹ đang cố gắng truyền tải, thông tin đến người dân một cách đầy đủ nhất về những hoạt động nổi bật của chiến dịch. Bước đến đường cùng trong nỗ lực kêu gọi tiêm chủng với hàng loạt hành động khuyến khích, kêu gọi người dân thực hiện nghĩa vụ yêu nước nhưng không hiệu quả, chiến lược Sáu mũi nhọn của chính quyền Joe Biden hướng tới quy định bắt buộc. Quy định này được tiến hành song song với những nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân về tiêm chủng bắt buộc.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, khi nghiên cứu toàn diện về một vấn đề trong truyền thông Mỹ, thiên về cách đưa tin của chính phủ thôi là chưa đủ. Để vẽ được bức tranh toàn cảnh hiệu quả chiến lược Sáu mũi nhọn tại Mỹ, cần đánh giá góc nhìn của báo chí chính thống cùng phản ứng của người dân qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Từ hy vọng mong manh...

Khác với tưởng tượng rằng các trang báo cánh tả sẽ chạy hết công suất để ngợi ca “chiến thắng” của Tổng thống Joe Biden trên mọi lĩnh vực và cả trong cuộc chiến chống Covid-19, thì phản ứng của các trang báo như CNN, The Washington Post, CNBC, ABC,… lại khá “ảm đạm” trước các nước đi của ông Biden.

Tờ MSNBC ca ngợi rằng chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Biden là một bước đi táo bạo, khác biệt và sẽ là một điểm sáng trong nhiệm kỳ của ông. Ngay cả khi số lượng ca nhiễm Covid-19 đạt đỉnh điểm trong tháng 9 và chiến dịch tiêm vắc-xin của Tổng thống Biden không đạt được hiệu quả như mong đợi, tờ VOX vẫn thể hiện sự tin tưởng với chiến dịch này và chỉ trích sự phân cực theo đường lối chính trị. Theo VOX, tính đến tháng 7, 86% thành viên Đảng Dân chủ cho biết đã tiêm phòng, trong khi chỉ 54% thành viên Đảng Cộng hòa hoàn thành tiêm phòng, ⅕ thành viên Đảng Cộng hòa cho biết sẽ không tiêm và cho rằng sự phân cực chính trị là nguyên nhân chính khiến Mỹ tụt lại so với các nước khác về tỉ lệ tiêm chủng.

Trái lại, hai tờ báo cánh tả nổi tiếng là CNN và The Washington Post lại ngày càng giống Fox News trong việc thể hiện sự chỉ trích đối với Tổng thống Biden, đặc biệt là sau sự kiện Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Tổng thống Joe Biden công bố chiến dịch tiêm vắc-xin mới. Theo CNN, chiến dịch tiêm vắc-xin của Biden chứa đầy lỗ hổng và chính quyền của ông thiếu tầm nhìn về tình hình dịch bệnh. Thậm chí, CNN cho rằng, chính sự truyền thông không rõ ràng của chính quyền Biden đã khiến nhiều người dân Mỹ đến bây giờ vẫn không biết đến chương trình nghị sự của Biden. Ngoài CNN, The Washington Post cũng có thái độ tiêu cực đối với chiến lược chống Covid-19 của ông Biden khi cho rằng chính sách tiêm vắc-xin của Biden không thực tế và khó có thể được chấp nhận bởi đa số người dân. Thậm chí, một tờ báo của Anh, The Telegraph đã cho rằng những trang báo cánh tả này đang quay lưng lại với Tổng thống Biden.

 Các tờ báo cánh tả hoặc là chỉ trích hoặc là thể hiện hy vọng mong manh vào chiến lược mới của Mỹ. Dù không thể khẳng định được rằng truyền thông cánh tả có đang dần quay lưng với Tổng thống Biden hay không nhưng có vẻ các biện pháp phòng chống Covid-19 của ông Biden thực sự chưa hiệu quả hoặc ít nhất là không thể làm hài lòng tất cả các tờ báo cánh tả.

… đến “cách tiếp cận tuyệt vọng”

Ở phía cánh hữu, tình hình còn tồi tệ hơn. Các tờ báo theo Đảng Cộng hòa đưa tin đầy thiên vị và thành kiến, đã chỉ ra không ít vấn đề mà chiến lược của Tổng thống Joe Biden vấp phải. Theo sát từng nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh của chính phủ đương nhiệm, tờ National Review cho rằng, chiến lược mới là “cách tiếp cận tuyệt vọng” của ông Biden với Covid-19.

Không chỉ bị xem là bình mới rượu cũ , chiến lược mới bị chỉ trích nhiều nhất ở chính những mục tiêu mũi nhọn mà nó đề ra, trong đó gay gắt hơn cả là yêu cầu tăng cường tiêm phòng, xét nghiệm và yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng. Tờ Breitbart lập luận người Mỹ nên được lựa chọn và không bị áp lực , do đó việc Chính phủ yêu cầu người dân cung cấp thông tin về tình trạng tiêm chủng hay cam kết sẽ tiến hành mũi tiêm còn thiếu là vi phạm quyền tự do cá nhân.

Bên cạnh đó, những mục tiêu này cũng đi ngược lại những gì ông Biden đã phát biểu vào tháng 12, được thư ký Nhà Trắng khẳng định lại vào tháng 7, rằng nhiệm vụ tiêm chủng không phải là “vai trò của chính phủ liên bang”, và sẽ “không có sự ủy quyền trên toàn quốc”. Những sự thay đổi liên tục trong hoạt động chống dịch của Tổng thống Biden nói riêng và CDC nói chung không những chưa mang lại nhiều hiệu quả mà còn khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden sụt giảm rõ rệt. Trong cuộc thăm dò quốc gia mới nhất của Quinnipiac, 38% số người được hỏi tán thành hiệu suất của ông Biden trong khi 53% lựa chọn không. Những chỉ trích liên tục mà các tờ báo cánh hữu đưa ra rõ ràng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự ủng hộ của người dân dành cho chiến lược này.

Sáu mũi nhọn: Đúng nhưng chưa đủ?

Đứng trước tình trạng Covid-19 ngày một phức tạp và nỗ lực tuyệt vọng trong việc kêu gọi người dân thực hiện nghĩa vụ yêu nước, những quy định quyết liệt và bắt buộc là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để chấm dứt tình trạng khủng hoảng, mang Mỹ dần trở lại với quỹ đạo của mình. Tuy nhiên, là một quốc gia đề cao quyền tự do cá nhân cùng những khó khăn trong việc “truyền cho thông” của chính phủ, việc chỉ áp dụng quy định bắt buộc đối với người dân là chưa đủ.

Chiến lược Sáu mũi nhọn chưa đạt được những mục tiêu đề ra.

Lỗ hổng thứ nhất đến từ việc áp hai chữ “bắt buộc” vào người dân Mỹ. Chính phủ Biden chưa có cách thức truyền thông khéo léo để xây dựng được lòng tin, thay đổi nhận thức, thái độ của công chúng. Điều này tạo điều kiện cho những tờ báo của Đảng đối lập chớp thời cơ và truyền đi thông điệp của mình, ít nhiều khiến người dân bị ảnh hưởng trong quyết định tiêm chủng tự nguyện hay tiêm chủng miễn cưỡng. Chính phủ Biden cần xác định vấn đề cốt lõi để có cách tiếp cận phù hợp. Từ đó, xây dựng hình ảnh bộ máy cầm quyền đáng tin cậy trong mắt người dân.

Bên cạnh đó, việc “bắt buộc không triệt để” cũng là một lỗ hổng trong mục tiêu toàn diện đặt ra ban đầu của ông Biden. Leana S. Wen, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y tế Công cộng Đại học George Washington và từng là ủy viên y tế Baltimore cho rằng, Chính phủ Biden hoàn toàn có thể làm nhiều hơn và tốt hơn thế bằng cách thông báo quy định bắt buộc tiêm chủng đối với người đi máy bay hoặc tàu hỏa, làm rõ những hạn chế gặp phải nếu chưa tiêm chủng, hay đề xuất việc thúc giục các doanh nghiệp thực hiện quy tắc “không tiêm chủng, không được phục vụ” nhằm đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa mục tiêu tiêm chủng toàn dân./.    

TS Vũ Tuấn Anh - Nhóm 2 TT45B*

(*): Nguyễn Hưng Hòa, Giáp Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Thanh Mai, Ngô Thùy Dương, Trần Khánh Ly, Mai Thị Hiền

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top