Bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa của khu vực Mỹ la-tinh

13:25 22/07/2016 - Thế giới
Mặc dù đạt những thành công nhất định trong phát triển kinh tế và giúp hơn 31 triệu người dân thoát đói nghèo trong hơn hai thập niên qua, song khu vực Mỹ la-tinh hiện vẫn đối mặt những thách thức không nhỏ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại cộng với sự giảm tốc đáng kể của Bra-xin, quốc gia đầu tàu kinh tế trong khu vực Mỹ la-tinh, khiến bức tranh kinh tế chung của khu vực rộng lớn với hơn 600 triệu dân này thời gian qua không mấy sáng sủa.

Người dân Vê-nê-xu-ê-la mua sắm hàng hóa thiết yếu tại một siêu thị giáp biên giới với Cô-lôm-bi-a. Ảnh: AFP

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), kể từ năm 1990, 17 trong tổng số 33 quốc gia Mỹ la-tinh đã thành công trong việc cắt giảm tỷ lệ nghèo đói, từ 14,7% xuống còn 5,5%. Trong hai thập niên qua, các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có những bước tiến tích cực nhằm giảm đói nghèo, trở thành khu vực có nhiều tiến bộ nhất trên thế giới, với hơn 31 triệu người thoát đói nghèo trong giai đoạn 1990 - 2013.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu giảm tỷ lệ nghèo đói, bức tranh kinh tế khu vực Mỹ la-tinh hiện nay, vốn từng được xem như “ngôi sao đang lên” của thế giới trong giai đoạn phát triển vàng 2003 - 2013, lại đối mặt nhiều thách thức không nhỏ.

Năm 2016 được đánh giá là một năm nhiều gian truân đối với các nền kinh tế Mỹ la-tinh. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ đánh giá, giá nguyên liệu và hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu thô, dù phục hồi nhẹ trong những tháng vừa qua, song chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực này. Mỹ la-tinh tiếp tục là vùng dễ bị tổn thương, chịu ảnh hưởng từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và suy thoái của Bra-xin, nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ la-tinh.

Theo dự báo của Fitch, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân của Mỹ la-tinh sẽ giảm 1,2% trong năm 2016 và đạt mức tăng trưởng 1,8% vào năm 2017 khi nền kinh tế Ác-hen-ti-na tăng trưởng và Bra-xin ngừng suy giảm.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nền kinh tế khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê vẫn phụ thuộc xuất khẩu nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, càng trở nên “mong manh dễ vỡ” và thiếu bền vững. Thực tế cho thấy, giá nguyên liệu, gồm khoáng sản và dầu mỏ trên thị trường thế giới lao dốc, khiến các nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong bối cảnh những tác động bên ngoài ảnh hưởng không nhỏ sự phát triển của khu vực, tình hình nội bộ của một số quốc gia trong khu vực này cũng là bài toán khó mà các Chính phủ ở Mỹ la-tinh đang loay hoay tìm lời giải. Bra-xin tiếp tục là một trong những “điểm nóng” với bức màn chính trị rối ren sau vụ tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí Petrobras. Trong khi đó, “người hàng xóm” Vê-nê-xu-ê-la cũng đang chật vật xử lý khó khăn kinh tế - chính trị.

Ngày 13/7 vừa qua, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la N.Ma-đu-rô tiếp tục gia hạn sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp kéo dài 60 ngày, nhằm đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay bởi giá dầu lao dốc, do nguồn thu từ loại “vàng đen” này chiếm tới 96% kim ngạch xuất khẩu của Ca-ra-cát.

Trong bối cảnh đó, Mê-hi-cô, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực sau Bra-xin, vẫn duy trì mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao. FDI của nước này tăng 18% trong năm 2015, lên mức 30,28 tỷ USD, chủ yếu vào ngành công nghiệp ôtô và viễn thông, đánh dấu mức cao nhất trong vòng bảy năm qua. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này của Mê-hi-cô khó có thể đủ sức đẩy nhanh tốc độ phát triển của “đoàn tàu” kinh tế Mỹ la-tinh vốn ì ạch.

Số liệu của Ủy ban kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê của Liên hợp quốc (CEPAL) cho thấy, FDI của Mỹ la-tinh tiếp tục giảm 8% trong năm nay. Thêm vào đó, sự kiện Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu, hay còn gọi là Brexit, cũng ít nhiều tác động tình hình đầu tư nước ngoài vào Mỹ la-tinh. Theo báo La Nacion của Chi-lê, Brexit tạo tâm lý lo lắng cho giới đầu tư. Và tại thời điểm không chắc chắn như vậy, các nhà đầu tư sẽ không mấy mặn mà với các thị trường mới nổi, mà đổ vốn vào những thị trường an toàn hơn như Mỹ.

Với các thách thức có phần bủa vây dồn dập, giới phân tích nhận định, khu vực Mỹ la-tinh trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục và thúc đẩy xây dựng mô hình nhà nước hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xây dựng một mô hình kinh tế có tính cạnh tranh và năng suất cao, nhất là dần tiến tới giảm sự phụ thuộc các nguồn nguyên liệu thiên nhiên sẽ là hướng đi bền vững, bảo đảm đà tăng trưởng khởi sắc cho khu vực rộng lớn này./.

Nguồn: NDĐT

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top