Biển Đông gây sóng gió quan hệ Trung Quốc - Singapore

22:59 16/08/2016 - Thế giới
Dù không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, các cử chỉ của Singapore liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài dường như đã làm Bắc Kinh khó chịu.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải)  và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc và Singapore có quan hệ chặt chẽ, đặc biệt là trong kinh tế. Tuy nhiên, những bình luận của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7 đã làm dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh về việc mối quan hệ giữa hai quốc gia có thể đi xa đến mức nào.

Sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague ra phán quyết cho rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên trong yêu sách "đường lưỡi bò" nước này đơn phương vạch ra, ông Lý cho rằng phán quyết là "một tuyên bố mạnh mẽ" về pháp luật quốc tế trong tranh chấp hàng hải, theo SCMP.

Bắc Kinh phản ứng bằng cách kêu gọi Singapore có lập trường "khách quan và công bằng", vì Singapore là điều phối viên quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Shen Shishun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, trung tâm trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng nếu Singapore giữ lập trường tương tự Mỹ, Trung Quốc sẽ xem việc đó như là "đùa cợt với vấn đề có tính nguyên tắc".

"Trung Quốc tin rằng Singapore có thể cân bằng quan hệ giữa các cường quốc nhưng họ không nên 'đùa bỡn' với những vấn đề này", Shen nói. "Là một quốc gia châu Á, Singapore nên gần gũi hơn với Trung Quốc".

Căng thẳng cũng nổi lên hồi đầu tháng này khi ông Lý nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng ông hy vọng Washington sẽ tiếp tục tham gia tích cực trong khu vực. Ông Obama đáp lại rằng Singapore và Mỹ là "đối tác vững chắc".

Báo Trung Quốc Global Times viết trong một bài xã luận rằng chuyến đi của ông Lý đến Mỹ khiến một số người Trung Quốc "rất khó chịu", đặc biệt là khi ông Obama ca ngợi Singapore là "mỏ neo" cho sự hiện diện của Mỹ tại châu Á. Trước đó, Mỹ chỉ dùng từ "mỏ neo" để gọi Nhật Bản và Australia, hai đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ tốt

Trung Quốc và Singapore vốn có mối quan hệ tốt đẹp. Khi lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thăm Singapore năm 1978, ông rất ấn tượng với cách đất nước vận hành và sau đó ông đã xin lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu lời khuyên để đưa Trung Quốc đến thịnh vượng. Ông Lý cho rằng Trung Quốc nên mở cửa với thế giới tư bản chủ nghĩa, và trong hơn ba thập kỷ sau, Trung Quốc đã hưởng lợi từ những cải cách thị trường đó.

Hai nước cũng có liên kết kinh tế mạnh mẽ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và Singapore cũng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch "con đường tơ lụa" trên biển của Bắc Kinh. Các dự án giữa hai chính phủ, chẳng hạn như các khu công nghiệp Tô Châu và Thiên Tân, cũng là những điểm nhấn của quan hệ hợp tác.

Là người bạn đáng tin cậy với cả Bắc Kinh và Đài Bắc, Singapore đã được chọn làm nơi hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu tổ chức cuộc gặp lịch sử tháng 11 năm ngoái, đánh dấu cuộc hội đàm đầu tiên những người đứng đầu hai bờ eo biển Đài Loan trong gần 70 năm.

Ngoài ra, đảng Cộng sản Trung Quốc còn gửi cán bộ đi học ở Singapore trong hai thập kỷ qua, nhiều người trong số họ hiện là thị trưởng hoặc lãnh đạo tỉnh Trung Quốc.

Du Jifeng, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có thể cảnh giác hơn với vai trò của Singapore trong sự hiện diện chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Singapore sẽ vẫn duy trì mạnh mẽ.

Singapore không phải là một quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Bình luận của ông Lý có thể không ảnh hưởng đến hướng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, Du bình luận.

Oh Ei Sun, một thành viên cao cấp của trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Singapore, cho rằng Singapore giữ lập trường tương tự các quốc gia Đông Nam Á khác về tranh chấp Biển Đông.

"Hầu hết chúng ta coi phân xử của tòa như một nghị quyết thông thường và hiệu quả để giải quyết tranh chấp quốc tế bằng luật pháp. Vì vậy, chẳng có vấn đề gì khi một nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ những ý kiến như vậy", ông nói./.

Nguồn: VNE

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top