Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Để báo chí làm chủ thông tin trong “không gian Internet”

Môi trường truyền thông hiện nay xuất hiện hai trào lưu lớn của thế giới đương đại: “vách ngăn” giữa các phương tiện truyền thông dần dần bị phá vỡ và sự trỗi dậy của văn hóa tham gia. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mạng Internet đã tạo cho công chúng nhiều cơ hội tham gia vào quá trình sản xuất nội dung thông tin. Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho các phương tiện truyền thông truyền thống. Bài viết này, sử dụng lý thuyết “người gác cổng” phân tích những thuận lợi và khó khăn của báo chí hiện đại trong việc làm thế nào để kiểm soát cũng như chiếm lĩnh thông tin trong “không gian Internet”.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lý thuyết “người gác cổng” trong truyền thông

Khái niệm “người gác cổng” được nhà xã hội học người Mỹ Kurt Lewin đưa ra lần đầu tiên khi ông nghiên cứu vai trò “gác cổng” của các bà nội trợ đối với nguồn thực phẩm của gia đình. Năm 1947, trong cuốn sách Frontiers in Group Dynamics:II. Channels of Group Life, Kurt Lewin một lần nữa bàn về vấn đề này và chỉ ra rằng, trong hoạt động truyền thông, các nhóm luôn tồn tại một số “người gác cổng”, trong đó chỉ có những nội dung thông tin phù hợp với quy định của nhóm hoặc tiêu chuẩn giá trị của “người gác cổng” mới được đưa vào kênh truyền thông. Đến năm 1950, chuyên gia nghiên cứu truyền thông người Mỹ D.M.White đã đưa khái niệm này vào trong lĩnh vực nghiên cứu báo chí và đề xuất mô hình “gác cổng” trong quá trình sàng lọc tin tức. D.M.White chỉ ra rằng, trong xã hội tồn tại rất nhiều thông tin và đầu mối thông tin, hoạt động sản xuất và đưa tin của các hãng truyền thông cũng không thể “có tin là đưa”, mà phải là một quá trình lựa chọn, sàng lọc. Trong quá trình đó, cơ quan truyền thông hình thành một “cổng”, những thông tin được đưa qua “cổng” này và chuyển cho công chúng chỉ chiếm một số rất ít trong nguồn tài liệu, đầu mối thông tin khổng lồ đó.

Hoạt động “gác cổng” của cơ quan truyền thông trước hết thể hiện ở sự phán đoán trực tiếp “giá trị thông tin” từ các đầu mối thông tin. Tiêu chí xác định giá trị thông tin thể hiện trên hai phương diện: nghiệp vụ và thị trường. Trong đó, tiêu chí về nghiệp vụ là chỉ sự kiện phù hợp với các điều kiện để cơ quan truyền thông xử lý thông tin, còn tiêu chí thị trường phải hội tụ đủ các điều kiện thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thông tin của công chúng và thu hút được công chúng. Rốt cục, hoạt động “gác cổng” vẫn chịu sự ảnh hưởng về mục đích, tôn chỉ, lập trường, quan điểm và tiêu chuẩn giá trị của cơ quan báo chí truyền thông. Nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay, có thể khái quát 5 yếu tố ảnh hưởng đến nội dung đưa tin của các cơ quan báo chí truyền thông. Đó là sự ảnh hưởng của cá nhân nhà báo, ví dụ nhận thức, sở thích, tính cách…; cách thức làm việc thường nhật của cơ quan báo chí, ví dụ quy định về thời gian hạn chót nộp bài, yêu cầu dàn trang, cách thức trình bày các sản phẩm báo chí, cấu trúc kim tự tháp ngược trong bản tin, giá trị thông tin, nguyên tắc khách quan và sự phụ thuộc của phóng viên vào nguồn tin; sự ảnh hưởng của cơ quan báo chí truyền thông đến nội dung, ví dụ mục tiêu thu lợi nhuận có thể tác động đến nội dung bằng nhiều hình thức khác nhau; sự ảnh hưởng từ các tổ chức bên ngoài cơ quan báo chí truyền thông tới nội dung thông tin, ví dụ các nhóm lợi ích, hoặc các cơ quan, chính quyền…Do đó, hoạt động “gác cổng” ở cơ quan báo chí truyền thông không đơn giản chỉ dựa trên tiêu chí nghiệp vụ hay thị trường, mà nó còn bị ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội, thậm chí là chế độ chính trị của quốc gia đó.

Tuy nhiên, sau khi truyền thông xã hội phát triển, chức năng “gác cổng” của các phương tiện truyền thông truyền thống trở nên suy yếu, khả năng kiểm soát trực tiếp của chính phủ trong môi trường truyền thông xã hội bị giảm. Song, các nước vẫn có thể “gác cổng” các luồng thông tin được truyền thông qua mạng Internet bằng nhiều phương thức khác nhau nhờ khoa học – kỹ thuật hiện đại.

Khái niệm “văn hóa tham gia” (participatory culture) do Giáo sư người Mỹ Henry Jenkins đưa ra lần đầu tiên vào năm 1992. Thuật ngữ này dùng để chỉ loại hình văn hóa truyền thông kiểu mới tự do, bình đẳng, công khai, bao dung, cùng chia sẻ, lấy web.2.0 làm nền tảng, coi cư dân mạng là chủ thể. Lớp công chúng mới này rất tích cực, chủ động tham gia vào quá trình sáng tạo nội dung truyền thông và hoạt động giao lưu qua mạng Internet.

Cần chiếm lĩnh “không gian Internet”

Khi bàn về sự ảnh hưởng của Internet đối với lĩnh vực truyền thông đại chúng, một trong những chủ đề được nhiều học giả trên thế giới bàn luận nhiều nhất là phải chăng hoạt động “gác cổng” của cơ quan báo chí truyền thông cũng tồn tại và phát huy vai trò đối với công chúng? Một trong những lý do để đặt ra câu hỏi này là trong cấu trúc truyền thông của mạng Internet, công chúng luôn tìm mọi cách để vượt qua mọi “rào cản”, nhằm tìm được những nội dung mà họ cần, điều đó cho thấy, dường như “người gác cổng” sẽ không thể tồn tại.

Một điều rõ ràng là, những nội dung mà các trang web thông tin cung cấp cho công chúng ngày càng tăng nhanh, điều đó đồng nghĩa với việc cần có nhiều sự sàng lọc hơn – tức “gác cổng” đối với những thông tin đó hơn; mặt khác, nếu xét trên phạm vi toàn cầu, mức độ tự do có thể tự lựa chọn của con người cũng ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với việc hoạt động “gác cổng” giảm đi. Như vậy, ở đây tồn tại khái niệm “gác cổng” ở hai cấp độ khác nhau: Thứ nhất, cấp độ vi mô, tức là một số trang thông tin điện tử tự “gác cổng” đối với các nội dung trên trang web của mình; Thứ hai, ở cấp độ vĩ mô, tức là “gác cổng” trong cả môi trường truyền thông Internet. Thực tế hiện nay cho thấy, hoạt động “gác cổng” ở tầm vi mô không những giảm đi mà còn được tăng cường hơn. Xét về số lượng thông tin, ngày nay một cơ quan truyền thông chuyên nghiệp có thể cung cấp lượng thông tin nhiều hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng điều này không có nghĩa rằng, những thông tin đó không trải qua khâu sàng lọc, lựa chọn, mà ngược lại, nếu cơ quan truyền thông chuyên nghiệp cũng mang hết mọi thông tin thu thập được để sử dụng sẽ khiến website của mình biến thành một trang tạp nham đủ loại nội dung, thậm chí có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho xã hội. Kết quả sẽ khiến độ hài lòng của công chúng dành cho cơ quan truyền thông giảm sút, thương hiệu bị mất giá trị và cuối cùng có thể dẫn đến sự thất bại trong kinh doanh. Do đó, các cơ quan truyền thông vẫn phải áp dụng các biện pháp “gác cổng”, đồng thời dùng các công nghệ truyền thông số hoặc các hình thức biên tập để thể hiện ý đồ của mình. Vậy hai cấp độ “gác cổng” này đã phát huy vai trò như thế nào đến nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng cũng như dư luận xã hội. Có thể thấy, dù công chúng vượt qua sự kiểm soát về mặt vĩ mô như thế nào để khai thác được thông tin, nhưng cuối cùng họ vẫn phải truy cập vào một website nào đó để đọc tin. Nói cách khác, công chúng vẫn có thể lọt vào “phạm vi thế lực” của một “người gác cổng” vi mô nào đó. Do đó, trong hoạt động truyền thông Internet, cái bị suy yếu đi chủ yếu là chức năng “gác cổng” của chính phủ chứ không phải chức năng “gác cổng” của cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp. 

Mặc dù khả năng kiểm soát trực tiếp của chính phủ giảm đi phần nào, nhưng để giữ được vị thế của mình trong môi trường quốc tế trên mạng Internet, chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp khác, một trong những biện pháp đó là sự mở rộng độ ảnh hưởng cho một số cơ quan báo chí lớn tại chính nước mình, nhằm hạn chế việc mất đi lượng công chúng mục tiêu, đồng thời tăng cường tiếng nói của chính phủ trên mạng Internet. Đặc biệt trong bối cảnh Biển Đông đang “nóng” từng giờ, từng phút như hiện nay, rất cần sự ủng hộ tuyệt đối của chính phủ đối với các cơ quan báo chí truyền thông, nhất là những cơ quan báo chí lớn cần được tạo điều kiện tốt về tài chính, chính sách để chúng ta có tiếng nói mạnh mẽ trên “môi trường” truyền thông quốc tế. Từ đó, các hãng truyền thông lớn trên thế giới có thông tin đầy đủ để tuyên truyền hộ chúng ta những chủ trương đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế…tạo sức mạnh đồng thuận cao trong việc bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo.

“Người gác cổng” trên Internet

Trên thực tế, lý thuyết “người gác cổng” trong lý thuyết truyền thông là chỉ hoạt động “gác cổng” của cơ quan truyền thông. Sự khu biệt liên quan đến cấp độ “gác cổng” đề cập ở trên cũng cho thấy, trong mạng Internet, “người gác cổng” truyền thống vẫn tồn tại, đồng thời sẽ phát huy vai trò ở  mức độ nào đó.

Đương nhiên, nếu chúng ta phân tích sâu hơn hoạt động “gác cổng” của chính phủ và sự ảnh hưởng của nó đối với hoạt động “gác cổng” của cơ quan truyền thông dựa trên cơ sở nhận thức về hoạt động “gác cổng” của cơ quan truyền thông thì có thể lý giải sâu hơn về tác nhân của hoạt động “gác cổng” trong cơ quan truyền thông. Một suy đoán khác cho rằng, “người gác cổng” mạng Internet sẽ biến mất, bởi Internet đã làm thay đổi phương thức chủ thể truyền thông “tung ra” thông tin trước đây, thay vào đó công chúng chủ động “kéo” thông tin lại với mình, điều này cũng cho thấy, vai trò của “người gác cổng” sẽ không còn tồn tại.

Tuy nhiên, chúng ta nên ý thức  rằng, hành động “kéo” của công chúng vẫn nằm trong phạm vi nội dung “tung ra” của chủ thể truyền thông. Mặc dù xét từ góc độ số lượng, dư địa công chúng có thể lựa chọn lớn hơn rất nhiều, nhưng điều này không làm thay đổi vị thế định hướng của người truyền thông. Như đã phân tích ở trên, cuối cùng công chúng vẫn  bước vào “phạm vi thế lực” của một (một vài) nhà truyền thông nào đó. 

Xét một cách tổng thể, các nước có nền khoa học - kỹ thuật và kinh tế phát triển sẽ chiếm vị thế chủ đạo trên mạng Internet, lượng thông tin trên mạng Internet hầu hết do một số ít nước phương Tây lũng đoạn, trong hoàn cảnh đó, cơ hội để công chúng của các quốc gia hoặc khu vực “yếu thế” “kéo” những thông tin phù hợp với giá trị quan của mình sẽ rất ít ỏi.

Nhìn từ thực tế đời sống truyền thông hiện nay có thể thấy, nếu công chúng không muốn bị “ngập lụt” trong biển thông tin mạng Internet, có thể dùng phương pháp đơn giản nhất là sử dụng công nghệ hiện đại của Internet để thu được những thông tin có giá trị nhất mà mình mong muốn. Đương nhiên, hiện tại công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai ban đầu, quá trình thực hiện cụ thể vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Nhưng xét về lâu dài, Interface Agent (tác tử giao diện) mà Nicholas Negroponte chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng của Mỹ nói đến sẽ xuất hiện. Tác tử giao diện chính là một “người gác cổng” khá rõ nét.

“Gác cổng” thế nào trên mạng Internet?

Hoạt động “gác cổng” ở cấp độ vĩ mô vẫn là việc chính phủ trực tiếp “gác cổng”, bao gồm: thông qua các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát, ví dụ “phong tỏa” một số website. Đương nhiên, người ta có thể dễ dàng vượt qua sự kiểm soát về mặt kỹ thuật bằng cách sử dụng Proxy sever. Ví dụ, sau sự kiện "Mùa xuân Arab" ở Bắc Phi, Trung Đông năm 2010, đặc biệt là vụ bạo loạn tại Anh năm 2011, các blog và trang cá nhân trên các mạng xã hội đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với dư luận xã hội. Ngày 23-8-2011, hơn 1.400 người đã phải có mặt tại tòa vì có liên quan đến vụ bạo loạn, cướp bóc tại London và một số địa phương khác. Theo Bộ Tư pháp Anh, 157 người đã bị kết án, 327 người được bảo lãnh tự do và hơn 800 người vẫn bị tạm giam. Trước đó, Jordan Blackshaw, 21 tuổi và Perry Sutcliffe-Keenan, 22 tuổi, đều ngụ tại Cheshire đã bị tuyên án 4 năm tù vì kích động bạo loạn trên Facebook. Trong khi đó, David Glyn Jones, 21 tuổi ở Bangor, phía Bắc xứ Wales đã bị bắt giam 4 tháng sau khi kêu gọi bạn bè trên Facebook: "Hãy bắt đầu cuộc bạo loạn Bangor". 

Ngoài ra, trong đời sống truyền thông hiện đại, hoạt động “gác cổng” ở cấp độ vi mô được coi là  “gác cổng” đối với một website cụ thể có thể thực hiện thông qua các hình thức: lựa chọn nội dung để gác cổng; thiết kế kết cấu và giao diện website để gác cổng. Điểm này cơ bản giống với các phương tiện truyền thông truyền thống; thông qua công nghệ “đẩy” (push technology), ví dụ gửi cho công chúng email và các công nghệ tương ứng có thể xuất hiện trong tương lai, đưa các giá trị quan phù hợp với mình và coi đó là những thông tin quan trọng nhất.

Dù sao đi nữa, trong môi trường hội tụ truyền thông, báo chí vẫn phải “chiếm lĩnh” và làm chủ thông tin trong “không gian Internet”, từ đó mới thực sự trở thành người định hướng dư luận xã hội. Một trong những kinh nghiệm của Anh trong việc quản lý mạng xã hội đó là xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng mạng xã hội để chống phá chính phủ. Để kịp thời ngăn chặn những vụ bạo loạn tương tự xảy ra, Chính phủ Anh đã ban hành lệnh hạn chế truy cập, thậm chí là ngắt kết nối một số dịch vụ trực tuyến, viễn thông nếu xảy ra bạo loạn. Ngoài ra, nhằm siết chặt hơn nữa việc quản lý blog và các trang cá nhân trên mạng xã hội, Bộ Nội vụ Anh đã làm việc với Twitter, Facebook và Blackberry nhằm bàn thảo các biện pháp để ngăn chặn người sử dụng thực hiện các âm mưu bạo loạn trực tuyến. Sau buổi làm việc, Facebook cho biết, sẽ ưu tiên xem xét các nội dung được cho là nghiêm trọng trong thời điểm nhạy cảm như các cuộc bạo loạn” để thực hiện cam kết với Chính phủ Anh. 

PGS,TS Nguyễn Thành Lợi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top