Quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật trên Báo Quân đội nhân dân

Với vai trò là cơ quan báo chí của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt Nam, trong những năm qua, Báo Quân đội nhân dân đã có nhiều bài viết sâu sắc về nhiều chủ đề khác nhau, góp phần chuyển tải thông tin quan trọng liên quan đến nhiều khía cạnh của đời sống văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cần có chiến lược quản lý một cách khoa học hơn cả về nội dung và hình thức, từ đó nâng cao hiệu quả thông tin văn hóa, nghệ thuật trên Báo Quân đội nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng Ban Biên tập Báo QĐND. Ảnh: TL

Quản lý thông tin văn hoá, nghệ thuật

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ tuyên truyền tốt các lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, xã hội, đối ngoại, Báo Quân đội nhân dân luôn đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm mới và các hoạt động thông tin văn hóa, nghệ thuật đến quảng đại quần chúng theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời làm tốt công tác quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật. Đây là hoạt động quan trọng của Báo Quân đội nhân dân góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tuyên truyền về bản chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới và xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển vượt trội của cuộc cách mạng 4.0, sự phát triển của nền kinh tế thị trường và đặc biệt là nhu cầu thông tin của độc giả ngày càng được nâng cao đã tác động không nhỏ đến hoạt động báo chí nói chung và công tác quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật nói riêng. Hơn nữa, các thế lực thù địch luôn ra sức chống phá thành quả cách mạng ta bằng nhiều thủ đoạn, trong đó có lợi dụng báo chí, văn hóa, nghệ thuật để xuyên tạc, tuyên truyền kích động bằng nhiều hình thức… Vì vậy, công tác quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, trong đó có Báo Quân đội nhân dân.

Những biểu hiện dễ nhận thấy là thông tin sự kiện văn hóa, nghệ thuật nổi bật chưa được cập nhật thường xuyên, liên tục và thậm chí chậm hơn so với những báo khác. Thông tin văn hóa, nghệ thuật được đăng trên báo có lúc ồ ạt, khi lại rất thưa. Xét ở cùng một thời điểm, nếu như số lượng tác phẩm trong chuyên mục Đời sống được cập nhật liên tục, thường xuyên, thông tin ở mục Văn học – Nghệ thuật, Giải trí, Sách cập nhật lại rải rác và cục bộ.

Báo chủ yếu sử dụng thể loại thông tấn báo chí để đưa tin nhanh về các sự kiện văn hóa, văn nghệ, còn các thể loại khác như phóng sự ảnh, bình luận về các vấn đề văn hóa, nghệ thuật giá trị chưa nhiều. Hoặc có nhưng chưa được khai thác chuyên sâu, thiếu tính định hướng, chưa đủ tác động và thu hút người đọc.

Đôi lúc, những tác phẩm báo chí cảm thụ văn học lại đăng trên mục “Đời sống”, những tin tức, sự kiện văn hóa, văn nghệ lại đăng trên mục “Giải trí” và ngược lại; hay cùng một chủ đề tác phẩm nhưng lại đăng ở nhiều chuyên mục khác nhau. Điều này đã làm giảm tính khoa học của báo.

Đối tượng độc giả là cán bộ, chiến sĩ toàn quân, thế nhưng, số lượng bài viết về chủ đề người lính, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”; những nội dung chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh văn hóa; các tác phẩm phân tích giá trị văn hóa, văn học, văn nghệ nổi bật còn rất ít, thậm chí là khan hiếm. Ngoài ra, báo còn sử dụng một số tác phẩm, tin, bài chủ đề văn hóa, nghệ thuật nhưng chưa thực sự phù hợp với đặc điểm và thị hiếu của công chúng…

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên, trong đó có công tác quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật trên Báo Quân đội nhân dân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ sự thiếu đồng bộ, thống nhất hoạt động giữa lãnh đạo cơ quan báo chí với đội ngũ nhân lực sản xuất. Đội ngũ sáng tác còn thiếu nhạy cảm trong phát hiện và chậm triển khai đề tài. Ngoài ra, việc kiểm chứng, xác thực thông tin, công tác biên tập còn chậm dẫn tới sự chậm trễ trong quá trình sản xuất, phát hành tác phẩm báo chí.

Những phiên bản báo in của Báo QĐND. Ảnh: TL

Đi tìm giải pháp

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra một số gợi ý sau:

Một là, quán triệt thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về văn hóa, nghệ thuật, báo chí cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên báo Quân đội nhân dân.

Tập trung quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị về văn hóa, văn nghệ và báo chí; chỉ rõ ý nghĩa, vai trò của công tác báo chí với thông tin văn hóa, văn nghệ đối với việc nâng cao đời sống tinh thần cho quần chúng nhân dân và cán bộ chiến sĩ.

Cụ thể, cần tăng cường học tập Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”; học tập Chỉ thị 47/CT-ĐUQSTW “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản, in và phát hành sách, báo trong quân đội”; Quy chế 199/2007/QĐ-BQP “Về quản lý báo chí trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Chỉ thị số 355-CT/QUTW ngày 20/4/2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quân đội giai đoạn hiện nay”.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, các quy định có liên quan đến hoạt động báo chí, hoạt động của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, văn nghệ sĩ...

Có thể thấy, trên cơ sở học tập Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cán bộ, nhân viên, đội ngũ Biên tập viên, nhà báo, phóng viên Báo Quân đội nhân dân sẽ đạt hiệu quả tích cực trong quá trình tác nghiệp và cho ra đời những tác phẩm báo chất lượng cao và có sức lan tỏa rộng rãi. Đồng thời, Báo Quân đội nhân dân sẽ có những kế hoạch, định hướng cụ thể để quản lý và phát triển cơ quan báo chí sao cho đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích.

Hai là, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Quan tâm đến con người, trực tiếp là cán bộ, phóng viên và biên tập viên của báo, là biện pháp “đột phá” nâng cao chất lượng quản lý thông tin văn hóa nghệ thuật nói riêng và cơ quan Báo nói chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên có đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm các yêu cầu về phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, từng bước đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của báo chí hiện đại. Hằng năm, cơ quan chủ quản và Báo Quân đội nhân dân cần rà soát, đánh giá hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; chuẩn bị đội ngũ kế cận các chức danh chủ chốt, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào các vị trí quan trọng, nhất là ở khâu nội dung.

Cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, khích lệ đội ngũ cán bộ chiến sĩ quân đội tham gia viết bài cho Báo. Thường xuyên mở lớp tập huấn với nội dung cụ thể, sinh động để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ báo chí giai đoạn mới.

Ba là, tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng, triển khai và thực hiện kế hoạch phân công, phân cấp trong định hướng sáng tác, công bố sản phẩm và quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật trên Báo Quân đội nhân dân.

Định hướng nội dung sáng tác hàng tuần, hàng tháng trên cơ sở bám sát sự kiện thực tế và bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chú trọng đặt bài từ những chuyên gia nghiên cứu, người có chuyên môn, kiến thức uyên thâm, hiểu biết sâu sắc về văn hóa, nghệ thuật để bài báo có sức nặng về nội dung và thu hút được nhiều bạn đọc có nhu cầu nâng cao nhận thức về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Cần nhấn mạnh rằng, việc cắt cử, phân công nhiệm vụ theo dõi thông tin để sáng tạo tác phẩm báo chí phải dựa trên năng lực chuyên môn, trình độ hiểu biết và bản lĩnh chính trị vững vàng của người được tuyển chọn.

Tập trung đổi mới phong cách thể hiện và nội dung tuyên truyền theo hướng lấy bạn đọc làm trung tâm. Đối tượng độc giả là cán bộ chiến sĩ, quần chúng nhân dân, Báo cần tăng số lượng, chất lượng những tác phẩm chủ đề về con người, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, hậu phương, người vợ lính, bà mẹ Việt Nam anh hùng…; chọn lọc tin, bài phản ánh sự kiện văn hóa, nghệ thuật phù hợp; tăng số lượng các tác phẩm cảm thụ, phê bình, đánh giá văn học, sự kiện văn hóa chính trị để góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, bác bỏ thông tin sai lệch và định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực.

Tăng số lượng video, audio, các phóng sự ảnh động, bảng biểu, đồ họa... phù hợp với phương thức làm báo hiện đại và nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng; tăng cường tổ chức các chương trình giao lưu trực tuyến và các cuộc tường thuật trực tiếp những sự kiện chính trị - xã hội, văn hóa, nghệ thuật lớn của đất nước nói chung và quân đội nói riêng.

Chú trọng công tác đánh giá chất lượng tác phẩm báo chí viết về văn hóa, nghệ thuật thông qua lượt truy cập bài viết, phản hồi và tương tác của độc giả. Để trên cơ sở đó điều chỉnh chủ đề và phong cách thể hiện tác phẩm báo chí về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đồng thời, thông qua theo dõi phản hồi, tương tác của độc giả sẽ đánh giá, phân loại được nhóm tác giả sáng tác. Từ đó, làm căn cứ để đặt bài tác giả có phong cách viết thu hút độc giả; khoanh vùng những chủ đề được công chúng chú ý, yêu thích để tiếp tục đổi mới trong sáng tác.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên sáng tạo các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Cần có chế độ đãi ngộ, khuyến khích đội ngũ phóng viên, nhà báo có tài, người có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp báo chí, nhất là các nhà báo hoạt động văn hóa, nghệ thuật thường xuyên ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hải đảo...

Những nhà báo có bài viết nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật ở thể loại khó, có sức nặng thông tin nên được chấm nhuận bút và thưởng cao hơn so với những tác giả viết thể loại tin, bài đơn giản. Đây cũng là cách để thể hiện sự trân trọng những “cây viết tốt” và là động lực để các phóng viên, cộng tác viên hướng ngòi bút đến các thể loại chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật.

Cần có các hình thức phù hợp nhằm tôn vinh cán bộ báo chí có thành tích xuất sắc, có cống hiến lớn đối với ngành và xã hội. Tổ chức phát động những giải báo chí về sáng tác văn hóa, văn học, nghệ thuật... cùng giải thưởng hấp dẫn, có ý nghĩa để thu hút người làm báo đam mê sáng tạo và cống hiến.

Báo QĐND ở các quân khu. Ảnh: TL

Năm là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ trong quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật.

Đây là giải pháp mang tính kỹ thuật, nhưng rất quan trọng trong kỷ nguyên kỹ thuật số phát triển như hiện nay. Ứng dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ trong hoạt động báo chí sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm an toàn thông tin mạng; xử lý kịp thời các sai sót, tình huống bất lợi phát sinh một cách nhanh chóng, nhất là trên các nền tảng báo mạng điện tử, mạng xã hội, trang fanpage liên quan đến thông tin văn hóa, nghệ thuật của Báo Quân đội nhân dân.

Tích cực đầu tư nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phục vụ hoạt động tác nghiệp báo chí theo hướng hiện đại, đồng bộ, đi trước đón đầu công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu làm báo đa phương tiện và thích ứng với sự phát triển, xu hướng hội tụ của báo chí, truyền thông hiện đại.

Chú trọng gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, phù hợp với chủ trương điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam và nhiệm vụ của quân đội, đặc thù quân sự, quốc phòng.

Quản lý thông tin văn hóa, nghệ thuật của Báo Quân đội nhân dân là nhằm bảo đảm cho hoạt động sáng tác, công bố các tác phẩm báo chí tuyên truyền theo đúng quan điểm, đúng chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp thị hiếu, nhu cầu của độc giả.

Đồng thời khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức thể hiện tác phẩm báo chí và chất lượng, hiệu quả quản lý thông tin báo chí nói chung và thông tin văn hóa, nghệ thuật nói riêng, góp phần khẳng định và nâng cao uy tín, vai trò của Báo Quân đội nhân dân, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, là tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam./.

Bùi Thị Nga

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top