Phía sau trang viết
16:28 28/02/2017
- Báo chí & Công chúng

Làm công tác từ thiện - một trong những hoạt động xã hội quan trọng của các cơ quan báo chí. Ảnh: Thành Nam
1. Còn nhớ... một buổi tối giữa mùa mưa năm 2000, giọng nhà văn Vĩnh Quyền - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung - Tây Nguyên, nhỏ... từng giọt mà như ra lệnh: “Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn vừa quyết định, cứu trợ khẩn cấp đồng bào Ninh Thuận, Quỹ Tấm Lòng Vàng Báo Lao Động chi 30 triệu đồng. Bảo Chân mượn tiền đâu đó..., đi gấp và nhớ là ngày mai có bài ghi nhanh gửi kèm ảnh về tòa soạn, càng sớm càng tốt, hỉ!”.
Gác máy, cấp tập lo thu xếp... bằng mọi giá sáng sớm mai phải có mặt tại Ninh Thuận. “Bằng mọi giá!”, “trao tận tay đồng bào vùng lũ!” - tôi hiểu đó là mệnh lệnh, là quy ước; từ lâu đã ăn sâu vào suy nghĩ, tình cảm của mỗi PV Báo Lao Động khi đã vác trên vai “Tấm Lòng Vàng”. Vì điều đó, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình và luôn luôn nhận được sự đồng cảm của những người làm công tác xã hội trên địa bàn.
Muốn chuyển những món quà của “Tấm Lòng Vàng” đến đúng địa chỉ trong thời gian sớm nhất, chúng tôi luôn dựa vào hệ thống tổ chức công đoàn tại địa phương để cập nhật thông tin. Những lúc cần kíp, Liên đoàn Lao động Khánh Hòa (nơi đứng chân của VPĐDTT Báo Lao Động tại Nam Trung Bộ) đã tạm ứng tiền, giúp đỡ phương tiện và cùng tôi vào Ninh Thuận hoặc ra Phú Yên.
Hôm ấy, nước lũ tràn về gây tắc nghẽn giao thông cả đường sắt, đường bộ. Thức trọn đêm với... túi tiền và nỗi lo không hoàn thành nhiệm vụ, hết lên tàu lại xuống xe, 2 lần đổi ô tô khách rồi lại chuyển sang xin quá giang xe tải..., cuối cùng thì tôi cũng đến nơi vào 9 giờ sáng ngày hôm sau. Đó là thời điểm nước sông Quao, sông Dinh đang dâng lên và đã vượt quá mức báo động 3, rất may là trước đó các anh chị em ở Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Thuận kịp thời tạm ứng tiền mua gạo, đóng gói chở đến điểm tập kết vì biết rằng bà con vùng lũ đã nhịn đói suốt 1 ngày.
Hai tuần sau, nhà văn Vĩnh Quyền trực tiếp vào xã Phước Thuận thông báo quyết định của Tổng Biên tập: “Quỹ “Tấm Lòng Vàng” tiếp tục hỗ trợ vùng rốn lũ 500 triệu đồng để xây dựng 1 ngôi trường 2 tầng”! Công trình thi công trong vòng 12 tháng. Cuối năm 2001, chúng tôi trở lại nghiệm thu công trình lại được nghe Bí thư Huyện uỷ Ninh Phước và bà con nông dân nhận xét rằng, “trường lầu là trung tâm tránh lũ kiểu mẫu của địa phương”. Còn gì hạnh phúc hơn?
PV Bảo Chân (áo màu cam) trong một lần làm từ thiện. Ảnh: PV
2. Cũng trong năm 2000, lũ chồng lũ, thời điểm ấy, Báo Lao Động chỉ có 1 phóng viên duy nhất thường trú tại khu vực Nam Trung bộ, tôi như “con thoi” đi - về giữa Khánh Hòa - Phú Yên và Khánh Hòa - Ninh Thuận. Có ngày “quay qua, quay lại” giữa 3 tỉnh, mệt thì rất mệt nhưng mà hạnh phúc, bởi vì dù trong hoàn cảnh nào, PV Báo Lao Động cũng luôn luôn có mặt sớm nhất ở vùng rốn lũ, để chuyển hàng cứu trợ đến tận tay đồng bào và phản ánh kịp thời diễn biến tình hình thiệt hại do thiên tai.
Một lần khác, tôi và nhà văn Vĩnh Quyền đi cứu trợ tại một làng “kinh tế mới” ở cực Nam huyện Ninh Phước, quà từ thiện là tiền của bạn đọc cả nước gửi đến Quỹ “Tấm Lòng Vàng”, theo đề nghị của chính quyền cơ sở, căn cứ mức độ thiệt hại và hoàn cảnh khó khăn của từng hộ để hỗ trợ từ cao đến thấp. Có 100 trường hợp được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Sau khi thông qua danh sách đối tượng cứu trợ, tôi bỗng nghe rộ lên tiếng xì xào, rồi lại nhìn thấy một vài phụ nữ bế con đứng ở ngoài sân (không có tên trong danh sách) bỗng òa khóc. Lúc đó, linh tính nghề nghiệp mách bảo, tôi tin rằng có chuyện không vui, xuất phát từ danh sách bình chọn thiếu công bằng.
Sau đó, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của “người trong cuộc” trên tinh thần công khai, minh bạch, tôn trọng sự thật và bảo đảm công bằng, đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Thuận và đại diện chính quyền sở tại đến thăm từng hộ gia đình có tên trong danh sách được cứu trợ.
Vâng, bấy giờ, chúng tôi đã lội bộ từ cánh đồng này đến triền núi nọ để “tai nghe, mắt thấy” diễn biến tình hình thực tế đúng như phản ánh của người dân: 2 cán bộ lãnh đạo cao nhất của xã Phước Minh đã lợi dụng chức vụ, đưa 2 hộ không bị thiệt hại vào danh sách đối tượng bị thiệt hại nặng nhất để nhận tiền cứu trợ.
Tôi thực hiện lời hứa - câu chuyện sẽ kết thúc có hậu - thu hồi toàn bộ số tiền (4.000.000 đồng) từ 2 hộ nói trên để hỗ trợ cho 5 trường hợp khác. Quyết định của tôi không những được cả làng ủng hộ, mà đại diện các cấp lãnh đạo huyện Ninh Phước và tỉnh Ninh Thuận đồng tình. Nhưng tôi đã không đề cập tới câu chuyện đau lòng mà đến bây giờ mới kể, bởi tôi hiểu nếu sự thật được phơi bày, e rằng sẽ gây phản cảm trong dư luận. Và rất có thể, sau khi báo phát hành, nhiều đoàn cứu trợ khác sẽ không đến với những con người khốn khổ ở vùng lũ Phước Minh?
PV Bảo Chân (áo kẻ) thăm hỏi, động viên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: PV
3. Năm 2001, cơn bão Lingling (bão số 8) quái ác đổ bộ vào 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định lúc nửa đêm. Ngay sau khi gửi đi bản tin đầu tiên, tôi nhận lệnh của Trưởng VPMT Vĩnh Quyền: “Đi Phú Yên cứu trợ khẩn cấp những gia đình có người bị chết, bài và ảnh phải gửi về toà soạn trong ngày!”. Lúc ấy là 10 giờ 30 phút, tất nhiên phải lên đường ngay lập tức. Bấy giờ, đoạn đường quốc lộ 1A Tuy Hoà - Sông Cầu bị mưa lũ cày nát, chỉ hơn 60 cây số vậy mà mãi gần 4 giờ chiều chúng tôi mới đến UBND huyện.
Nửa giờ sau, bài và ảnh đã có trong tay nhưng làm thế nào gửi về toà soạn trong tình thế ở Tuy Hoà chưa có dịch vụ Internet công cộng? Tôi lang thang đến tất cả những người quen biết nhưng sau mấy ngày mưa bão, máy nào cũng bị ẩm, không khởi động được! Nhưng rồi cuối cùng tôi gặp may khi được một người tên Sơn - kỹ thuật viên Tổng đài bưu điện Phú Yên nhiệt tình giúp đỡ, cuối cùng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và đó là bài báo gửi về tòa soạn muộn nhất trong ngày. Liên lạc với Văn phòng Báo Lao động tại miền Trung Tây Nguyên, Phó văn phòng Nguyễn Trung Hiếu reo lên phía bên kia đầu dây: “Báo sắp in rồi!”. Trời đổ mưa. Cái gió Tuy Hoà mới dữ dội làm sao, vậy mà tôi cảm thấy ấm áp lạ kỳ.
Có những ngày tác nghiệp đầy khó khăn, trở ngại, nhưng chúng tôi đã phải đưa ra quyết định chớp nhoáng giống như người lính trên trận địa. Kỷ niệm tự nó nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp bản lĩnh của mỗi người, phía sau trang viết luôn nặng trĩu tấm lòng./.
Bảo Chân
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)