Chuyển đổi nội dung số trong hệ thống cơ quan báo chí Trung ương Đoàn hiện nay

14:08 12/12/2022 - Góc nhìn
Chuyển đổi nội dung số trong lĩnh vực báo chí là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí dù lớn hay nhỏ đều có nhu cầu tự thân phải chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ làm báo. Chuyển đổi nội dung số không chỉ khiến cho độc giả của báo chí thay đổi mà mô hình hoạt động của các tòa soạn cũng thay đổi. Làm thế nào để dung hoà giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí trước nhu cầu chuyển đổi số hiện nay là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt. Nội dung bài viết sau đây sẽ góp phần làm rõ thực trạng và giải pháp tăng cường chuyển đổi nội dung số trong hệ thống cơ quan báo chí trung ương Đoàn.

Những kết quả đạt được trong chuyển đổi nội dung số

Cùng với việc đẩy mạnh công tác quản lý báo chí, vấn đề quản lý hoạt động chuyển đổi nội dung số của các tờ báo thuộc hệ thống báo chí Trung ương Đoàn thời gian gần đây đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, quản lý thuộc quyền để thay đổi, điều chỉnh theo hướng cởi mở hơn, phù hợp với môi trường truyền thông số.

Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí (báo Thanh niên, báo Tiền phong, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) được tuyển chọn có nhận thức chính trị vững vàng, có bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người làm báo. Việc tuyển chọn phóng viên, đề bạt cán bộ vào chức danh quản lý được các báo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các quy định hiện hành.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chú trọng tạo điều kiện bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí thuộc quyền về chuyển đổi số, từ đó nâng cao chất lượng nội dung thông tin của báo, đảm bảo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đồng thời thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí được Luật Báo chí quy định.   

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí thuộc quyền đã xây dựng quy chế hoạt động, quy chế tổ chức hoạt động, quy chế quản lý tài chính của đơn vị và hàng năm đều có báo cáo cấp trên về hoạt động của cơ quan liên quan đến tổ chức nhân sự, hoạt động của cán bộ, phóng viên, về nội dung thông tin, những vấn đề sai sót, vi phạm, về việc chấp hành chế độ kế toán, thống kê, thanh tra thuế, kiểm tra tài chính theo quy định của pháp luật. Điều này góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyển đổi nội dung số từ nguồn nhân lực, tài chính tới cơ chế chính sách.

Nhờ thực hiện chuyển đổi nội dung số, các tờ báo khảo sát đã đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là những cơ quan báo chí chủ lực của trung ương Đoàn- một tổ chức chính trị- xã hội có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Việc chuyển đổi nội dung số của các tờ báo thuộc hệ thống Trung ương Đoàn đã góp phần đảm bảo kịp thời cung cấp thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp linh hoạt, chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh của tỉnh và của các địa phương để người dân an tâm, tin tưởng và đồng thuận, chung tay, góp sức phòng, chống dịch. Thông qua quản trị quyết liệt, kịp thời, những thông tin liên quan đến quy định với người đi và về từ vùng dịch, hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử phạt... liên tục được khuyến cáo để toàn xã hội nâng cao ý thức và chấp hành nghiêm túc các quy định. Không quản khó khăn, nguy hiểm, nhiều phóng viên đã “lăn lộn”, đồng hành cùng các lực lượng tuyến đầu để thực hiện kế hoạch tuyên truyền của cơ quan, chung tay với tỉnh thực hiện nhiệm vụ chung.

Một số tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, trong một số thời điểm, quy trình tổ chức sản xuất chưa thực sự chặt chẽ, việc chuyển đổi nội dung số chưa bao quát được tính chính xác trong nguồn tin của phóng viên. Thực tế cho thấy, dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi đó điều kiện tác nghiệp của phóng viên gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Trong tháng 5 và tháng 6/2021, liên tiếp có phóng viên của báo mắc lỗi nghiệp vụ, dẫn tới thông tin đăng tải trên báo bị sai lệch, phải điều chỉnh thông tin, ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.

Người nhập nội dung làm rõ các nguồn tin bằng cách điền nội dung ngắn gọn vào ô ghi chú nguồn tin hoặc ô link nguồn tin tại hệ thống quản trị nội dung Báo mạng điện tử Thanh niên (tiếng Anh là Content Management System, viết tắt là CMS).

Trong đó, với tin bài do phóng viên toà soạn đi thực tế để viết hoặc từ nguồn cộng tác của các cộng tác viên: Yêu cầu người nhập nội dung cung cấp thông tin ngắn gọn về đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin; tên văn bản được cung cấp (ví dụ cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, kết luận điều tra, kết luận thanh tra, thông tin từ văn bản của UBND thành phố…) và cách thức tiếp nhận thông tin (phỏng vấn qua điện thoại, tin nhắn, phỏng vấn trực tiếp…

Thứ hai, việc đầu tư cho công nghệ trong chuyển đổi nội dung số tại các tòa soạn đã có những thay đổi lớn, tuy nhiên chưa đủ mạnh để chuyển đổi mạnh mẽ sang tòa soạn online trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thực tế tại tòa soạn thời gian qua cho thấy công nghệ của các tờ báo khảo sát còn nhiều hạn chế, thiếu kênh tương tác trên các mạng xã hội. Dù đã có thêm các phiên bản báo mạng điện tử hàng đầu hiện nay nhưng vấn đề công nghệ vẫn được coi là một điểm yếu cần phải tiếp tục khắc phục ở các tờ báo này. Trong nhiều thời điểm, việc truy cập trang báo Thanh niên hay Tiền phong vẫn gặp khó khăn, thậm chí rơi vào tình trạng bị “đơ”, không thể truy cập được. Hệ thống quản trị nội dung (CMS) của Thanh niên đến nay không còn mới mẻ, dù được đầu tư cập nhật thường xuyên nhưng không có nhiều tính năng mới và hiện đại như VnExpress.net, hay Zingnews.vn - vốn được các công ty công nghệ lớn đứng sau hỗ trợ. Kho ảnh, video của Thanh niên, Tiền phong và Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng không linh hoạt, dẫn đến việc tìm kiếm, kiểm tra thông tin cần qua nhiều bước trung gian, tốn nhiều thời gian.

Thứ ba, qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng về vấn đề chuyển đổi nội dung số của các cơ quan báo chí thuộc hệ thống báo chí Trung ương Đoàn trong năm 2021, ta có thể thấy chất lượng của hoạt động này ở các tờ báo vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể: Chất lượng công tác tham mưu cho lãnh đạo về chính sách, chủ trương cho chuyển đổi nội dung số báo chí về cơ bản là đúng nhưng chưa thực sự sâu sát, đặc biệt là trong môi trường truyền thông số, có sự thay đổi mạnh mẽ, khác biệt về phương thức truyền thông, đối tượng công chúng… Thông thường, việc tham mưu chỉ đạo đối với các loại hình báo chí ở các tổ chức chính trị xã hội như Trung ương Đoàn hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức chung chung, mang tính chỉ đạo khô cứng.

Giải pháp tăng cường

- Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, phóng viên về vai trò, thế mạnh của chuyển đổi số:

Khai thác chuyển đổi số ở các tờ báo khảo sát thuộc hệ thống báo chí Trung ương Đoàn là một hoạt động trong tác nghiệp của nhà báo nhằm tìm kiếm, lựa chọn, sử dụng những dạng thức phương tiện khác nhau để thực hiện và chuyển tải nội dung thông tin trên báo chí. Để hoạt động tác nghiệp này của nhà báo phù hợp thực tế của báo chí nói chung, báo chí của Trung ương Đoàn nói riêng đòi hỏi nhà báo phải hiểu sâu, hiểu thấu vai trò, thế mạnh, hạn chế của các yếu tố đa phương tiện. Chỉ khi nhận thức tốt vấn đề thì mới khai thác, sử dụng các yếu tố này một cách chủ động và linh hoạt.

Trong chuyển đổi số thì các dạng thức phương tiện có thể góp phần hình thành và chuyển tải thông tin về những sự kiện, vấn đề trong xã hội đến với công chúng bao gồm: văn bản (text), âm thanh phát thanh (audio), hình ảnh truyền hình (video), đồ họa (infographic), hình ảnh tĩnh (still image), hình ảnh động (animation)… Mỗi yếu tố này có ưu thế và hạn chế nhất định, việc hiểu được bản chất, ưu thế của từng yếu tố nêu trên góp phần là cơ sở để nhà báo tận dụng từng dạng thức hay phối hợp các dạng thức trong chuyển tải thông tin một cách hiệu quả.

- Xây dựng đội ngũ nhân sự của báo thành những nhà báo đa phương tiện năng động, chuyên nghiệp: Một là, Thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện: Xu hướng làm báo đa phương tiện đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhà báo. Một trong những yêu cầu đó là nhà báo phải thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện, như xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh, các chương trình tương tác... Hai là, Làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại: Đa phương tiện là việc sử dụng nhiều loại phương tiện để thực hiện một sản phẩm báo chí. Với việc phát triển vượt bậc của công nghệ, phần cứng và phần mềm, các nhà báo hiện đại ngày càng tích hợp thêm nhiều “phương tiện” mới với những cách thức thể hiện khác nhau. Do đó, yếu tố có ý nghĩa quan trọng vẫn là việc nhà báo đó phải làm chủ được kỹ thuật, phương tiện để xử lý công việc ở mọi lúc, mọi nơi. Muốn đạt được điều này, nhà báo cần giỏi sử dụng máy tính, các phần mềm chuyên xử lý ngôn ngữ đa phương tiện để sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí.

- Cần đầu tư, bổ sung thêm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ

Trong số các yếu tố đa phương tiện, các tờ báo khảo sát đầu tư nhiều nhất cho yếu tố video và audio. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả 2 yếu tố này, các tờ báo, tạp chí khảo sát cần đầu tư đồng bộ các thiết bị, từ máy quay, bàn dựng cho đến hệ thống ánh sáng, âm thanh và các thiết bị ghi âm, ghi hình nhỏ gọn để phóng viên có thể tác nghiệp độc lập.

Trịnh Trọng Đảng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chu Vân Anh (2012), Sự tương tác giữa truyền thông xã hội và báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay,KLTNĐH, Học viện Báo chí & tuyên truyền.
  2. Ban công tác Hội Nhà báo Việt Nam (16/5/2011), Nâng cao tính chuyên nghiệp trong báo chí hiện đại.
  3. http://vja.org.vn/vi/detail.php?pid=7&catid=31&id=28591&dhname=Nang-cao-tinh-chuyen-nghiep-trong-bao-chi-hien-dai
  4. Chính phủ (2002), Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 16/4/2002 quy định chi tiết thi hành luật báo chí, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật báo chí.
  5. Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại (từ hàn lâm đến đời thường), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
  6. Nguyễn Văn Dững (2000), Báo chí những điểm nhìn từ thực tiễn, tập 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
Ngày 23/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ngày 1/2/2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội diễn ra lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top