Tình đồng nghiệp không biên giới

11:10 12/01/2023 - Góc nhìn
Tháng 12 năm 2022, tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ hội Festival Hoa - bị ngừng từ năm trước, do đại dịch Covid-19. Festival Hoa, mùa Giáng sinh, chào năm mới 2023, Lâm Đồng - Đà Lạt như bừng dậy sắc Xuân. Những cơn gió lạnh tăng cường từ phương Bắc, nhiệt độ thành phố Đà Lạt có lúc thấp 15 - 16 độ C, mưa lạnh. Nhưng Đà Lạt ngàn hoa cao nguyên vẫn sôi động, bừng sắc xuân lễ hội.

Kết tình hữu nghị hợp tác giữa Hội Nhà báo Lâm Đồng và Hiệp hội báo chí địa phương miền Trung Thái Lan_Ảnh: TGCC
 

Người Thái Lan thường nói, Đà Lạt của Việt Nam chính là Chiang Mai của Thái Lan. Thật khéo sắp đặt đoàn nhà báo địa phương Thái Lan đến Lâm Đồng dịp này, niềm vui và ý nghĩa cuộc hành trình càng tăng lên gấp bội. Huyện địa đầu Đạ Huoai của Lâm Đồng tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai là điểm đến đầu tiên của các nhà báo Thái Lan, theo đường bộ. Tiếp đoàn nhà báo Thái Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Lưu Hồng Long chân thành, cởi mở: - Các bạn đang bước vào ngôi nhà “Dòng sông Trung tâm”. Theo tiếng người dân tộc bản địa, Đạ là sông - nước suối, Huoai là chính - trung tâm. Đạ Huoai là con sông chính, dòng sông trung tâm.

Chủ tịch Hiệp hội báo chí địa phương tỉnh Kanchanaburi đến thăm tỉnh Lâm Đồng lần đầu cách đây 20 năm; lần thứ 2 cách đây 10 năm. Nhưng chỉ lần thứ 3, tháng 12 năm 2022 ông mới có dịp đến Đạ Huoai. Cảm giác mới lạ mà gần gũi, thân thương, ông cảm nhận đến Đạ Huoai như đang về chính ngôi nhà của mình. Trên xe, ông tâm sự với các thành viên của đoàn: - Việt Nam thân thiện, mến khách, tình cảm như anh em một nhà. Đồng nghiệp báo chí Thái lan và Việt Nam đồng hành 25 năm nay - tròn một phần tư thế kỷ ngày càng đơm hoa kết trái.

Trải qua bao biến cố cuộc đời, thiên tai và địch họa, đến nay Đạ Huoai vẫn giữ được hơn 2000 ha rừng nguyên sinh. Tập quán du canh, du cư cơ bản được khắc phục nên không còn nạn phá rừng làm nương rẫy. Khu du lịch Madagui thật bề thế. Rừng Managui có hệ thảm thực vật đa dạng, nhiều cây cổ thụ; thảm rừng tre trúc hiếm có với gần 50 chủng loại. Hệ thống hang động rừng Managui kỳ bí, nhiều động vật hoang dã muông thú như hươu, nai sống dưới tản rừng. Đạ Huoai nằm trên độ cao 300 mét, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng là nét chung vừa đặc trưng, vừa đa dạng.

Nhà báo, Tiến sĩ Somjin Chankrabi, Giám đốc Văn phòng Du lịch khu vực 7 miền Trung Thái Lan bày tỏ sự ngưỡng mộ khi tới Đạ Huoai: - Tôi đã đến miền Trung Việt Nam, chủ yếu là khảo sát du lịch các địa phương thuộc khu vực Huế - Đà Nẵng - Hội An, lần đầu tiên tôi đến Lâm Đồng, đến Đạ Huoai. Khu du lịch Managui của các bạn rất tuyệt vời, thảm rừng thực vật nguyên sinh, sông núi hữu tình, những cây cổ thụ to cao, những thảm tre trúc đặc sắc, khí hậu mát mẻ, con người thân thiện.

Đà Lạt - Lâm Đồng nổi tiếng với cây trà Atiso, Đạ Huoai còn có cây trà hoa vàng, thảo dược đặc trưng tốt cho sức khỏe. Ngày xưa vùng đất Đạ Huoai có nhiều cây cổ thụ hoa màu vàng mọc lên thành rừng. Bà con người dân tộc nơi đây kể rằng, trước đây quá trình phát nương làm rẫy họ ngại gặp cây trà rừng vì nó có sức sống mãnh liệt, không diệt được nếu không đào bỏ tận gốc. Trà hoa vàng mùi vị thơm ngon, dễ tiêu hóa, ngủ ngon. Trong họ trà thảo dược, bên cạnh cây trà báu vật Atiso, trà hoa vàng thật đặc biệt. Đó chính là một trong nhiều lợi thế của rừng vàng, du lịch vàng - xanh - sạch mà Đạ Huoai biết tận dụng.

***

Từ huyện Đạ Huoai, chạy xe hơi hơn 20km là tới thủ phủ thành phố Bảo Lộc. Từng đến vùng chè, tơ tằm Bảo Lộc nhiều lần, nay có dịp trở về, tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đồng nghiệp báo chí Thái Lan ai cũng đến đây lần đầu. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bảo Lộc Nghiêm Xuân Đức thông tin với các nhà báo Thái Lan về thành phố công nghiệp trà, tơ tằm. Bảo Lộc nằm trên cao nguyên Di Linh, độ cao 800m, cách Đà Lạt 110km, Phan Thiết 100km, TP. Hồ Chí Minh 190km, là điểm đến du lịch và thương mại có nhiều lợi thế kết nối.

Cây trà là ngành kinh tế mũi nhọn đặc trưng của Bảo Lộc. Diện tích trà Bảo Lộc khoảng 2.500 ha, mỗi năm xuất khẩu hơn 5.000 tấn, đạt giá trị hơn 15 triệu USD. Bảo Lộc có 50 doanh nghiệp kinh doanh trà, bên cạnh hàng ngàn hộ dân trồng trà, chế biến trà, đem về nguồn lợi kinh tế lớn. Cùng với cây trà, hơn nửa thế kỷ trước, Bảo Lộc còn được biết đến như là một kinh đô tơ lụa của Việt Nam. - Bảo Lộc một thời là kinh đô tơ tằm, trồng dâu dệt lụa, nay Bảo Lộc có là thủ phủ của tơ tằm nữa không? Chuyên gia, Phó Trưởng phòng Kinh tế Bảo Lộc thay lời lãnh đạo thành phố, cởi mở và tự tin: - Thủ phủ tơ lụa có thời kỳ thất bát, thua lỗ, đánh mất niềm tin.

Nay ngành tơ lụa Bảo Lộc đang vươn tầm mạnh mẽ, vùng nguyên liệu tập trung được xây dựng bài bản. Thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc đang thực sự hồi sinh. Đoàn nhà báo Thái Lan đến thăm nhà máy dệt lụa tơ tằm Hà Bảo, những cỗ máy dệt lụa tự động hóa, tiếng khung cửi chạy đều như bản nhạc tự nhiên. Bảo Lộc đang có 30 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, hằng năm sản xuất hơn 1.100 tấn tơ, hơn 5 triệu mét lụa. Tơ lụa đã trở thành nét đặc trưng của Festival Hoa, nét đẹp văn hóa, một trong những nguồn lực kinh tế của thành phố cao nguyên. Bảo Lộc không chỉ có trà và tơ lụa, vùng cao nguyên này còn có nhiều thác nước đẹp, khí hậu mát mẻ, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao.

Thành phố cao nguyên phát triển đồng bộ ba thế mạnh: Tơ lụa, cây trà, dịch vụ du lịch. Lợi thế và tiềm năng kinh tế vốn có đang được phát huy trong thời kỳ mới. Bảo Lộc cũng là một trung tâm báo chí của cao nguyên. Các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được báo chí thông tin nhanh, kịp thời, chuẩn mực, hiệu quả xã hội tích cực.

***

Đoàn nhà báo địa phương Thái Lan đến thăm huyện Lạc Dương, địa phương cận kề thành phố Đà Lạt, di chuyển khoảng nửa giờ xe hơi. Tôi và các đồng nghiệp báo chí Thái Lan bị cuốn hút và cảm phục cuộc hành trình tiên phong chuyển đổi số, thời công nghiệp 4.0 của Lạc Dương. Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh huyện Lạc Dương (IOC) khẳng định một bước tiến trong việc chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh. Thông qua sự điều hành và hoạt động của IOC, lãnh đạo huyện, các cơ quan chức năng của huyện theo dõi, nắm bắt, giám sát, điều hành gần như mọi hoạt động diễn ra trên địa bàn. Sự kết nối và tương tác giữa chính quyền và người dân nhanh gọn, kịp thời, hiệu quả, tức thì.

Chủ tịch Hiệp hội báo chí địa phương Thái Lan tỉnh Kanchanaburi, ông Jaran Rungmannee cảm nhận về IOC Lạc Dương: - Đến Lạc Dương và Lâm Đồng, chúng tôi cảm nhận nhiều điều. Lâm Đồng và huyện Lạc Dương đang bắt nhịp nhanh với kỷ nguyên số. Không chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu. Báo chí địa phương Thái Lan cũng vậy, cuộc chuyển đổi số tại các tờ báo Thái Lan đang diễn ra mạnh mẽ, không thể chậm hơn.

Chủ tịch Hội Nhà báo Lâm Đồng Lê Văn Tòa thông tin với lãnh đạo thành phố Đà Lạt và Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài, Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng và Hội báo chí truyền thông tỉnh Kanchanaburi đã thảo luận chương trình Hợp tác giao lưu nghiệp vụ, phục vụ phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa du lịch Việt Nam - Thái Lan, tại mỗi địa phương của hai nước.

Ấn tượng mạnh mẽ mà đoàn nhà báo địa phương Thái Lan có mặt tại Lâm Đồng và Đà Lạt - thành phố ngàn hoa, đội ngũ công quyền mà họ tiếp xúc là trẻ trung, năng động, giàu tri thức, tâm huyết với trọng trách được giao. Nghĩa tình đồng nghiệp báo chí Việt Nam - Thái Lan thêm xuân sắc. Báo chí địa phương Thái Lan sẽ góp phần thông tin, lan tỏa về một Lâm Đồng năng động sáng tạo, một Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.

Hải Vân
 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
Ngày 23/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ngày 1/2/2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội diễn ra lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top