Ngày Xuân, suy ngẫm về những lời Bác dạy nhà báo

15:29 12/01/2023 - Góc nhìn
Trường dạy viết báo đầu tiên và duy nhất mang tên nhà báo, nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại An Toàn Khu (ATK) Thái Nguyên, được tổ chức tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, khai giảng ngày 4/4, bế giảng ngày 6/7/1949. Ngoài việc chỉ thị cho Tổng Bộ Việt Minh mở lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành thời gian theo dõi lớp học. Người đã 2 lần gửi thư cho lớp học đề ngày 9/6/1949 và thư đề ngày bế giảng 6/7/1949. Những lời dạy của Bác Hồ với các nhà báo đã trở thành cẩm nang nghề nghiệp của báo chí có giá trị vĩnh hằng...

Học viên Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng_Ảnh: TL

Lớp học chỉ cso 42 người là cán bộ dân sự, chính trị, quân sự phụ trách các tờ báo kháng chiến, trình độ không đồng đều từ khắp cả nước được triệu tập về học lý luận, thực tiễn, phương pháp làm báo cách mạng của Đảng. Thầy dạy là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận Việt Minh đang có mặt tại ATK. Trong lễ khai giảng ngày 4/4/1949, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh chỉ rõ: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả” (Báo Cứu Quốc, 12/9/1949).

Tham gia giảng dạy từng chuyên đề có thể kể tên nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp: Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc; Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiếng Dân và Le Travail; Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, nguyên Biên tập viên Báo Humanite của Đảng cộng sản Pháp và Báo Lalulle phát hành tại Sài Gòn; Các ông Vũ Đình Hòe, Trần Huy Liệu, Nguyễn Huy Tưởng, Trường Chinh, Xuân Diệu, Tố Hữu...

Sau 3 tháng miệt mài giảng dạy và học tập, lớp kết thúc bằng những đánh giá, đúc kết rất công phu, coi đó là nền tảng của lý luận, thực tiễn hoạt động báo chí cách mạng. Thực tế, không ít giáo viên nhờ có lớp học, từ trải nghiệm thực tiễn mà viết ra giáo trình. Các học viên nhờ tiếp thu lý luận, kinh nghiệm thực tiễn mà vững vàng trong tổ chức hoạt động báo chí. Đồng chí Xuân Thủy trong báo cáo tổng kết lớp học ngày 6/7/1949 đã nhấn mạnh: “Sau 3 tháng giảng dạy, 3 tháng học tập, một hòm thư kín trưng cầu ý kiến các học viên đã được mở ra. 42 lá thư không ký tên đã đến với hòm thư ấy.

Nhiều cuộc thảo luận, cuộc họp giữa ban giám đốc và các học viên được ghi chép lại tỷ mỉ. Sau đây là những nhận xét chung của các học viên đã được đúc rút lại. Trong đó cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành đều đầy đủ và thiết thực...”. Đồng chí Trường Chinh cho rằng: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm rất hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân” (Thư gửi Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng ngày 22/6/1949).

Ngày 20/5/1947 Bác Hồ lên đến Điềm Mặc huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Cuối năm đó, Bác hoàn thiện và cho in cuốn Sửa đổi lối làm việc. Đây là cuốn cẩm nang về rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, cho đến giờ còn nguyên giá trị. Đầu năm 1949, cuộc kháng chiến bước sang giai đọan mới, vai trò của tuyên truyền, báo chí cũng có thêm nhiều nhiệm vụ mới, đặc biệt phải phát triển nhanh để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng.

Mặc dù vô cùng bận rộn nhưng Bác vẫn chỉ đạo mở trường dạy làm báo và Người đã 2 lần gửi thư tới lớp học. Ngoài động viên, Bác chỉ ra những việc cần làm với cá nhân người viết và cơ quan báo chí. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhiều nhà báo là học viên lớp học đã phấn đấu, trưởng thành, trở thành những nhà chính trị, quản lý, nhà báo, nhà lý luận gạo cội của đất nước. Những nội dung về tư tưởng, định hướng và chuyên môn Bác dạy trở thành cẩm nang cho báo chí nước nhà 74 năm qua và còn có giá trị vĩnh hằng.

Thư đề ngày 9/6/1949, Bác Hồ viết: “Các bạn yêu quý! Tôi rất vui lòng được tin các bạn đến học viết báo. Tiếc vì điều kiện chưa tiện, tôi không đến thăm các bạn được. Đây tôi có vài ý kiến để giúp các bạn nghiên cứu. Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1- Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2- Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3- Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4- Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì  không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5- Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6- Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều. Không biết giữ bí mật. Đôi khi đăng tin vịt. Hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì “mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc. Tin tức chậm. Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ.

Muốn viết bài báo khá thì cần: 1- Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2- Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người. 3- Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu. 4- Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Nghe nói có 3 cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đấu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí.

Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”. Tại buổi bế giảng, chia tay Việt Bắc để về với mọi ngả chiến trường, các nhà báo vô cùng hạnh phúc được nghe đọc lá thư thứ 2 Bác gửi đến, Bác viết: “Biết lớp học xong, tôi muốn đến thăm. Nhưng tiếc không đến được. Vậy tôi gửi vài lời khuyên các cô các chú: Có thể ví dụ rằng: 3 tháng nay các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, học mãi. Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại là các bạn chưa thành công. Các bạn nên thật thà phê bình ban huấn luyện, để giúp các lớp học sau được mỹ mãn hơn. Các bạn nên thi đua nhau, thi đua một cách thiết thực, để cùng nhau tiến bộ. Chúc các cô, các chú mạnh khỏe và thành công”.

74 năm đã trôi qua kể từ ngày khai mở lớp báo chí đầu tiên, song những huấn thị, những tư tưởng của Bác về báo chí, về người làm báo cách mạng còn nguyên giá trị và sẽ vĩnh hằng trong hoạt động báo chí. Những thế hệ học viên năm ấy: Đạo diễn Bành Châu, Trần Vũ; các nhà văn: Hữu Mai, Hải Như; các nhà báo: Thép Mới, Trần Kiên, Mai Thanh Hải, Lý Thị Trung... đều là tấm gương cho lớp lớp thế hệ các nhà báo noi theo... Tết đến, Xuân về, đọc lời dạy của Bác, chúng ta càng thấm thía và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hữu Minh
 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
Ngày 23/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ngày 1/2/2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội diễn ra lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top