Hoạt động xuất bản điện tử sách lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của sách lý luận chính trị
Sách lý luận, chính trị là loại sách trực tiếp phản ánh, truyền bá hệ tư tưởng của một giai cấp, đường lối, chính sách của Nhà nước, các chính đảng, các tổ chức chính trị nhằm thực hiện và bảo vệ những lợi ích chính trị của một giai cấp, một dân tộc. “Sách lý luận, chính trị có vai trò, vị trí quan trọng, trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm có giá trị của các nước; góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, giáo dục, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng con người mới, nếp sống mới; đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái”. Đặc biệt trong bối cảnh diễn ra quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sách nói chung và sách lý luận, chính trị nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng và là công cụ sắc bén, tham gia vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần giữ vững sự thống nhất nhận thức, hành động đối với lý tưởng, mục tiêu và con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, đồng thời chống lại “diễn biến hòa bình” và âm mưu thù địch trong và ngoài đất nước ta.
V.I. Lênin chỉ rõ: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, và “chỉ đảng nào có được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”. Nền tảng tư tưởng của Đảng là bộ phận quan trọng, là nhân tố căn bản, cốt lõi, tạo cơ sở, tiền đề quyết định mọi hoạt động xây dựng, sinh hoạt và lãnh đạo của một Đảng. Nếu nền tảng tư tưởng thay đổi, tất yếu sẽ dẫn tới sự thay đổi về mục tiêu, lý tưởng, nguyên tắc tổ chức, phương hướng hoạt động chính trị của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Đặc biệt, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Đây là nghị quyết chuyên đề rất quan trọng về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thể hiện ý chí và quyết tâm cao của Đảng ta trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đối tượng tác động của hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên; người lao động…
- Thực trạng xuất bản sách điện tử lý luận chính trị
Sách lý luận, chính trị hiện nay có nhiều loại, về mặt nội dung có thể phân theo nhiều tiêu chí khác nhau như: các tác phẩm kinh điển, tác phẩm của các nhà hoạt động chính trị; sách văn kiện Đảng, Nhà nước và của các tổ chức chính trị - xã hội; các sách biên soạn theo chuyên đề tổng kết thực tiễn; sách nghiên cứu lý luận, chính trị, sách lý luận, chính trị phổ thông; sách tham khảo lý luận, chính trị; sách tra cứu những vấn đề lý luận, chính trị; sách phục vụ công tác đối ngoại; sách giáo khoa lý luận, chính trị; sách pháp luật, v.v. Mục đích của xuất bản sách lý luận, chính trị nói riêng và ngành xuất bản nói chung là truyền tải, lan tỏa, chia sẻ tri thức đến mọi người, nhằm giữ gìn và bảo tồn các giá trị của tri thức.
Sách điện tử là một phiên bản điện tử của một cuốn sách, một cuốn sách có thể in có thể đọc được trên máy tính được kết nối mạng, mạng máy tính cá nhân hay một thiết bị cầm tay được thiết kế cho mục đích này. Để đọc được sách điện tử cần phải có các thiết bị điện tử chuyên dụng như: máy tính, điện thoại di động, PDA hoặc các máy chuyên đọc sách điện tử (Ebook reader). Hiện nay, đôi khi người ta sử dụng thuật ngữ “sách điện tử” để chỉ luôn cả thiết bị dùng để đọc sách dạng số. Có thể phân chia sách điện tử thành 2 loại: sách điện tử phát hành trực tuyến (online) và sách điện tử phát hành đoạn tuyến (offline). Sách điện tử phát hành trực tuyến là các tập tin dạng số, được lưu trữ trên các server và thể hiện trên các website, để đọc hoặc tải được loại sách điện tử này người sử dụng phải kết nối với mạng internet. Sách điện tử phát hành đoạn tuyến cũng là những tập tin dạng số nhưng được lưu trữ trên các thiết bị điện tử (đĩa mềm hoặc quang học) người sử dụng chỉ cần có thiết bị chuyên dụng để đọc sách chứ không cần phải kết nối internet.
Theo Điều 4, Luật xuất bản số 19/2012/QH13: “Xuất bản điện tử là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu và sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra xuất bản phẩm điện tử”. Xuất bản sách điện tử là sự phối hợp của phần cứng, phần mềm, nội dung để phân phối các sản phẩm điện tử tương tự hay (giống với) cuốn sách giấy truyền thống tới người sử dụng. Tuy nhiên, điểm khác ở xuất bản điện tử so với xuất bản truyền thống là sản phẩm của xuất bản điện tử phải tồn tại thông qua các vật mang thông tin là các thiết bị số. Ngoài ra, đặc điểm dễ thấy nhất ở xuất bản sách điện tử là khâu cuối của quá trình tạo ra sản phẩm. Xuất bản sách truyền thống là khâu in, gia công, còn xuất bản sách điện tử là sử dụng công nghệ (phần cứng, phần mềm) để tạo ra các xuất bản phẩm điện tử.
Hiện nay, Việt Nam có 59 Nhà xuất bản (NXB), tuy nhiên, nhiệm vụ biên tập và xuất bản sách lý luận, chính trị chủ yếu tập trung ở một số NXB chuyên ngành thuộc khối lý luận chính trị như: NXB Lý luận chính trị, NXB Công an nhân dân, NXB Quân đội nhân dân, NXB Tư pháp… và một số NXB tổng hợp của các cơ quan bộ, ngành khác. Trong đó, nòng cốt vẫn là NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
Mặt khác, đánh giá về cơ cấu xuất bản, số lượng sách lý luận, chính trị chiếm khoảng 8-10% số lượng xuất bản phẩm lưu chiểu và chủ yếu tập trung vào các chủ đề chính như sau: Các tác phẩm kinh điển về lý luận, chính trị; sách về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sách tổng kết lý luận và thực tiễn về quá trình đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; sách văn kiện, nghị quyết đại hội Đảng các cấp, hội nghị Trung ương; sách nghiên cứu, hướng dẫn quán triệt nghị quyết các đại hội Đảng, hội nghị Trung ương; sách khẳng định độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam như: sách về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sách tuyên truyền, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia; sách đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chính trị, lý luận; v.v.
Công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị hiện nay đã có bước phát triển toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng: Nhiều bộ sách lý luận, chính trị lớn, quan trọng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện Đảng được xuất bản và nhiều công trình, ấn phẩm quan trọng về lý luận, chính trị, văn hóa, pháp luật, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đổi mới, những thành tựu và kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới ở nước ta, v.v. cũng được công bố phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước. Đặc biệt, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường và nhu cầu của bạn đọc, các NXB đã cho ra đời những bộ sách lý luận, chính trị được biên soạn một cách ngắn gọn, dễ hiểu và bám sát với thực tiễn nhu cầu trang bị kiến thức lý luận, chính trị của từng đối tượng độc giả. Tính chiến đấu, tính chính trị của sách lý luận ngày càng được nâng lên, yêu cầu ở mức độ cao hơn; tính khoa học, tính thực tiễn, tính thuyết phục được coi là tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, sách điện tử lý luận chính trị theo các phiên bản hiện đại vẫn đang ở con số khiêm tốn so với sách in truyền thống. Năm 2020, NXB Chính trị quốc gia Sự thật chính thức xuất bản sách điện tử phát hành trên mạng và đến nay đã đưa được 60 đầu sách trên trang Stbook.vn. Năm 2021, nhà xuất bản đã tổ chức ra mắt 4 tủ sách điện tử, gồm: tủ sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tủ sách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tủ sách thanh niên học và làm theo Bác; tủ sách Công an nhân dân học và làm theo Bác. Ứng dụng đọc sách điện tử Stbook của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật được đánh giá với số điểm là 3.7/5 ở mức trung bình khá. Sách tải về đọc offline có dung lượng trong khoảng 120KB-1MB, dung lượng rất nhẹ, không tốn nhiều diện tích khi sử dụng. Đặc biệt trên ứng dụng Stbook còn được nhà xuất bản cập nhật những cuốn sách “độc quyền” chỉ có bản điện tử nhà xuất bản có với giá rất rẻ, đây là một điểm cộng lớn cho sách điện tử của nhà xuất bản và tạo sự khác biệt với một vài nhà xuất bản sách điện tử khác.
Mảng sách điện tử của các nhà xuất bản nói chung đã đạt được kết quả bước đầu về mặt doanh thu, góp phần đáp ứng và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia. Các nhà xuất bản cũng mở hình thức kinh doanh là mua bán sách trực tuyến qua mạng internet, ứng dụng công nghệ phát triển thương mại điện tử.
Sách điện tử lý luận chính trị ngày càng phong phú hơn về thiết kế lẫn thể loại, màu sắc bắt mắt, không gây cảm giác nhàm chán, nhiều hình ảnh minh họa sinh động, khác biệt rất lớn so với những lần xuất bản trước đó bởi công nghệ tạo sách điện tử đã được cải thiện, đầu tư về thời gian, nhân lực, tài chính cho sách cũng nhiều hơn. Đặc biệt ở tủ sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có phân chia thành các chủ đề riêng biệt khiến việc tra cứu, tìm hiểu những cuốn sách cùng thể loại cũng dễ dàng hơn trước.
- Tồn tại và giải pháp nâng cao xuất bản điện tử sách lý luận chính trị
Thứ nhất, hạn chế về phương tiện: các phương tiện máy móc, kỹ thuật, công nghệ làm sách điện tử của các đơn vị đã lạc hậu; chậm cải tiến, đổi mới nên chưa thể chủ động trong việc thiết kế, tạo sách điện tử mà hiện vẫn phải hợp tác với các công ty bên ngoài. Do vậy, khi gặp trục trặc hay sự cố xảy ra thì thường phải dựa vào các công ty bên ngoài. Việc số hóa các đầu sách chủ yếu được lưu dưới dạng hình ảnh, còn dưới dạng text thì khá nhiều lỗi, nên đem vào sử dụng thực tế chưa cao. Tương tự như vậy đối với xuất bản điện tử, dưới dạng đĩa đôi lúc còn chậm, máy móc, kỹ thuật không tương thích với đĩa nên nhiều lúc không mở được đĩa.
Thứ hai, về nhân lực làm sách điện tử tại các nhà xuất bản chưa thực sự chuyên nghiệp để có thể đáp ứng đầy đủ tiêu chí, yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, hầu hết cán bộ làm công tác số hóa và xuất bản điện tử đều tốt nghiệp từ các ngành nghề khác mà không phải công nghệ thông tin nên trình độ về khoa học - công nghệ còn hạn chế, còn lúng túng trong việc tiếp thu công nghệ cũng như ứng dụng công nghệ vào hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, khi có sự cố liên quan đến công nghệ, hầu hết cán bộ, biên tập viên phải liên hệ tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía đối tác bên ngoài, mà không thể tự sửa chữa, khắc phục được. Những đối tác đó không phải là nhà xuất bản, không sở hữu nội dung hay bản quyền tác phẩm mà đơn giản chỉ là đơn vị cung cấp các giải pháp về mặt công nghệ, phần mềm. Khó khăn lớn nhất của các nhà xuất bản hiện nay là đang thiếu một đội ngũ nhân lực xuất bản điện tử chất lượng cao, đúng chuyên ngành lại có nghiệp vụ biên tập, có sự am hiểu về các lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, biên tập viên cho đến những người làm nhiệm vụ phê duyệt xuất bản phẩm điện tử còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ xuất bản sách điện tử và số hóa nên các công đoạn từ khi bắt đầu hình thành cho đến lúc ra sản phẩm còn chưa được linh hoạt, còn lúng túng. Quy trình xuất bản sách điện tử vẫn còn rất nhiều bất cập, các khâu trong quy trình có khâu bị thừa, khâu bị thiếu.
Thứ ba, thói quen muốn tiêu dùng miễn phí, ít chịu trả tiền cho những sản phẩm trực tuyến của một bộ phận không nhỏ bạn đọc cũng khiến doanh thu dòng sách này kém dẫn đến các đơn vị giảm đầu tư. Đó là chưa kể đến các vi phạm bản quyền với tình trạng phát hành Ebook lậu còn tràn lan trên internet mà việc tìm kiếm và ngăn chặn là rất khó khăn. Chính thói quen của một bộ phận người Việt Nam mặc định sản phẩm trên mạng là miễn phí đã vô hình trung “tiếp tay” cho việc phát hành Ebook lậu.
Xác định phương hướng và tìm ra những giải pháp hữu ích khắc phục để nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản sách điện tử lý luận chính trị từ thực trạng đã được chỉ ra để đảm bảo vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản sách điện tử trong việc giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp cận những thông tin chính thống, tin cậy, hữu ích để từ đó có những hiểu biết, nhận thức đúng đắn và biện pháp quyết liệt, đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện sai trái, góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng biên tập và hiệu xuất phát hành xuất bản phẩm; tăng cường công tác quản lý, quản trị nội bộ; kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình liên kết xuất bản; thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về bản quyền trong hoạt động xuất bản để bảo đảm xuất bản các xuất bản phẩm đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động của từng nhà xuất bản, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, nội dung của từng xuất bản phẩm; chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản, phát hành nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với việc đầu tư, phát triển mảng xuất bản điện tử, đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành, hoạt động chuyên môn của đơn vị. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện quy trình xuất bản sách điện tử cũng như phân công nhiệm vụ giữa các bộ phận là yêu cầu bức thiết tại các nhà xuất bản. Trước mắt, cần quan tâm tới đầu tư nguồn nhân lực về công nghệ thông tin cho khâu thiết kế sách. Tiếp đó sẽ phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ và chuyên môn.
Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển bùng nổ của internet, mặt trận tư tưởng, chính trị cũng phải đối mặt với những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp. Chúng đẩy mạnh chiến lược, lợi dụng mạng xã hội để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin bịa đặt, xuyên tạc với quy mô ngày càng rộng, mức độ ngày càng mạnh nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Với sự phát triển của công nghệ số phát triển, hoạt động của xuất bản sách điện tử lý luận chính trị góp phần không nhỏ vào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Tuy còn mới mẻ, song vài năm trở lại đây, xuất bản sách điện tử đang mở ra nhiều triển vọng mới nhiều chuyển biến thay đổi để phù hợp với tình hình xã hội và đất nước, đa dạng hóa về thể loại, phát triển về cả hình thức lẫn nội dung. Sách lý luận chính trị đã góp một phần không nhỏ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ và nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thấy rõ bản chất phản động của những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.
TS Vũ Thị Ngọc Thùy
Tài liệu tham khảo
1/ Ban Bí thư, Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/01/2003 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.
2/ Ban Bí thư, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của về Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.
3/ Trần Văn Hải (2000), Biên tập các loại sách chuyên ngành NXB, Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Tin tức liên quan
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)
- Sức hút từ cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (04:11 26/06/2024)
- Đào tạo nghiệp vụ báo chí số: Thực tiễn, vấn đề và giải pháp (08:45 24/06/2024)
- Dòng chảy phát thanh qua một thế kỷ (08:41 24/06/2024)