Chi tiết trong phóng sự chương trình thời sự truyền hình
Thực tiễn sinh động
Sử dụng chi tiết hình ảnh là công việc quan trọng hàng đầu đối với phóng sự truyền hình. bất cứ phóng viên nào khi thực hiện phóng sự thời sự đều phải chuẩn bị trước những phương án sử dụng chi tiết. Với những trường đoạn nội dung nhất định cần phải có các hệ chi tiết tương ứng, mang giá trị thông tin cao nhất. Để làm được điều này, thông thường các phóng viên xây dựng đề cương phóng sự, thảo luận cùng phóng viên quay phim để có chi tiết hình tốt nhất. Trong đó, yêu cầu thường trực là cần có hướng tiếp cận nội dung hiệu quả nhất, tức là đi sâu khai thác khía cạnh được coi là mới đối với công chúng.
Chi tiết hình thường được sử dụng là chi tiết bối cảnh sự việc. Đó là những hình ảnh cho công chúng thấy ngay những hình ảnh của hiện trường câu chuyện. Thí dụ khi phóng sự đề cập tới tình trạng khai thác vàng trái phép thì những chi tiết hình ảnh đầu tiên cần thấy khung cảnh của thực tại. Đó có thể là những hình ảnh toàn cảnh cho thấy quy mô, hoặc có thể bắt đầu ở những chi tiết cận cảnh để thấy mức độ nguy hiểm của hoạt động khai thác vàng trái phép...
Bên cạnh những chi tiết về bối cảnh sự việc, cần quan sát để khai thác chi tiết về hành vi nhân vật. Trong quá trình thực hiện phóng sự, phóng viên có thể xây dựng câu chuyện từ một nhân vật. câu chuyện của nhân vật đó sẽ là minh chứng của sự kiện, câu chuyện đó là hiện thực khách quan điển hình cho vấn đề đang được đề cập tới. Để truyền tải câu chuyện về tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, phóng viên đã bắt đầu bằng hình ảnh người phụ nữ khó nhọc kéo thùng nước từ dưới giếng sâu lên. Tiếp theo là hình ảnh về một người già sống độc thân sống trong cảnh thiếu nước sạch... mỗi nhân vật đều gắn với hành động, những hành động ấy đã lột tả được giá trị thông tin mà phóng viên muốn truyền tải.
Bên cạnh con người của hiện thực, còn có nhân vật thứ 2 xuất hiện đó là phóng viên. họ hoặc chỉ xuất hiện trong bối cảnh khi đang tìm hiểu thông tin, hoặc lên hình dẫn tại hiện trường. những hành vi, sự truyền tải thông tin, cảm xúc của phóng viên cũng làm tăng độ tin cậy của thông tin và tạo cảm xúc cho công chúng.
Bên cạnh hành vi nhân vật thì ngoại hình, điệu bộ, cảm xúc nhân vật cũng rất quan trọng trong phóng sự. phóng viên quay phim cần có những cảnh quay cận cảnh hoặc đặc tả để khai thác chi tiết. phóng sự “nhìn từ hiện tượng chen lấn nộp đơn vào lớp 1”, những hình ảnh phụ huynh lo lắng, mệt mỏi trong đêm tối xếp hàng chờ nộp đơn cho con vào lớp 1 đã nói lên rất nhiều điều.
Cùng với chi tiết hình ảnh, trên phóng sự truyền hình, việc sử dụng đồ họa cũng có tác dụng lớn trong truyền tải thông tin khi hình ảnh do camera không lột tả được hết nội dung của phóng sự.
Âm thanh, tiếng động cũng là nét đặc trưng của truyền hình, bao gồm phần lời bình của phóng viên; lời nói của nhân vật; lời nói của phóng viên can dự trong sự kiện; âm thanh, tiếng động tại hiện trường nơi ghi hình; âm nhạc xử lý ở phần hậu kỳ.
Lời thoại trong phóng sự truyền hình là ngôn ngữ nói, lời nói theo hình, làm rõ nghĩa thêm cho ngôn ngữ hình ảnh. Trên phương diện chi tiết, lời thoại của phóng viên là yếu tố để xâu chuỗi câu chuyện, để bình, bàn, kết luận về vấn đề, sự kiện. Tiếng động từ hiện trường có ý nghĩa quan trọng với phóng sự. nhiều trường hợp tiếng động là những chi tiết chính yếu tạo ra sức nặng cho phóng sự. Thí dụ đoạn hội thoại từ hiện trường của những người buôn bán ngoại tệ trái phép hay âm thanh từ những những chiếc cưa máy trong hiện trường vụ phá rừng ghi hình vào ban đêm. Thậm chí nhiều phóng viên đã sử dụng chi tiết âm thanh là chi tiết quan trọng để đưa ngay đầu phóng sự. Sử dụng chi tiết “bình” cũng là đặc trưng của phóng sự truyền hình. Đó là cách để phóng viên bày tỏ quan điểm của mình trước sự việc mà phóng sự đang đề cập. Việc thể hiện chi tiết này có thể qua lời bình của phóng viên, có thể qua nhân vật. Khi thực hiện các phóng sự truyền hình, chi tiết số liệu đã được sử dụng để chứng minh cho những nhận định, lập luận. Trong nhiều trường hợp, những số liệu được đưa ra đã tạo nên những tác động ghê gớm. Trong một phóng sự phản ánh về vụ phá rừng, phóng viên sử dụng liên tục các chi tiết số liệu “những thân gỗ nghiến có đường kính hơn 1m đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc... Điều kỳ lạ là khu vực chúng tôi đang đứng chỉ cách trung tâm của lòng hồ 300m, thế nhưng cứ vào nửa đêm về sáng, những hoạt động khai thác gỗ trái phép vẫn cứ diễn ra ngang nhiên và công khai... 17 chốt trạm kiểm lâm đóng ở các vị trí ra vào của vườn, ban quản lý vườn khẳng định như thế là nội bất xuất, ngoại bất nhập”...
Để chi tiết phát huy hiệu quả
Bên cạnh những thành công, việc sử dụng chi tiết trong phóng sự của chương trình thời sự truyền hình cũng còn một số hạn chế. có những chi tiết hình được sử dụng chưa đặc trưng cho nội dung thông tin mà lẽ ra nó cần truyền tải. có trường hợp, phóng viên đưa nhiều chi tiết không thực sự cần thiết cho chủ đề phóng sự. Sử dụng những chi tiết hình ảnh giống nhau cũng là những hạn chế cần khắc phục. bởi lẽ người xem truyền hình luôn mong muốn nhìn thấy những sự mới lạ ở chi tiết. Sử dụng tiếng động hiện trường trong một số trường hợp chưa được chú trọng, làm mất đi sự sống động của hiện thực.
Việc đưa quá nhiều thông tin trong lời bình làm cho người xem khó nhớ và không thấy được ấn tượng với thông điệp lớn nhất mà tác giả định nói. một phóng sự nghèo về hình ảnh nhưng lời bình lại có dung lượng lớn thường ít hấp dẫn. nó mâu thuẫn ngay với đặc trưng của phóng sự truyền hình vốn lấy hình là chính. có phóng sự vẫn bị “lệch” giữa lời thoại và hình ảnh. hay nói cách khác là hình và lời không ăn khớp với nhau dẫn tới việc gây khó hiểu cho người xem. hoặc có trường hợp, những chi tiết có sức nặng nhất lại không được đặt ở đầu phóng sự, làm giảm đi sự tác động.
Đối với phóng sự truyền hình, để khai thác chi tiết tốt cần phải xây dựng đề cương kịch bản trước khi quay tại hiện trường. Đó là bước đầu để “định hình” những việc cần làm, dự tính những chi tiết có thể khai thác được. Trước khi tác nghiệp, phóng viên biên tập và phóng viên quay phim cần thảo luận kỹ về đề cương kịch bản, về nội dung cần đạt tới của phóng sự và nêu yêu cầu đối với phóng viên quay phim. phóng viên quay phim cần phải được hiểu sâu về yêu cầu nội dung để có thể sáng tạo, tìm chi tiết đặc tả. Tuy nhiên, phóng viên phải liên tục bám sát công việc của quay phim, quan sát thường xuyên hiện thực để kịp thời đề nghị quay phim ghi lại những hình ảnh có giá trị.
Bên cạnh những chi tiết hình ảnh, chi tiết về âm thanh, tiếng động, số liệu cũng rất quan trọng với phóng sự truyền hình. Để có những chi tiết tốt, phóng viên cần phải bám sát hiện thực đời sống. Khi có đề tài thì tiếp cận theo nhiều hình thức, kiểm tra thông tin qua nhiều nguồn, nghiên cứu tài liệu thu thập được, lựa chọn những nội dung phù hợp để khai thác. có khi, những con số khô khan nhưng được đặt vào bối cảnh của phóng sự lại chuyển tải một giá trị thông tin và tạo sức nặng ghê gớm. Tất cả những kỹ năng khai thác thông tin cần được sử dụng để khai thác chi tiết. Lăng kính sàng lọc và thẩm định hiện thực của phóng viên cũng cần hết sức nhạy bén để kịp thời thay đổi đề cương của phóng sự ban đầu khi phát hiện được những chi tiết ngoài dự kiến và ít nhiều làm thay đổi cấu trúc của phóng sự.
Khai thác chi tiết trong phóng sự truyền hình mang đặc trưng loại hình rõ rệt. Sự chi phối về thời điểm ghi hình và hoàn cảnh tác nghiệp ảnh hưởng nhất định đến khai thác chi tiết. Thời điểm diễn ra sự kiện có khi phóng viên quay được, có khi không ghi hình được. nếu không đến kịp hoặc khi tới hiện trường thì sự việc đã xảy ra xong rồi, đành phải khai thác những chi tiết còn lại với “dấu vết”. có nhiều yếu tố có thể cản trở việc phóng viên đưa camera đến quay như thời tiết xấu, địa hình hiểm trở, trời tối, đối tác không cho ghi hình... Trong những trường hợp như vậy, việc phóng viên chủ động tìm chi tiết theo những hướng khác nhau là rất quan trọng. hoặc, phóng viên sáng tạo bằng cách dùng hình ảnh đồ họa để tái hiện lại hiện thực cho dễ hiểu hơn đối với người xem, đưa những chi tiết âm nhạc vào làm tăng hiệu quả thông tin.
Đối với việc sắp xếp chi tiết là cách phóng viên xâu chuỗi những chi tiết đã có được trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường. Đi vào làm hậu kỳ của tác phẩm, phóng viên xem lại hình ảnh, nghe lại phỏng vấn của các nhân vật, lục lại những thông tin thu thập được, kết hợp với đề cương nội dung chuẩn bị trước để kết nối các chi tiết thành tác phẩm. Để thông điệp của phóng sự rõ nét nhất thì những chi tiết quan trọng nhất, đắt giá nhất, có sức mạnh nhất nên đưa ngay vào đầu phóng sự. có thể đó là chi tiết hình, với những hình toàn cảnh, hay cận cảnh, đặc tả về khung cảnh, về sự vật, hoặc về nhân vật; cũng có khi nó là một trạng thái tình cảm, một xúc cảm của con người. Thậm chí trong nhiều trường hợp, chi tiết đầu tiên, quan trọng nhất không phải là hình mà là chi tiết âm thanh tiếng động. Rõ ràng, mục tiêu sắp xếp chi tiết nào đầu tiên nằm trong ý đồ của tác giả và nó phải phục vụ cho việc truyền tải thông điệp.
Sử dụng chi tiết trong phóng sự là nghệ thuật. Để nâng cao hiệu quả, bên cạnh kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp của phóng viên, việc phát huy sức sáng tạo và liên tục đổi mới cách thể hiện trong phóng sự luôn có ý nghĩa quan trọng./.
ThS. Nguyễn Thế Lãm
Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)