Chất lượng các chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số của đài PT-TH tỉnh Lai Châu

Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) tỉnh Lai Châu hiện nay đang tổ chức sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình bằng 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số gồm: Thái, Mông, Dao, Hà Nhì.

Tạp chí chuyên đề tiếng Mông, số 4, ngày 26/10/2021 trên Đài PT-TH Lai Châu

Trung bình mỗi năm, Đài PT-TH Lai Châu thực hiện sản xuất phát sóng hàng trăm chương trình tiếng dân tộc thiểu số với thời lượng mỗi chương trình 30 phút. Nhìn chung, năng lực sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình bình quân hiện nay của 5 thứ tiếng gồm: Phổ thông, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì truyền hình 4 giờ/ngày, phát thanh là 2,5 giờ/ngày. Kênh truyền hình LTV tiếp, phát sóng 17 giờ 45 phút/ngày. Kênh phát thanh LOV tiếp, phát sóng 24 giờ/ngày.

Chương trình tiếng dân tộc thiểu số

Các chương trình truyền hình tiếng DTTS hiện nay đều bám sát kế hoạch sản xuất hàng tháng. Mỗi bản tin, chuyên đề được tổ chức sản xuất đảm bảo tôn chỉ mục đích của tên chương trình, tên chuyên mục và thời lượng xác định trong khung chương trình. Nội dung các chương trình thực hiện tập trung vào nhóm đối tượng đồng bào DTTS, phản ánh những vấn đề được công chúng quan tâm. Các chương trình đảm báo tính chính trị, thông tin kịp thời, chính xác, đa dạng phong phú, chuyên sâu các vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội nói chung và của đồng bào các DTTS nói riêng, phù hợp với đời sống văn hóa của từng dân tộc.

Các chương trình được sản xuất bằng tiếng dân tộc có nội dung thông tin mọi mặt về đời sống của đồng bào các DTTS. Ngoài ra, cũng bám sát nhiệm vụ chính trị để phản ánh chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào. Các chương trình, đề án, dự án đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho vùng đồng bào DTTS; phản ánh tất cả các hoạt động trên tất các lĩnh vực diễn ra trong đời sống, văn hóa, sinh hoạt, sản xuất của các DTTS trên địa bàn tỉnh. Hình thức thể hiện chủ yếu thông qua các thể loại tin tức, phỏng vấn, phóng sự ngắn, chuyên đề…

Tháp sóng Đài PT-TH Lai Châu

Một số kết quả bước đầu

Thời gian qua, Đài đã thông tin kịp thời đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con biết cách phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thông tin đã nhanh chóng đến được với đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Trong lĩnh vực chuyên môn, Đài PT-TH Lai Châu là một trong số ít những Đài phát thanh – Truyền hình ở một tỉnh biên giới khó khăn khu vực Tây Bắc thực hiện được việc xây dựng, phát song và duy trì thường xuyên các chương trình truyền hình bằng 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số. Đài đã sử dụng được phần lớn nội dung của các chương trình đã phát sóng ở các chương trình truyền hình tiếng phổ thông để biên dịch phát sóng tiếng DTTS.

Ở Lai Châu có đặc thù là hiện vẫn còn số lượng lớn đồng bào các dân tộc là người cao tuổi, nhiều chị em phụ nữ không biết tiếng phổ thông, Đài chú trọng việc nâng cao vai trò của các chương trình truyền hình để thu hút được đông đảo lượng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn theo dõi các chương trình phát sóng bằng tiếng DTTS.

Các chương trình tiếng dân tộc thiểu số đã sử dụng các thể loại báo chí ngắn gọn dễ hiểu để chuyển tải thông tin đến đồng bào. Các tin tức, phóng sự ngắn được sử dụng thường xuyên trong các chương trình thời sự tổng hợp. Các phóng sự chuyên đề và câu chuyện văn hóa văn nghệ thường hấp dẫn và dễ hiểu đối với đồng bào.

Cũng do ở nhiều vùng, nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên nội dung thông tin thường được thể hiện một cách dễ hiểu nhất, tiết tấu chậm, nội dung thông tin vừa phải, luôn được kết hợp xen kẽ với âm nhạc dân tộc làm nhạc cắt, gần gũi với văn hóa và dễ lôi cuốn sự chú ý của đồng bào nhất.

Đặc biệt, là cách sử dụng ngôn ngữ đời thường gần gũi với cách xưng hô và cách thức giao tiếp hàng ngày của từng dân tộc… Các yếu tố trên kết hợp lại sẽ tạo ra một chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số thu hút được đồng bào dân tộc thiểu số.

Phóng viên Đài PT-TH Lai Châu tác nghiệp

Còn đó những bất cập

Xây dựng khung chương trình (fomart) ổn định nhưng chưa mang tính đột phá, sáng tạo. Các chương trình truyền hình tiếng DTTS của Đài PT-TH Lai Châu được xây dựng theo khung phù hợp với tính chất và mục đích thông tin của chương trình. Tuy nhiên, chưa thường xuyên có sự đổi mới, sáng tạo.

Khung chương trình tiếng DTTS cũng giống với khá nhiều các chương trình truyền hình khác, được thực hiện trong nhiều năm liền chưa có sự thay đổi. So với các chương trình cùng thời lượng, các chương trình truyền hình tiếng DTTS chưa thực sự tạo ấn tượng đối với đông đảo công chúng đồng bào DTTS.

Sau khi đã xác định khung chương trình, chuyên mục, thể loại sử dụng thì quy trình sản xuất chương trình truyền hình tiếng DTTS vẫn còn một số bước chưa được chặt chẽ. Chẳng hạn như bước lập kế hoạch chi tiết sản xuất tiền kỳ. Bước này hầu như không thực hiện. Đài chưa có những quy định cụ thể nên đôi khi có tình huống bất ngờ chẳng hạn như chương trình có trong kế hoạch thì không thực hiện được dẫn đến phải thay đổi chương trình.

Công tác quản lý giám sát, phê duyệt khâu xuất bản ở các cấp độ trong quy trình còn có những hạn chế: Có những chương trình biên tập viên, biên dịch viên kỹ thuật viên tự quyết định. Một số biên tập, biên dịch viên được ủy quyền duyệt cùng một thời gian vừa phải biên tập chương trình, vừa phải duyệt chương trình nên dễ dẫn đến lọt thông tin.

Sắp xếp nhân lực còn chưa hợp lý: Công tác sắp xếp nhân lực phóng viên để giao phụ trách tuyên truyền theo các lĩnh vực chưa thực sự phù hợp, chưa phát huy sở trường. Số lượng, biên tập, biên dịch viên còn thiếu đều phải thực hiện kiêm nhiệm thêm nhiều công việc (như làm báo cáo, xây dựng dự thảo kế hoạch, lưu trữ tư liệu, sản xuất…). Hiện mỗi tổ tiếng DTTS chỉ có 3 người, trong khi biên tập, biên dịch, đọc, duyệt mỗi một tuần là: 4 chương trình phát thanh, 2 chương trình truyền hình. Với thời lượng mỗi chương trình có thời lượng 30 phút dễ dẫn đến quá tải.

Quản lý sản xuất một số chương trình còn để lặp lại thông tin, hình ảnh, chưa đảm bảo tính thời sự. Các chương trình truyền hình tiếng DTTS đôi khi vẫn còn có sự lặp lại về nội dung thông tin và hình ảnh khiến công chúng xem chương trình thấy nhàm chán.

Ở những thời điểm nhất định chương trình tiếng DTTS của Đài vẫn chưa đảm bảo được tính thời sự, kịp thời do phải sản xuất trước. Do quy trình sản xuất nên các chương trình truyền hình tiếng DTTS luôn phải hoàn thành trước thời gian phát sóng theo quy định ít nhất 2 ngày và hoàn thiện gửi bộ phận phát sóng trước giờ phát sóng ít nhất 6 giờ.

Mặt khác mỗi bộ phận tiếng DTTS hiện nay mới chỉ đủ nhân lực để sản xuất 1 số/tuần nên có sự thay đổi về thông tin, số liệu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, địa hình tác nghiệp khó khăn, vùng sâu, vùng xa khi phóng viên đến nơi thì sự kiện đã kết thúc nên có nhiều chương trình phải sử dụng lại nguồn hình ảnh tư liệu đã cũ, tiếng động phỏng vấn cũ, hoặc có sự lặp lại, chắp vá đề tài.

Thể loại được sử dụng thường xuyên nhất trong chương trình truyền hình tiếng DTTS ở Đài PT-TH Lai Châu là tin và phóng sự. Các thể loại khác ít được sử dụng. Đặc biệt là rất ít các chương trình tọa đàm có người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia với tư cách khách mời. Do có những yếu tố hạn chế tác động không thể thực hiện như: Thời lượng, số lượng chương trình bị khống chế; Trình độ nhận thức, khả năng nói tiếng phổ thông của bà con, khả năng giao tiếp hạn chế…

Việc đầu tư nghiên cứu công chúng vẫn chưa được chú trọng. Trong khi đối với các chương trình truyền hình tiếng DTTS, công chúng phần lớn là người đồng bào DTTS nhận thức còn hạn chế, nhiều hộ đồng bào vùng sâu ít tiếp xúc với kỹ thuật công nghệ thậm chí còn chưa biết mở kênh truyền hình Lai Châu...

Đài chưa thực hiện cuộc khảo sát nào về các ý kiến của công chúng đối với các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài. Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm và nhu cầu của người dân bằng kinh nghiệm và trao đổi nếu có cũng rất ít thông qua việc phỏng vấn trong các phóng sự viết về Đài nhân các dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hoặc sự kiện liên quan đến Đài.

Nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số của đài PT-TH tỉnh Lai Châu

Một số giải pháp trước mắt

Trên cơ sở kế hoạch trọng tâm, bộ phận phóng viên, biên tập, biên dịch viên thực hiện các chương trình truyền hình tiếng DTTS hiện thực hoá ý tưởng và thực hiện tiến độ sản xuất đảm bảo và chất lượng. Chương trình truyền hình tiếng DTTS ở Đài Lai Châu muốn tạo lập được chất lượng, uy tín, thương hiệu, chủ thể quản lý phải có kế hoạch tuyên truyền cụ thể và chi tiết, có khả năng kiểm soát mọi nguồn thông tin, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công chúng.

Ngoài ra, việc xây dựng đề cương chi tiết định hướng nội dung cho từng chương trình là yếu tố quan trọng để có sự chủ động, cũng như nâng cao chất lượng thông tin và nguyên tắc làm việc của đội ngũ phóng viên, biên tập, biên dịch viên. Định hướng tăng tính thời sự trong chương trình: để nâng cao tính thời sự trong các chương trình truyền hình tiếng DTTS. Nhất là các vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm, cần xem xét để điều chỉnh các bước trong quy trình tổ chức sản xuất.

Để nâng cao tính hấp dẫn nội dung chương trình, Đài cần chỉ đạo quản lý sản xuất, quan tâm hơn nữa đến những lợi ích của người DTTS như: lợi ích về kinh tế, như khuyến nông, khuyến công, hướng dẫn kỹ thuật, việc giá tăng, giá giảm, lợi ích từ các phát triển văn hoá gắn với các dịch vụ du lịch… Đặc biệt chú trọng đến các đề tài gần gũi với đời sống của người DTTS như: Văn hóa, các kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, phòng chống ma túy, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ sản xuất chương trình.

Bên cạnh đó cũng cần chú trọng tuyên truyền thông tin biểu dương điển hình tiên tiến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Cần coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến để nhân rộng những tấm gương làm ăn kinh tế giỏi, nuôi dạy con ngoan, tích cực khuyến học… trong cộng đồng DTTS.

Các hình thức thể hiện tác phẩm báo chí cần ngắn gọn, sinh động: Công chúng của các chương trình truyền hình tiếng DTTS chủ yếu là công chúng người DTTS. Vì vậy, thông tin trong chương trình cũng cần ngắn gọn. Lời bình trong chương trình bằng tiếng DTTS càng súc tích, gần gũi, dễ hiểu.

Trong mỗi thể loại được sử dụng trong chương trình cũng cần được đổi mới trên cơ sở phát huy những ưu thế của truyền hình hiện đại. Ngoài ra, sử dụng đa dạng các thể loại trong chương trình để khắc phục sự nhàm chán. Để có thể đa dạng hóa thể loại Đài cần khuyến khích phóng viên sử dụng đa dạng các thể loại trong chương trình như: tin, phóng sự, ghi nhanh, phỏng vấn, tọa đàm... Việc sử dụng đa dạng các thể loại cho chương trình cũng làm cho chương trình trở nên sinh động, hấp dẫn công chúng.

Trong chương trình truyền hình tiếng DTTS, cần định hướng cho phóng viên, biên tập, biên dịch viên sử dụng ngôn ngữ địa phương của đồng bào rồi dịch ra tiếng DTTS, nhất là trong phần trả lời phỏng vấn của các nhân vật. Điều này vừa giúp gần gũi với khán giả đồng bào. Ngoài ra, trang phục, bối cảnh quay và âm nhạc có sử dụng gần gũi với đồng bào dân tộc.

Do chương trình tiếng dân tộc thiểu số mang tính đặc thù nên cần khuyến khích mạng lưới cộng tác viên, lựa chọn một số cây bút ngoài Đài là những người nghiên cứu chuyên sâu, phóng viên các ngành, phóng viên các đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp với Đài để có được mối liên hệ chặt chẽ gần gũi trong cộng tác, phối hợp tuyên truyền.

Kiện toàn, sắp xếp phòng chuyên môn khoa học: cần lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành sản xuất có năng lực, sở trường, điều kiện và yêu cầu công việc phù hợp với các chương trình truyền hình tiếng DTTS, đảm bảo tính hiệu quả. Đặc biệt là quản lý chương trình tiếng DTTS cần cân nhắc, ưu tiên những phóng viên, biên tập viên có chuyên môn vững là đồng bào DTTS. Ưu tiên những cán bộ có khả năng chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời có trình độ lý luận chính trị.

Một vấn đề rất cần thiết hiện này là cần quan tâm nghiên cứu công chúng, nhất là công chúng vùng đồng bào DTTS Lai Châu mang tính đặc thù địa chính trị của vùng biên giới miền núi cao. Công chúng có vai trò quan trọng trong quyết định vị thế và sức mạnh xã hội của báo chí. Thực tế cho thấy, lắng nghe những phản hồi của công chúng là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng các chương trình phục vụ đúng đối tượng./.

TRẦN VĂN DŨNG

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top