Chất lượng bài viết mục kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở

Việc tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm mang tính chiều sâu, từ đó góp phần nâng tầm thành các vấn đề có tính lý luận để dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, góp phần vào sự phát triển của xã hội là thế mạnh của các tạp chí so với các loại hình báo chí khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để có được tác phẩm báo chí “xứng tầm”, đòi hỏi cơ quan báo chí và nhà báo phải đầu tư nghiên cứu công phu, bám sát thực tiễn, sáng tạo...
Tạp chí Cộng sản- Chuyên đề cơ sở:

Một số bài viết còn “nặng”

Với đặc thù của tạp chí Đảng, sự phản ánh các loại bài tổng kết kinh nghiệm thực tiễn không dừng lại ở việc ghi lại những sự kiện, mà từ bộn bề những sự kiện, phân tích và làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn ở cơ sở và công tác lãnh đạo, quản lý cơ sở. Đánh giá chất lượng sự phản ánh trên không chỉ thể hiện ở tính kịp thời, sâu sát, mà còn ở sự phân tích, đúc rút có chiều sâu, sinh động, sáng tạo và khái quát cao.

Các bài báo không chỉ nêu các mặt tốt, các ưu điểm, mà còn chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại, đưa ra những kiến nghị hay giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào phát triển tốt hơn nữa hoặc khắc phục những hạn chế, tồn tại, xem xét lại phương hướng sản xuất cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới ở mỗi địa phương. Để chứng minh cho những nhận định về thực trạng, các bài viết đã nêu lên những dẫn chứng, những con số có sức thuyết phục từ thực tế của phong trào ở các địa phương. Tuy nhiên, một số bài viết tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở trên Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở vẫn còn một số vấn đề bất cập.

Thứ nhất, nhiều bài viết tổng kết kinh nghiệm từ cơ sở mới chỉ đáp ứng được tiêu chí: mô tả lại thực tiễn địa phương, ngành, đơn vị, đánh giá chung chung kết quả đạt được và hạn chế, nêu lên những bài học kinh nghiệm. Có những bài cách viết đơn giản, phân tích không sâu về mặt kinh tế, văn hóa - xã hội chủ yếu đưa ra các số liệu một cách nặng nề, nhàm chán, không làm cho người đọc thấy được những bước đột phá mà địa phương hay các đơn vị kinh tế đã làm để đạt được kết quả như mong muốn.

Thứ hai, một số bài viết nặng tính sao chép các báo cáo tổng kết ngành và địa phương, không có sự đi sâu tìm hiểu thực tế, vì vậy bài viết thiếu hấp dẫn, nhiều khi không mang tính chất tổng kết thực tiễn, ngôn ngữ, thể loại báo chí chưa phù hợp. Đặc biệt, trong các bài viết tổng kết thực tiễn cơ sở, tác giả chưa tìm tòi, phát hiện được những nhân tố mới có tính sáng tạo về cách làm mà có thể tạo ra được sức bật mới cho phát triển sản xuất để kiến nghị với Đảng và Nhà nước, từ đó nâng lên thành lý luận, soi đường trở lại cho thực tiễn phát triển kinh tế của đất nước.

Đâu là nguyên nhân?

Xu hướng “Tạp chí hóa báo cáo” diễn ra khá phổ biến đối với bài viết tổng kết kinh nghiệm từ cơ sở của các địa phương, đơn vị. Rất nhiều bài viết đã “bê nguyên” hay lặp lại cả hình thức kết cấu của các bản báo cáo tổng kết; nội dung không đem lại cái mới về mặt khoa học, lý luận. Xu hướng bài viết là lãnh đạo, quản lý chiếm phần lớn, nhưng lại thường mang tính “bài đối ngoại”, ưu tiên đăng, miễn là “tròn trịa”, trong khi trình độ viết bài tạp chí của nhóm tác giả này còn hạn chế (do thời gian, đội ngũ tư vấn, do yêu cầu không cụ thể từ Tạp chí...) và thường có một “form” như: Mô-tuýp các bài na ná nhau, khô khan, thiếu hơi thở cuộc sống; Nhiều chi tiết có thể viết lại hấp dẫn hơn, hoặc chuyển các số liệu thành bảng biểu, hình ảnh; Một số bài “nặng” tính sao chép các báo cáo tổng kết ngành và địa phương, không có sự đi sâu tìm hiểu thực tế vì vậy bài viết thiếu hấp dẫn, nhiều khi không mang tính chất tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; Bài viết theo “khung” định sẵn, do đó hay bị trùng lặp, chỉ khác tên địa phương và các con số, hoặc bài giữa năm này và năm khác cũng gần giống nhau chỉ khác số liệu và một vài đặc điểm.

Ngoài ra, do chưa có sự phối hợp thật tốt với các bộ, ban, ngành và các địa phương, do năng lực của phóng viên, biên tập viên còn hạn chế nên còn nhiều vấn đề chưa được phản ánh kịp thời hoặc có phản ánh nhưng chưa có các bài viết chất lượng đáp ứng mong đợi của bạn đọc. Ví dụ, nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước chưa đạt được những yêu cầu trên, như nông dân bị mất đất, cách giải quyết; Lý giải về các vấn đề nhập siêu, nợ công, sử dụng vốn vay, vốn đầu tư nước ngoài; Vấn đề an sinh xã hội; Vấn đề môi trường trong quá trình phát triển...

Đội ngũ nhân lực lượng - yếu tố then chốt

Thiếu các cây viết có chất lượng là một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng bài viết tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều bài viết được cô đọng từ những công trình nghiên cứu sâu thường có chất lượng và sâu sắc, được bạn đọc đánh giá cao. Những bài phản ánh kinh nghiệm thực tiễn cơ sở do phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm, dày dặn trong công tác khảo sát, dễ thoát khỏi những báo cáo tổng kết khô khan, do đó, bài viết có tính chất khái quát cao và có sức thuyết phục lớn.

Hiện nay, thể loại vẫn được duy trì chủ yếu là chuyên luận, chính luận, nhưng vắng bóng các bài thuộc thể loại phóng sự, điều tra. Điều muốn đề cập ở đây là thể loại điều tra riêng đòi hỏi phóng viên, biên tập viên phải nắm thật sâu và chắc những vấn đề của cơ sở, đồng thời có lập luận, khái quát giỏi mới làm rõ được những vấn đề được phát hiện. Bởi vậy, nên đào tạo để phóng viên, biên tập viên có thêm những kiến thức về thể loại điều tra này. Điều tra bao hàm cả điển hình tốt và điển hình xấu, chứ không phải chỉ có các hiện tượng tiêu cực.

Việc xây dựng khái quát những tiêu chuẩn, yêu cầu chuyên môn đối với cán bộ là phóng viên, biên tập viên tạp chí của Đảng rất cần thiết, là căn cứ tuyển chọn, bồi dưỡng cán bộ, sử dụng đúng người, đúng việc, đồng thời cũng là căn cứ đánh giá cán bộ. Yêu cầu có những đặc thù so với các cơ quan báo chí khác, trong đó có không ít yêu cầu đòi hỏi khắt khe hơn. Có thể rút ra một số nội dung sau:

Thứ nhất, am hiểu sâu sắc về lý luận và quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong thực tế tác nghiệp, nếu thiếu những thứ đó, nhà báo khó có thể có tư duy độc lập, sáng tạo, không thể có quan điểm, lập trường đúng đắn, càng không thể có cách nhìn biện chứng, khả năng phân tích các sự vật, hiện tượng một cách chính xác.

Thứ hai, năng lực báo chí Nhà báo phải có khả năng tác nghiệp báo chí, thể hiện tác phẩm, nhất là thể loại chính luận, cũng như các thể loại báo chí đa dạng khác, trên cơ sở am hiểu các vấn đề lý luận, chính trị; có năng lực, năng khiếu sáng tạo tác phẩm báo chí. Nhiều chuyên gia báo chí khẳng định, với ngành nghề phổ biến khác, muốn thành công cần tới 99% sự học tập, lao động tích lũy và 1% năng khiếu.

Song đối với lao động sáng tạo báo chí, mang tính chất đặc thù, nếu thiếu 1% năng khiếu trên, thì 99% sự học tập, lao động tích lũy, cũng có thể trở thành con số không. Ngược lại, có năng khiếu, nhưng thiếu quá trình học hỏi, tích lũy, rèn giũa, thì kết quả cũng tương tự. Đây là yếu tố quan trọng trong định hướng nghề. Có khả năng tác nghiệp chuyên nghiệp ở nhiều môi trường khác nhau.

Thứ ba, năng lực nghiên cứu khoa học

Đây là đòi hỏi đặc thù song cũng là bắt buộc đối với các phóng viên, biên tập viên làm việc tại tạp chí lý luận và chính trị. Có khả năng nghiên cứu khoa học (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng), tham gia viết các tham luận phục vụ các hội thảo khoa học, làm chủ nhiệm các đề tài khoa học cấp cơ quan, cấp bộ, tham gia các nhánh đề tài cấp Nhà nước, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước... Có kiến thức nền vững, hiểu sâu lĩnh vực phụ trách, hiểu rộng nhiều lĩnh vực.

Thứ tư, quan hệ mật thiết với cơ sở, đề cao đạo đức nhà báo

Trong tác nghiệp báo chí, nhà báo coi trọng việc thiết lập hệ thống cộng tác viên và tổ chức các tuyến bài một cách chủ động. Qua các tác phẩm báo chí, nhà báo phải phản ánh khách quan, công tâm, trung thực, giúp độc giả hiểu đúng, hiểu đầy đủ về những vấn đề mình viết, tránh “tô hồng” hoặc “bôi đen” vì những lợi ích cá nhân. Đối với một nền báo chí cách mạng thì nhà báo phải có tư duy, có thế giới quan của một chiến sĩ cách mạng. Thế giới quan ấy đòi hỏi nhà báo phải biết lựa chọn thông tin, chắt lọc thông tin trong mớ thông tin hỗn loạn hiện nay trên truyền thông Internet./.

Vũ Trung Duy

---
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Kết quả khảo sát được thực hiện trong Luận văn Thạc sỹ “Nâng cao chất lượng chuyên mục Kinh nghiệm từ cơ sở trên Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở hiện nay”
2. Tạp chí Cộng sản Những chặng đường phát triển, Hà Nội, 2015
3. Tạ Ngọc Tấn (2005), Cơ sở lý luận báo chí, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.
4. Trần Ngọc Châu, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Văn Dững (đồng tác giả - 2005), Báo chí - những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
5. Nguyễn Vũ Tiến (2000), Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top