Báo chí đối ngoại góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với nhiều biến đổi phức tạp hiện nay, việc nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia ngày càng được các nước chú trọng, coi như chiến lược sức mạnh mềm. Bởi hình ảnh quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như năng lực cạnh tranh của đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, cần tổ chức tốt công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, trong suốt quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, báo chí đối ngoại đã có những đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo chí đối ngoại - lực lượng quan trọng của công tác thông tin đối ngoại

Trong Quyết định Phê duyệt Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Điều 1 đã xác định quan điểm quy hoạch: “Báo chí đối ngoại là một trong những lực lượng quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, là một bộ phận trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị; tập trung xây dựng, phát triển lực lượng báo chí đối ngoại chuyên trách làm nòng cốt, phù hợp với sự phát triển của hệ thống báo chí nói chung”. Điều đó khẳng định, Chính phủ rất coi trọng vai trò của báo chí đối ngoại trong công tác thông tin đối ngoại. Một trong những nhiệm vụ của báo chí đối ngoại là giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, tiềm năng và hiệu quả trong hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác.

Đây cũng là một trong những nội dung được đề cập tại Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Tổ chức tốt công tác thông tin đối ngoại tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. [Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.64]. Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong công tác thông tin đối ngoại của đất nước, báo chí đối ngoại có vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy, lực lượng báo chí đối ngoại cần được quan tâm, đầu tư phát triển.

Vai trò của báo chí đối ngoại

Thứ nhất, báo chí đối ngoại thông tin, tuyên truyền về sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã xác định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Đây là định hướng có tính đột phá khi hoạt động đối ngoại được cấu thành bởi ba trụ cột nhằm tạo ra sức mạnh mang tính toàn diện, hiện đại. Đồng nghĩa với đó, hoạt động thông tin báo chí đối ngoại sẽ dựa vào sức mạnh tổng hợp của hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với sự đổi mới hiện đại và toàn diện. Bằng việc thông tin, đầy đủ, kịp thời và chính xác về những thành tựu đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua hoạt động đối ngoại Đảng, hoạt động đa dạng của các cơ quan đối ngoại của Chính phủ, Quốc hội, hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và những tổ chức nhân dân từ trung ương đến địa phương..., báo chí đối ngoại đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đối ngoại đa phương, làm cầu nối quan trọng đưa Việt Nam ra thế giới. Báo chí đối ngoại giúp dư luận nước ngoài hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó có đường lối đối ngoại là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng thế giới.

Thứ hai, báo chí đối ngoại thông tin, tuyên truyền về nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Định hướng thứ tư trong phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII là: “... xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” [Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.115 - 116]. Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta xác định: “... Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới” [Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.55 - 57]. Theo đó, báo chí đối ngoại đã góp phần thông tin, tuyên truyền về nền văn hóa đậm đà bản sắc, hội nhập quốc tế rất hiệu quả.

Hiện nay, hầu hết các kênh đối ngoại của các cơ quan báo chí đều quan tâm khai thác đề tài về lĩnh vực văn hóa, có các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa, truyền tải những thông điệp nổi bật về thiên nhiên, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Với nhiều chương trình có nội dung sáng tạo, đa dạng, phong phú, có thể khẳng định, báo chí đối ngoại là nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và ngược lại.

Thứ ba, báo chí đối ngoại đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, định hướng dư luận xã hội “Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị” là một trong những nội dung trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII. Văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại... Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” [Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 146]. Ngày càng có nhiều chuyên mục, chuyên trang với những bài viết, chương trình phát sóng mang nội dung chuyên biệt phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... được các cơ quan báo chí đối ngoại tổ chức.

Việc tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ không chỉ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và sự ổn định của đất nước, mà còn nhằm bảo vệ hình ảnh Việt Nam trước những tấn công của các thế lực thù địch trên mặt trận thông tin. Cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội, uy tín của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng là minh chứng hùng hồn, phản bác những luận điệu xuyên tạc, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn. Đồng thời, các thông tin, hình ảnh được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông là minh chứng rõ nét nhất, thể hiện sự đóng góp không nhỏ của báo chí đối ngoại trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Phát huy vai trò của báo chí đối ngoại trong nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam

Để tăng cường, phát huy tối đa vai trò của báo chí đối ngoại trong việc nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, các cơ quan báo chí thực hiện thông tin đối ngoại cần quan tâm đến những nội dung sau:

Một là, về nội dung: Tiếp tục tích cực, chủ động, bám sát thực tiễn, kịp thời thông tin tuyên truyền sâu rộng về thành tựu của công cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam, về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Tăng cường các bài viết, chuyên mục có sức thuyết phục về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các vấn đề môi trường, phát triển bền vững... Ngoài ra, các cơ quan báo chí nên đầu tư kinh phí, nguồn lực, nâng cao kỹ năng tác nghiệp của nhà báo thông tin đối ngoại; tổ chức các cuộc thi viết, phát động các sáng kiến, dự án truyền thông đối ngoại để nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền.

Hai là, về phương thức: Báo chí đối ngoại cần đa dạng hóa hình thức, phương tiện thông tin, tranh thủ tối đa các lực lượng truyền thông, ứng dụng truyền thông mới trên nền tảng Internet, trong đó có mạng xã hội, để mở rộng phạm vi tiếp cận, thu hút sự tương tác của công chúng, nhất là công chúng nước ngoài. Ví dụ, có thể tận dụng các mạng xã hội như Postcad, App mobile, YouTube, Facebook, Tiltok,... để lan tỏa thông tin đối ngoại

Ba là, về nguồn nhân lực: Hiện nay, lực lượng cho báo chí đối ngoại còn khiêm tốn, bởi phóng viên đối ngoại, ngoài yêu cầu nghiệp vụ, còn phải có ngoại ngữ. Đào tạo một phóng viên đối ngoại luôn cần sự đầu tư. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ, phóng viên đối ngoại. Ngoài ra, cơ quan báo chí và Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể, thiết thực về cơ sở vật chất, phương tiện tác nghiệp phù hợp. Công tác bổ sung phóng viên, biên tập viên thường trú ở các nước, khu vực trên thế giới cũng là vấn đề cần được lưu ý thực hiện, bởi lực lượng phóng viên thường trú Việt Nam ở nước ngoài vẫn được đánh giá là khá mỏng.

Bốn là, về hợp tác quốc tế: Các cơ quan báo chí cần tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài triển khai các hoạt động báo chí đối ngoại như: Mời phóng viên báo chí nước ngoài vào Việt Nam để đưa tin, viết bài; hợp tác với các cơ quan báo chí nước ngoài để xây dựng các tác phẩm tin, bài, phóng sự quảng bá hình ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, chủ động tìm kiếm các điều kiện để tăng cường tiếp xúc, giao lưu, hợp tác quốc tế, phát huy thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động báo chí đối ngoại.

Năm là, về tài chính: Các cơ quan chủ quản và Nhà nước cần quan tâm đầu tư đổi mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cơ quan báo chí đối ngoại. Cơ quan báo chí đối ngoại có thể đề xuất xin miễn thuế, giảm thuế đối với nguồn thu ngoài ngân sách để tái đầu tư cho nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thông tin đối ngoại. Trong một thế giới đầy biến động với những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức đan xen, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định cho quá trình phát triển, Việt Nam đang có những bước chuyển tích cực trên mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Hình ảnh, vị thế và uy tín quốc gia của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Cùng với sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác thông tin đối ngoại nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng cần nắm vững, bám sát đường lối chính sách của Đảng, trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nỗ lực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại, xây dựng, nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam ra thế giới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của đất nước.

ThS Nguyễn Thanh Hải

Khoa Chính trị và Báo chí - TrườngĐại học Vinh

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top