Xây dựng đội ngũ người làm báo vững mạnh

“Thực chất của công tác Hội là xây dựng đội ngũ những người làm báo. Nhưng xây dựng bằng cách nào? Quy tụ ở 4 điểm: Chính trị - Quan điểm - Đạo đức - Nghề nghiệp!” - Nhà báo Phan Quang

Nhà báo lão thành Phan Quang phát biểu tại 1 buổi tọa đàm trong Hội báo toàn quốc năm 2018. Ảnh: TL

Trước khi họp lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội nhiệm kỳ V (1989 - 1995), Tổng Thư ký Hội (nay là Chủ tịch) Phan Quang hỏi tôi: Xây dựng Hội là thế nào, bắt đầu từ đâu? Lời vấn thiết thực; tôi đáp lòng thòng; ông chuốt gọn vo: “Thực chất của công tác Hội là xây dựng đội ngũ những người làm báo. Nhưng xây dựng bằng cách nào? Quy tụ ở 4 điểm: Chính trị - Quan điểm - Đạo đức - Nghề nghiệp”!

Vị thế một tổ chức Hội

Đến nay, những lời của Chủ tịch Hội Phan Quang vẫn “thường trực” trong tôi. Vì rằng, khi còn đảm nhận chức Trưởng Ban Công tác Hội, tôi luôn lấy những điều ấy để trao đổi với các cấp Hội, phấn đấu đi đúng nguồn mạch, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức; đồng thời coi 4 điểm kể trên như tiêu chí để đánh giá vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo trong từng thời điểm, trong mỗi chặng đường... 68 năm qua (kể từ Đại Hội thành lập Hội, ngày 21/4/1950), Hội Nhà báo Việt Nam thực sự là điểm tựa vững chắc cho các hội viên, nhà báo từ Trung ương tới Chi hội Nhà báo cơ sở.

Sự có mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các sự kiện lớn của Hội Nhà báo Việt Nam nói lên vị thế to lớn của tổ chức Hội với đất nước. Ảnh: TL

Câu nói của Chủ tịch Phan Quang (theo tôi hiểu) là sự thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu tại Đại Hội II Hội Nhà báo Việt Nam (từ ngày 16 - 17/4/1959): “Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế, Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo, mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.

Theo nguồn mạch ấy, báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam đã đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. 68 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng hoàn thiện và lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Hội đã kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí trong định hướng tuyên truyền, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, kỹ năng, nghiệp vụ làm báo cho hội viên, nhà báo; bảo vệ quyền lợi tác nghiệp chính đáng của nhà báo.

Tri ân, tôn vinh những đóng góp của hội viên, nhà báo bằng “Kỷ niệm Chương”, nhân rộng tài năng báo chí bằng “Giải báo chí Toàn quốc của Hội, nay là Giải Báo chí quốc gia”. Chăm lo làm giàu kiến thức cho nhà báo bằng “Hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ trong tiếp cận, xử lý thông tin trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0; quán triệt sâu rộng Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo hiện đại”... Đồng thời, khích lệ tinh thần thi đua, học hỏi giữa những người làm báo trong cả nước, gắn bó công chúng với báo chí bằng “Hội báo Xuân, nay là Hội báo toàn quốc”.

Các nhà báo tác nghiệp tại Hội Báo toàn quốc 2018. Ảnh: Nguyễn Uyển

Nhìn lại, khi thành lập Hội ở (xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) ngày ấy, cả nước chỉ vẻn vẹn 300 hội viên nhà báo. Sau 68 năm chúng ta đã có tới 22.500 hội viên, 289 đơn vị cấp Hội (gồm 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 18 Liên Chi hội, 208 chi hội trực thuộc), thể hiện sự lớn mạnh cả về chất và lượng của Tổ chức Hội. Song, hơn thế nữa là trí tuệ, là tư duy, là tay nghề của những người làm báo, là các loại hình báo chí hiện đại, sức lan tỏa siêu tốc của nhân loại, các nhà báo của chúng ta đều tiếp cận và sử dụng thành thạo để thông tin có định hướng sâu, đa dạng, nhiều chiều.

Nếu như lớp nhà báo thuở xưa để lại kinh nghiệm như một tài sản quý báu là ý chí, là lòng kiên định cách mạng, là đức tính vượt khó,... thì lớp nhà báo thời nay là trí thông minh, đa tài, nhanh nhạy sử dụng công nghệ và kỹ nghệ thông tin trong tác nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin và loan tin nhanh chóng, kịp thời... Ngẫm lại, thời nào nhân loại cũng nhờ học mà đi lên, ở đó, nhà báo với bổn phận và trọng trách thông tin, nơi đầu nguồn sự kiện, càng là người phải chăm chút tới sự học, vừa học vừa làm, vừa làm vừa học để tư duy sắc sảo, để nghề nghiệp vững vàng!...

Không ngừng lớn mạnh

Đâu đâu đồng nghiệp cũng quan tâm bằng cách nào để thường xuyên nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cấp Hội Nhà báo? Muôn ý luận bàn, chung quy, tôi vẫn tâm niệm về lời dạy của Bác Hồ với Tổ chức Hội và hội viên, nhà báo tại Đại Hội II - Hội Nhà báo Việt Nam. Và, sau nữa là lời định hướng của nhà báo lão thành Phan Quang.

Cũng bởi lẽ, báo chí là một nghề chính trị. Chính trị trong lời dạy của Bác Hồ là chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những người làm báo phải nắm vững, phải thấm nhuần để tuyên truyền cho đúng, cho sát thực. Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Phan Quang nhấn mạnh điểm này, cũng bởi Bác Hồ đã giao phó cho Hội Nhà báo trọng trách bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo.

Thời đại kỷ nguyên số và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang hiện hữu, quyền thông tin, tự do thông tin là không thể ngăn cấm, với nhà báo phải vững quan điểm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và tham gia thông tin. Chỉ như thế mới xứng là người đại diện cho nhân dân, vì lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội... Theo đó, nhà báo phải có đạo đức.

Đạo đức vốn dĩ là tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận và quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Thế nhưng, làm nghề báo, nghề quan hệ, tiếp xúc với sự vụ, sự kiện, vấn đề để tuyên truyền, để làm rõ phải, trái, đúng, sai... dứt khoát nhà báo phải thấm nhuần 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp như cẩm nang để tác nghiệp, hành nghề, thông tin cho đúng, cho trúng...

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo năm 1960. Ảnh: TL

Hơn nữa, nghề báo (nghề nghiệp) đòi hỏi người làm báo phải có lương tâm và phải có nghiệp vụ vững vàng; biết phát hiện cái mới, cái hay, biết cách truyền cảm, thuyết phục người đọc, người xem, người nghe... Như thế, đủ thấy làm báo là một nghề gian khổ, nghiệt ngã, thậm chí luôn phải đối mặt với nguy hiểm; một nghề có đặc thù riêng với những quy tắc ngặt nghèo về tác nghiệp, về lương tâm, trách nhiệm xã hội và sự thức thời...

Cho nên hội viên, nhà báo phải được Hội Nhà báo các cấp chăm lo, bồi dưỡng, khích lệ, giám sát; tạo điều kiện nhất định để họ thực hiện đúng phận sự một nhà chính trị bằng nghề báo. Được như vậy thì càng thêm năm tháng, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam càng thêm rạng ngời!

Nguyễn Uyển

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top