Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Viết về giáo dục đào tạo: Nhiều thông tin nhưng không dễ chuyên sâu

21:44 19/07/2016 - Góc nhìn
“Viết về giáo dục dễ nhất đấy, vừa nhiều thông tin lại toàn những chuyện“ai cũng biết”. Nhà ai chẳng có con đi học nên có khó gì đâu? ”Đang viết về mảng nông nghiệp, nông thôn được phân công viết về mảng mới, giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), nghe nhiều người nhận xét vậy, tôi chợt nghĩ: Chắc “số” mình may!

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Lùng Vai, Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Ảnh:TL

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Lùng Vai, Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Ảnh:TL

Thông tin ở quanh ta 

GD và ĐT có rất nhiều vấn đề cần thông tin và luôn luôn được dư luận xã hội quan tâm sát sao. Từ chuyện bữa ăn, giấc ngủ của trẻ mầm non; cách thức học tập, đánh giá học sinh tiểu học; rồi chuyện chương trình, sách giáo khoa, thi cử, lựa chọn ngành nghề; đến chuyện bạo lực học đường, sinh viên ra trường thất nghiệp, “bát nháo” trong đào tạo... đều liên quan sát sườn trong đời sống xã hội. Đã vậy, khi tác nghiệp thực tế cơ sở lại được người dân nhiệt tình hợp tác, trò chuyện, cung cấp thông tin. Bởi nói gì thì nói, người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, khi hỏi về chuyện học tập của con em mình ai cũng nhiệt tình, hồ hởi.

Năm 2009 chúng tôi lên Bắc Kạn viết về đề tài dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Tôi muốn đến điểm trường ở bản của xã vùng cao Nhạn Môn, huyện Pắc Nặm (huyện vùng cao, khó khăn nhất của tỉnh). Thấy vậy, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Phạm Duy Hưng khi ấy can ngăn bởi lo lắng phải đi bộ leo núi cả vài giờ đồng hồ. Nhưng rồi tôi vẫn quyết đi. Lên đến Trường tiểu học Nhạn Môn, tôi được thầy giáo phó hiệu trưởng cùng hành trình leo núi lên bản. Lúc đầu, cũng thấy vui, vừa ngắm cảnh rừng núi vừa trò chuyện rôm rả với đủ thứ sổ sách, máy ảnh mang trên vai. Nhưng càng đi càng thấy mệt. Vậy là thầy phó hiệu trưởng đề nghị mang ba lô giúp nhà báo. Sau khoảng 4 giờ chúng tôi cũng đến được điểm bản Nặm Khiếu. Lần đi ấy, tôi ngủ lại ở điểm bản giữa heo hút núi rừng cùng các thầy giáo cắm bản và hôm sau cùng dự giờ dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 người Mông. Quả thực nghe kể nhiều về thầy cô giáo cắm bản nhưng có đi mới thấy hết được sự yêu quý, đùm bọc, quan tâm của đồng bào và sự nhiệt huyết của các thầy giáo, cô giáo trong giảng dạy. Ở một lớp học trên heo hút núi cao, học sinh chỉ nói tiếng Mông, bố mẹ các cháu cũng vậy thì quả thực việc dạy tiếng Việt không khác nào dạy “ngoại ngữ” trên núi với nhiều chuyện cười ra nước mắt, nhưng chứa đựng tình thầy trò sâu sắc.

Không chỉ sự nhiệt tình của người dân, của các thầy, cô giáo mà đội ngũ chuyên gia giáo dục cũng cởi mở, thẳng thắn. Những chuyên gia như GS.VS Phạm Minh Hạc; các PGS.TS: Lê Hữu Lập, Nguyễn Văn Nhã, Văn Như Cương; TS: Nguyễn Tùng Lâm, Nguyễn Thu Hương... đều là những người luôn được cánh phóng viên viết về giáo dục phỏng vấn, trao đổi thường xuyên. Họ đều nhiệt huyết, sẵn sàng trả lời, phân tích, mổ xẻ vấn đề kỹ càng, thấu đáo, có tình, có lý. Một số lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục cũng rất nhiệt tình. Có lần, khoảng 11h đêm, liên quan đến chuyện thi tốt nghiệp THPT, tôi được yêu cầu cần thẩm định lại thông tin từ Bộ GD và ĐT. Đã khuya, biết gọi cho ai. Thôi đành gọi Trưởng ban chỉ đạo cho chắc ăn. Chuông vừa reo đầu dây bên kia đã nghe tiếng “alo”. “Anh ngủ chưa? Khuya rồi nhưng có mấy thông tin em cần xác minh, anh trả lời giúp em nhé!” - Tôi hỏi. “Được, chú cứ hỏi đi, anh trả lời luôn cho, anh đã ngủ đâu” - Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt THPT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đáp. Vậy là ổn, khuya vẫn có thông tin đầy đủ.

Không đơn giản khi chuyên sâu

Tuy nhiên, viết về GD và ĐT cũng có sự “rắc rối” nhất định. Trong một lần tìm hiểu về vấn đề “loạn” đào tạo không chính quy, sau khi xem kỹ hơn 20 loại văn bản liên quan, tôi thấy ở phần lớn các cơ sở đào tạo đều bảo đảm quy trình đúng quy định về địa điểm mở lớp, hợp đồng liên kết... Trong cuộc làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhà trường cũng đưa ra đủ các điều kiện chứng minh lớp đào tạo không chính quy là quy củ, đúng quy định. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, tôi phát hiện việc mở lớp chưa đúng từ “thời khóa biểu” lớp học. Bởi lớp học trên danh nghĩa, giấy tờ tổ chức tại học viện ở Hà Nội, nhưng thực tế lại được mở ở phòng họp kết hợp phòng truyền thống cũ của Bưu điện tỉnh Hòa Bình. Từ đó tìm hiểu rộng ra nhiều cơ sở đào tạo khác, tôi còn nhận thấy việc học tập chỉ “đánh trống ghi tên”. Sau quá trình tìm hiểu tôi lại phải tiếp tục xử lý khá nhiều thông tin, số liệu và đối chiếu các văn bản để viết bài 2 kỳ. Kỳ thứ nhất đăng lên, Bộ GD và ĐT đề nghị không đăng tiếp kỳ 2, nhưng cả 2 kỳ của bài viết vẫn được đăng và nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc.

Viết về GD và ĐT cần hiểu sâu lĩnh vực theo dõi, ngoài những thông tin sự kiện thời sự có cả những thông tin chuyên sâu, đánh giá đúng bản chất vấn đề. Cần có đội ngũ chuyên gia giáo dục là cộng tác viên tích cực vì họ là những người hiểu sâu sắc, có những phản biện xác đáng.

Cái khó trong viết về giáo dục còn là sự hợp tác, cung cấp thông tin của cơ quan quản lý. Kỳ thi THPT quốc gia luôn thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội, nhưng trong các cuộc họp để các trường ĐH, các địa phương phản ánh về những bất cập của kỳ thi thì Bộ GD và ĐT luôn chỉ đạo “nội bất xuất, ngoại bật nhập”. Làm thế nào để có được thông tin chính xác đáp ứng nhu cầu bạn đọc? Vậy là chúng tôi phải nhờ đến các “cộng tác viên” - những người dự họp ghi lại toàn bộ nội dung. Sau khi có nội dung về “bóc băng” và trên cơ sở phân tích nội dung các ý kiến, phóng viên chuyển sang “truy” Bộ GD và ĐT. Trước những lập luận và ý kiến thuyết phục, Bộ GD và ĐT đã phải chấp nhận hợp tác thông tin về những mặt được, chưa được của kỳ thi để thông tin với dư luận. Tuy nhiên, để có thể “truy” ngược Bộ GD và ĐT, phóng viên giáo dục gần như phải “thuộc lòng” các quy chế, quy định của kỳ thi và mất nhiều công sức để tìm hiểu, so sánh, phân tích với thực tiễn đang diễn ra ở các địa phương, các trường đại học, cao đẳng...

Phóng viên là người xây dựng đề cương, triển khai các bước để thực hiện bài viết do ban biên tập đề ra hoặc do chính phóng viên đề xuất khi theo dõi lĩnh vực. Điều đó đòi hỏi phóng viên phải hiểu sâu, tường tận về ngành, lĩnh vực theo dõi để có những bài viết phân tích, đánh giá vấn đề một cách nhanh nhạy, chính xác thỏa đáng. PGS.TS Bùi Anh Tuấn khi còn là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học từng tâm sự: “Hiện nay, đa số phóng viên theo hướng thông tin nhanh nhưng cần những cây bút viết để nhìn vấn đề sâu sắc mang tính chất bình luận còn rất hiếm”. Điều đó cho thấy, sự kiện giáo dục thì nhiều nhưng hiểu và viết hay về các vấn đề liên quan là không dễ. Vì vậy, viết về GD và ĐT cần hiểu sâu lĩnh vực theo dõi, ngoài những thông tin sự kiện thời sự có cả những thông tin chuyên sâu, đánh giá đúng bản chất vấn đề. Cần có đội ngũ chuyên gia giáo dục là cộng tác viên tích cực vì họ là những người hiểu sâu sắc, có những phản biện xác đáng. Phóng viên cũng cần gắn bó chặt chẽ với cơ sở và nắm bắt những phản hồi của người đọc đối với các vấn đề GD và ĐT. Cần sự hợp tác, cởi mở của cơ quan quản lý nhà nước về GD và ĐT; nhất là việc cung cấp kịp thời các thông tin chính thống và lắng nghe những phản biện từ dư luận xã hội. Người làm báo cần thu thập nhiều thông tin dưới nhiều khía cạnh, từ nhiều đối tượng khác nhau, nhất là từ phụ huynh, học sinh, các thầy giáo, cô giáo... những người liên quan trực tiếp đến GD và ĐT...

Xuân Kỳ
© Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top