Dễ và khó trong tác nghiệp báo chí thời điện tử hóa!
20:13 28/09/2022
- Góc nhìn
Giữa năm 2008, từ Tổng Biên tập Báo Thái nguyên tôi được tổ chức phân công chuyển sang làm Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Thái nguyên; thêm 6 năm công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam, tôi đã có gần 35 năm làm báo in trong gần 45 năm cầm bút. Nửa thời gian ấy là làm báo theo công nghệ truyền thống; nửa còn lại là thời điện tử hóa - công nghệ 4.0. Ngẫm lại, có những điều căn bản phải có ở người làm nghề báo đó là: Tâm và Tài (theo cách nói xưa), còn cách nói thời nay là Đạo (bao hàm cả nghĩa năng khiếu) và Đức, chính là chữ tâm, sự say mê của nghề. Cảm nhận từ tác nghiệp, tôi thấy làm báo thời nay (thời thông tin điện tử), dễ có dễ mà khó cũng vô cùng...
Báo chí Cách mạng Việt Nam đã ra đời ngót trăm năm, đóng góp to lớn vào sự thành công của công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa - hình thái chính trị, xã hội hoàn toàn mới mẻ của lịch sử dân tộc mấy nghìn năm. Cho đến trước thời kỳ đổi mới, báo chí của chúng ta đã tập trung mọi công việc cho cổ động đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng và cổ động mọi tầng lớp nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Đóng góp của báo chí là to lớn và hiệu quả. Cơ quan báo chí và nhà báo được tôn vinh, được trân trọng trong trái tim và khối óc của các tầng lớp nhân dân.
Đúng như lời dạy của Hồ Chủ tịch, khi Người đến dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là lời hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”.
Năm 1986, sau Đại hội VI của Đảng, báo chí cả nước thực hiện “Đổi mới vì sự nghiệp đổi mới đất nước”. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, báo chí các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ được quy định. Nguồn lực tài chính của các cơ quan báo chí chủ yếu do ngân sách cấp; cán bộ phóng viên làm việc theo chế độ hưởng lương ngân sách, có một phần nhuận bút động viên tác giả và một nguồn thu không lớn từ bán báo.
Nhiệt huyết của ngòi bút hướng vào nhiệm vụ cách mạng giao, vẻ vang của báo chí là được đóng góp công sức cho nước, cho dân. Tác nghiệp báo chí trước và giai đoạn đầu công cuộc đổi mới, trong đó có người làm nghề báo của Hội Nhà báo Việt Nam là đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của các Hội đoàn thể phổ biến đến hội viên và công chúng; phản ánh cuộc sống, phong trào hành động cách mạng, tâm tư của hội viên, của nhân dân lên các cấp lãnh đạo qua kênh báo chí - truyền thông.
Tác nghiệp báo chí_Nguồn:TL.
Lăn lộn trong đời sống, sâu sát cuộc sống, phát hiện cái mới, báo chí đã giành được những thành tựu to lớn trong nghề nghiệp gian khổ nhưng vẻ vang của mình. Các đề tài báo chí có sức nặng: Tin tức, xã luận, bình luận, điều tra, phóng sự, chuyên mục định kỳ... mang tính định hướng và dự báo có giá trị trong thông tin. Nghề báo và cơ quan báo chí lo tác nghiệp, lo phục vụ, lo xây dựng đội ngũ nhà báo có tâm và tầm, hết mình cống hiến.
Những năm tháng trước đổi mới, báo chí của chúng ta giản dị và ngay ngắn; nhiều nhà báo được tôi luyện trong chiến đấu, trong tu dưỡng lập trường giai cấp rõ ràng đã trở thành những cây bút sắc bén. Uy tín và vị thế của báo chí chẳng những giúp cho định hướng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý của Nhà nước mà còn có vị trí xứng đáng trong lòng nhân dân. Bước vào giai đoạn đổi mới, cùng cả nước báo chí tích cực đổi mới đi liền với mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong vòng mấy thập niên, số lượng đầu báo đã lên đến ngót một nghìn; số lượng Đài PT-TH lên đến hơn 70 đơn vị với hàng trăm kênh, chương trình truyền hình, phát thanh; bộ, ngành nào cũng có phương tiện truyền thông của mình là báo, tạp chí in và truyền hình; hàng trăm tờ báo - tạp chí điện tử; hàng nghìn trang thông tin và hàng triệu block cá nhân; Internet bùng nổ, 70/100 triệu dân tham gia và sử dụng mạng xã hội.
Cơ quan báo chí trở thành cơ quan truyền thông đa nền tảng với đủ các loại hình báo chí. Hệ thống báo, tạp chí, đặc san nói chung của Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng là những cơ quan báo chí đi đầu trong ứng dụng công nghệ, sớm trở thành cơ quan báo chí đa nền tảng. Sự ra đời của mạng xã hội là một tiến bộ vượt bậc của truyền thông nhưng lại cạnh tranh gay gắt với báo chí truyền thống; một bộ phận báo chí truyền thống dễ bị truyền thông xã hội dẫn dắt. Từ chỗ, tất cả mọi diễn biến của đời sống xã hội do báo chí phản ánh bỗng chốc mất thế độc quyền.
Một cuộc đấu tranh mới ra đời: Đấu tranh để có thông tin sớm hơn, nhanh nhất có thể. Công thức là: Đưa sớm nhất tin tức + tin hấp dẫn, gây sự chú ý, thu hút người đọc = Lợi nhuận và thu nhập. Chúng ta còn thấy rõ một điều là đất nước sau 35 năm đổi mới, thành tựu đem lại là vô cùng to lớn nhưng cùng với nó là những vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội bị tha hóa; nảy sinh tham nhũng, chạy chức, chạy quyền ở một bộ phận lãnh đạo; nguy hiểm hơn đó là việc tự chuyển biến về lý tưởng, hành động; tự chuyển hóa về nhân cách... Báo chí không là ngoại lệ, có điều đối với báo chí thì tác động và tác hại sẽ khôn lường. Bởi khác với các ngành, các cấp, giới báo chí từ lãnh đạo đến phóng viên đều là những người hoạt động chính trị, tư tưởng thông qua vũ khí truyền thông; sản phẩm của họ làm ra mang tính chất đại diện cho tư duy và hành động xã hội.
Xin luận về hai chữ dễ và khó trong hoạt động tác nghiệp báo chí hiện nay - báo chí thời đại điện tử hóa, số hóa. Trước tiên nói về chữ dễ. Có thể nói việc nắm thông tin chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Tin
tức tràn ngập trên tất cả các xa lộ, từng giây, từng phút dễ dàng cóp nhặt; thông tin có từ cơ quan báo chí, phục vụ báo chí, từ các cấp, các ngành, từ từng cá nhân. Việc khai thác, tham khảo và phản ánh sâu hơn sự việc từ dòng chảy thông tin đó là quyền của người làm báo chuyên nghiệp. Đất nước ta đang có nền tảng kỹ thuật số, tiếp tục chuyển đổi số với tốc độ nhanh phục vụ sản xuất và đời sống xã hội.
Chúng ta đã hoàn thiện hệ thống cổng thông tin, các báo - tạp chí điện tử, trang thông tin; hệ thống báo chí, phát thanh - truyền hình...hơn 70% người dân tham gia mạng xã hội. Đó là thuận lợi, là việc dễ trong hoạt động tác nghiệp của người làm báo chuyên nghiệp. Đúng là dễ nhưng cái khó cũng vô cùng lớn, đòi hỏi cơ quan báo chí, người làm báo phải dũng cảm vượt qua. Đó là thông tin mà báo chí chính thống phải nhanh, có kiểm chứng, chính xác, tin cậy và có định hướng dư luận.
Trong sự hỗn độn của tin tức có trên dòng chảy của xa lộ thông tin, công chúng báo chí đặt niềm tin tuyệt đối từ thông tin của tờ báo, tạp chí, phương tiện nghe nhìn được cấp phép chính thống. Do vậy, dù khó vẫn phải làm, đó là chất lượng thông tin mà báo đưa là giá trị cho cả chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Để làm được điều này, cần có những cán bộ là nhà báo thực thụ, chuyên nghiệp, không phải chỉ là những thông tin viên. Có nghĩa là người làm báo chí chuyên nghiệp phải có phông văn hóa, chính trị và kỹ năng báo chí được đào tạo bài bản, ngang tầm với đòi hỏi của nghề báo thời công nghệ số.
Báo chí là thông tin nhanh, nhạy, kịp thời nhưng phải đúng, trúng, hấp dẫn, có định hướng, chỉ ra lõi căn bản của sự việc và sự việc phải mang hơi thở của cuộc sống. Là việc nhà báo phải có mặt tại cơ sở, kiểm chứng và thông tin trung thực, giàu cảm xúc, sắc bén từ chính sự kiện. Tâm và tầm của nhà báo chính là chỗnày. Có những chuyên mục là hồn cốt của tờ báo phải duy trì, không được xem nhẹ của thời làm báo điện tử hóa như xã luận, bình luận, phóng sự điều tra, chuyên mục mang bản sắc riêng của từng cơ quan báo chí.
Làm tốt điều này là thể hiện bản lĩnh và sự vững vàng trước cơn cuồng phong cạnh tranh thông tin. Đó cũng là cách cơ quan báo chí sẵn sàng cơ chế đặt hàng của nhà nước trong tương lai gần. Mặt khác, cũng là cơ hội ngàn vàng nâng tầm văn hóa của báo chí - một nền báo chí giàu sức chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại. Đó cũng là cơ hội cho người làm báo không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại.
Thành tựu và những đóng góp của báo chí chúng ta những năm qua là hiệu quả, thiết thực, to lớn. Luôn luôn nhận ra và điều chỉnh, luôn tự thân vận động để hiểu cho tường tận cái dễ và cái khó trong bối cảnh làm báo hiện nay chính là ý chí, nghị lực, bản lĩnh, quyết tâm, là truyền thống tốt đẹp của nền báo
chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ người làm báo.
Phan Hữu Minh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Ngày Xuân, suy ngẫm về những lời Bác dạy nhà báo (10:29 12/01/2023)
- Tình đồng nghiệp không biên giới (06:10 12/01/2023)
- Chuyển đổi nội dung số trong hệ thống cơ quan báo chí Trung ương Đoàn hiện nay (09:08 12/12/2022)
- Ứng xử văn hóa của nhà báo trong bối cảnh thông tin mạng xã hội (05:16 25/10/2022)
- Phát huy giá trị của kho tàng kiến thức (10:32 13/09/2022)