Truyền thông: Không thể vô can trước những hành vi lệch chuẩn văn hóa
11:57 05/05/2019
- Góc nhìn

Mấy ngày nay, một số tờ báo đưa tin quá nhiều về một cô gái trở về Việt Nam sau 2 năm bị bắt ở Malaysia đang bị dư luận phê phán vì sự phản cảm, không phù hợp với hoàn cảnh, hành vi phạm tội do cô gái gây ra
Những trào lưu quái dị trên mạng xã hội
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan những thông tin, lời nói, hình ảnh, video clip tiêu cực liên quan đến việc cổ xúy cho các hoạt động bạo lực, tội phạm, xã hội đen, giang hồ, trong đó nổi cộm là “Bảng xếp hạng giang hồ Việt Nam” (!). “Đồng hành” với các hoạt động phi giáo dục, phản văn hóa này là những sản phẩm “rác rưởi” mà có người gọi là dòng “nhạc tù”, “phim xã hội đen”, “tiểu phẩm giang hồ” nhằm bao biện cho lối sống bệnh hoạn, lệch lạc của một số đối tượng từng có những năm tháng lang thang, trộm cắp, vi phạm pháp luật, ra tù vào tội.
Tình trạng một bộ phận giới trẻ có biểu hiện lệch lạc về “thần tượng” không phải bây giờ mới xuất hiện. Dư luận từng xôn xao về hiện tượng mạng xã hội cổ xúy cho cái gọi là “Hội những người hâm mộ Lê Văn Luyện”, “Hội những người phát cuồng vì Lê Văn Luyện” (năm 2011), dù đối tượng này trước đó đã ra tay thảm sát man rợ đối với một gia đình khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương.
Hay sau vụ việc thảm sát man rợ ở tỉnh Bình Phước năm 2015, trên mạng xã hội xuất hiện clip mô phỏng, tái hiện vụ thảm sát này của Nguyễn Hải Dương và đồng phạm đã thu hút trên 40.000 lượt xem. Cũng cách đây hai năm, phong trào tự phát “Việt Nam nói là làm” của một số người trẻ thách thức nhau lên mạng làm những trò quái đản, kỳ quặc như châm lửa đốt trường, nhảy xuống sông tự vẫn... từng “lây lan” như một “đại dịch” trên mạng xã hội.
Tại sao trào lưu “thần tượng thành phần bất hảo” lại trở thành một trong những “điểm nóng” trên “không gian ảo” của một bộ phận giới trẻ thời gian qua? Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do một bộ phận thanh thiếu niên ở lứa tuổi bồng bột, tâm sinh lý chưa hoàn thiện, lại thích hiếu kỳ, tò mò, ưa khám phá những điều “bí ẩn” liên quan đến “thế giới giang hồ, kiếm hiệp” trên mạng xã hội.
Nhân vật Kh. tại cơ quan điều tra sau những nổi tiếng trên mạng xã hội
Trách nhiệm của báo chí, truyền thông
Trong cái gọi là “bộ phim” mang tên “Tình anh em” của Kh. dài khoảng 15 phút, ở phần cuối phim ghi đầy đủ 13 thành phần làm phim, bao gồm: Chịu trách nhiệm sản xuất, chỉ đạo nội dung, kịch bản, đạo diễn, quay phim, hậu kỳ, kỹ xảo, thiết kế đồ họa, chỉnh nét, chụp ảnh, thiết bị quay và ánh sáng, nhà sản xuất âm nhạc, các diễn viên chính (20 người). Ngoài ra, “đoàn làm phim” còn chân thành cảm ơn 1 khách sạn, 1 nhà nghỉ, 1 quán karaoke đã “giúp đỡ chúng tôi hoàn thành bộ phim này”!
Như vậy có thể nói rằng, nhờ êkíp làm phim “hùng hậu” này mà những thành phần bất hảo như Kh. mới có cơ hội tạo ra những “sản phẩm hoàn thiện” như vậy để tung lên mạng xã hội “câu mồi, thả thính” những chàng trai, cô gái đang ở độ tuổi thừa nông nổi mà thiếu bình tĩnh, tỉnh táo nên để cho những sản phẩm văn hóa độc hại tự “tiêm nhiễm” vào tâm hồn mình!
Rõ ràng, việc một bộ phận giới trẻ tung hô những “người hùng bất hảo”, coi họ như những “thần tượng” là một hành vi lệch lạc rất đáng báo động. Để xảy ra tình trạng này là xuất phát từ sự bồng bột, non nớt về nhận thức, hành vi của giới trẻ; sự thiếu quan tâm kèm cặp, chỉ bảo của cha mẹ; sự thiếu định hướng, dẫn dắt, giáo dục của nhà trường và thầy cô giáo; thiếu nhiều sân chơi, hoạt động vui chơi giải trí bổ ích, lành mạnh cho thế hệ trẻ... Ngoài ra, còn có trách nhiệm của một số công ty truyền thông, một số cơ quan báo chí, phóng viên (dù số này rất ít) có lúc đã thông tin thiếu chọn lọc về các đối tượng bất hảo cũng như cho đăng tải thông tin, hình ảnh, sản phẩm thiếu chuẩn mực của họ.
Qua sự việc này, thêm một lần giới báo chí càng thấm thía rằng, thông tin về người tốt, việc tốt, những hành động nghĩa hiệp, nhân văn trong xã hội, những tập thể, cá nhân cống hiến hết mình vì lợi ích của nhân dân và Nhà nước, vì một môi trường văn hóa xã hội lành mạnh... cần phải được xác định và luôn duy trì là dòng thông tin chủ đạo để góp phần dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, qua đó giúp cho công chúng, nhất là giới trẻ được tiếp cận, hưởng thụ những tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí thật sự bổ ích, hấp dẫn./.
Thiện Văn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Ngày Xuân, suy ngẫm về những lời Bác dạy nhà báo (10:29 12/01/2023)
- Tình đồng nghiệp không biên giới (06:10 12/01/2023)
- Chuyển đổi nội dung số trong hệ thống cơ quan báo chí Trung ương Đoàn hiện nay (09:08 12/12/2022)
- Ứng xử văn hóa của nhà báo trong bối cảnh thông tin mạng xã hội (05:16 25/10/2022)
- Dễ và khó trong tác nghiệp báo chí thời điện tử hóa! (08:13 28/09/2022)