Bộ quy tắc đạo đức nhà báo của tờ The New York Times

15:41 29/06/2016 - Dọn vườn
14 quy tắc đạo đức được nêu trong bộ quy tắc này

Cố Tổng Biên tập The New York Times Adolph Ochs (1858 - 1935)

 
1. Theo Tổng Biên tập Adolph Ochs, mục tiêu của Thời báo New York (Thời báo) là đưa tin một cách vô tư nhất có thể “mà không phải lo sợ hay thiên vị” và cư xử công bằng và cởi mở với các độc giả, các nguồn tin, các nhà quảng cáo và những người khác, đồng thời làm sao để mọi người thấy chúng ta đang làm đúng như vậy. Uy tín của Thời báo cũng như uy tín chuyên môn của nhân viên phụ thuộc vào nhận thức đó. Bởi vậy, Thời báo, phóng viên các ban thời sự và các biên tập viên đều quan tâm về việc tránh xung đột lợi ích hoặc khả năng xảy ra xung đột.

2. Trong hơn một thế kỷ qua, nhân viên của Thời báo đã đảm bảo được tính liêm chính của tờ báo. Ngoài những gì có thể đóng góp cho Thời báo, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là đảm bảo không làm tổn hại tới tính liêm trực đó khi tác nghiệp.

3. Xung đột lợi ích, dù có thực hay chỉ là biểu hiện, đều có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Xung đột ấy có thể xoay quanh quan hệ của nhân viên với độc giả, các nguồn tin, các nhóm cổ xuý, các nhà quảng cáo, hoặc các đối thủ cạnh tranh; quan hệ giữa từng nhóm với nhau hoặc với bản thân tờ báo hoặc công ty mẹ. Ở thời điểm khi các cặp vợ chồng trong các gia đình làm những ngành nghề khác nhau trở nên phổ biến, thì hoạt động chuyên môn và hoạt động với tư cách công dân của các cặp vợ chồng, gia đình, và bạn bè của họ có thể tạo ra xung đột hoặc nguy cơ xung đột lợi ích.

4. Chiểu theo những nghĩa vụ chính thức ghi trong Điều sửa đổi bổ sung thứ nhất của Hiến pháp, Thời báo phấn đấu duy trì những chuẩn mực đạo đức báo chí cao nhất. Thời báo tin rằng nhân viên của mình cùng chia sẻ mục tiêu đó. Thời báo cũng nhận thức rằng nhân viên phải được tự do làm những công việc riêng tư, mang tính sáng tạo và những công việc thuộc bổn phận công dân đồng thời làm ngoài để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, trước khi tham gia những hoạt động bên ngoài đó, nhân viên cần phải đánh giá chuyên môn cẩn thận và cân nhắc lợi ích mà chúng ta có được nhờ danh tiếng không gì thay thế nổi của Thời báo.
 
Phạm vi của Bộ Quy tắc này
5. Nhìn chung, bộ quy tắc đạo đức này áp dụng đối với tất cả thành viên của các phòng biên tập và thời sự, những người mà công việc của họ ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung của tờ báo, kể cả những người đang nghỉ phép.
Những người này bao gồm phóng viên, biên tập viên, những người viết xã luận, các nhiếp ảnh gia, biên tập viên ảnh, chỉ đạo nghệ thuật, nghệ sĩ, các nhà thiết kế, biên tập viên đồ hoạ, và các nhà nghiên cứu. Nhóm các nhà báo chuyên nghiệp này được gọi chung là “nhân viên”. 

6. Các thư ký phụ trách lưu trữ tin, trợ lý hành chính, thư ký và các nhân viên trợ giúp khác nhìn chung không bị ràng buộc bởi những quy định này, tuy nhiên có hai ngoại lệ quan trọng: Thứ nhất, nhân viên phòng tin tức hoặc nhân viên trang xã luận không được sử dụng tin mật thu được khi tác nghiệp vào mục đích cá nhân hoặc cậy có quan hệ với Thời báo để giành ưu đãi hoặc lợi thế cho mình. Thứ hai, không ai được làm gì gây tổn hại tới uy tín của Thời báo về thái độ trung lập trong việc đưa các tin bài về chính trị và chính phủ; cụ thể,không ai được đeo phù hiệu vận động tranh cử hoặc có bất cứ biểu hiện đảng phái chính trị nào khác khi tác nghiệp.

7. Trong hợp đồng của chúng ta với các cộng tác viên tự do có yêu cầu họ tránh xung đột lợi ích, dù xung đột đó là có thực hay mới chỉ là biểu hiện. Theo đó họ phải thực hiện đúng những hướng dẫn này khi làm việc tại Thời báo, như quy định trong mục 14.

8. Thời báo hoàn toàn tin rằng nhân viên của mình chia sẻ những giá trị mà Bộ quy tắc này muốn bảo vệ. Trước kia, Thời báo đã giải quyết những bất đồng quan điểm về việc áp dụng những giá trị này một cách tế nhị thông qua thảo luận, và hầu như không có ngoại lệ nào. Thời báo có đủ lý do để tin rằng biện pháp đó sẽ tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, bất cứ hành vi vi phạm nghiêm trọng nào đối với Bộ quy tắc này đều được coi là tội danh nghiêm trọng có thể bị xử phạt, kể cả sa thải, chiểu theo các điều khoản trong bất kỳ thoả thuận đàm phán tập thể nào nếu có thể áp dụng được.

9. Mục tiêu cơ bản của chúng ta là bảo vệ sự vô tư, công bằng và trung lập của Thời báo và sự thống nhất khi đưa tin. Trong nhiều trường hợp, chỉ chuyên tâm vào riêng mục tiêu đó cũng đã thể hiện đạo đức nghề nghiệp của chúng ta. Đôi khi câu trả lời lại rất rõ ràng. Đơn giản chúng ta hãy tự hỏi liệu một hành động nào đó có làm tổn hại đến uy tín của tờ báo hay không. Chỉ một câu hỏi như vậy cũng đủ để đánh giá hành động chúng ta có phù hợp hay không. 

10. Tất cả nhân viên phải đọc Bộ quy tắc này cẩn thận và suy nghĩ áp dụng như thế nào khi thực hiện những nghĩa vụ của họ. Nhân viên không thể viện cớ không nắm được các điều khoản đó để biện minh cho hành vi vi phạm; trái lại vi phạm đó càng nghiêm trọng hơn. Những điều khoản nêu ra ở đây chỉ là những nguyên tắc có tính khái quát và là một số ví dụ. Thế giới của chúng ta thay đổi liên tục, đôi khi còn thay đổi rất nhanh. Không một văn bản nào có thể tiên liệu được những điều sẽ xảy ra. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng nhân viên sẽ tham khảo ý kiến của những người quản lý, phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức hoặc phó tổng biên tập trang xã luận, nếu họ chưa rõ về các tình huống cụ thể hoặc cơ hội mà Bộ quy tắc này mang lại. Trong hầu hết các trường hợp đều có thể trao đổi bằng thư điện tử.

11. Bởi vậy bộ quy tắc đạo đức này không phải là một tập hợp tất cả các tình huống dẫn đến xung đột hoặc nguy cơ xung đột lợi ích. Bộ quy tắc này không loại trừ những tình huống hoặc những vấn đề dẫn đến xung đột đó nếu đơn giản chỉ vì chúng không thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ quy tắc. Bản thân bộ quy tắc hay bất cứ điều khoản cụ thể nào của nó cũng không sản sinh ra bất cứ hợp đồng lao động ngầm hoặc công khai nào với các cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của nó. Theo thời gian, Thời báo có quyền điều chỉnh và mở rộng phạm vi Bộ quy tắc nếu phù hợp.

12. Thẩm quyền giải thích và áp dụng bộ quy tắc này thuộc về các trưởng ban và các biên tập viên cao cấp, chủ yếu là phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức và phó tổng biên tập trang xã luận. Những người này có thể trao quyền đó cho những trợ lý cấp cao của mình, song vẫn phải có trách nhiệm đối với những quyết định nhân danh họ.
 
Những chuẩn mực ứng xử khác
13. Ngoài bộ quy tắc này, chúng tôi còn tuân thủ Tuyên bố về tính liêm trực khi đưa tin, ban hành năm 1999. Tuyên bố này đề cập tới những thực tiễn chuyên môn cơ bản như tầm quan trọng của việc kiểm tra thực tế, tính chính xác của trích dẫn, sự nguyên vẹn của hình ảnh và không tin nguồn tin nặc danh. Tuyên bố này có tại văn phòng của phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức hoặc trên trang chủ của phòng tin, mục Chính sách.

14. Với tư cách nhân viên của Tập đoàn Thời báo, chúng ta tuân thủ Quy tắc Tác nghiệp - những nguyên tắc ứng xử cơ bản điều chỉnh quan hệ của chúng ta với đồng nghiệp và hoạt động tác nghiệp. Những quy tắc này có tại văn phòng phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức. 

Theo: vja.org.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top