Tin giả và sức “đề kháng” của người làm báo trong đại dịch Covid -19
22:52 11/10/2021
- Dọn vườn
Trong cuộc chiến cam go với đại dịch Covid -19 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, trong
đó có Việt Nam khiến hầu hết mọi quốc gia phải chạy đua với thời gian để chống dịch, một
bộ phận trong xã hội vẫn cố ý tung ra những thông tin giả mạo, sai sự thật (tin giả) trên
mạng xã hội, làm sai lệch bản chất vấn đề, gây hoang mang dư luận.
Tin giả và sức “đề kháng” của người làm báo trong đại dịch Covid -19
Tin giả và tác hại của tin giả
Tin giả là một hiện tượng đời sống xã hội phức tạp, vì thế dù muốn hay không, tin giả vẫn tồn tại và nó vẫn luôn “có đất để sinh sống” trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là vào những sự kiện “nóng”, tin giả có nhiều cơ hội sinh sôi.
Theo Từ điển tiếng Việt, “tin giả là điều bịa đặt tung ra thành tin”. Theo đó, tin giả làm suy yếu nghiêm trọng các phương tiện truyền thông và khiến các nhà báo khó khăn hơn trong việc đưa tin về những câu chuyện quan trọng như phòng, chống đại dịch Covid-19.
Dù với những ý đồ khác nhau nhưng tin giả đều có chung một mục đích đánh lạc hướng người đọc khiến họ hoang mang, từ đó tấn công vào sức “đề kháng” của người đọc gây nhiễu loạn thông tin, làm xôn xao dư luận để trục lợi.
Các chuyên gia dư luận xã hội nhận định rằng, cùng với tin đồn, tin giả đang lan truyền theo cấp số nhân trong đại dịch Covid -19 và mối nguy hiểm của nó không thua kém Virus SARS-CoV-2, gây nên những khó khăn lớn và rất khó lường trong các hoạt động phòng, chống dịch. Có những thông tin có chủ đích của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc thể chế chính trị, phá hoại kinh tế và nền dân chủ; có những thông tin kiểu “chém gió” nhằm mục đích “câu view, câu like”, nhưng đều gây ra những tác hại khôn lường, khó khăn cho các nhà quản lý trong phòng, chống dịch, gây bất ổn tâm lý trong cộng đồng, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, thậm chí sợ hãi đến mất ăn, mất ngủ.
Vai trò của báo chí
Cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, vai trò của báo chí được gửi gắm với nhiều kỳ vọng. Bên cạnh việc cảnh báo người dân biết cách lựa chọn thông tin khi hàng ngày phải tiếp cận rất nhiều nguồn cung cấp thông tin dễ dẫn đến nhiễu loạn, mất phương hướng, báo chí và những người làm báo còn là lực lượng xung kích, ở tuyến đầu và là chủ lực trên “mặt trận” chống tin giả. Hơn ai hết, trong “cuộc đua” về thông tin, báo chí và những người làm báo đang nắm giữ nhiều lợi thế trong phản ánh, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch, đồng thời “truy vết”, nhận diện và “luận chiến” với tin giả.
Trong điều kiện kỹ thuật, công nghệ và chế tài xử lý, kiểm soát tin giả còn hạn chế, vai trò của những người làm báo càng rất nặng nề. Nhà báo không chỉ đưa tin đúng mà còn có nghĩa vụ nhận diện, vạch trần và dập tắt kịp thời tin giả; tăng nhanh lượng thông tin sạch, hạn chế tối đa cơ hội để các đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân kích động, trục lợi.
Hơn ai hết, người làm báo vừa thạo tin, vừa có nền tảng công nghệ, có lực lượng hùng hậu được tổ chức chặt chẽ, có vũ khí sắc bén là ngòi bút chuyên nghiệp và tờ báo trong tay để nhận diện tin giả, xác định mức độ đúng sai để đưa ra các giải pháp ứng phó hữu hiệu với tin giả. Bên cạnh đó, những người làm báo được pháp luật bảo vệ, được cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ thông tin chính thống và các công cụ công nghệ cần thiết khi đấu tranh chống lại tin giả. Vì thế, tiếng nói, bài viết, các sản phẩm báo chí của người làm báo đến với công chúng nhanh nhất, kịp thời nhất, tin cậy nhất, giúp cho công chúng hiểu được bản chất của sự việc để điều chỉnh hành vi trong quá trình phòng, chống dịch bệnh.
Hình ảnh giả mạo Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an_Ảnh: VAFC
Cần tạo ra sức “đề kháng” của người làm báo
Nếu không có sức “đề kháng”, khi gặp thông tin giả mạo, người làm báo cũng dễ bị lung lạc, thậm chí a dua, cổ súy cho tin giả. Để phòng, chống hữu hiệu dịch bệnh Covid-19 và vấn nạn tin giả, những người làm báo cần phải có những liều “vaccine” mạnh, hữu hiệu tạo nên sức “đề kháng” vừa chống lại Virus SARS-CoV-2 vừa đánh bại tin giả, tạo ra không gian lành mạnh của báo chí.
Với ý nghĩa đó, những người làm báo cần ít nhất có thêm hai liều “vaccine” đề kháng với tin giả:
Liều thứ nhất, “nói không với tin giả”. Chỉ có như vậy, người làm báo mới giữ được tâm hồn trong sáng, chí khí thanh cao và không bị cám dỗ, đánh gục trước các loại hình báo chí trả tiền phi đạo đức, xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng nói chung và chống lại tin giả trong đại dịch Covid-19 nói riêng.
Liều thứ hai “nâng cao bản lĩnh chính trị (bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp) và nghiệp vụ” đề kháng với mọi loại hình vấn nạn tin giả. Trong cuộc chiến cam go của đại dịch và những thủ đoạn tinh vi của tin tặc, người làm báo phải giữ vững bản lĩnh chính trị, sẵn sàng bước vào “tâm dịch” và “trận địa” tin giả, phải có năng lực chuyên môn sâu, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn và đạo đức nghề nghiệp đủ sức “đề kháng” với các căn bệnh trầm kha.
Cùng với việc nỗ lực nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí tuyên truyền, phòng, chống dịch, người làm báo phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững khí chất nhà báo với phương châm “bút sắc lòng trong”, vừa “nói không” với tin giả, vừa sẵn sàng ứng phó không khoan nhượng với các loại hình tin giả.
Qua đó, vạch trần các thủ đoạn, mưu mô, mánh khóe của các đối tượng tung tin giả; đồng thời, có biện pháp hữu hiệu nắn dòng thông tin sai lệch, lấy lại niềm tin cho độc giả trước bối cảnh đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp./.
TS NGUYỄN THÀNH VINH
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Lạm dụng từ lóng, lợi bất cập hại (10:15 25/03/2019)
- Khi nhà báo nhét chữ vào mồm người khác (10:05 25/05/2017)
- Xe mô hình, cống xả thải và hiện tượng “tin dỏm” (11:29 21/03/2017)
- Truyền thông và giới showbiz (11:05 21/03/2017)
- Nhiều cán bộ, đảng viên sửa lại tuổi vì 'tham quyền cố vị' (04:48 21/08/2016)