Quản lý thông điệp về xây dựng Chính phủ kiến tạo

23:43 17/06/2023 - Diễn đàn
Xây dựng Chính phủ kiến tạo là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc truyền thông chính sách, quản lý thông điệp về xây dựng Chính phủ kiến tạo trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay còn một số bất cập, tồn tại, vì vậy chưa thực sự góp phần mở rộng và làm phong phú thêm vốn kiến thức, hiểu biết, làm thay đổi nhận thức cũng như tư duy cho người dân hiểu về thông điệp một cách đầy đủ và toàn diện.
  1. Quản lý thông điệp - những vấn đề đặt ra

Có thể khẳng định, không thể có một mô hình chính phủ kiến tạo nào là phù hợp với mọi quốc gia, mọi hình thức xã hội. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng mô hình chính phủ kiến tạo đã lỗi thời trong thời đại toàn cầu hóa, quốc tế hóa sản xuất, dân chủ hóa và đặc biệt là sự phát triển đáng kể của xã hội dân sự hiện nay (đây chính là những yếu tố có tác động rất lớn đến chức năng của chính phủ). Chính phủ không thể can thiệp một cách tự do vào nền kinh tế nói chung cũng như can thiệp vào chính sách phát triển công nghiệp nói riêng. Lịch sử đã chứng minh, có nhiều quốc gia không cần đi theo mô hình chính phủ kiến tạo, nhưng vẫn có thể phát triển kinh tế xã hội thành công, thậm chí là đã đưa quốc gia trở thành một trong những cường quốc trên thế giới. Vì vậy, việc áp dụng linh hoạt mô hình chính phủ kiến tạo cho phù hợp với thể chế chính trị, sự phát triển của nền kinh tế xã hội của đất nước là vô cùng quan trọng. Có thể vận dụng những ưu điểm của mô hình chính phủ kiến tạo như: sự đồng thuận cao của những người quyết định chính sách trong việc xác định những mục tiêu ưu tiên nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế và đẩy mạnh tăng cường tính cạnh tranh, vai trò tích cực của chính phủ trong việc tạo thế chủ động cho khu vực thứ ba...vào quá trình chuyển đổi vai trò, chức năng của chính phủ.

Trên chặng đường xây dựng chính phủ kiến tạo của riêng mình, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít thách thức và khó khăn, có những tác nhân quan trọng không thể bỏ qua như các yếu tố về kinh tế, địa chính trị, thời điểm phát triển kinh tế trên thế giới...Để thành công với mô hình chính phủ kiến tạo thì Chính phủ Việt Nam cần có sự thống nhất, tập trung cao độ về quyền lực để có thể giải quyết nhiều vấn đề mà mô hình chính chính phủ mới đòi hỏi như: cùng hướng tới một mục tiêu phát triển chiến lược chung, có một bộ máy chính phủ tinh gọn, tạo điều kiện thuận lợi và sẵn sàng hợp tác với khu vực tư, sự công khai minh bạch và đặc biệt là kích thích được sự  phản biện chính sách của người dân....Hơn nữa, vấn đề then chốt vẫn phải là nhận biết được vai trò, chức năng của chính phủ và thực hiện vai trò đó phù hợp với năng lực hiện có của bản thân chính phủ và từng bước nâng cao năng lực đó để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, chức năng của chính phủ trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường.

  1. Truyền thông chính sách, cần giải quyết vấn đề gì?

Thứ nhất, áp lực trước sự cạnh tranh gay gắt về số lượng các tờ báo. Trong thông điệp của mình gửi tới đồng bào cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã từng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và quyết tâm đó, suốt thời gian qua, đã được dư luận và báo chí - truyền thông hết sức quan tâm, ủng hộ. Đây là nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội tâm đắc và đề cập trong các Kỳ họp của Quốc hội. Đồng hành với Chính phủ, thời gian qua, báo chí cả nước đã nỗ lực với tinh thần hăng hái, phấn khởi đẩy mạnh tuyên truyền công cuộc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, góp phần xứng đáng vào những thành tựu phát triển đất nước. Tuy nhiên, ngày nay, công chúng có rất nhiều sự lựa chọn, từ nhiều loại hình báo chí nói chung. Chỉ tính riêng loại hình báo điện tử, công chúng cũng đã có hàng trăm tờ để tìm đọc. Nhu cầu và thị hiếu của độc giả ngày càng tăng và theo chiều hướng chủ động hơn. Cụ thể, việc lựa chọn tin tức của công chúng chuyển từ việc phải tiếp nhận thông tin - cơ quan báo chí, tòa soạn cung cấp gì thì xem nấy; nay công chúng được được tiếp nhận thông tin theo cách của mình - tự chủ động về mặt không gian, thời gian lẫn nội dung để đọc.

Thứ hai, áp lực trong việc không ngừng nâng cao chất lượng tờ báo. Trong Hội nghị gặp gỡ báo chí nhân ngày 21/6/2016, nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị đội ngũ những người làm báo thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, cần tiếp tục phát huy những thành quả mà báo chí đã đóng góp trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động báo chí, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, báo chí phải thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, vừa là kênh phản biện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; vừa tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân, vừa góp phần giám sát đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, các cơ quan chủ quản và lãnh đạo cơ quan báo chí phải thường xuyên quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng; tăng cường kỷ luật kỷ cương.

Bốn là, báo chí làm tốt công tác tuyên truyền và phản biện cho hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp, cùng chung tay xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp liêm chính, minh bạch, hiệu lực hiệu quả; tập trung vào cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Chất lượng của tờ báo luôn là bài toán khó nhất và cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu của độc giả cũng như các đối tác hiện nay. Một tờ báo có lượng truy cập lớn được hiểu là tờ báo thành công trong việc thu hút độc giả. Các tờ báo ngoài việc tập trung về số lượng, nội dung bài viết còn tập trung vào khai thác những chi tiết góp phần làm cho nội dung đó thêm thuyết phục, hấp dẫn. Việc khai thác các yếu tố đa phương tiện cho phép báo điện tử gia tăng tính hấp dẫn của các bài báo thông tin về xây dựng chính phủ kiến tạo, mà không phải loại hình báo chí nào cũng có được.

Thứ ba, áp lực trong việc xác định và duy trì vị thế của mình. Trong quá trình tham gia xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, các cơ quan báo chí phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tác động của công tác truyền thông. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, tác động truyền thông, các cơ quan báo chí cần phải đầu tư hơn cho nội dung thông tin về các hoạt động của các cơ quan chính quyền; đồng thời, đòi hỏi người làm báo không chỉ nắm vững được những vấn đề chính sách phức tạp mà còn phải có bản lĩnh, không ngại va chạm. Tinh thần của Thủ tướng cũng cần được quán triệt ngay cả trong hoạt động truyền thông chính sách. Các cơ quan báo chí cũng cần thông tin chính xác, trung thực, đấu tranh đẩy lùi những thông tin nhũng nhiễu, thiếu chính xác trên các mạng xã hội. Để làm được điều này, trước hết, các tờ báo phải hoàn thiện công tác tổ chức, xác định mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn và đầu tư khai thác tính đa phương tiện ở tất cả các chuyên mục, đây là đòi hỏi vô cùng cấp thiết đối với các tờ báo mạng điện tử.

  1. Giải pháp nâng cao quản lý thông điệp về xây dựng Chính phủ kiến tạo

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, phóng viên về vai trò, thế mạnh của báo điện tử trong thông tin thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo. Quá trình Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường nhiều thành phần không những không hạ thấp vai trò, chức năng của chính phủ mà còn đặt Chính phủ Việt Nam trước những nhiệm vụ lớn lao và trách nhiệm nặng nề. Vai trò đảm bảo cho quá trình cải cách kinh tế diễn ra trong vòng trật tự với những bước đi thích hợp, vững chắc và ổn định trước hết thuộc về chính phủ. Khai thác ưu thế của báo điện tử trong thông tin thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo là một hoạt động trong tác nghiệp của báo điện tử nhằm tìm kiếm, lựa chọn, sử dụng những dạng thức phương tiện khác nhau để thực hiện và chuyển tải nội dung thông tin trên báo điện tử. Các dạng thức phương tiện có thể góp phần hình thành và chuyển tải thông tin về thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo đến với công chúng. Vì vậy, nếu không hiểu đúng về việc khai thác các yếu tố này, một tờ báo điện tử dù có điều kiện thuận lợi để phát triển, cũng khó có thể đạt kết quả như mong muốn trong việc thông tin thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ nhân sự của báo thành những nhà báo đa phương tiện năng động, chuyên nghiệp. Để thông tin thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo một cách hiệu quả nhất, Nhà báo đa phương tiện, ngoài các yêu cầu chung như: phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đam mê nghề nghiệp, sáng tạo; phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng; có tri thức, trình độ văn hóa, ngoại ngữ; có năng lực, trình độ chuyên môn báo chí chuyên nghiệp; còn phải đáp ứng những yêu cầu sau đây: Một là, thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện: Xu hướng làm báo đa phương tiện đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhà báo. Một trong những yêu cầu đó là nhà báo phải thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện, như xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh, các chương trình tương tác...Hai là, làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại: Đa phương tiện là việc sử dụng nhiều loại phương tiện để thực hiện một sản phẩm báo chí. Với việc phát triển vượt bậc của công nghệ, phần cứng và phần mềm, các nhà báo hiện đại ngày càng tích hợp thêm nhiều “phương tiện” mới với những cách thức thể hiện khác nhau. Do đó, yếu tố có ý nghĩa quan trọng vẫn là việc nhà báo đó phải làm chủ được kỹ thuật, phương tiện để xử lý công việc ở mọi lúc, mọi nơi. Muốn đạt được điều này, nhà báo cần giỏi sử dụngmáy tính, các phần mềm chuyên xử lý ngôn ngữ đa phương tiện để sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí.

Thứ ba, cần đầu tư, bổ sung thêm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả 2 yếu tố này, báo điện tử Chính phủ cần đầu tư đồng bộ các thiết bị, từ máy quay, bàn dựng cho đến hệ thống ánh sáng, âm thanh và các thiết bị ghi âm, ghi hình nhỏ gọn để phóng viên có thể tác nghiệp độc lập. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho tác nghiệp thì cũng phải song song đầu tư cho con người. Con người làm nên nội dung tác phẩm trên nền tảng công nghệ hiện đại. Cụ thể, khi đầu tư, bổ sung các trang thiết bị xong, cần có những buổi trao đổi, hướng dẫn cụ thể về cách thao tác, vận hành các thiết bị đó.

Như vậy có thể thấy, bên cạnh những giải pháp, kiến nghị mang tính tức thời để giải quyết nhanh chóng những đòi hỏi từ thực tiễn như nâng cao nhận thức của những người làm nghề; nâng cao trình độ, kỹ năng tác nghiệp… Các tờ báo mạng điện tử Việt Nam nên dựa vào thực tế và tham khảo những mô hình thành công, về lâu dài hướng tới xây dựng tòa soạn hội tụ trong quản lý thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo. Việc xây dựng tòa soạn hội tụ chỉ thực hiện được khi đã chuẩn bị sẵn sàng về con người và đầy đủ về cơ sở vật chất. Toà soạn hội tụ không chỉ là mô hình hiện đại nhất hiện nay của báo điện tử, mà còn là sự phát triển vượt bậc, mang lại nhiều giá trị cho tờ báo./.

Nguyễn Tiến Dũng

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Thị Mai, Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Luận văn thạc sĩ, 2010– ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).
  2. Đỗ Chí Nghĩa (2010) Vai trò báo chí trong định hướng dư luận xã hội, luận án Tiễn sĩ truyền thông đại chúng chuyên ngành báo chí học, Học viện báo chí và tuyên truyền.
  3. Nguyễn Trí Nhiệm – Nguyễn Thị Trường Giang (2014), Báo mạng điện tử - Đặc trưng và phương pháp sáng tạo, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật
  4. Quốc hội (2016), Luật báo chí, Hà Nội.
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top