Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Học tập suốt đời”
17:27 28/03/2025
- Diễn đàn

Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Tiến sĩ, nhà báo Trần Thị Lan, Bí thư Chi bộ Tạp chí Người Làm Báo, Quyền Tổng Biên tập đã quán triệt toàn bộ nội dung bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm và nhấn mạnh nội dung cốt lõi của bài viết, tinh thần học tập suốt đời là để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội.
Tổng Bí thư đã khẳng định, học tập suốt đời không phải là vấn đề mới, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm” [Hồ Chí Minh toàn tập, t.6, tr.61]; "Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình". [Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.333].
Trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm, khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng cả nước thành xã hội học tập. Chủ trương học tập suốt đời được đề cập trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, học trong sách vở, học lẫn nhau và học từ nhân dân; “bể học” mênh mông, không bao giờ cạn.
Trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh “Mỗi cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp cần nhận thức rõ mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người xã hội chủ nghĩa, từ đó xác định các nội dung học tập suốt đời cho cán bộ, đảng viên, thành viên gắn với phát động thi đua, đánh giá, biểu dương, khen thưởng”.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta cần có những cán bộ có trình độ, kiến thức, văn hóa, đạo đức, có tâm, có tầm, có tư duy để tiếp nhận tri thức văn minh của thế giới, vận dụng vào trong nước, lập ra những kế hoạch, đường hướng phát triển đất nước trên mọi phương diện, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm
Học tập suốt đời giúp mỗi thành viên trong xã hội có đủ điều kiện và cơ hội tự hoàn thiện mình, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, của gia đình, họ tộc, thôn, xóm, phường, xã và cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trên con đường trở thành nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, việc học tập suốt đời của mỗi cá nhân còn là mục tiêu để cho con cháu noi theo và khuyên con cháu học, học nữa, học mãi, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại” [Hồ Chí Minh toàn tập, t.6, tr.208].
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chủ trương học tập suốt đời: Đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng mà chưa thực sự chú trọng tới chất lượng; việc tự học, thực học và học tập suốt đời của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa đạt kết quả như mong muốn; còn tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn, ngại khó, ngại khổ trong học tập, không đào sâu suy nghĩ để vươn lên chinh phục những đỉnh cao trong khoa học.
Tình trạng hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ nghĩa cá nhân, bệnh kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ảnh hưởng đến chất lượng thực thi công vụ, chất lượng phục vụ Nhân dân; ảnh hưởng đến tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; triệt tiêu động lực đổi mới, sáng tạo, không đủ nền tảng kiến thức và tự tin về năng lực đề xuất và thực hiện những sáng kiến, giải pháp đột phá.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thỏa mãn với kiến thức đã học trong các trường lớp, cơ sở đào tạo, hoặc chạy theo việc học để hoàn thiện bằng cấp đủ điều kiện thăng tiến, không chịu nghiên cứu, học hỏi thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, kiến thức, kỹ năng hội nhập và khả năng thích ứng... Một bộ phận biểu hiện ngại học, không có khái niệm học thường xuyên, học suốt đời nên trở thành lạc hậu, bảo thủ, không thích nghi và bắt nhịp với "guồng quay" hối hả của nhịp sống "vũ bão" thời khoa học và công nghệ 4.0 và X.0.
Mục tiêu học tập suốt đời trở thành một quy luật sống; không chỉ giúp mỗi cá nhân nhận biết, thích nghi, không tụt hậu trước sự biến đổi từng ngày của thế giới hiện tại, làm giàu trí tuệ, hoàn thiện nhân cách, vượt qua khó khăn, thử thách để ngày càng tiến bộ và định vị bản thân trong xã hội hiện đại; cao hơn, đây là chìa khoá quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền vững.
Đẩy mạnh thực chất học tập suốt đời mới giàu có những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ; khắc phục triệt để những "điểm nghẽn" trong cơ chế, chính sách, biểu hiện hình thức trong tự phê bình và phê bình; xóa bỏ tình trạng trì trệ, lúng túng trong giải quyết công việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo ra được đội ngũ cán bộ dũng cảm, nhận thức đúng quy luật nảy sinh từ thực tiễn, từ đòi hỏi của đổi mới và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, dám chịu trách nhiệm.
Tiến sĩ, nhà báo Trần Thị Lan, Bí thư Chi bộ, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí chủ trì buổi sinh hoạt chuyên đề
Gắn việc học tập suốt đời đối với mỗi người làm báo trong thời đại 4.0
Phát biểu ý kiến tại buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà báo Nguyễn Văn Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí cho rằng, đối với hoạt động báo chí, việc học tập suốt đời gắn liền với sự nghiệp công tác của mỗi người làm báo trong bối cảnh truyền thông đang thay đổi một cách nhanh chóng về khoa học công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, buộc các phóng viên, nhà báo phải không ngừng học tập nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn trong vấn đề cập nhật kiến thức báo chí truyền thông để thực hiện các tác phẩm báo chí chuyên sâu, đạt chất lượng cao, hiệu quả, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lan tỏa những thành tựu của đất nước, truyền tải thông tin thế giới đến với công chúng trong xã hội.
Đồng ý kiến trên, nhà báo Trần Văn Ánh, Trưởng ban Chuyên đề nhìn nhận, việc học tập không bao giờ là hết, là cũ, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, phóng viên, nhà báo cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn trong bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư để trau dồi kiến thức không chỉ từ trong nhà trường mà cả trong đời sống xã hội. Học để cho bản thân, cho gia đình và con cái noi theo, trau dồi kiến thức, và phải nhận thức việc học không phải chỉ đầy đủ bằng cấp để bổ nhiệm. Trong bối cảnh tin giả, tin xấu, tin độc lan tràn trên không gian mạng, mỗi người làm báo cần nhận thức rõ nội dung đúng sai để chắt lọc thông tin và truyền tải thông tin đúng sự thật một cách chính xác, kịp thời. Bên cạnh đó, phóng viên, nhà báo cần phải đọc nhiều, đọc để học hỏi, trau dồi ngôn từ khi viết bài, biến những tri thức có giá trị tiếp nhận được thành giải pháp áp dụng vào thực tế công việc và cuộc sống.
Cán bộ, đảng viên, phóng viên Tạp chí Người Làm Báo trao đổi, thảo luận nội dung bài viết "Học tập suốt đời"
Nhà báo Vũ Nam Trà, Thư ký tòa soạn cũng cho rằng, qua bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư cho chúng ta thấy những điều được đúc kết từ di sản tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó mỗi phóng viên, nhà báo cần đặt ra mục tiêu học tập để tu dưỡng hoàn thiện bản thân, nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nêu cao trách nhiệm xã hội để xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng văn hóa của báo chí cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng sự phát triển của internet và mạng xã hội để lôi kéo, kích động các thế lực thù địch phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; do đó, mỗi phóng viên, nhà báo càng phải học, đọc thật nhiều để có đủ khả năng phản biện lại tư tưởng sai trái, tăng cường định hướng dư luận xã hội bằng những thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu thảo luận, đồng chí Bùi Thị Nguyệt Minh, Phó Trưởng phòng Hành chính – Trị sự khẳng định, bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư không chỉ có giá trị ở khía cạnh mang tính chất chính trị mà còn rất ý nghĩa sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, bản thân mỗi cá nhân cần phải không ngừng trau dồi tri thức kỹ năng thông qua học tập, học ở trường, học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, người thân, tự học, đọc tài liệu để vận dụng cho yêu cầu làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Học tập suốt đời giúp cho bản thân hoàn thiện mình hơn trong công việc, trong giao tiếp ứng xử với gia đình, xã hội, góp phần làm đẹp thêm cho quê hương đất nước.
Cán bộ, đảng viên, phóng viên Tạp chí Người Làm Báo trao đổi, thảo luận nội dung bài viết "Học tập suốt đời"
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Trưởng phòng Hành chính – Trị sự trao đổi, bài viết của Tổng Bí thư như là lời nhắc nhở định hướng mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, cập nhật kiến thức, tự học hỏi tri thức mới để xử lý giải quyết công việc thành thạo, có tư duy sáng tạo, đột phá, đáp ứng yêu cầu công việc trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu kết luận buổi sinh hoạt chuyên đề về bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm, Tiến sĩ, nhà báo Trần Thị Lan đánh giá cao buổi sinh hoạt chuyên đề đã triển khai một cách nghiêm túc, các ý kiến thảo luận sôi nổi và khẳng định bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; do đó, toàn thể cán bộ, đảng viên, phóng viên, người lao động Tạp chí Người Làm Báo phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chỉ đạo “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư, không ngừng trau dồi tri thức, vận dụng triệt để vào trong công việc, thực tiễn đời sống và quá trình phấn đấu tu dưỡng rèn luyện bản thân, góp phần xây dựng và phát triển quê hương đất nước Việt Nam vươn tầm thế giới.
Minh Phương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyện về các nhà báo cựu chiến binh (11:32 21/03/2025)
- Trí tuệ nhân tạo: Bổ trợ hay kìm hãm báo chí? (10:27 18/03/2025)
- Những yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với báo chí Việt Nam hiện nay (09:16 18/03/2025)
- Phát huy vai trò của kinh tế báo chí trong thời đại số (08:22 17/03/2025)
- Giải thưởng “bền đam mê” và khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ Việt Nam (04:21 14/03/2025)