Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Vĩnh biệt nhà báo Lục Văn Thao

16:47 22/03/2017 - Chân dung nhà báo
Sau đại thắng ở Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) cùng về tiếp quản Thủ đô. Được phép của Tổng cục Chính trị, Báo QĐND lựa chọn những cộng tác viên đã viết bài cho báo thời kỳ ta đánh Điện Biên Phủ về làm phóng viên. Lục Văn Thao là một trong số đó.

Ngày ấy phương tiện khó khăn, không có xe đạp, thành thử anh toàn phải cuốc bộ đến các làng, bản để lấy tư liệu viết bài. Những ngày tháng đó Lục Văn Thao đã nhiều lần vượt qua đèo Pha-đin bằng đôi chân của mình. Để giảm bớt sự vất vả cho phóng viên, tòa soạn đã cấp cho phóng viên thường trú Lục Văn Thao một chiếc xe đạp, nhưng không phải xe mới. Thế là Lục Văn Thao có phương tiện để trèo đèo, leo dốc. Có lần do xe hỏng phanh, lại đang xuống dốc, thế là anh cho xe húc vào mô đất ven đường, giữ không để người và xe lao xuống vực.

 Nhà báo Lục Văn Thao. 

Khi ấy, phóng viên thường trú ngoài nhiệm vụ lấy tin, viết bài trên địa bàn thì thi thoảng còn phải lo đón tiếp các đồng nghiệp từ dưới xuôi lên công tác ghé qua. Có lần Lục Văn Thao đón phóng viên nhiếp ảnh Lê Hưng lên Tây Bắc công tác. Anh Hưng quê ở Nam Bộ, là phóng viên già của tòa soạn. Không thể đèo Hưng trên xe đạp, mà cũng không thể nhường Hưng đi xe vì Hưng không quen những đoạn đường gồ ghề lắm đèo, nhiều dốc. Thế là Lục Văn Thao liền mượn hai con ngựa, Thao nhường anh Hưng cưỡi ngựa thồ, còn anh nhận ngựa cưỡi. Lần đầu đi ngựa, Lục Văn Thao nhảy lên yên. Có lẽ do giật cương mạnh quá, nên con ngựa chồm lên lao vút đi. Không biết làm thế nào để ngựa dừng lại, anh liền làm theo lời khuyên của dân: “Bám thật chặt bờm nó”. Ấy thế mà cũng về được đến nơi thường trú...

Từ Tây Bắc về, Lục Văn Thao được cử đến Quảng Ninh để viết bài. Do đề phòng có máy bay địch bắn phá khu cất trữ xăng dầu của ta, chỉ huy đơn vị mời nhà báo đến ở trong khu nhà ăn với nhã ý: “Chỗ cơ quan hậu cần có nhiều hầm trú ẩn. Anh ở đây sẽ an toàn”. Nghe thấy thế Lục Văn Thao liền rút bút máy, giơ cao máy ảnh nói: “Đây là vũ khí của tôi. Tôi sẽ bám đơn vị cao xạ”. Nghe tiếng máy bay, anh lao đến đơn vị cao xạ thật. Do chưa thông thạo địa hình, nên anh có cảm giác mình làm vướng chân các pháo thủ. Anh liền nhảy ra ngoài công sự để chụp ảnh. Trận ấy ta bắt được một trung úy phi công Mỹ. Trong buổi họp báo tổ chức tại Quảng Ninh, nhà báo Lục Văn Thao đã chụp được hơn 10 kiểu ảnh tư liệu quý.

Sau đận ấy, anh Thao trở về tòa soạn tiếp tục công việc của một phóng viên. Anh xông xáo, hăng hái, nên luôn được bầu là Bí thư chi bộ, hoặc chi ủy viên. Những ngày chung sống ở Phòng Biên tập Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng - An ninh), Báo QĐND, tôi được giao viết về hậu cần, thế nên Tư lệnh Đoàn 559 xin tôi về để làm Báo Trường Sơn. Tôi làm công tác chuẩn bị để lên đường. Thế nhưng khi Quyết định của Tổng cục Chính trị gửi đến tòa soạn thì lại ghi tên Lục Văn Thao. Thời đó, ai không được đi chiến trường thì ấm ức lắm, nên tôi liền khiếu nại. Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước liền bảo: Đoàn 559 sẽ mở rộng gấp hơn 10 lần hiện nay. Anh Thao có kinh nghiệm, lại từng trải chiến trường. Rút anh Thao bổ sung cho chiến trường là phần thưởng của anh Thao. Còn anh chưa có người thay thế cho công việc hiện tại, nên ở lại đã...”. Thế là tôi đành chấp thuận.

Các tay viết có tầm cỡ của quân đội khi ấy đảm nhiệm việc viết ký sự của Tổng cục Chính trị. Các anh có nơi làm việc, có xe ô tô riêng. Ban Ký sự hoàn thành sứ mệnh, được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tuyên dương, khen thưởng. Tất cả các tác phẩm viết về Tổng cục Chính trị được làm lễ bàn giao rất trọng thể. Khi Ban Ký sự giải thể thì cũng là lúc Lục Văn Thao đủ tuổi nghỉ hưu. Anh về hưu mà vẫn giữ nghiệp viết, lại còn tìm hiểu thêm về chữ Nho, chữ Hán nên biết cũng khá nhiều.

Ở Báo QĐND, tôi luôn là bạn của anh Thao. Từ sau khi nghỉ hưu chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại thăm nhau. Nhất là mỗi khi vào dịp tháng 10, Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh tổ chức các buổi gặp mặt nhân Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên (20/10), các thế hệ, anh em lại được dịp hàn huyên khá đông đủ. Anh Thao là Trưởng ban liên lạc của phòng, nên rất nhiệt tình, hăng hái. Năm nào gặp mặt, anh cũng cần mẫn thống kê những người còn, người mất, rồi thông báo đến toàn thể anh em. Những buổi gặp mặt ấy, bao kỷ niệm sau đằng đẵng thời gian lại ùa về, vui, tếu táo mà vẫn rưng rưng cảm động. Mấy năm gần đây, anh Thao yếu, nên không đến dự các buổi gặp mặt được. Nhưng khi ngồi ở Phòng Quốc phòng-An ninh, ngước nhìn lên chữ “Tâm” treo ở trong phòng thì ai cũng nhắc đến anh. Đó là bức đại tự mà anh đã cất công đi tìm người thêu để làm quà của Ban liên lạc tặng các thế hệ Phòng Biên tập Quân sự nhân buổi gặp mặt mừng tờ báo tròn 50 năm ra số đầu tiên (tháng 10/2000).  

Bây giờ chữ vẫn còn đây mà người thì đã đi xa. Lục Văn Thao ơi! Xin viếng cậu bằng bài báo nhỏ này. Cậu sống với đời, với bạn bè, đồng đội 93 năm luôn luôn trọn tình vẹn nghĩa.

Nguồn: QĐND

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top