Vui sao câu chuyện bút danh - Kỳ 1

21:12 01/12/2022 - Chân dung nhà báo
“Nhà văn đến một tuổi nào đấy chỉ có thể viết về mình nữa mà thôi!”. Đến một bậc văn hào, xuất thân là một nhà báo quốc tế xông xáo tác nghiệp ở nhiều nước châu Mỹ, châu Âu như Gabriel Marquez tác giả cuốn tiểu thuyết hiện thực hư ảo“Trăm năm cô đơn”được trao tặng Giải thưởng Nobel về văn học, khi về già còn thốt ra câu ấy, vậy thì cánh ký giả làng nhàng như mình việc gì phải ngần ngại không kể chuyện ngày xưa, trong khi chờ đến“lúc nào Trời kêu thì dạ!”, như lời cụ Vương Hồng Sển nói vui. Gọi hồi ức cũng được vì đây toàn là những câu chuyện thật trong quá khứ, gọi phiếm đàm có lẽ chuẩn xác hơn.

Tôi tập tễnh bước vào nghề văn chương từ thời ngày còn đang cắp sách đến trường. Đã quyết dấn thân vào con đường danh giá này thì phải tìm cho mình một bút hiệu, chứ dùng tên cha mẹ đặt cho ký vào “tác phẩm”, e dân dã quá. Tôi là con út, được mẹ và các chị gái nuông chiều, người béo ụt ịt, bạn bè vẫn diễu là “thằng Diêu Nhị Thiên Đường”, bởi trông tôi giống chú bé con bụ bẫm in trên hộp thuốc bắc nhãn hiệu Nhị Thiên Đường thông dụng ở các vùng quê ta thời trước. Mình viết truyện, làm thơ nhỡ rơi vào mắt chúng nó thế nào chẳng bị chúng bêu: “A, thằng Diêu Nhị Thiên Đường nay muốn trở thành nhà thi sĩ!”. Chuyện các bậc thi hào, thi bá Trung Quốc ngày xưa đặt bút hiệu, tự danh thường xuất phát từ những điển tích đâu đâu, xin vái các cụ. Văn nhân, nghệ sĩ Việt Nam ta dường như gắn bó với quê hương hơn. Tản Đà làm tỏa sáng núi Tản sông Đà. Rồi Đông Châu, Tập Xuyên, Vị Xuyên, Đông Hồ, Trúc Khê, Hồng Lĩnh, Thạch Hãn, Hương Giang... Cậu tú Lương An, về sau là nhà thơ, thầy dạy kèm tiếng Pháp cho tôi hồi tôi học lớp ba cũng giảng giải: Bút hiệu Lương An của mình gồm hai từ: Lương chỉ làng Tài Lương nơi mình chào đời “trai dũng cảm Tài Lương...” nức tiếng từ thời nhà Mạc (sách Ô Châu cận lục). An là An Cư, tên làng và cũng là tên tổng.

Quan Phụ chính đại thần mấy đời vua triều Nguyễn, Quận công Nguyễn Văn Tường bị Tây bắt đày sang đảo xa là người làng An Cư, tổng An Cư mình đó. Tôi học thầy: mình người phủ Hải Lăng, làng Thượng Xá, dùng Hải Thượng là đẹp. Khốn nỗi làm cách ấy thì trùng tên với cụ Hải Thượng Lãn Ông, e phạm thượng. Đành thay Thượng bằng Tùng, tên người chị cả quý yêu vẫn cõng cậu em này đến lớp hồi em mới lên năm, lên sáu. Hải Tùng, nghe được lắm. Lại giật mình: trên văn đàn đang nức tiếng mấy bút hiệu Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Hải Khách (Trần Huy Liệu), Hải Thanh. Tên Hải Thanh ít xuất hiện trên báo chí bằng hai vị kia nhưng sau này lớn lên tôi sẽ biết, ông là Xứ ủy viên Trung Kỳ, cùng Phan Đăng Lưu chỉ đạo báo chí cách mạng thời Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền, nhờ thế một số tù chính trị nước ta tạm được trả lại tự do, nhiều người làm báo. Chính ông Hải Thanh với tư cách Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn Liên Khu ủy 4 là người ký quyết định buộc tôi ngưng việc học về làm phóng viên báo Cứu quốc mùa hè năm 1948. Hải Triều, Hải Khách, Hải Thanh, nay ta xưng Hải Tùng, hỗn quá! Có ngần ấy thôi mà suy ngẫm mất bao đêm. Thôi thì ta thay huyện bằng xã vậy. Thượng Xá làng tôi khởi thủy tên Hoàng Xá, do kỵ huý Đoan Quận công Nguyễn Hoàng mới đổi thành làng Thượng. “Hoàng Tùng”, được lắm.

Thẻ nhà báo Phan Quang tại Báo Nhân Dân năm 1969_Ảnh:NVCC.

Bạn đọc nhìn hai chữ Hoàng Tùng thế nào chẳng nghĩ tới câu làm cây thông đứng giữa trời mà reo, thơ Nguyễn Công Trứ, hay mùi mẫn hơn, tùy bút Phấn thông vàng của Xuân Diệu! Tôi dông dài như trên để các bạn đồng nghiệp thấy, tìm cho mình một bút danh buổi đầu tốn nhiều công phu lắm. Đâu có phải như quãng thời gian sau, trong kháng chiến rồi thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, nhà báo dù bận đến mấy cũng phải lụi hụi viết bài, kiếm thêm đồng nhuận bút cho bà xã đi chợ, đến thời buổi ấy thì tha hồ bịa bút hiệu, bút danh. Ký tên nào vào cuối bài cũng được, miễn nghe xuôi tai, càng ít người biết đến càng hay. Phòng lúc họp sơ kết, tổng kết việc cơ quan, có kẻ cao giọng phê phán đồng chí này như vậy là chưa tập trung toàn bộ tâm sức vào nhiệm vụ được giao, thời gian đâu mà cộng tác với nhiều báo khác đến thế! Có lần lục lại tập bài cắt từ báo cũ, tôi gặp một bài đọc nghe quen quen, bên dưới ký cái tên lạ hoắc, nghĩ mãi mới ngộ ra đây là bài viết của mình!

Thời kháng chiến chống Pháp, toàn bộ Liên khu 4 gồm sau tỉnh trải dài từ phía nam đèo Tam Điệp đến bắc Hải Vân quan duy nhất có mỗi một tờ báo xuất bản hằng ngày là báo Cứu quốc, với danh nghĩa cơ quan của Hội Liên Việt (Mặt trận Tổ quốc ngày nay), dù không hẳn là một chi nhánh của báo Cứu quốc trung ương. Các tỉnh đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An trước 1945 cũng đã có nhật báo, tuần báo của mình nhưng vào kháng chiến chỉ tồn tại được một thời gian rồi, cạn vốn lần lượt im hơi. Cây bút Hoàng Tùng tuổi hai mươi được các vị lớn tuổi trong cơ quan coi như con dao pha (chữ nhà văn Ngô Thảo), hễ có việc cần làm là giao, trong khi anh chàng là ngựa con háu đá, việc gì trên sai cũng nhận, khó mấy vẫn chẳng ngại, miễn là được đi được viết, có bài in lên mặt báo là oách rồi.

Con ếch ngồi đáy giếng không chỉ coi trời bằng vung, mà dường như cả thế gian này cũng chẳng lớn hơn cái nắp vung. Hồi ấy, tôi có quen anh bạn cùng lứa tuổi là Cao Xuân Hạo sau này là Giáo sư ngôn ngữ học. Anh tham gia Đoàn văn nghệ Liên khu 4, viết một số ca khúc trình diễn tại nhiều nơi. Có điều nhạc kháng chiến mà giai điệu du dương, ngôn từ bóng bẩy nghe na ná “Con thuyền không bến”, “Giọt lệ thu” hay “Đời nghệ sĩ”... Nhà báo trẻ cho rằng những ca khúc như thế nếu được lan truyền rộng rãi trong bối cảnh lúc này có thể làm giảm nhuệ khí các chàng trai lên đường ra trận. Hoàng Tùng ta viết luôn bài báo hàm ý nhắc nhở. Báo Cứu quốc vừa đăng bài hôm trước, hôm sau Ban Thường vụ Liên Khu ủy ban hành chỉ thị: Các đoàn văn công, văn nghệ hoạt động trong Liên khu không được phổ cập những bài ca ủy mị! Về già, tôi có chút lăn tăn, không rõ có phải do chuyện ấy mà chàng trai thông tuệ tịt ngòi nghệ thuật, giã từ âm nhạc để dấn thân vào thế giới hàn lâm nhưng chắc là anh cay lắm.

Gặp nhau tại Hà Nội sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, Cao Xuân Hạo mặt lạnh như tiền: “Cảm ơn anh Hoàng Tùng đã có lời chỉ giáo!”. Vậy là bút danh Hoàng Tùng dần dà thay tên nằm nôi của “chú Diêu Nhị Thiên Đường”. Trừ mấy chị cấp dưỡng cùng cơ quan quen gọi chú Diêu, anh Diêu, còn dưới con mắt  nhà  bạn bè, đồng nghiệp cây bút này là Hoàng Tùng. Mấy cô bán hàng xén cạnh quán nước chè xanh nơi tôi hay ghé mua “kẹo lạc Cu Đơ” thấy tôi bước vào là nháy mắt với nhau: “Hoàng Tùng nhà báo đấy”. Nhà thơ Thanh Tịnh một hôm ghé thăm anh em ở báo Cứu quốc, xộc vào căn nhà tôi ở, ôm choàng vai chú em, hào hứng: “Hãy để cho mình chia vui với Hoàng Tùng!

Mình đã đọc hết loạt bài về thuế nông nghiệp. Mỗi ngày một bài ngắn gọn, ghi nhanh chuyện vừa mới xảy ra ngay hôm trước. Thật là sống động. Cánh nhà báo, nhà văn chúng ta chớ nên vội nghĩ đến những tác phẩm đồ sộ vào lúc này, hãy làm bất cứ việc nhỏ nào ta có thể làm, miễn là phục vụ kháng chiến kịp thời. Hoàng Tùng nên nhớ: biển cả hình thành từ những giọt nước. Chúng ta hãy làm những giọt nước trước khi nghĩ tới biển...”. Hoàng Tùng gắn bó với góc trời của mình đến mức sau ngày Hiệp định Genève năm 1954 ký kết, hòa bình lập lại, cầm trong tay tờ giấy cấp trên điều ra Bắc, tôi cứ chần chừ nửa thích ra đi nửa muốn ở lại. Nhà báo Nguyễn Văn Lợi tuổi bậc cha chú, ông tham gia cách mạng từ năm 1925 khi tôi chưa mở mắt chào đời, vỗ vai khuyên: “Mình nói thật lòng. Ông nên ra nhận công tác ngoài ấy cho mở mày mở mặt. Nấn ná chi mãi cái khu bốn hẹp hòi này!”. Thời hạn cấp trên định: phải có mặt tại cơ quan mới trước ngày... sắp hết. Trận lụt tháng tám làm vỡ đê sông Lam gây ngập úng, nước lũ chưa kịp rút, gió mùa Đông Bắc lại tràn về.

Mặc cho gió mưa lầy lội, tôi vẫn cưỡi chiếc xe đạp cà tàng đã tháo đôi “gác-đờ-bu” (hai cái chắn bùn) hăng hái lên đường, hy vọng đến Hà Nội đúng vào ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Tiếc là sáng hôm ấy “Từ năm cửa ô/ Đoàn quân chiến thắng/ Tiến vào Thủ đô...” (lời một ca khúc của Văn Cao), cấp trên quy định, ngoại trừ những người có giấy phép đặc biệt, còn tuyệt đối không ai được từ các địa phương khác vào Hà thành.  Tôi đành quay lên huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, tìm đến cái xóm nơi tòa soạn Báo Nhân Dân vừa từ An toàn khu Việt Bắc chuyển về tạm trú vài hôm chờ vào Hà Nội, gặp Tổng Biên tập báo trình giấy cấp trên điều động cán bộ. Tổng Biên tập Báo Nhân Dân hồi đó cũng dùng bút danh Hoàng Tùng, tên khai sinh của ông là Trần Khánh Thọ. Cây bút Hoàng Tùng được nhiều người nghe danh từ lâu, khi ông được Trung ương giao đứng tên công khai làm Chủ nhiệm báo Sự thật năm 1948. Anh em làm báo thường gọi đấy là ông Hoàng Tùng anh, hay nhà báo “Hoàng Tùng trung ương”, gọi thế cho khỏi lẫn với chú em, cây bút “Hoàng Tùng Liên khu bốn”. Vậy là sáng hôm ấy Hoàng Tùng em đến trình diện với Hoàng Tùng anh.

Tổng Biên tập báo Đảng lúc này đang nằm nghỉ trên chiếc giường xếp dã chiến đặt ở góc nhà, lồm cồm ngồi dậy đọc lướt tờ giấy điều động công tác do Ban Tổ chức Trung ương ký, rồi chẳng buồn hỏi tôi đường sá từ trong ấy ra đây xa xôi cách trở thế nào, ông chỉ mời tôi uống chén nước nguội rót từ cái ấm giỏ mà bác chủ nhà sáng nay mải hào hứng về chuyện quân ta tiến vào thủ đô chưa kịp pha cho ấm nước mới. Sau đó vào việc luôn: “Nhiệm vụ của chúng ta ngay sau khi đặt chân đến thủ đô là cho Báo Nhân Dân xuất bản hằng ngày, ra một tuần bảy kỳ, kể cả chủ nhật. Anh từng làm báo hằng ngày ở Liên khu 4, vậy là đã có ít nhiều kinh nghiệm. Sẽ tính chuyện sắp xếp cho anh công việc phù hợp”. Ngắn gọn chỉ có thế. Tôi đứng lên chào, xin giã từ xếp. Tổng Biên tập đưa tay ra hiệu ngăn lại, rồi với cái giọng tưng tửng ít lâu sau tôi sẽ quen dần, ông nói tiếp: “Anh là Hoàng Tùng. Tôi cũng là Hoàng Tùng. Tôi nghĩ Báo Nhân Dân ta chỉ nên có một Hoàng Tùng, hoặc là anh hoặc là tôi!”.

Phan Quang

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top