Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

"Ông cố vấn"

19:34 14/10/2022 - Chân dung nhà báo
Năm 2022, Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng, nguyên Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã bước sang tuổi 94. Sau khi nghỉ hưu, ông có một thời gian dài làm công tác thẩm định, hiệu đính cho một số ấn phẩm của Báo QĐND, nên chúng tôi thường gọi ông là “ông cố vấn”.

Đại tá Phạm Phú Bằng đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Ảnh: Thu Hà

Nhà riêng của Đại tá Phạm Phú Bằng nằm ở ngõ số 8 phố Lý Nam Đế (Hà Nội), gần với trụ sở của Báo QĐND, nên từ lâu, mỗi khi có bài viết hay sự kiện gì cần tham khảo ý kiến của các bậc lão thành, tôi đều tìm đến ông. Toàn bộ tầng hai của ngôi nhà, con cháu dành làm nơi sinh hoạt của vợ chồng ông. Vậy nhưng, chiếm phần lớn không gian lại cơ man nào là sách vở, tài liệu cùng các kỷ vật mà ông lưu giữ gần một thế kỷ qua. Ông bảo, thói quen đọc sách và lưu giữ ông có được từ cha đẻ là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, người được Bác Hồ phong quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam.

Đại tá Phạm Phú Bằng sinh ra trong một gia đình quan lại ở Huế. Cụ nội ông là quan Thượng thư Phạm Phú Thứ, từng là Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên) dưới triều Nguyễn. Là nhà canh tân với nhiều ý tưởng táo bạo và khoa học, nhưng cụ Phạm Phú Thứ đã bị đi tù, đi làm lính bởi những tư tưởng vượt khỏi tầm suy nghĩ của chính quyền phong kiến và thời đại bấy giờ. Năm 1945, đang là học sinh Cứu quốc, ông gia nhập Giải phóng quân, trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 101-Trần Cao Vân chiến đấu ở nội thành Huế. Khi Mặt trận Huế bị vỡ, ông cùng một số người bạn theo đoàn quân Nam tiến, dừng chân chiến đấu rồi làm công tác dân vận nhiều năm trên chiến trường Khu 5. Thời gian này, ông được bổ nhiệm cương vị đại đội bậc trưởng.

Đang sôi nổi hoạt động thì có lệnh của Trung ương, tuyển chọn thanh niên đã trải qua chiến đấu ra Việt Bắc và Phạm Phú Bằng nằm trong số ít được chọn. Ở chiến khu, ông được phân về Báo QĐND mới ra đời. Nhưng bấy giờ có lệnh tổng động viên, cần cán bộ cùng dân quân lên Mặt trận Đường số 4, thế là chưa có mặt ở tòa soạn làm báo ngày nào, Phạm Phú Bằng lại khoác ba lô lên đường chiến đấu. Phải đến Chiến dịch Trần Hưng Đạo (tháng 12-1950), Phạm Phú Bằng mới ra trận với tư cách là phóng viên Báo QĐND. Ông cười kể: Có lần bí quá, không có cán bộ địch vận, lại biết tôi thông thạo tiếng Pháp, khi đánh vào đồn Bí Chợ (Yên Bái), thủ trưởng Trung đoàn 102 còn giao cho tôi làm chiến sĩ liên lạc của đơn vị, nói chuyện với sĩ quan Pháp để làm công tác địch vận...”.  

 Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, 33 số Báo QĐND được tổ chức, in ấn, phát hành ngay tại mặt trận, số nào cũng có tin, bài của Phạm Phú Bằng. Sau đó, ông lại theo chân đoàn quân Nam tiến, đi bộ từ miền Bắc vào sát Sài Gòn. Nhà báo Phạm Phú Bằng từng bị thương nặng trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ-ngụy (năm 1967). Khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường miền Nam, ông lại bị thương một lần nữa, vết thương khiến ông phải điều trị suốt một thời gian dài. Nhưng ông đã kịp có mặt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau đó, ông tiếp tục hành quân đến tận mũi Cà Mau để ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc...

Nhà báo Phạm Phú Bằng. Ảnh: Tuấn Tú

Văn là người, điều đó rất đúng với Phạm Phú Bằng. Đọc những bài viết của ông luôn là một mạch viết nhẹ nhàng, thủ thỉ với văn phong rất đời thường, nhưng đôi khi khá “gai góc”. Khi truyền thụ kinh nghiệm cho các nhà báo trẻ, ông cũng thể hiện phong cách ấy. “Hết mình nhưng nhiều khi say sưa quá lại thành ra dài dòng phải không các cháu!”-ông cười hiền như nhận lỗi mỗi khi kết thúc bài nói của mình.

Mới đây, ông trải qua trận ốm nặng tưởng không qua khỏi. Vậy mà khi vừa đi lại được, giữa kho tư liệu khổng lồ của mình, ông lại miệt mài đọc. Tôi từng được đôi lần “thưởng lãm” không gian đặc biệt ấy của ông. Ngoài những cuốn sách, tờ báo bằng tiếng Việt, còn có cả 4 thứ tiếng khác mà ông thông thạo. Tôi nhớ, hồi được giao nhiệm vụ tuyên truyền 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi sang gặp ông để xin ý kiến về một bài viết. Ông liền “nói có sách, mách có chứng” và cho tôi xem những ghi chép của ông trong cuộc tổng tiến công mà ông lưu giữ suốt 50 năm. 5 cuốn nhật ký đã nhuốm màu thời gian, đôi chỗ nhòe mực là nội dung mà ông ghi chép về những gì mình đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến. Hồi ấy, giấy bút rất quý và hiếm nên chữ ông viết nhỏ hết sức để tiết kiệm. Và theo câu hỏi của tôi, “ông cố vấn” lại lật giở những ghi chép, đối chiếu với các xuất bản phẩm in ông có, tỉ mỉ đánh dấu, hiệu đính cẩn thận từng chỗ. Nhiều khi ông ghi cả ý kiến cá nhân vào bản thảo và dặn: “Để thủ trưởng của cháu làm căn cứ cho tiện!”.

Dịp Quốc khánh 2/9/2022, Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận sự cống hiến và những đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Những người làm Báo QĐND đều rất vui mừng khi thấy “ông cố vấn” vẫn có bài phát biểu cảm động, khúc triết tại buổi lễ.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top