“Vấn đề hôm nay” - Vì cuộc sống là dòng chảy không ngừng

09:17 07/07/2016 - Tác nghiệp
Các vấn đề xã hội, thực tế luôn là mối quan tâm lớn nhất của công chúng. Nếu các bản tin thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin tổng hợp, đa chiều và cập nhật, thì những chương trình chuyên đề là những vấn đề chuyên sâu, tập trung vào lĩnh vực nhất định. “Vấn đề hôm nay” - Truyền hình Quốc phòng gương mặt mới của báo chí Việt Nam đã ra đời để giải mã những sự kiện - vẫn nóng hổi của hôm nay.

Phóng viên Truyền hình Quốc phòng tác nghiệp tại hiện trường

Phóng viên Truyền hình Quốc phòng tác nghiệp tại hiện trường

Bắt đầu từ “tên gọi”

Cách đây 2 năm, những người làm thời sự của kênh Quốc phòng Việt Nam ngồi bàn thảo để xây dựng khung chương trình. Bên cạnh những bản tin thời sự, những chương trình chuyên đề, phim tài liệu...mang đậm bản sắc quân đội, quốc phòng, chúng tôi nhận thấy cần có một chương trình chính luận xã hội mang tính phản biện tạo dấu ấn riêng.

Sau khi bàn bạc, lên format, rồi tính toán nhân lực sản xuất, đã hình thành một chương trình talk-show chính luận, thời lượng là 30 phút, 5 ngày một tuần - trừ thứ bảy và chủ nhật. Nhưng vấn đề là cái tên? Rất nhiều tên gọi “hoành tráng” đã được nghĩ tới, như: “Điểm nóng”, “Thời luận” (ghép hai khái niệm “thời sự” với “bình luận”); hay “Tâm điểm” hoặc “Bàn tròn thời sự”... Cuối cùng, cái tên “Vấn đề hôm nay” được chọn. Chúng ta sẽ nói về những vấn đề của ngày hôm nay, của dòng thời sự hiện nay - người nghĩ ra cái tên này giải thích, và tất cả đồng thuận.
Chương trình thoạt đầu được thực hiện trên cơ sở những phóng sự hay nhất, có vấn đề nhất trong ngày, làm chất liệu cho 2 phóng viên trao đổi, phân tích tại trường quay. Thế nhưng rất nhanh sau đó, cung cách này bộc lộ những hạn chế. Bởi lẽ, dù sắc sảo, những phóng viên cũng không thể có kiến thức sâu rộng trên mọi lĩnh vực, khiến nhiều nhận định trở thành phiến diện, và hạn chế.

Một lần nữa, “Vấn đề hôm nay” thay đổi format. Các chuyên gia, nhân chứng, những nhà báo, nhà hoạt động xã hội, chính trị gia và cả người dân có quan điểm, đều được mời đến trường quay. Chính họ là những người phân tích vấn đề, người dẫn chương trình chỉ đóng vai trò làm cầu nối, đưa ra những câu hỏi, hoặc những quan điểm phản biện để cuộc trò chuyện đúng hướng, hấp dẫn hơn. Với sự thay đổinày, “Vấn đề hôm nay” dần dần có khán giả của mình, tồn tại trong môi trường truyền hình cạnh tranh mạnh mẽ, hơn nữa chương trình lại “sinh sau đẻ muộn”.

Lắng nghe công chúng nói

Chậm hơn các bản tin thời sự đầu giờ, nhưng vẫn phải nóng hổi tính thời sự, cân đối bài toán khó này thực sự là một thử thách lớn. Nhưng khó hơn cả, là những nhà báo trẻ, chúng tôi phải phân tích những vấn đề vừa vĩ mô, vừa chuyên sâu, với những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực. Lúc ấy, câu nói của Larry King - người dẫn chương trình talk-show mang tên chính ông (Larry King Live), suốt 50 năm cho kênh CNN nổi tiếng thế giới, lại nhắc nhở chúng tôi bài học nghề nghiệp. Larry King nói: “Mỗi ngày tôi đều tự nhắc mình: Tôi sẽ chẳng học được gì từ chính những điều mình nói cả. Tôi phải học hỏi. Và cách học hỏi chính là lắng nghe”.

Một người nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn dạy cho chúng ta về tầm nhìn và sự dũng cảm khi một mình mang 8 tấn tỏi từ đảo ra Hà Nội để đưa tới tay người tiêu dùng, phá thế bao tiêu ép giá độc quyền của thương lái.

Một người mẹ chia sẻ, yêu thương không chỉ có chiều chuộng, đó còn là sự đấu tranh để con mình cứng cáp trưởng thành, tự tin.

Một bệnh nhân ung thư dạy cho chúng ta niềm hy vọng và lạc quan không chết, mà nó tiếp nối trong yêu thương và khâm phục.

Cứ thế, chương trình “Vấn đề hôm nay” trưởng thành. Từ hình thức đến nội dung không ngừng thay đổi, nhanh hơn, ngắn gọn hơn, sử dụng những hình thức chuyển tải nội dung hiện đại hơn (infographic, tương tác với khán giả qua mạng xã hội...). Chương trình đã có lượng khán giả trung thành và cũng nhận không ít những góp ý, thậm chí phê bình mạnh mẽ từ khán giả. Nhưng, đó là điều đáng mừng, bởi như thế nghĩa là khán giả vẫn quan tâm, theo sát chương trình.

Hơn 2 năm, “Vấn đề hôm nay” tự hào luôn bám sát những vấn đề của hôm nay, giữ cho mình sự trong sáng, minh bạch và khách quan. Vì cuộc sống là dòng chảy không ngừng, sẽ không ngừng lại.

Kênh truyền hình QPVN là cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, chính thức ra mắt ngày 19/5/2013 do Trung tâm phát thanh truyền hình Quân đội và Tập đoàn viễn thông quân đội cùng phối hợp sản xuất

Nguyễn Hà Thành

Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top