Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Sao không nổi da gà?

02:55 05/10/2022 - Tác nghiệp
“nổi da gà” hay “sởn gai ốc” là hiện tượng tổng hòa từ các yếu tố tâm - sinh - lý của cơ thể con người. Với người bình thường, dường như ở ai cũng có trạng thái này, nhưng tùy vào tâm lý, cảm quan, cơ địa từng người, mà da gà xuất hiện thường xuyên hay hiếm hoi, thời gian dài hay ngắn, to hay nhỏ... có khác nhau. Có ba nguyên nhân cơ bản làm nổi da gà ở người là: sức khỏe, thời tiết và cảm xúc. ở “nẻo đường tác nghiệp” này, chỉ xin nói, xin kể về yếu tố cảm xúc làm “nổi da gà”, liên quan đến báo chí.

Tố chất thuận nghề

Trong cuộc sống, công việc, sinh hoạt thường ngày, chúng ta hay được nghe những câu cảm thán của người xung quanh, rằng: “Nhìn cảnh tượng ấy mà nổi cả da gà!”; “Nghe bà ấy kể mà sởn hết gai ốc!”; “Đọc đoạn viết này mà da gà, gai ốc mọc khắp người!”... Tôi nghĩ, với người viết báo mà hay “nổi da gà” là một tố chất thuận lợi cho nghề nghiệp. Với ai viết được nhiều bài, đưa được những chi tiết đắt vào bài viết, khiến người đọc phải “sởn gai ốc” là thành công.

Cuối năm 1995, tôi về Báo Quân đội nhân dân (QĐND) nhận công tác, làm phóng viên của Phòng biên tập Công tác Đảng - Công tác chính trị (CTĐ-CTCT). Thời gian đầu làm quen với nghề, tôi thường xuyên lên thư viện đọc sách báo để học hỏi đồng nghiệp, nhất là lớp đàn anh, đàn chị. Một hôm thấy bài phóng sự “Hải Phòng - thời điểm thách thức mới” của tác giả Nguyễn Viết Sơn, tôi đọc luôn, đọc liền một mạch. Bởi trước khi về Báo QĐND, tôi đã đọc và rất thích nhiều phóng sự, bút ký, ghi chép của nhà báo Nguyễn Viết Sơn, nhưng chưa được gặp tác giả.

Mấy hôm sau, nhà báo Nguyễn Viết Sơn đến Phòng biên tập CTĐ-CTCT, lúc đó tôi mới được gặp cây bút mà bấy lâu nay mình rất hâm mộ (khi đó nhà báo Nguyễn Viết Sơn đã mang cấp hàm Đại tá, là chuyên viên cao cấp của Báo QĐND, nên tôi gọi là chú cho thân mật, gần gũi). Sau những lời xã giao thân thiện, cởi mở, tôi bày tỏ luôn với chú Viết Sơn về cảm nhận thú vị của mình về bài phóng sự đọc hôm trước. Chú Viết Sơn nói với tôi: Bài phóng sự đó khá dài, có nhiều tình tiết, chi tiết, nhưng cháu thích nhất chi tiết nào, đoạn nào? Chú hỏi, tôi trả lời tức thì: Cháu thích nhất đoạn kết, nó làm cháu nổi da gà đấy. Vì thế cháu thuộc luôn. Bây giờ cháu đọc lại để chú thẩm định nhé: “Chiều cuối năm dạo trên bến cảng, thấy biển mênh mông hơn vì thiếu vắng những con tàu. Câu hát ngày xưa, bây giờ lại là điều mơ ước...”.

Tôi vừa dứt lời, nhà báo Viết Sơn bày tỏ ngay sự cảm mến: Tuyệt vời! Cảm xúc của cháu là lý tính chứ không phải cảm tính. Vì phải hiểu được TP. Hải Phòng nói chung, cảng Hải Phòng nói riêng ở các giai đoạn; phải biết cảm nhạc, chí ít là bài “Bến cảng quê hương tôi”... thì mới thích cái kết của phóng sự đó. Cháu nổi da gà, ấy là tín hiệu tốt. Đến như chú viết ra mà đọc lại cũng thấy sởn gai ốc đấy... Nhà báo Nguyễn Viết Sơn hôm đó nói vậy và nhiều lần khác nói về những tình tiết, bài báo của đồng nghiệp và của chính mình mà tác giả tâm đắc cũng thế.

Chẳng thấy ai to nhỏ “Văn mình vợ người”, “Mẹ hát con khen hay” với nhà báo Nguyễn Viết Sơn cả. Vì mục đích của chú là trao đổi nghiệp vụ, truyền cảm hứng nghề nghiệp, nhất là cho thế hệ trẻ, người mới vào nghề. Bây giờ nhà báo Nguyễn Viết Sơn không còn nữa! Chú đã đi “tác nghiệp” cùng các nhà báo tiền bối của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, nơi thế giới người hiền. Nhưng với tôi, hình ảnh về một phóng viên giàu tri thức, kinh nghiệm và bút pháp; một bậc cha chú dạt dào tình cảm và năng lượng truyền lửa, truyền nghề cho thế hệ trẻ; cùng nhiều phóng sự, bút ký, ghi chép của chú, thì không thể quên được, lúc hồi tưởng lại vẫn sởn gai ốc! Học nhà báo Nguyễn Viết Sơn và nhiều cây bút tài hoa của Báo QĐND về cách “nổi da gà”, tôi đã viết được những bài báo mà đồng nghiệp và bạn đọc đồng cảm, khen ngợi.

Cuối năm 2006, tôi viết bài “Trường Sa mãi trong anh”. Bài viết nói về Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Vũ Đức Duân, nhân viên cơ yếu ở Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân. Trước đó Duân có 2 năm làm nhiệm vụ ở Điểm C - đảo chìm Thuyền Chài, huyện đảo Trường Sa và tôi đã gặp anh ngoài đó. Hai năm thôi nhưng để lại trong Duân biết bao kỷ niệm đẹp đẽ và thân thương về tình đồng đội, về nắng lửa, gió bão nghiệt ngã đảo xa, về thèm khát một quả ớt tươi, một cọng rau thơm... Bởi thế khi về đất liền anh Duân không thể quên được đảo chìm ấy.

Dẫu vẫn biết những người lính đảo ở cùng mình trong hai năm đó đã ra quân, thuyên chuyển, nhưng Tết Nguyên đán nào hai vợ chồng Duân - Tâm cũng gửi một hộp quà tặng đồng đội chưa biết mặt, biết tên ở Điểm C - đảo chìm Thuyền Chài. Vợ chồng anh thường gửi các phóng viên báo, đài theo những con tàu chở hàng Tết ra đảo. Gần Tết 2006, Duân điện cho tôi nhờ việc ấy. Dịp đó tôi không đi Trường Sa, nhưng trân trọng tình cảm của vợ chồng Duân - Tâm với đồng đội nơi đảo xa, nên tôi vẫn trực tiếp đến nhà Duân nhận hộp quà để gửi phóng viên Nguyễn Đình Xuân ra Trường Sa Tết đó.

Lúc tôi đến nhà, vợ chồng Duân và cháu nhỏ đang cho quà vào hộp, toàn là những thứ dân dã nhưng rất thiết thực với lính đảo, đó là vải khô; kẹo hải hà; su hào, ớt, húng Láng sấy khô; hạt giống rau, dây đàn, bóng bàn, dao cạo râu... Hoàn tất việc đóng hộp, anh Duân lấy tờ giấy khổ A4 dán lên hộp quà, tờ giấy đó đã in sẵn: “Vợ chồng Duân - Tâm, Quân chủng PK-KQ - mến gửi đồng đội Điểm C, đảo Thuyền Chài - Trường Sa”. Biết những món quà ấy, đọc những dòng chữ ấy, tôi thật cảm động, cảm kích. Và trong bài báo đó tôi đã viết: “Nhận hộp quà từ tay vợ chồng Duân - Tâm để nhờ đồng nghiệp chuyển ra Trường Sa, tự nhiên tôi mất hết cảm giác về trọng lượng, nặng nhẹ thật khó phân biệt”.  Bài báo đó đăng ở trang trong, nhưng được rất nhiều người đọc, người khen, vì đã làm họ “nổi da gà”. Nhà báo Vũ Đạt không kiệm lời khen: “ Đọc bài của chú, tôi phải nổi da gà “kép” - một là vì việc làm sâu nặng tình đồng đội của vợ chồng nhà Duân - Tâm; hai là đoạn thăng cảm, thăng bút của chú”.

Phóng viên tác nghiệp tại đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa)_Ảnh:TL

Gai ốc lặn vào trong

Như đã nói ở trên, “nổi da gà” hay “sởn gai ốc” là hiện tượng bình thường với cơ thể con người. Đó là ở góc độ nghĩa đen, còn ở góc độ báo chí cần nói thêm ở cả nghĩa bóng. Thực tế là có nhiều phóng viên do cơ địa mà trước những hình ảnh, sự việc tác động mạnh tới cảm xúc, nhưng họ không hề nổi da gà, nhưng khi họ viết thì làm người đọc nổi gai ốc. Tôi vẫn nói vui với những phóng viên như thế là “gai ốc lặn vào trong”. Nhưng cũng không ít phóng viên “gai ốc” không nổi bên ngoài, cũng chẳng lặn vào trong.

Cuối tháng 10/2010, Báo QĐND tổ chức đoàn “Liên quân báo chí” ra thăm và giao lưu tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Đại tá, nhà báo Sử Trường Sơn, Trưởng phòng Phát hành - Quảng cáo, Báo QĐND rất muốn cùng đồng nghiệp ra đảo. Nhưng do công việc đột xuất, anh không thể đi được, vì vậy anh có gửi quà tặng bộ đội đảo Bạch Long Vĩ, trong đó có hai cây nho nhỏ là cây phượng hoa tím và cây sấu. Hai cây này được thiếu úy Phạm Đức Kiên, trợ lý phát hành, đặt vào hai túi cóc ba lô cho an toàn. Lúc chuẩn bị lên xe để đi Hải Phòng, trên sân tòa soạn Báo QĐND có khá nhiều phóng viên báo đài. Thiếu úy Phạm Đức Kiên chỉnh tề trong bộ quân phục mới, rất đẹp; ba lô trên lưng, hai bên túi tóc có hai cây xanh nhỏ nhỏ, xinh xinh, thật tự nhiên và ý nghĩa. Vậy mà, vậy mà... chẳng thấy phóng viên nào bấm máy. Vì vậy tôi phải “hoa tiêu trên cạn” để mọi người cùng nghe thấy: “Khởi hành ra đảo có hình ảnh đẹp và ý nghĩa thế này mà không ai chớp được thì phí quá!”.

Tôi vừa dứt lời thì phóng viên Nguyễn Hồng Hải (nay là đại tá, Trưởng phòng báo Cuối tuần, Báo QĐND) từ phòng trực ban cầm máy ảnh cơ chạy ra chớp được hình ảnh đẹp của thiếu úy Kiên. Hồng Hải nói với tôi: “Em cũng thấy ngay vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh này, nên phải dùng máy cơ cho nó chắc...”. Tôi như được “an ủi”, vì chí ít trong số phóng viên hôm đó cũng có một đồng nghiệp đồng pha, đồng góc nhìn với mình.

Tháng 6/2018, phóng viên của 5 cơ quan báo chí đồng hành cùng Công ty dịch vụ Hàng không, sân bay Nội Bài ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) tặng các cháu thiết bị vui chơi ở trường mầm non Hoa phong ba. Cuối buổi chiều, đoàn đến Câu lạc bộ thanh niên của một đơn vị xem bộ đội tập văn nghệ. Câu lạc bộ làm ngoài trời, bên sân vận động. Cả trong và ngoài câu lạc bộ đều được sắp đặt, trang trí rất nghệ thuật, rất thanh niên. Với tôi, khi từ xa nhìn thấy cổng câu lạc bộ là hai vỏ bom khổng lồ dựng đứng, bên cạnh là hai chậu hoa hồng, đã nổi da gà vì ý tưởng, biểu tượng này, có thể viết được bài hay về nó. Quan sát các đồng nghiệp đi cùng, tôi chẳng thấy ai chụp ảnh, chẳng thấy ai hỏi cán bộ, chiến sĩ về ý tưởng xây dựng và tổ chức hoạt động của câu lạc bộ. Tôi chạnh buồn và buộc phải “kích hoạt” để các đồng nghiệp “nổi da gà”: Anh em chú ý, cổng câu lạc bộ là biểu tượng rất ý nghĩa về chiến tranh và hòa bình, là khát vọng... Nghe tôi nói, các đồng nghiệp như bừng tỉnh, rồi chụp ảnh, ghi chép... Không biết họ có nổi da gà? Không biết gai ốc nổi bên ngoài, hay có lặn vào trong?

Tô Thành Tuyên

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top