Tính chuyên nghiệp của nhà báo khi viết về trẻ em

11:57 30/06/2016 - Tác nghiệp
Đưa tin về trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với giới truyền thông. Hiện nay, không ít nhà báo vô tình hay cố ý đã làm tổn thương trẻ em bằng chính ngòi bút, góc ảnh của mình. Thực tiễn cho thấy, sự thật là “sinh mệnh” của báo chí, song, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhà báo cũng cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Vậy, câu hỏi được đặt ra là, khi đưa tin về trẻ em, các nhà báo cần tuân thủ những nguyên tắc gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các em? Đây không còn là câu hỏi mới, song nó luôn là thách thức lớn đối với các nhà báo.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tại Hội thảo “Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Nghề báo – Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức ngày 9-8-2013, nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo đã lên tiếng và đưa ra lời cảnh báo, thời gian qua, không ít bài báo đã vi phạm quyền trẻ em một cách nghiêm trọng, thậm chí tình trạng sử dụng ngôn ngữ không chính xác đang diễn ra khá phổ biến, tác động rất lớn đến tâm lý trẻ em trong quá trình tiếp xúc với báo chí. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của trẻ em sau này. Nhà báo khi viết về trẻ em cần phải có cái tâm trong sáng, đừng coi đề tài về trẻ em như thứ mồi ngon cho cái “cần câu” view của mình.

Mối quan hệ giữa trẻ em và báo chí

Theo nhà nhân học văn hóa Karin Norman – tác giả cuốn sách về những khái niệm văn hóa tuổi thơ viết cho Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển, tuổi thơ của trẻ em không phải là một trạng thái sinh học, mà là một cấu trúc xã hội và văn hóa. Có người cho rằng, tuổi thơ là một khái niệm của sự khai sáng, là một thuật ngữ do các nhà triết học và sư phạm học “sáng tạo”, nhằm phục vụ mục đích duy trì trật tự xã hội thông qua việc tách biệt giữa trẻ em với người lớn. Chính vì vậy, trẻ em luôn được coi là đối tượng trong sáng, dễ bị xâm hại, cần được bảo vệ và giám sát để có thể phát triển và trưởng thành. Trong bất kỳ xã hội nào, trẻ em cần được tôn trọng và bảo vệ. Một trong những phương tiện có thể bảo vệ, giáo dục hữu hiệu cho trẻ em là báo chí. Do đó, báo chí – truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện trên 3 phương diện: trẻ em là đối tượng phản ánh của truyền thông; là công chúng, đối tượng thụ hưởng và chịu sự tác động của truyền thông; đồng thời, là những người tham gia vào hoạt động truyền thông để bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình. 

Nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay ở nước ta có thể thấy, phần lớn tin tức chủ lưu trên truyền thông là thông tin về người lớn và dành cho người lớn. Những vấn đề bóc lột sức lao động trẻ em, trẻ em là nạn nhân của xung đột gia đình, lạm dụng/xâm hại tình dục, trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em khuyết tật, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ mồ côi, trẻ em bị ruồng bỏ,… có thể trở thành những tin nóng trên trang nhất, song mục đích chính của thông tin này là nhằm tác động đến người lớn, trực tiếp đến các tổ chức xã hội, thậm chí là các nhà hoạch định chính sách,… nhiều hơn là để bày tỏ quan điểm của các em về những vấn đề liên quan đến trẻ em.

TS. Đặng Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, thời gian qua, nhiều bài viết liên quan đến trẻ em phần nào góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, hành động của các cấp, các ngành, của mỗi người dân trong xã hội. Điển hình là những bài viết về vụ em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương ở Quận Thanh Xuân (Hà Nội) ngược đãi, đánh đập trong một thời gian dài (13 năm), vụ Quản Thị Kim Oanh đánh đập trẻ em tại nhóm trẻ gia đình ở Đồng Nai, vụ cháu Hồng Anh ở Quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị cha hờ đánh đập, hành hạ dã man… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng xâm hại quyền trẻ em.

Ngoài ra, hình ảnh các em nhỏ trên truyền hình phải đu dây cáp qua sông PôKô ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum để đến trường khi mùa mưa lũ đến, thực sự gây xúc động mạnh trong lòng công chúng. Sau khi thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hàng ngàn độc giả trong và ngoài nước, trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã hướng về người dân đôi bờ sông PôKô, ủng hộ hàng tỷ đồng chung tay góp sức xây dựng một cây cầu vượt sông. Chỉ 7 tháng sau khi bài báo đầu tiên được đăng tải, cây cầu Ja Tun được khánh thành, nối liền 2 bờ sông PôKô phục vụ 1.300 người dân, trong đó có 500 học sinh.

Bên cạnh những thông tin tích cực, báo chí đôi lúc lại “xâm hại” trẻ em bằng những bài viết và hình ảnh thiếu chọn lọc, đặc biệt là trẻ vị thành niên phạm tội, hay trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục…Việc đăng tải công khai, rộng rãi hình ảnh trẻ vị thành niên phạm tội trên báo chí là một vấn đề cần cân nhắc. Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “…Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh…”.

Tuy nhiên, Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 lại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Thực tiễn báo chí ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, họ không đăng ảnh của người phạm tội là vị thành niên, nếu đăng chỉ vẽ minh họa hình bị cáo để bảo đảm tương lai cho trẻ phạm tội sau này. Trong khi đó, trên một số tờ báo, đặc biệt là báo mạng điện tử ở Việt Nam, không chỉ đăng hình ảnh của trẻ vị thành niên phạm tội, mà khi còn là nghi phạm cũng đã được đăng tải công khai, rộng rãi. Cụ thể, trong phiên tòa xử hoa hậu Mỹ Xuân mới đây, báo chí không chỉ đăng hình bị cáo, mà còn đăng hình ảnh người thân bị cáo (em gái và mẹ ruột của Mỹ Xuân), trong đó em ruột Mỹ Xuân ở độ tuổi chưa thành niên. Điều này có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống gia đình của bị cáo, đến sự phát triển bình thường của những đứa trẻ trong các gia đình đó.

Nỗi đau từ “xâm phạm kép”

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội (Codes) trên 5 tờ báo mạng điện tử được xếp vào top 50 trang web được truy cập hàng đầu Việt Nam trong năm 2012 cho thấy, có 548 bài báo có nội dung không bảo đảm sự riêng tư của trẻ em. Trong đó có nhiều bài (68%) được đăng tải lại nguyên văn trên các trang mạng khác (báo chí, truyền thông, mạng xã hội…) với số lượng lên đến 2.692 lượt. Trong đó, có 62% số bài báo mô tả một cách chi tiết hoặc mô tả chi tiết cùng với bình luận về trẻ em liên quan. Chủ đề xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ bài viết cao nhất (47%), tiếp đó là các chủ đề bạo hành/bạo lực (23%) và nhân đạo - từ thiện (11%). Đáng chú ý, các em nữ là đối tượng chủ yếu trong các bài báo này (74%); 79% số trẻ em ở vùng khó khăn như miền núi và nông thôn; 39% số bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, vùng bị tổn thương, cùng với gia đình hoặc nhà cửa/trường học; 47% số bài báo cung cấp thông tin về bố mẹ hoặc người giám hộ. Thông tin về nơi ở của trẻ em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã/phường/thị trấn (30%) và đến địa chỉ rõ ràng có thể tìm thấy được (thôn/xóm/đường: 41%).

Theo Luật gia Lê Thế Nhân, kết quả này cho thấy, quá trình thu thập thông tin và đăng tin, bài của nhà báo đã không được sự đồng ý của các em và người giám hộ; hoặc vượt quá giới hạn của sự cho phép; và nguồn tin cũng như nhà báo không thực hành nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Như vậy có thể khẳng định, báo chí đã xâm phạm thêm một lần nữa (xâm phạm kép) nạn nhân của những hành vi trái pháp luật (giết người, bạo hành, hiếp dâm, bắt cóc, buôn bán người…) bằng cách đưa tin không bảo vệ sự riêng tư của trẻ em.

Đồng tình với quan điểm đó, nhà báo Đỗ Thị Thanh Nhã - Tổng Biên tập báo Phụ Nữ Thủ Đô đưa ra cảnh báo,  báo chí đã biến trẻ em trở thành nạn nhân kép: Vừa là nạn nhân của các vụ bạo hành, bạo lực, hiếp dâm, vừa là nạn nhân bị xâm phạm đời tư. Ví dụ, bài báo “Hiếp dâm trẻ em rồi cho 20.000đ” đăng trên trang Eva.net dẫn nguồn từ Bee đã đăng cả tên tuổi nạn nhân là 1 em bé 12 tuổi cùng địa chỉ của gia đình em. Trước những sự việc đau lòng của con trẻ, độc giả có thể  thương cảm rồi sẽ quên. Song, những nạn nhân trực tiếp của vụ việc, sống tại một địa phương cụ thể sẽ không thể nào vượt qua được dư luận, cũng khó gạt đi những mặc cảm là nỗi đau rất khó có thể nguôi ngoai. Vì vậy, những bài báo đi quá sâu vào đời tư của trẻ em vô hình trung đã xâm phạm vào quyền được bảo vệ của trẻ.

Thực chất, những tin tức đó được đưa lên mặt báo, trước hết, vì mục đích thông tin, lên án những kẻ xâm hại trẻ em… và xa hơn là để răn đe những kẻ nào có ý định xâm hại trẻ, để những người có con cái đề phòng những trường hợp tương tự… Tuy nhiên, để cụ thể hóa thông tin, nhà báo đã vô tình tiết lộ địa chỉ cụ thể của nạn nhân (địa chỉ của thủ phạm – nhưng thủ phạm lại là cha/cha dượng của nạn nhân). Cách thức duy nhất mà các nhà báo dùng để hạn chế những thông tin cá nhân của các em là viết tắt tên, đổi tên hoặc giấu tên… tuy nhiên việc giấu tên  chẳng có ý nghĩa gì khi địa chỉ của các em được đưa chính xác đến từng số nhà, tổ dân phố, trường, lớp học… Thực tế cho thấy, ở một địa phương nhỏ, một ngôi trường nhỏ, không khó để tất cả những người xung quanh nhận ra nhân vật trong bài viết là ai(?). Và, sau khi thông tin được đăng tải tràn lan trên báo chí, câu chuyện sẽ nhanh chóng được thêm thắt, thêu dệt, rồi lan rộng… ngay lập tức, chính các em sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự hiếu kỳ,thương hại, thậm chí là dè bỉu, bàn tán của những người xung quanh…

Cần cái tâm của người làm báo

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet, hệ thống báo mạng điện tử và mạng xã hội đã làm thay đổi thói quen đọc báo của công chúng và cách làm báo truyền thống. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc đưa tin về trẻ em của nhà báo, khiến vấn đề đạo đức người làm báo trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thực tiễn từ đời sống báo chí hiện nay cho thấy, thông tin tràn ngập trên Internet đôi khi đã lấy mất sự tỉnh táo cần thiết của nhà báo. Trước những luồng thông tin ngồn ngộn trên mạng, không ít nhà báo quên mất rằng, cần phải tìm hiểu thông tin kỹ hơn là chỉ đọc các bài báo đang có rồi… “xào” lại.

Với những bài báo giật gân, câu khách trên mạng như kiểu: “13 tuổi vác mã tấu đi… hiếp dâm thiếu nữ”, “Gã choai bị bắt vì chơi trò người lớn với bé 7 tuổi”, “Kinh hoàng trẻ 12 tuổi xuống tay sát hại bạn”… vô hình trung các tác giả của bài báo đã vi phạm Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà nhiều người không hay biết.

Thực tế, trong quá trình khai thác và xử lý thông tin của nhà báo, yếu tố chính xác, trung thực là yêu cầu hàng đầu của báo chí. Tuy nhiên, khi khai thác đề tài về trẻ em, đòi hỏi nhà báo phải thật sự có tâm. PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trẻ em là đối tượng  dễ bị tổn thương về tinh thần do các em còn non nớt về nhận thức. Do đó, đưa tin về trẻ em và quảng bá quyền trẻ em, báo chí không chỉ đưa tin công bằng, chính xác mà phải tạo điều kiện để các em được tham gia ý kiến, thể hiện chính kiến một cách đa dạng và phong phú. Khi đặt các câu phỏng vấn dành cho trẻ em, nhà báo cần phải tôn trọng nhân phẩm và quyền của trẻ.

Chia sẻ ý kiến này, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo nhấn mạnh, viết về trẻ em là một “kênh” rất quan trọng đối với việc tuyên truyền nếp sống, nhân phẩm cho thế hệ trẻ. Bởi vì, trẻ em trong sáng, dễ đọc dễ tin, dễ để những ấn tượng ban đầu hằn sâu trong tâm hồn và có thể hướng cách sống cách nghĩ sau này theo những ấn tượng ban đầu ấy. Điều kỳ diệu và điều khủng khiếp có thể đều khó phai trong tâm hồn mỗi bạn đọc nhỏ tuổi. Chính vì vậy, những người cầm bút hãy thận trọng như khi viết cho chính con em mình đọc. Trong môi trường truyền thông hiện nay, nhà báo không nên coi trẻ em như “miếng mồi” ngon để khai thác thông tin, hình ảnh một cách vô tội vạ, họ đưa tin theo dụng ý của mình mà không quan tâm đến việc thông tin đó ảnh hưởng, làm tổn thương các em như thế nào.

Một bài báo nhỏ có thể ngăn chặn được cả một tội ác to lớn, nhưng chỉ một dòng thông tin, một tấm ảnh nhỏ trên báo chí cũng có thể phá đi cuộc sống yên lành của một đứa trẻ. Do đó, trong bất kỳ tình huống nào, nhà báo phải là người có lương tâm, trách nhiệm với nguồn tin. Điều quan trọng hơn, nhà báo cần phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và phải có cái tâm khi hành nghề. Viết về trẻ em – hãy thận trọng như viết cho chính con, em mình!

 

 

Khi thực hiện phóng sự về cuộc sống trẻ có H, tôi đã phỏng vấn người phụ nữ có lòng nhân ái nhận nuôi cháu bé có H. Chị tâm sự với tôi rất nhiều về cuộc sống, hoàn cảnh hiện tại của hai mẹ con và chị giấu điều này với mọi người xung quanh. Chị đã tâm sự tất cả, chỉ có một đề nghị duy nhất là không phát băng ghi âm lời nói của chị lên sóng. Tuy nhiên, để phóng sự chân thực, sinh động, tôi đã sử dụng một đoạn ghi âm của chị, mặc dù đã giấu tên, địa chỉ của họ. Hơn 1 tháng sau, tôi gọi điện hỏi thăm, được biết họ đã chuyển đi chỗ khác sinh sống vì hàng xóm biết cháu bé có H. Tôi vô cùng day dứt và hiểu ra rằng, thông tin là cần thiết, nhưng đạo đức của người làm báo cần phải đặt lên hàng đầu khi viết về trẻ em.

 

Nhà báo Nguyễn Thị Nga, Đài PT -TH Bà Rịa - Vũng Tàu

Nguyễn Thành Lợi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top