Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phơi bày sự thật, bảo vệ lẽ phải

23:24 18/07/2016 - Tác nghiệp
Vì căm ghét chiến tranh, phải đấu tranh loại trừ tội ác ra khỏi cuộc sống mà chúng tôi cầm súng, cầm bút, cầm máy. Ở chiến trường, đêm buồn nhất là làm một bữa “cà phê gạo rang” tiễn đồng nghiệp vì ngày mai chắc gì còn trở lại? Bỏ lại nỗi buồn cho núi rừng là chúng tôi tiến lên phía có tiếng súng. Phóng viên chiến trường là vậy...

“O du kích nhỏ”- Nguyễn Thị Kim Lai dẫn giải tên giặc lái Mỹ to béo Robinson, khi máy bay của hắn bị dân quân ta bắn rơi tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1965. (Ảnh: Tư liệu)

Mũi tiến công chiến lược

Sau khi Hiệp định Paris (27/1/1973) có hiệu lực, tôi được lệnh từ Đài Giải phóng A đưa tin nhanh, thu bằng được tiếng động tố cáo quân đội Sài Gòn vi phạm hiệp định. Tôi theo đơn vị bộ đội về phía Phong Điền, Quảng Điền của Thừa Thiên - Huế, nơi địch đang thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” cắm cờ, giành dân, chiếm đất. Cánh báo chí chiến trường chúng tôi gồm có phóng viên báo in, thông tấn xã, phát thanh, nhiếp ảnh, quay phim, mỗi người hành nghề theo cách riêng. Nghề phát thanh chúng tôi cốt yếu là thu cho được “tiếng động hiện trường”, “tiếng nói của nhân chứng”.

Ở chiến trường, tôi được Ban bảo vệ cấp tấm thẻ mang bí số B.26, được vào Văn phòng Tỉnh ủy khai thác tài liệu từ các đơn vị vũ trang cơ sở báo cáo lên. Và đó cũng là nơi tôi “săn” được nhiều tin nhất. Nhận được tin có binh lính Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris đang nằm ở bệnh xá, tôi tức tốc khoác ba lô đi ngay.

Leo đèo, lội suối quá nửa ngày tôi mới gặp “con mồi”. Anh ta cao, gầy, đen đúa, người Quảng Trị, đi hành quân lấn chiếm vấp phải mìn của chính đồng đội cài lại, một chân bị phạt quá đầu gối. Anh ta kêu la, nhưng bị bỏ mặc. Mất máu nhiều, anh ta cố bò xuống suối uống nước. May mắn gặp bộ đội Giải phóng, được khiêng về trạm xá, cắt đoạn chân bị hoại tử. Anh ta đau đớn bao nhiêu càng hận đồng đội bấy nhiêu và ngàn lần cảm ơn bộ đội Giải phóng. Anh lính Sài Gòn nói trước máy ghi âm: “Tôi bị bắt đi quân dịch, bị ép đi lấn chiếm vùng Giải phóng...”

Anh ta có hai nguyện vọng. Một là, nếu được phóng thích sẽ về ngay với mẹ, vì cha mất sớm, chỉ còn hai mẹ con. Hai là, xin được nhắn tin qua Đài Phát thanh Giải phóng: “Má ơi, con còn sống. Con sẽ về với má”. Nói chung tâm trạng của người lính là chán ghét chiến tranh, khát vọng bình yên, mong muốn đoàn tụ.

Thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, nhận ra lẽ phải, chính nghĩa để có suy nghĩ đúng, hành động đúng, quay súng trở về với gia đình, người thân là nội dung xuyên suốt các chương trình địch vận trong chiến tranh của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) và Đài Phát thanh Giải phóng. Nhiệm vụ của cánh phóng viên chiến trường chúng tôi là đưa tiếng nói đích thực của binh lính, sỹ quan đối phương, như anh lính Quảng Trị như tôi vừa kể về tòa soạn. Ban Biên tập Đài TNVN, Đài Phát thanh Giải phóng sẽ tổ chức chương trình với những lời bình sâu sắc, giọng đọc truyền cảm, âm nhạc lắng đọng, rót vào tai đối phương. Thực tế đã cho thấy, có cả tập thể, nhóm binh lính đối phương quay súng phản chiến vì những bức thư, bài báo đọc trên sóng phát thanh. Có người bỏ quân ngũ về nhà bởi tiếng hát, tiếng ngâm thơ ngọt ngào, lắng đọng khơi gợi tình người, tình yêu quê nhà trên sóng Đài TNVN và Đài Phát thanh Giải phóng.

Đặc biệt chương trình phát thanh bằng tiếng Anh dành cho quân đội Mỹ, qua giọng đọc điêu luyện đầy truyền cảm của Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ - Thu Hương đã hút hồn binh lính, sỹ quan đối phương. Binh lính Mỹ gọi Thu Hương bằng cái tên trìu mến là Hana, còn Lầu Năm Góc gọi là “mụ phù thủy”. Một tờ báo Mỹ đăng tải tin nhiều binh sỹ Mỹ theo tiếng gọi của Hana đã phản chiến. Chính vì thế mà Đài TNVN coi binh địch vận là một mũi tiến công chiến lược. Ở đó, phóng viên chiến trường và biên tập viên ở trung tâm phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, tạo hiệu quả thông tin cao.

Hiểu rõ sức mạnh làn sóng phát thanh nên trong chiến dịch 12 ngày đêm hủy diệt Hà Nội, tháng 12/1972, Chính quyền Mỹ đã trút bom rải thảm xuống các cơ sở của Đài TNVN, đặc biệt là Đài phát sóng Mễ Trì. Một tự vệ hy sinh, làn sóng chủ lực 297 m bị ngưng 9 phút, làm nghẹt thở con tim hàng chục triệu người Việt và bạn bè thế giới. Sau 9 phút lịch sử ấy, Tiếng nói Việt Nam lại cất cao, thông báo quân dân Hà Nội bắn rơi B.52 của Không lực Mỹ. Nhờ có hệ thống đài phát sóng, bá âm, biên tập dự phòng, nhờ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên vừa tác nghiệp, vừa trực chiến mà bảo đảm làn sóng liên tục trong chiến tranh.

Những hy sinh thầm lặng

Để có được chiến thắng cuối cùng ngày 30/4/1975 thì sự hy sinh của nhà báo trong chiến tranh không thể kể xiết. Trước hết, tôi muốn nói đến nhà báo nữ Dương Thị Xuân Quý. Chị hy sinh khi đang độ chín của tuổi đời, tuổi nghề. Chị phải để lại đứa con gái đầu lòng Bùi Dương Hương Ly mới hơn 1 tuổi cho bà ngoại để vào chiến trường. Chúng ta cùng đọc dòng nhật ký của chị để hiểu thêm nữ phóng viên chiến trường, họ nghĩ gì: “Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa nhú răng là sơ tán, vừa biết gọi mẹ là xa mẹ, vừa biết nói hai tiếng thì nói đi Nam”. Nhưng đã là nhà báo chiến tranh phải ra trận, không chút do dự.

Tôi muốn nhắc đến nhạc sỹ, nhà báo Lê Cường, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng. Năm 1971, tôi với anh ở chung một phòng khoảng chục mét vuông. Anh là người luôn cẩn trọng trong tác nghiệp, sống tình cảm và rất tâm lý. Sau đó Lê Cường vào chiến trường Khu 5. Anh hy sinh khi trong đáy ba lô còn bản nhạc đang viết dở, tấm áo len chưa kịp tặng mẹ già, chiếc khăn quàng chưa kịp đưa tận tay người vợ bao năm xa cách.

Còn nhà báo Tô Chức, phóng viên Đài TNVN đi chiến trường với báu vật trong tay là cuốn tùy bút của Ilia Erenbua, do đồng nghiệp, nhà thơ Trần Nhật Lam tặng. Anh đã chiến đấu và hy sinh tại mặt trận Thừa Thiên - Huế vào ngày 16/8/1968, ở tuổi 32, chưa kịp lập gia đình riêng. Trong một bức thư gửi cha, Tô Chức hứa: “Con trai bố nhất định sẽ làm cho gia đình ta thêm tự hào và hãnh diện, và không phải bao giờ hổ thẹn vì con...”.

Ngày nay, thế giới vẫn đối mặt với chiến tranh và khủng bố. Ở đâu có xung đột, chiến tranh là ở đó có mặt nhà báo. Họ đã tác nghiệp, đã chiến đấu, không ít người đã ngã xuống cho lẽ phải. Với sứ mệnh “thư ký của thời đại”, họ phản ánh, phơi bày sự thật, dự báo tương lai cho nhà cầm quyền có thêm thông tin để lựa chọn con đường đi, tránh chiến tranh để cho nhân loại được bình yên.

Theo thống kê chưa đầy đủ hơn 340 nhà báo hy sinh trong chiến tranh, trong đó hơn 30 liệt sỹ nhà báo, kỹ thuật viên, nhân viên thuộc Đài TNVN, Đài Phát thanh Giải phóng. Các anh, các chị ngã xuống cho độc lập, thống nhất, hòa bình, làm rạng danh cho sự nghiệp báo chí và đội ngũ nhà báo nước nhà.

Vĩnh Trà
©Tạp chí Người Làm Báo số 386 - Tháng 4/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top