Đề tài về Đảng – Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng vô tận

15:43 28/06/2016 - Tác nghiệp
Gần 15 năm cầm bút với hơn 10 năm gắn bó với lĩnh vực xây dựng Đảng (Báo Quảng Ngãi), nhưng có thể nói tôi được “thỏa sức” vùng vẫy, thể hiện được cái mới, cá tính rõ nhất là từ khi Bộ Chính trị phát động việc Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Bác Hồ với các phóng viên báo, đài_Ảnh: TTXVN

Tạo sự khách quan, trung thực và mới lạ

Với đề tài này, bản thân cũng “thu hoạch” khá nhiều giải thưởng ở Trung ương như: tác phẩm báo chí xuất sắc của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động sáng tác quảng bá tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011; Giải C toàn quốc về sáng tác quảng bá tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011 - 2013…

Khi được nghe tin được giải B (loạt bài “Lan tỏa phong trào làm theo Bác” năm 2014), tôi không tin đó là sự thật, nó bất ngờ nhưng cũng đầy cảm xúc đối với mình. Bởi, nghĩ đơn giản thế này, viết xây dựng Đảng đã khô, đã khó, viết để đạt giải quốc gia lại càng khó hơn. Trong khi bản thân tôi không được đào tạo bài bản chuyên ngành báo chí và đến với nghề như một cơ duyên. Đến giờ là gần 15 năm gắn bó với nghề nhưng trong thâm tâm vẫn luôn tự nhủ phải luôn cố gắng cống hiến và phấn đấu cho trọn vẹn với chữ duyên đó. Một bài báo, không phải chỉ là một tác phẩm báo chí, mà nó còn là đứa con tinh thần, thể hiện góc nhìn, quan điểm của mỗi người. Vì vậy, sự khách quan, trung thực và giữ cho mình một góc nhìn điềm tĩnh, đơn giản... là điều mình luôn cố gắng giữ vững để tạo được sự khách quan, trung thực, mới lạ cho bài viết.

Truyền tải cái hay, cái đẹp đang diễn ra trong đời thường

Đối với loạt bài “Lan tỏa phong trào làm theo Bác” cũng từ tiêu chí đó mà ra. So với những tác phẩm dài kỳ trước đây có khoảng thời gian thu thập từ 1 đến 2 năm thì tác phẩm này cũng không ngoại lệ, nhưng có điều đây là tác phẩm tôi viết nhanh nhất, vỏn vẹn trong một tuần. Một phần là có kinh nghiệm hơn và lợi thế là lĩnh vực mình theo dõi, phụ trách xuyên suốt từ nhiều năm qua; và phần lớn là đi thực tế, cơ sở rất nhiều, thu thập được nhiều chi tiết “đắt” từ đó “xích” lại theo hướng đi từ cá nhân, phong trào ở cơ sở đến những việc có tác động lớn đến xã hội. Đó là được gặp gỡ, tiếp xúc “người tốt, việc tốt” thật sự như hai nông dân chân lấm tay bùn Hồ Sở, Phan Thuận ở xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành) đã dũng cảm vượt qua hiểm nguy, lao vào dòng lũ dữ năm 2013, tham gia cứu gần 250 người dân đưa đến nơi an toàn; hay “những người con hiếu thảo” của Đoàn xã Bình Trung (huyện Bình Sơn) với nhiệm vụ lo cơm trưa và tối cho các cụ già neo đơn trong xã vào 11 giờ trưa và 18 giờ tối hằng ngày…. Có thể thấy, ở họ “việc học và làm theo Bác” như là mệnh lệnh từ trái tim, tự nguyện, tự giác, rất bình dị nhưng chân thành, cao quý. Bên cạnh đó, từ năm 2012, để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Quy định tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân. Đây được xem là cách làm sáng tạo, hiệu quả của Quảng Ngãi theo đúng tinh thần của Bác “gần dân, sát dân”,“nói phải đi đôi với làm”. Thông qua cách làm này, nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm trong nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở giải quyết kịp thời, đã tạo được dư luận xã hội, tạo được niềm tin trong nhân dân như cung cấp nước sạch cho dân, xây dựng trạm bơm nước phục vụ sản xuất, cấp đất cho dân vũng trũng làm nhà… Tác phẩm được phân thành 3 kỳ, như mạch nước nhỏ hoà thành dòng sông lớn, từ những việc làm thiết thực của mỗi tập thể, cá nhân theo tấm gương đạo đức của Bác đã góp phần tạo nên động lực mạnh mẽ, làm chuyển biến nhanh hơn, tích cực hơn mọi mặt của đời sống xã hội, thông qua đó truyền tải những cái hay, cái đẹp đang diễn ra trong đời thường.

Lâu nay, mảng xây dựng Đảng luôn “kén” người viết và ngược lại người viết cũng rất “kén” lĩnh vực này, nhất là những nhà báo trẻ. Bởi đơn giản, đề tài xây dựng Đảng thường ít hấp dẫn lại khó thể hiện, chưa nói phải viết viết làm sao cho hay, cho cảm xúc. Tuy nhiên với bản thân tôi, từ khi vào nghề đến nay, vẫn luôn yêu thích và tâm huyết với lĩnh vực này. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi đề tài xây dựng Đảng đã không còn bó hẹp mà được mở rộng, phong phú hơn rất nhiều với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4… Do đó, để có tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn công chúng, trước hết vẫn là tư duy, bản lĩnh của chính người viết. Thực tế, tư duy trẻ trung thì bài viết sẽ trẻ trung, mới lạ, không khô khan; bản lĩnh vững vàng, tâm huyết với Đảng thì sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị, giàu sức thuyết phục và quan trọng là phải chịu khó tìm hiểu, đào sâu vào từng vấn đề cụ thể, đi vào thực tiễn của cuộc sống.

Sa Huỳnh

 Tạp chí Người Làm Báo Số 388 - Tháng 6/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top