Đạo đức của nhà báo trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí

23:54 22/06/2016 - Đời & Nghề
Tác phẩm báo chí là thuật ngữ dùng để chỉ một sản phẩm tư duy của nhà báo, lấy hiện thực khách quan làm đối tượng nghiên cứu và phản ánh, có hình thức tương ứng với nội dung thông tin. Thuật ngữ tác phẩm báo chí còn sử dụng để chỉ hình thức thể loại tác phẩm báo chí được định danh cụ thể như: tin, tường thuật, phản ánh, phỏng vấn, phóng sự, điều tra, bình luận xã luận, chuyên luận,… Tác phẩm báo chí là bộ phận cấu thành một sản phẩm báo chí, nó có giá trị tạo lập dư luận xã hội, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiếp nhận thông tin. Tác phẩm báo chí được pháp luật bảo hộ quyền tác giả và được trả tiền.

Hoạt động báo chí là một hoạt động truyền thông đại chúng. Sản phẩm, tác phẩm báo chí được tạo ra là để chuyển tải tới công chúng những thông tin thời sự về các sự kiện, vấn đề, sự vật, hiện tượng, con người xảy ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống xã hội. Đích hướng đến của một tác phẩm báo chí là đem lại giá trị thông tin cho công chúng xã hội, do đó, đảm bảo tính thông tin là chức năng quan trọng đầu tiên của một tác phẩm báo chí. Để đạt được hiệu quả thông tin, một tác phẩm báo chí phải đạt các tiêu chí như: mới, thời sự, cập nhật; chân thực, khách quan; có ý nghĩa xã hội, mang lại giá trị giáo dục và nhân văn… Ngoài ra, tác phẩm báo chí còn phải đảm nhiệm các chức năng xã hội khác như: định hướng dư luận xã hội; giám sát, quản lý và phản biện xã hội; giáo dục và giải trí.  

 

Các nhà báo chuyên nghiệp đều phải tuân thủ các bước tiến hành cơ bản trong quy trình sáng tạo một tác phẩm báo chí là: Nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn, phát hiện đề tài; Thu thập thông tin, dữ liệu; Thể hiện tác phẩm; Tự biên tập tác phẩm; Tổ chức tác phẩm trên sản phẩm báo chí, phát tán thông tin; Theo dõi, nắm bắt và xử lý thông tin phản hồi.

 

Khi sáng tạo tác phẩm báo chí, những yêu cầu về năng lực chuyên môn của nhà báo luôn phải gắn với những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp. Điều này được thể hiện trong từng bước tiến hành sáng tạo một tác phẩm báo chí. Có như vậy, tác phẩm báo chí mới đem lại những giá trị đích thực cho công chúng xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động báo chí hiện nay, không phải lúc nào các nhà báo cũng thực hiện tốt được những yêu cầu này, do đó đã làm ảnh hưởng đến giá trị thông tin của các tác phẩm báo chí và lớn hơn là làm mất niềm tin của công chúng đối với báo chí. Nguyên nhân chính của vấn đề này, đó chính là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo ở từng khâu trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí.
Sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong thực hiện quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí, chủ yếu thể hiện qua các nội dung dưới đây:
 

 

Thứ nhất, nhà báo không nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn để phát hiện đề tài sáng tạo tác phẩm báo chí mà chỉ sao chép, bịa đặt thông tin, hư cấu chi tiết trong tác phẩm, dẫn tới gây hậu quả xấu cho dư luận xã hội.

 

Bước đầu tiên của nhà báo khi sáng tạo tác phẩm báo chí là nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn để phát hiện đề tài. Các nhà báo chuyên nghiệp, tự trọng nghề nghiệp thực hiện rất nghiêm túc bước này. Hiện nay, sở dĩ còn có những tác phẩm báo chí chưa hấp dẫn hoặc làm mất niềm tin đối với công chúng là do tác giả bịa đặt, sao chép, làm sai lệch thông tin về các sự kiện, vấn đề. Đây là kết quả lao động của các phóng viên, cộng tác viên “sa lông”, tức là ngồi tại tòa soạn, ở nhà để “sáng tạo”. Những phóng viên, cộng tác viên lười lao động, thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp và xã hội thường có hành động này. Trong thực tế hoạt động báo chí ở nước ta hiện nay, đã và đang xuất hiện không ít các “nhà báo sa lông”. Họ là những phóng viên thực thụ trong một cơ quan báo chí hoặc là những cộng tác viên hoạt động báo chí tự do. Họ cũng có thể là một nhà báo đã công tác lâu năm hoặc là người mới vào nghề. Vì những mục đích khác nhau, họ đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong tác nghiệp.
 

 

Thứ hai, tác phẩm báo chí sai số liệu, nhầm lẫn thông tin, nhà báo bị kiện – lỗi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong sử dụng các phương pháp thu thập thông tin, dữ liệu.

 

 

 

Các nhà báo chuyên nghiệp khi thu thập thông tin, dữ liệu sáng tạo tác phẩm báo chí đều sử dụng ít nhất 3 phương pháp, đó là: quan sát, phỏng vấn, nghiên cứu tư liệu. Ngoài ra, các nhà báo còn có thể sử dụng các phương pháp khác để thu thập thông tin, dữ liệu làm báo như: điều tra xã hội học, thảo luận nhóm, lập diễn đàn trao đổi thông tin…

 

Trong thực tiễn hoạt động báo chí ở nước ta hiện nay, vẫn còn những phóng viên, cộng tác viên thể hiện sự yếu kém trong kỹ năng thu thập thông tin, dữ liệu sáng tạo tác phẩm báo chí. Các nhà báo không chuyên hoặc mới vào nghề thường lúng túng về vấn đề này. Ngay cả những nhà báo có tuổi nghề cao, nếu không “thuộc bài” phương pháp thu thập thông tin, dữ liệu cũng dễ bị lúng túng. Trong thực tế hoạt động báo chí mà có nhiều nhà báo không “thuộc bài” phương pháp thu thập thông tin, dữ liệu, chắn chắn thông tin trong các tác phẩm của họ sẽ hời hợt, nông cạn, thậm chí là sai lệch, bịa đặt, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Trên báo chí của chúng ta hiện nay đã và đang xuất hiện những bài viết mang tính chủ quan, võ đoán dẫn đến sai sự thật, đó là thể hiện sự non yếu của nhà báo trong sử dụng phương pháp quan sát thu thập thông tin, dữ liệu sáng tạo tác phẩm báo chí. Các nhà báo mắc lỗi này thường mới chỉ quan sát bằng cảm tính chứ chưa quan sát bằng lý tính. Khi phát hiện, tiếp cận các sự kiện, vấn đề, nhà báo đã chưa tìm hiểu kỹ lưỡng bản chất của các sự kiện, vấn đề, do đó chưa có được những chi tiết, dữ kiện phù hợp thể hiện trong tác phẩm báo chí.
Có thể đưa ra một số ví dụ gần đây để minh chứng cho sự non yếu của nhà báo khi quan sát thu thập thông tin, dữ liệu. Trên kênh Truyền hình An ninh (ANTV) của Bộ Công an, có chuyên mục “Camera giấu kín”. Chuyên mục do Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG (Audio Visual Global), cụ thể là Truyền hình An Viên phối hợp với ANTV tổ chức sản xuất. Nhà đài thường xây dựng kịch bản và bí mật ghi hình những tình huống trong đời sống xã hội. Trong một kịch bản phát sóng, nhóm làm chuyên mục đã mời một sinh viên người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam đóng vai người hành nghề “Xe ôm Tây”. Nhà đài muốn xem “khách ta” và những người cùng hành nghề chạy xe ôm của ta sẽ ứng xử ra sao với tình huống này. Nhóm làm chuyên mục đã tổ chức ghi hình tại nhiều điểm khác nhau ở Hà Nội như cổng trường đại học, cổng bệnh viện, bến xe… Ngay chiều hôm đó, trên một số tờ báo mạng, trang tin điện tử đã xuất hiện các bài viết về sự kiện này với những dòng tít mùi mẫm kiểu “Một tấm gương sinh viên nước ngoài vượt khó”, “Xe ôm Tây”… Tiếp đó là hoàng loạt các comment tán dương theo kiểu “Họ ở tận bên Tây sang học mà còn tranh thủ chạy xe ôm kiếm sống, tại sao mình cũng là sinh viên, lại không chạy xe ôm kiếm thêm nhỉ…”(?!). Hay trong một tình huống ghi hình của kịch bản: nếu có một ai đó gửi nhờ mang hộ đồ vật, trên đường đi bị công an kiểm tra, bắt giữ vì thấy có ma túy, nhân vật sẽ ứng xử ra sao?. Nhà đài đã bí mật chọn nghệ sĩ Quyền Linh làm nhân vật ghi hình. Nhân vật đã bị một phen hú vía khi phải đối phó với những rắc rối, chi khi biết đó chỉ là kịch bản của “Camera giấu kín” nghệ sĩ Quyền Linh mới thở phào. Ai ngờ sau phen hú vía với nhà đài, diễn viên Quyền Linh lại phải điên đầu với việc báo chí và dư luận (chủ yếu báo mạng và các trang mạng xã hội) đưa tin “Nghệ sĩ Quyền Linh bị bắt vì buôn ma túy”. Chỉ khi nhà đài phát sóng tình huống trên, nghệ sĩ Quyền Linh mới được công chúng “giải oan”.
Hai ví dụ trên cho thấy các tác giả viết bài rất lười đọc báo, nghe đài, xem truyền hình nên mới không biết đó là một tình huống tác nghiệp của các đồng nghiệp. Các tác giả nọ đã quan sát, thu thập thông tin, dữ liệu một cách cảm tính, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính chân thực của thông tin mà còn làm ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của mỗi con người. Như vậy, không những nhà báo đã vi phạm tính chân thực, khách quan mà còn vi phạm cả tính nhân văn trong hoạt động báo chí.
Đối với việc sử dụng phương pháp phỏng vấn để thu thập thông tin, dữ liệu, hiện nay vì sao nhiều người ngại tiếp xúc với báo giới, vì nhiều nhân vật trả lời phỏng vấn đã trở thành nạn nhân của báo chí, bị nhà báo “nhét miệng” những câu trả lời sai sự thật. Một ví dụ cười ra nước mắt về một vị lãnh đạo cấp vụ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo – nạn nhân của báo chí bởi sự “nhét miệng” này. Chuyện là trong một lần dự hội nghị tập huấn giáo viên dạy văn toàn quốc được tổ chức tại Thừa Thiên – Huế. Phóng viên giáo dục của một tờ báo nọ đã phỏng vấn vị vụ trưởng về chủ đề dạy và học văn học ở nhà trường phổ thông. Vốn là giáo viên văn, vị lãnh đạo trả lời đại ý là “các thầy cô dạy văn cần dạy học trò tình yêu quê hương, đất nước… Ví dụ, các thầy cô dạy các em học sinh ở Huế phải biết yêu dòng sông Hương thơ mộng, dạy học sinh ở Nghệ An phải biết yêu dòng sông Lam”. Hôm sau, trên trang “Giáo dục” của tờ báo nọ đăng tải bài viết về sự kiện tập huấn này và đã trích lời vị vụ trưởng nọ “… lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các thầy cô dạy văn phải dạy cho học trò đã yêu sông Hương phải biết yêu cả… sông Lam”. Vị lãnh đạo nọ điếng người, không biết giải thích ra sao vì bài viết gán ghép nực cười này. Ông đã đưa ra một kết luận, cần cảnh giác với cánh báo chí, vì dễ chết oan có ngày.
Trong thực tế hoạt động báo chí, khi sử dụng phương pháp nghiên cứu tư liệu để thu thập thông tin, dữ liệu, một số nhà báo đã tự khoe khả năng “cóp pết” (copy and paste) lành nghề của mình trên Google của internet. Đây cũng là câu chuyện vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.
Tư liệu để nhà báo sáng tạo tác phẩm báo chí có nhiều dạng thức khác nhau như: tư liệu văn tự (từ các nguồn sách, báo, văn bản pháp luật, hành chính, khoa học, báo cáo…); tư liệu âm thanh (từ ghi âm, đài phát thanh…); tư liệu hình ảnh (từ hình ảnh tĩnh, hình ảnh động…). Nhà báo nghiên cứu, thu thập tư liệu là để phát hiện các chi tiết đặc sắc, có cơ sở để dẫn chứng phân tích, lập luận, chứng minh cho đề tài mình thể hiện trong tác phẩm. Tuy nhiên, không phải nhà báo nào khi tác nghiệp cũng sử dụng tốt phương pháp này. Qua quan sát việc tác nghiệp của các đồng nghiệp tại những chuyến đi cơ sở, tại những sự kiện lễ tân cho thấy, nhiều nhà báo rất lười thu thập tài liệu để phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí. Các nhà báo này chủ yếu trông cậy vào việc thu nhận các văn bản báo cáo hoặc thông cáo báo chí, sau đó về chế tác thành tác phẩm. Việc “xào nấu” này cũng là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Nhà bảo chỉ có thể sử dụng các báo cáo, thông cáo báo chí với tư cách là những tài liệu cung cấp thông tin, chứ không được phép “chế biến” các báo cáo, thông cáo báo chí thành tác phẩm báo chí. Các nhà báo nên cảnh giác với những chi tiết, con số được đưa vào báo cáo, thông cáo báo chí, bởi nó thường chỉ là những chi tiết, số liệu chủ quan, mang nặng tính thành tích mà cá nhân, tổ chức muốn quảng bá cho hình ảnh của mình. Nếu chỉ chế biến tác phẩm bằng các số liệu, dẫn chứng báo cáo, vô hình chung nhà báo ủng hộ cho “bệnh thành tích”, còn công chúng thì nhận được một món ăn dở, như vậy cũng là vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người cầm bút.
 

 

Thứ ba, mục đích thông tin không rõ ràng, lạm dụng những chi tiết “hot”, giật gân, câu khách, tác phẩm thiếu tính khách quan, chân thực và giá trị nhân văn – nhà báo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong bước thể hiện tác phẩm báo chí.

 

 

 

Thể hiện tác phẩm là bước quan trọng trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Chọn thể loại nào, kết cấu gì, chi tiếtra sao, ngôn ngữ biểu đạt thế nào, đó là khâu quan trọng quyết định nội dung, hình thức của một tác phẩm báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy lỗi lạc của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đưa ra bài học báo chí bổ ích cho các nhà báo bằng các câu hỏi là: viết cho ai? viết để làm gì? Viết như thế nào?. Các nhà báo chuyên nghiệp, có thương hiệu trong báo giới thường làm rất tốt điều này. Hoạt động có chủ ý về chọn lựa thể loại, chi tiết, bố cục tác phẩm làm nên sự thành công trong nghề nghiệp của các nhà báo chuyên nghiệp. Thường thì họ đặt ra câu hỏi khi thể hiện tác phẩm là: Tác phẩm sẽ dành cho công chúng nào? Thông tin của tác phẩm có gì liên quan đến lợi ích của quốc gia, cộng đồng, cá nhân? Tác phẩm đem lại hiệu quả hay hậu quả cho công chúng xã hội? Từ đó, các nhà báo mới quyết định chọn hình thức thể loại nào thể hiện sẽ tạo hiệu quả thông tin, hấp dẫn công chúng. Cụ thể là: Tác phẩm sẽ được xây dựng bố cục ra sao? Cần chọn lựa những chi tiết nào để đưa vào tác phẩm? Sử dụng ngôn ngữ biểu đạt tác phẩm như thế nào?.

 

Trong thực tiễn hoạt động báo chí, vẫn còn không ít các nhà báo thể hiện sự non yếu ở bước sáng tạo này. Các tác phẩm của họ thường không rõ mục đích thông tin, chưa rành mạch về thể loại, chưa khéo léo trong xây dựng bố cục tác phẩm, chưa tinh xảo trong chọn lựa chi tiết, chưa giỏi về sử dụng ngôn ngữ biểu đạt. Sự non yếu về năng lực sáng tạo của nhà báo, tất yếu trên mặt báo sẽ xuất hiện những “tác phẩm báo chí” vô thưởng, vô phạt, kém hấp dẫn hoặc gây hậu quả xã hội nghiêm trọng.  
 

 

Thứ tư, không tự biên tập tác phẩm của mình, nhà báo vô tình hoặc cố ý để lọt sai sót, đánh đố biên tập viên, đó cũng là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

 

Những nhà báo có kinh nghiệm sau khi viết bài xong thường đọc đi đọc lại nhiều lần, sửa chữa câu văn, lược bỏ những chi tiết rườm rà, sai, bổ sung những chi tiết mới. Tự biên tập tác phẩm là bước không thể bỏ qua đối với một nhà báo chuyên nghiệp. Không biên tập viên nào có thể biên tập tác phẩm tốt hơn là do chính tác giả tự biên tập. Các biên tập viên biên tập tác phẩm của phóng viên, cộng tác viên chỉ là để làm cho các tác phẩm đó tốt hơn khi nó được tổ chức trên sản phẩm báo chí.
Trong thực tế hoạt động báo chí, vẫn còn những phóng viên, cộng tác viên “ngại” tiến hành bước này trong quy trình sáng tạo tác phẩm. Họ thường đùn đẩy, phó thác trách nhiệm này cho các biên tập viên. Các biên tập viên chuyên nghiệp, tự trọng nghề nghiệp thường phải cố gắng “gạn đục, khơi trong” để “nuôi đứa con tinh thần” mà các phóng viên, cộng tác viên đã “đẻ non”. Nếu biên tập viên có chuyên môn yếu lại lười lao động, rất dễ họ sẽ để nguyên những “đứa con tinh thần còi cọc, bệnh tật” đó để tổ chức trên các sản phẩm báo chí và hậu quả là công chúng xã hội sẽ được thưởng thức những “món ăn” kém hấp dẫn, thâm chí là độc hại.
Việc phóng viên, cộng tác viên ít quan tâm đến việc tự biên tập tác phẩm của mình trước khi gửi đến toà soạn là do những lý do chủ quan, khách quan. Yếu tố chủ quan là các tác giả thiếu trách nhiệm với tác phẩm, lười lao động. Lý do khách quan là do nhiều toà soạn chưa nghiêm túc trong khâu nhận tác phẩm hoặc làm việc với đội ngũ tác giả. Điều này không những chỉ gây trở ngại cho các biên tập viên mà còn là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm đối với nghề nghiệp. Thậm chí còn là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp nếu như cả tác giả và những người có trách nhiệm trong toà soạn để lọt những chi tiết sai, những lý giải, bình luận vi phạm đến lợi ích, sử dụng ngôn từ gây hiểu lầm cho công chúng.
 

 

Thứ năm, vì lợi ích cá nhân, nhóm hoặc vì mục đích thương mại mà coi nhẹ các chức năng, nguyên tắc hoạt động của báo chí khi tổ chức tác phẩm trên các sản phẩm báo chí – đó là sự vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

 

Tác phẩm báo chí là một trong những thành tố làm nên sản phẩm báo chí. Một sản phẩm báo chí đúng, trúng  hấp dẫn công chúng là sản phẩm được kết cấu bằng những tác phẩm báo chí có chất lượng cao. Để có một sản phẩm báo chí chất lượng cao, ngoài việc phóng viên, cộng tác viên sáng tạo ra các tác phẩm hấp dẫn thì những người chịu trách nhiệm tổ chức chúng trên các sản phẩm phải thực sự công tâm, có đạo đức nghề nghiệp cao cả. Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân, nhóm hoặc vì mục đích thương mại mà coi nhẹ các chức năng, nguyên tắc hoạt động của báo chí, thì việc tổ chức tác phẩm báo chí trên sản phẩm báo chí của nhà báo đã vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp báo chí.
Trong thực tế hoạt động báo chí đã có những tổng biên tập, phó tổng biên tập, thư ký toà soạn chủ ý hoặc “hồn nhiên” chỉ đạo phóng viên, cộng tác viên viết tin, bài giật gân, câu khách, viết bài quảng cáo trá hình để đăng tải trên các sản phẩm báo chí. Sở dĩ gần đây trên diễn đàn báo chí ở nhà bàn luận nhiều đến thuật ngữ “báo lá cải” cũng là do bức xúc của báo giới và công chúng xã hội về việc đang xuất hiện các sản phẩm báo chí chú trọng đăng tải thông tin “cướp, giết, hiếp”. Vì chạy theo thị hiếu tầm thường của một phận công chúng hoặc vì mục đích thương mại rẻ tiền mà một số lãnh đạo cơ quan báo chí đã coi thường các nguyên tắc, chức năng hoạt động của báo chí khi áp dụng cách làm này.
Chưa kể để việc, hiện nay có một số phóng viên, cộng tác viên “canh ti” với người tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí để dành “đất” đăng bài quảng cáo trá hình, bài viết doạ nạt, đánh đấm, tống tiền cơ sở. Khi bài viết được tổ chức trên mặt báo, ban biên tập duyệt cũng đã vô tình hoặc cố ý để lọt hoặc “cho qua”. Vô hình chung, cả lãnh đạo và nhân viên của cơ quan báo chí đó đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.
 

 

Thứ sáu, không theo dõi, nắm bắt và xử lý thông tin phản hồi từ hiệu quả, hậu quả của tác phẩm báo chí, lãnh đạo, phóng viên, cộng tác viên, biên tập viên đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí.

 

Theo dõi, nắm bắt và xử lý thông tin phản hồi là một bước quan trọng trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Theo dõi, nắm bắt thông tin phản hổi là để nhà báo biết được tác phẩm của mình đem lại hiệu quả hay hậu quả xã hội. Xử lý thông tin phản hồi là để nhà báo kịp thời giải quyết các tình huống đặt ra liên quan đến dư luận xã hội mà tác phẩm của mình đem lại.
Phản hồi về hiệu quả, hậu quả do tác phẩm báo chí đem lại thường từ các đối tượng như:
Cơ quan quản lý tư tưởng – văn hoá (Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, huyện, ngành);
Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, các Cục chuyên ngành: Cục Báo chí, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại…);
Cơ quan chủ quản báo chí (các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội, địa phương…);
Các tập thể (các cơ quan nhà nước, các tổ chức hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, đơn vị tư nhân,…);
Các đồng nghiệp báo chí (trong và ngoài cơ quan báo chí)
 

 

Cá nhân công chúng xã hội.

 

 

 

Một trong những chức năng cơ bản của báo chí là tham gia quản lý, giám sát và phản biện xã hội. Báo chí quản lý, giám sát, phản biện xã hội bằng dư luận xã hội. Chỉ có thông qua dư luận xã hội, báo chí mới làm tròn trách nhiệm của mình là cầu nối quan trọng của Đảng, nhà nước với nhân dân; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của quần chúng nhân dân.

 

Bên cạnh các cơ quan báo chí, nhà báo xuất sắc, chú trọng hoạt động theo dõi, nắm bắt và xử lý thông tin phản hồi từ hiệu quả và hậu quả của các tác phẩm báo chí, tạo dựng niềm tin của báo chí đối với công chúng, vẫn còn không ít những cơ quan báo chí, nhà báo vì những lý do chủ quan, khách quan đã chưa coi trọng vấn đề này.
Cách đây ít năm, Hà Nội có chỉ thị ngừng đăng ký môtô và xe gắn máy tại các quận nội thành. Toà soạn báo nọ đã cử phóng viên đi viết bài, chụp ảnh phản ánh về vấn đề này. Sau khi số báo xuất bản, ban biên tập đã bị một công dân kiện, vì lý do đã ám chỉ họ là “cò” đăng ký xe máy. Ban biên tập tìm hiểu, nguyên do là bức ảnh minh hoạ mà phóng viên nọ “zoom” có tiền cảnh rất rõ chân dung một phụ nữ. Toà soạn đã in dòng chú thích rất áp đặt dưới bức ảnh là “Các “cò” thường lởn vởn trước cổng các điểm đăng ký xe máy”. Phụ nữ này đang là giảng viên của một trường đại học lớn tại Hà Nội. Chị đã rất bức xúc với lời bàn tán của đồng nghiệp và sinh viên rằng “cô giáo kiêm “cò” đăng ký xe máy” nên mới kiện toà soạn. Ban biên tập nhận thiếu sót và cho đính chính. Tuy nhiên, biên tập viên lại cho in lời đính chính kiểu “Nói lại cho rõ”, thế là phụ nữ nọ đã nổi giận đề nghị gặp “ba mặt một nhời”, gồm lãnh đạo toà soạn báo, đại diện cơ quan quản lý báo chí và gia đình chị để giải quyết vấn đề. Rõ ràng đây là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo ở toà soạn nọ trong tất cả các bước của quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí.
Thực tế thì sự phản hồi của các cơ quan quản lý và chủ quản báo chí, của công chúng xã hội về hiệu quả, hậu quả từ các tác phẩm báo chí luôn diễn ra và là điều tất yếu khách quan. Điều này thể hiện cho một nền báo chí tự do, dân chủ, nhân văn. Các toà soạn, nhà báo thực sự chuyên nghiệp thường dũng cảm nhận trách nhiệm xã hội về hiệu quả, hậu quả từ các tác phẩm của mình công bố và họ càng làm tăng niềm tin của cơ quan quản lý, chủ quản và công chúng đối với báo chí.
Có thể tiếp cận từ nhiều góc độ để luận bàn về sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong xử lý nguồn tin. Tiếp cận từ quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí cho thấy, không chỉ các nhà báo ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới cũng có thể vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nếu như các nhà báo tác nghiệp chưa chuyên nghiệp, không am hiểu luật pháp và thiếu ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình. Một con sâu làm rầu nồi canh, người ta có thể đổ đi để nấu nồi canh khác, nhưng một nhà báo, tác phẩm vi phạm đạo đức nghề nghiệp không những gây hậu quả xã hội to lớn mà còn khó có thể lấy lại được danh dự và uy tín của cơ quan báo chí, nền báo chí đối với công chúng xã hội.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị (khoá VIII), Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí xuất bản, H. 1997

2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí, H. 2007.

3. Nguyễn Văn Dững (chủ biên), Tác phẩm báo chí, tập II, NXB Lý luận chính trị, H. 2006

4. PGS,TS. Nguyễn Văn Dững, Cơ sở lý luận báo chí, NXB Lao động, H. 2012

5. Đỗ Quý Doãn, Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, báo Nhân Dân, 09/01, H. 2007

6. Hà Đăng, Nâng cao năng lực và phẩm chất của phóng viên báo chí trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá, NXB Chính trị quốc gia, H. 2002

7. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 80 năm báo chí cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, H.2005

8. Hội Nhà báo Việt Nam, Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo, H.1998

9. Makxim Kuznhesop, Cách điều khiển cuộc phỏng vấn, Nxb Thông tấn, H.2003

10. M.I. SoStak (bản dịch), Phóng sự: tính chuyên nghiệp và đạo đức, NXB Thông tấn, H.2003

11. Hà Huy Phượng, Tổ chức nội dung và thiết kế, trình bày báo in, NXB Lý luận chính trị, H.2006

12. Trần Thế Phiệt, Tác phẩm báo chí, tập III, NXB Giáo dục, H.1995

13. Quốc hội, Luật sửa đổi bổ sung một số điều về Luật Báo chí, NXB Chính trị quốc gia, H.1999

14. Tạ Ngọc Tấn (chủ biên), Tác phẩm báo chí, tập I, NXB Giáo dục, H.1995

15. Tạ Ngọc Tấn, Từ lý luận đến thực tiễn báo chí, NXB Văn hoá – Thông tin, H.1999

16. Hữu Thọ, Công việc của người viết báo, NXB Tuyên huấn, H. 1988

17. Hữu Thọ, Nghĩ về nghề báo, NXB Giáo dục, H. 1997

18. TS. Nguyễn Thị Thoa, Tác phẩm báo chí đại cương, NXB Giáo dục Việt Nam, H.2010

 

TS. Hà Huy Phượng

Học viện Báo chí & Tuyên truyền

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top