Cảm nghĩ lan man qua những dòng ghi chú

18:43 11/01/2023 - Đời & Nghề
Từ những ngày bắt đầu học tiếng Pháp, một hôm bắt gặp cuốn Thần thoại Hy La (Hy Lạp - La Mã), tôi say mê đọc các trận chiến cùng những mối tình rắc rối tương tự trong Đông Chu Liệt quốc của người Tàu, tôi đã băn khoăn về những dòng chú thích ở chân trang sách, bởi không sao hiểu được chú thích muốn nói gì, đôi khi chú thích còn khó hiểu hơn ở trong câu chuyện.

Nhà báo Phan Quang_Ảnh:TL

Bước vào nghề báo không qua một lớp dạy nghề nào, tôi tự ví mình như một đứa trẻ bị ném xuống ao làng, phải cố vùng vẫy cho khỏi chết chìm. Nỗi băn khoăn ấy cứ làm tôi day dứt. Khi ta viết làng Sơn Trung, có nên hay không chú thích ở chân trang “xưa gọi là làng Truông”, hay là viết luôn trong bài vẫn nội dung dòng chú thích ấy đóng hoặc không đóng trong ngoặc đơn(...)? Tôi đành chọn cách viết của mình, đúng sai bất chấp.

Bốn mươi năm sau, 2005, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội phát hành bộ sách “Mười hai sử thi huyền thoại” giới thiệu một tá trường ca nổi tiếng trên thế giới do Phan Quang chọn lọc, chú giải và viết lời bình từng câu chuyện một, tôi né tránh các chú thích rườm rà, một số nhà nghiên cứu cũng băn khoăn. Sao người soạn sách không chú thích đầy đủ mọi chi tiết có liên quan đến văn chương thời cổ, tiện cho người đọc ít am tường những chuyện xa xưa? Tôi đã hồi đáp, qua đó giãi bày chủ ý của mình. Nhân đây xin dẫn một vài mẩu chuyện vui liên quan đến câu chuyện chú giải nguồn tư liệu.

Năm 1979 Nhà xuất bản Gallimard, Paris ấn hành bộ “Trường ca chàng hiệp sĩ Roland” do Pierre Jonin chuyển từ một dòng văn truyền miệng thời trung đại khởi đầu từ vùng Đông Bắc nước Pháp sang ngôn ngữ hiện đại, nhiều nhà nghiên cứu và biên tập viên xuất bản cũng từng trăn trở y như vậy. Sao người soạn sách không chú thích luôn bên dưới các trang? “Trường ca Chàng hiệp sĩ Roland” là một bộ sử thi đồ sộ, người Pháp xưa nay vẫn tự hào đó là thiên sử thi đầu tiên và quan trọng nhất của đất nước hình lục giác. Bộ trường ca gồm những 4.002 câu dài ngắn không đều, được người chuyển ngữ tìm hiểu và phân thành 291 đoản khúc.

Vẫn tại tác phẩm ăn khách ấy tái bản mấy năm sau, Pierre Jonin cho in đầy đủ phần chú dẫn dày những 115 trang, chưa tính “Lời dẫn nhập” cũng dài khoảng 20 trang. Ông không phân bua mà dí dỏm kể lại vài mẩu chuyện được các bậc tiền bối truyền lại, có chuyện như sau. Đã khá lâu rồi, có một học giả người Mỹ tên là L. Swellengrebel tay dịch bộ Thánh kinh quen thuộc với tín đồ Thiên chúa giáo từ thời trung cổ ở châu Âu sang tiếng Mỹ hiện đại, nhằm phục vụ đông đảo độc giả ở Tân thế giới. Dịch giả không muốn làm phiền bạn đọc hễ xem đến bất cứ một trang nào trong sách cũng phải mấy lần ngừng đọc, đưa mắt nhìn xuống cuối trang xem những dòng chú thích điển cố rườm rà, vào lúc người ta đang hứng khởi theo dõi diễn biến những tình tiết cuốn hút trong câu chuyện. Vẫn theo lời dịch giả, làm như vậy có khác chi đòi hỏi một đôi vợ chồng trẻ trong đêm tân hôn chốc chốc nghe tiếng chuông gọi cổng, lại phải rời căn phòng ấm cúng chạy vù xuống tầng trệt mở cửa đón tiếp các vị khách đến thăm hỏi, chúc mừng.

Phải chăng do vậy nhiều người viết thời nay có xu hướng tổng hợp tất cả các chú thích tại các chân trang thành một phần riêng in vào cuối sách, sau phần in tác phẩm chính. Phần chú dẫn uyên bác này chủ yếu nhằm phục vụ những ai thật sự có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu sâu hoặc phản biện một vài vấn đề nào đó, trong khi phần đông các độc giả đọc trường ca nhằm thưởng thức vẻ đẹp huyền bí và chất thơ trong nó.

*

Tôi không rõ những câu chuyện nêu trên có tác động hay không đến bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khi vào năm 1965 ông bắt tay dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp. Dịch giả dựa vào bản Kiều do học giả Đào Duy Anh chỉnh lý và chú giải, gồm 3.255 câu. Gần 30 năm sau, Kiều do Nguyễn Khắc Viện dịch được Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội ấn hành trang trọng qua bản in song ngữ Pháp - Việt đối chiếu từng câu trong hai trang sách mở, trang chẵn tiếng Việt, trang lẻ tiếng Pháp. Bìa cuốn Kiều Nguyễn Khắc Viện được trình bày trang trọng: Mỗi một chữ “KIỀU” kèm dòng phụ đề in chữ nhỏ sát bên dưới “Những mối tình đau khổ của một cô gái trẻ Việt Nam thế kỷ XVIII”, đặt cạnh một cây đàn tỳ bà.

Một thời gian sau, Nhà xuất bản L’Harmattan trụ sở chính đặt tại hai nơi, Thủ đô Paris nước Pháp và thành phố Montreal nước Canada, tái bản toàn văn Truyện Kiều bản của Nguyễn Khắc Viện, phục vụ kỷ niệm 230 năm ngày sinh thi hào Tố Như (1765 - 1820), một trong những danh nhân người Việt đầu tiên được Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa thuộc Liên Hợp Quốc UNESCO tôn vinh Danh nhân văn hóa thế giới. Bản in của nhà L’Harmattan đến với bạn đọc sử dụng Pháp ngữ qua bản chụp lại tất cả các trang cuốn sách của Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 1994, chỉ khác ở chỗ sách được trình bày dưới dạng 13x21cm thông dụng trên thị trường sách thời nay.

Ở phần đầu, trước khi vào truyện, sau hai trang giới thiệu tóm tắt tiểu sử Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Viện giải bày quan điểm khi công bố Truyện Kiều do mình dịch qua bản in song ngữ. Dịch giả muốn qua Kiều, ngợi ca cái đẹp mơ màng trong ngôn từ cùng sự chuẩn xác của tiếng nói Việt Nam. Ông so sánh đôi ba câu trong bản dịch của mình với một bản dịch tiếng Pháp khác đã xuất bản trước tại Pháp. Theo Nguyễn Khắc Viện, khi ta muốn chuyển một tác phẩm thơ từ tiếng này sang ngôn ngữ khác, không nên biến thơ thành văn xuôi. Đã là thơ thì phải được thể hiện dưới dạng thơ qua ngôn từ khác, và cũng không nên chú giải rườm rà trừ những trường hợp thật cần.

Dịch giả mở đầu (tóm lược nội dung, qua cảm nhận của kẻ viết bài này): Vào một đêm trăng, một chiếc thuyền bình yên lướt sóng trên dòng sông quê hương. Xa xa, sau những bãi sông chủ yếu do cát bồi, mọi xóm làng đều như cùng ngon giấc dưới ánh trăng khuya. Chợt một giọng hò cất lên thướt tha trầm bổng theo nhịp mái chèo vỗ sóng gợn lăn tăn bởi ánh trăng tà. Giọng cô lái đò. Cô đang hát Kiều đó. Qua các vần thơ lục bát trầm bổng nhịp nhàng theo nhịp các mái chèo, cô lái đò chắc là dáng người thon thả lắm, cao giọng đánh thức mọi người bằng việc ca nhan sắc nàng Kiều, mà cuộc đời bất hạnh từng làm thổn thức trái tim triệu triệu phụ nữ Việt Nam ở nông thôn cũng như thành thị từ thuở Truyện Kiều ra đời đến hôm nay.

Một câu chuyện khác. Đang giữa mùa thu hoạch trái cau tròn hái từ trên ngọn các hàng cau trồng ngay hàng thẳng lối trong vườn nhà. Dưới ánh sáng ngọn đèn treo lơ lửng ở cây xà ngang dưới mái hiên trước nhà rọi ra sân, cả gia đình cùng mấy người hàng xóm xúm lại bổ những quả cau tròn thành những miếng nho nhỏ để kịp rải lên nong tre phơi dưới nắng hè chắc chắn sẽ gay gắt ngay từ sáng sớm hôm sau. Chợt có tiếng ai đó cất lên: “Bác Châu ơi, xin bác cho chúng cháu nghe vài đoạn Kiều”. Dường như bác Châu ta đang chờ đợi lời mời thế nào rồi cũng sẽ đến ấy, ông già đưa tay nhẹ vuốt chòm râu, húng hắng lấy giọng rồi vừa tiếp tục bổ những quả cau vừa hứng khởi ngâm nga trầm bổng. Ông đang ngâm Kiều, một vài đoạn nào đó trong tác phẩm của Nguyễn Du theo cung cách ngâm thơ của các cụ đồ nho...

“Truyện Kiều”, theo cách gọi phổ biến của người Việt Nam từ cuối thế kỷ 18 đến nay là như thế. Kiều sử dụng ngôn từ dân gian. Kiều dùng tiếng nói ngày thường của những người dân nhưng nội hàm lại uyên bác tự nhiên với nhiều điển cố Hán Việt dẫn từ thi ca kinh điển. Dường như người dịch còn có thâm ý qua tác phẩm tuyệt vời đậm chủ nghĩa hiện thực, tố cáo chế độ phong kiến đã làm sa đọa phần nào xã hội Việt Nam ta thời ấy. Nguyễn Du vốn xuất thân từ một gia đình nho học. Dòng họ ông có nhiều người làm quan to trong triều vào cuối thời vua Lê chúa Trịnh. Từ nhỏ ông đã được học hành đến nơi đến chốn.

Thế nhưng hoàn cảnh trớ trêu cho ông được sống nhiều năm ở thôn quê chan hòa cùng những người lao động phần lớn là nghèo. Chàng nho sĩ trẻ từng có bao đêm hát hò, giao lưu cùng các bạn trong làng, trong huyện quê hương, qua các vần điệu phổ cập trong dân gian chẳng biết từ bao giờ. Để viết Kiều, ông sử dụng thể thơ ca quen thuộc với người dân là thơ lục bát, thế nhưng thơ ông lại ẩn chứa vô vàn điển tích cổ kim rất khó hiểu đối với những ai không có điều kiện học hành tới nơi tới chốn. Ông viết Kiều nhằm chia sẻ tấm lòng trăn trở của mình với bạn hữu quê hương, hy vọng “lời quê góp nhặt dông dài” vẫn có thể “mua vui cho họ một vài trống canh”. Thế nhưng Truyện Kiều đã nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong dân gian và trở thành một tác phẩm bất tử.. Phải chăng người dịch nuôi hy vọng bạn đọc sẽ đồng cảm với mình khi bản Kiều song ngữ của ông dài những 3.455 câu mà người dịch chỉ dùng khoảng 50 chú giải.

*

Một dẫn chứng khác của người châu Âu. Jean Lacouture (1921 - 2015) là một trong những nhà báo, nhà văn chuyên viết tiểu sử danh nhân, nhiều người coi ông là một cây bút lỗi lạc về thể loại này tại Pháp. Tác phẩm của ông được trao Giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp. Tại bộ sách “De Gaulle”, Tập I xuất bản lần đầu tháng 10 năm 1984, ông có “Lời thưa”. Tác giả phân bua với bạn đọc. Cho đến hôm nay nước Pháp đã xuất bản một kho tác phẩm hay của các nhà quan sát, những người thân thiết hoặc người thuộc phía các đối phương của tướng De Gaulle, về cuộc đời và sự nghiệp vị tướng tài ba từng là nguyên thủ đầu tiên của nước Pháp sau Chiến tranh thế giới II. “Tôi (Jean Lacouture) không thuộc nhóm tác giả ấy.

Tôi không có điều kiện sưu tầm đủ những tư liệu lịch sử cần thiết. Tôi cũng không có thời gian và hơi sức đọc hết và suy ngẫm qua mấy trăm tác phẩm nói về cuộc đời ông Tướng tài danh. Bù lại, là một cây bút xuất thân nhà báo, người viết bộ sách này được đào tạo nghề báo từ đầu. Tôi cũng chưa bao giờ có ý nghiên cứu, sưu tầm tư liệu nhằm giảng dạy cho sinh viên các trường đại học. Trước sau, tôi chỉ có một nguyện vọng, nguyện vọng duy nhất là thực hành trung thực nghề báo, nghiệp văn. Tôi chưa bao giờ nuôi tham vọng trở thành một học giả. Đổi lại, tôi có những ưu thế khác. Ấy là trong quá trình hành nghề, tôi có dịp tiếp xúc nhiều nhân chứng lịch sử, và mỗi lần được gặp họ tôi mang hết tâm huyết ra tranh thủ phỏng vấn tại chỗ, có khi mỗi người chỉ đôi ba điều, với mục tiêu chung là góp phần soi sáng cuộc đời của ông Tướng.

Riêng tập I, tôi đã tìm gặp và phỏng vấn có ghi âm trên dưới một trăm chứng nhân lịch sử, những người thuộc cả hai phe, hoặc là đồng đội hoặc đối nghịch với ông. Làm sao có thể chú thích tại các chân trang trong tập sách này bấy nhiêu tư liệu? Cho dù biết trước, đây sẽ là công việc khó khăn, tôi vẫn cứ bắt tay vào làm Tập I bộ sách mà hôm nay đến tay bạn đọc đúng vào dịp tháng 10 năm 1984, mùa sách ở nước ta. Hy vọng sẽ hoàn thành nốt Tập II, kịp ra đời mùa thu năm tới, 1985.

Thực tế cuộc sống không như dự kiến ban đầu của tác giả. Bộ sách của Jean Lacouture sẽ bao gồm ba tập, mỗi tập dày chừng bảy, tám trăm trang, tổng cộng 2.560 trang in chữ nhỏ li ti. Ba chứ không phải hai như dự kiến ban đầu của người viết. Sau Tập I, nhan đề “Anh chàng bất trị”, 1984, Tập II “Vị chính khách” phát hành tháng 10 năm 1985, rồi Tập III “Ngài nguyên thủ”, cũng ra mắt bạn đọc khớp vào tháng 10 năm 1986.

Sách đến tay bạn đọc, bộ De Gaulle được dư luận Pháp nhiệt liệt đón chào. Nhà văn Claude Mauriac hạ bút trên nhật báo Sud-Ouest: “Một tác phẩm mẫu mực”. Nhà sử học Pierre Nora, Viện sĩ Hàn lâm Pháp viết tại nhật báo Le Matin: “Sau tám trăm cuốn sách về tướng De Gaulle, đây là cuốn số 1”. Nhật báo Le Monde khẳng định như đinh đóng cột qua lời nhà văn Henri Guillemin: “Tôi thề. Chừng 20 - 30 năm tới, nếu có một sinh viên ngành sử nào đó hỏi thầy hoặc cô giáo của mình: Em muốn tìm hiểu đôi điều về tướng De Gaulle. Xin thầy/cô chỉ bảo cho, em nên đọc cuốn sách nào trước hết? Bạn trẻ ấy chắc chắn sẽ nhận được lời đáp: Em hãy tìm đọc Jean Lacouture”.

*

Trên đây là một đôi dòng suy nghĩ về sự cần thiết và cách chú giải tại các tác phẩm văn học hoặc công trình báo chí. Còn có một dòng suy nghĩ khác, trong đó có tâm tư của kẻ này như vừa viết ở lời nói đầu, có khác biệt so với suy nghĩ của các danh gia vừa nói ở trên. Đúng là người cầm bút không nên và không được chú giải quá miên man khi ta nuôi kỳ vọng tác phẩm của mình đến được tay nhiều người đọc. Trong cuộc sống thời nay, ai ai cũng quá bận bịu, người nào cũng cảm thấy thiếu thời gian. Tác giả chú giải quá nhiều điển cố sẽ khó tránh làm phiền lòng bạn đọc và rồi các bạn đọc ấy dù có muốn hay không cũng sẽ đứng nhìn các tác phẩm của bạn xếp trên giá sách thôi. Dù sao, chú thích các bài báo vẫn không thể thiếu, không được phép thiếu đối với những ai là người viết chỉnh chu, tự trọng. Người viết báo dẫn nguồn hay chú thích tác phẩm của mình nhằm được yên tâm khi nó may mắn đến tay bạn đọc.

Thưa quý vị, tôi vẫn làm chú thích đây trong khi đang múa bút theo cảm hứng của mình. Tôi tạm ngừng chứ không mải mê chạy theo các dòng chữ dù chúng đang chen lấn trong tâm can người viết và cứ chực tuôn trào ra trang giấy. Tôi tạm ngừng để làm ít nhiều chú giải cũng nhằm kiềm chế cái thói viết miên man. Tôi chú các nguồn còn nhằm chứng minh nhà báo “nói có sách, mách có chứng”. Tôi chú nguồn tư liệu để khẳng định kẻ viết bài này không hề thuổng ý, mượn lời của ai. Tôi tạm ngừng tay còn để khỏi phụ thuộc vào nguồn cảm xúc đang chực tuôn trào.

Phan Quang
 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top