Chụp ảnh thật đâu có dễ?

23:20 19/07/2016 - Tác nghiệp
Ảnh báo chí phải phản ánh sự thật. Nguyên tắc này được nhắc nhiều ở thời điểm này, khi việc chụp giả, nhân vật giả, tình huống giả, bối cảnh giả đang có chiều hướng gia tăng, đến mức có người chụp trở nên nổi tiếng nhờ tài... làm giả. Ai có thể chấp nhận được khi cô nông dân đang gieo mạ trong ảnh vốn là mấy cô văn công? Ai chấp nhận việc đem người mẫu đóng giả thợ sửa điện? Một nữ sinh viên xinh đẹp từ Hà Nội lên Sơn La thuê trang phục dân tộc bỗng chốc thành cô sơn nữ miệt mài xay lúa, giã gạo?

Tác phẩm phóng sự ảnh: “Sức mạnh chính nghĩa trên Biển Đông” của tác giả Đăng Khoa - Tuấn Anh đạt giải Nhất cuộc thi ảnh báo chí“Đức, tài và vẻ đẹp Việt Nam” do Ban Biên tập Báo Nhân Dân tổ chức ngày 10/3/2015.Ảnh:TL

Tác phẩm phóng sự ảnh: “Sức mạnh chính nghĩa trên Biển Đông” của tác giả Đăng Khoa - Tuấn Anh đạt giải Nhất cuộc thi ảnh báo chí“Đức, tài và vẻ đẹp Việt Nam” do Ban Biên tập Báo Nhân Dân tổ chức ngày 10/3/2015. Ảnh:TL

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng ảnh báo chí Việt Nam lần thứ nhất tại Đầm Vạc, Vĩnh Phúc do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp hội nghệ sĩ nhiếp ảnh tổ chức cách đây 8 năm, vấn đề chụp thật, không bố trí dàn dựng được nêu ra. nhà báo Phùng Triệu - TTXVN nêu một câu hỏi: “Có phải lúc nào khi nhà báo đến cơ sở, nhân vật cũng đang trong tư thế làm việc đâu? Bố trí dàn dựng là cần thiết chứ?”. Tôi xin kể vài câu chuyện để giải thích vì sao trong ảnh báo chí không chỉ cảnh phải thật, người phải thật, việc phải thật mà ngay khoảnh khắc bấm máy cũng phải thật? Vì sao chụp được thật cũng không dễ dàng gì.

Đó là câu chuyện Hội Nhiếp ảnh cử tôi làm đoàn trưởng đến một đơn vị thuộc Quân chủng phòng không để chụp ảnh. Buổi trưa lãnh đạo đơn vị mời anh em nhà báo ăn cùng anh em chiến sĩ cho vui. Nhưng trong mâm VIP lại thiếu một thành viên của đoàn. Tìm gọi quanh bếp ăn không thấy, chợt nhớ X vốn là người chuyên săn chụp chân dung nên tôi ra trận địa pháo phòng không ở gần khu chỉ huy. Nghe rất rõ giọng miền Trung của X nói với người lính cao xạ “cháu phải kéo cao cái mũ lên, mắt cháu phải ngước cao và phải tỏ vẻ căm thù mới được. Hãy coi như thấy phía trên cao là máy bay ném bom giặc mỹ. Nhớ chưa? Lúc này mà có thêm mấy giọt mồ hôi nữa thì hay biết mấy?”. Tôi vội nhắc “anh em và thủ trưởng đơn vị đang chờ cậu về ăn đấy”. Ảnh X chụp theo kiểu diễn như thế ai ngờ vẫn cứ được đăng trên báo ít ngày sau đó. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: “Làm gì có máy bay địch để chú lính tuổi 20 sinh sau năm 1975 này căm thù nhỉ? Kỳ lạ thật?”.
Trong những ngày Tết năm Bính Thân 2016, tại hồ Văn - Quốc Tử Giám - Hà Nội, thấy một ki-ốt cho chữ đông người, tôi sà vào xem. một ông đồ, áo the, đội khăn xếp đang ngồi ngay như tượng, tay cầm bút viết bất động, mặt như ngừng thở, mắt không chớp. Thì ra ông đang làm động tác theo yêu cầu của nhà nhiếp ảnh ở Hà Nội, người vài năm nay thường được cử đi chấm ảnh tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật. Tôi lặng lẽ rời khỏi hiện trường, trong lòng bất chợt thấy buồn!
Vào dịp Trung thu cách đây nhiều năm ở phố Hàng Mã - Hà Nội, nhóm làm phim NHK (Nhật Bản) quay phóng sự ở phố cổ Hà Nội. Cảnh trong kịch bản là người bán hàng xếp đồ chơi ra quầy. Các cháu bé quanh khu phố hiếu kỳ rủ nhau đến xem, chúng thích thú vì sự có mặt của các nhà báo Nhật Bản. Máy quay phim đang quay nhè nhẹ thì bất ngờ có tiếng một nhân viên an ninh: “các cháu ra xa cho các bác làm việc, đi ra, đi ngay ra nào”. Nghe tiếng quát, các cháu bé tiếc nuối đứng xa ra ngoài, trong khi nhà quay phim đảo nhanh máy về phía các cháu nhỏ. người phiên dịch tiếng nhật theo đoàn nói lại với tôi, họ vừa mất đi loạt cảnh quay sinh động. Trẻ con phải là trẻ con, chúng luôn tuyệt vời với những ánh mắt tò mò, hiếu kỳ, những hình ảnh mà không dễ gì có thể sắp đặt được?
Phim “Chiến sự Mậu Thân 1968” lấy bối quay cảnh tại Tp. Hồ Chí Minh, chủ yếu là khu vực chợ Bến Thành tĩnh lặng. Để có cảnh này, nhà sản xuất yêu cầu một số hộ dân có cháu nhỏ tạm sơ tán một đêm ra khách sạn với tiện nghi đầy đủ. Tiền thuê khách sạn nhà sản xuất chịu, còn thêm cả tiền bồi dưỡng cho những ai đi sơ tán. Phía Việt nam thắc mắc: “Chúng tôi đã đề nghị bà con cho các cháu đi ngủ sớm để không ồn ã khi đoàn quay phim làm việc rồi”. Và được trả lời: “Nhỡ các cháu cứ khóc thì sao? Tiếng khóc hôm nay khác với tiếng khóc cách đây vài chục năm khi xảy ra đêm nổ súng tán loạn ở Sài gòn?”. Thì ra, tiếng khóc dù chỉ ở trên màn hình thôi cũng cần phải thật như vốn có.
Tôi bị nhọt hiểm ở dưới mũi nên phải vào bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Bệnh viện yêu cầu chí ít cũng phải nằm điều trị 10 ngày. Và tôi đã tận dụng ngay thời gian quý hiếm và “tự do” này để làm một tùy bút ảnh - những gì nhìn thấy ở một cơ sở chữa bệnh lớn trước đây vốn là một nhà thương dành cho người Pháp.
Với chiếc máy nhỏ Canon G9, trong trang phục bệnh nhân, tôi đã chụp hàng trăm bức ảnh theo kiểu giấu máy, cảnh bệnh viện sáng, trưa, chiều, tối; cảnh các thầy thuốc, y tá, điều dưỡng viên tận tụy săn sóc người bệnh; cảnh đêm tại khoa cấp cứu, sinh hoạt ngoài giờ của các nhân viên phục vụ theo yêu cầu. Sau vài ngày ở viện, như một bệnh nhân đặc biệt, tôi được phép chụp ở nhiều nơi, được nhiều cán bộ quản lý bệnh viện quý mến. Họ nói thật: “Bác chụp rất nhanh mà chúng em chẳng phải sắp đặt gì, chứ không như những nhà báo, phóng viên ảnh ở các cơ quan báo chí khác đã từng đến đây tác nghiệp. Sau khi làm thủ tục, họ thường đề nghị chúng em nhanh chóng chọn người, chọn cảnh, thậm chí sắp lại cả bàn ghế, dụng cụ làm việc sao cho thuận với ý của họ. Còn bác thấy cần chụp là chụp, không bày vẽ gì chúng em cũng đỡ mệt, mà ảnh của mấy ông ấy khi gửi lại, chúng em thấy bức ảnh nào cũng đẹp nhưng mặt ai cũng thẫn thờ, không có hồn”.
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy rằng, để có được những khoảnh khắc thật, một bức ảnh sinh động, có tính thuyết phục cao xem ra cũng chẳng dễ dàng gì!

Cách đây vài năm tại đảo Trường Sa lớn khi xuồng vừa cập đảo, vài phóng viên ảnh vội bàn nhau khẩn trương nhờ chỉ huy đảo tìm vài anh lính trẻ ăn mặc đẹp để “đi hái rau xanh”. Biết vậy, tôi đã rình chụp từ trên cao kiểu “sáng tác” này. Trước 2 lính trẻ là vườn rau xanh hơn 10 m2. Hơn 10 nhà báo chụp ảnh quay phim, anh nọ chen anh kia để tìm bố cục. Có lời khuyên: “Làm, hái nữa đi các cháu để các chú còn chụp”. Và được trả lời “Làm gì còn rau để mà hái hả các chú?”. Mọi người cười, còn tôi thì buồn và hơi xấu hổ.


Vũ Huyến
Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top