Phóng viên môi trường làm điều tra
01:08 30/11/2016
- Góc nhìn

Tác giả trong một chuyến tác nghiệp (ảnh chụp tại Đảo An Bang, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: PV
Tìm sự thật về hồ Ba Bể bị bồi lấp
Năm 2010, trong một lần lên thăm hồ Ba Bể, tận mắt chứng kiến cũng như phỏng vấn chính quyền, người dân và chuyên gia về hiện tượng bồi lấp của hồ, tôi đã viết loạt bài hai kỳ “Hồ Ba Bể trước nguy cơ thành “sông Lấp””. Hồi đó, tất cả mọi người đều thừa nhận bồi lấp hồ Ba Bể là chuyện có thật, và cho rằng đó là do quy luật tự nhiên, khi lũ cuốn đất đá từ các con sông con suối mang về hồ.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học từ năm 2005, với tốc độ bồi lấp ấy, khoảng 90 năm kể từ thời điểm nghiên cứu, hồ tự nhiên đẹp nhất Việt Nam và là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới... sẽ không còn nữa. Tôi rất sốc và sốt ruột khi mặc dù biết điều đó, tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa thông qua kế hoạch rõ ràng nào để chống bồi lấp, bảo vệ hồ trước nguy cơ đất rửa trôi theo những cơn lũ khi rừng ngày càng thưa thớt. Nhưng loạt bài nửa phóng sự, nửa điều tra ấy của tôi bị chìm vào quên lãng. Có thể nó cũng chưa đủ sức nặng để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cơ quan chức năng phải vào cuộc. Cũng có thể còn nhiều vấn đề thiết thực khác của đời sống còn quan trọng hơn việc phải cứu một cái hồ...
Tôi cùng một đồng nghiệp xin phép tòa soạn lên hồ Ba Bể lần nữa. Trong gần một tuần đi dọc suối Tà Han, Bó Lù, Pác Ngòi, và đặc biệt, khi mục kích mỏ sắt Pù Ổ trên quả núi trọc lõa lồ nằm ngay cạnh suối Bó Lù, chúng tôi đã hiểu ra tất cả. Bốn bể lắng nước thải đều được đào bằng đất, nằm trên quả núi trọc cũng toàn đất. Chỉ cần một trận mưa, cả núi đất ấy cùng bốn bể tạm bợ kia sẽ đổ ụp xuống dòng suối. Vậy mà ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Na Rì Hamico, đơn vị khai thác mỏ Pù Ổ nói công ty đã xây dựng hai bể xử lý nước thải sau tuyển và hai bể xử lý nước mưa chảy tràn như nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt!
Tôi nhanh chóng dùng máy ảnh chụp lại toàn bộ hiện trường mỏ sắt, bởi chính những bức ảnh đắt giá này cũng đã là bằng chứng hết sức thuyết phục rồi. Sau khi từ chối nhận phong bì của doanh nghiệp, hai chúng tôi phải tách nhóm lội ruộng phỏng vấn người dân về mỏ sắt nằm trên đầu luôn chực đổ đất đá vào ruộng của họ. Thêm nhiều bằng chứng, nhiều ý kiến tố cáo của người dân được ghi nhận. Bởi đất đá từ mỏ sắt Pù Ổ không chỉ bồi lấp về hồ, mà còn bồi lấp nhiều phần ruộng, cây lúa không phát triển được, khiến người dân điêu đứng.
Sau khi thu thập đủ bằng chứng, cả đoàn quay về TP. Bắc Kạn và hẹn phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh. Nhiều năm làm báo, phỏng vấn hàng chục, thậm chí hàng trăm người, nhưng với tôi, vẫn là một cuộc phỏng vấn nhớ đời, bởi nó không đơn thuần là một cuộc phỏng vấn cho thể loại phỏng vấn, mà nó là phỏng vấn cho một cuộc điều tra. “Hồ Ba Bể có bồi lấp, nhưng đó là quy luật tự nhiên trong nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ và chỗ bồi lấp đấy đã trở thành đất canh tác tự nhiên của dân. Có một số thông tin rằng chuyện bồi lấp hồ Ba Bể là do chuyện khai thác khoáng sản là không đúng”, Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường khẳng định với chúng tôi.
Nhưng bằng những gì mắt thấy tai nghe ở thượng nguồn hồ Ba Bể, hai phóng viên nữ chúng tôi đã đối chất, phản biện lại tất cả những điều vị đứng đầu địa phương nói. Chúng tôi tôn trọng tất cả những thông tin ghi nhận được từ cuộc phỏng vấn này và đưa lên mặt báo, để dành cho bạn đọc quyền tiếp nhận và thẩm định thông tin. Sau chuyến công tác, trở về Hà Nội, chúng tôi tìm gặp nhiều chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về thủy lợi và môi trường để ghi nhận ý kiến của họ.
Và loạt bài điều tra ba kỳ của chuyến đi hồ Ba Bể thứ hai mang tên “Bồi lấp hồ Ba Bể: Chuyện của nắng mưa?” đã có tác động thật sự. Mỏ sắt Pù Ổ sau đó đã bị đóng cửa. Còn loạt bài này của chúng tôi đã đoạt Giải A Báo Nhân Dân và Giải B Giải báo chí Đại đoàn kết dân tộc năm 2011.
Bảo vệ “nhà” của loài gấu
Cũng như loạt bài đấu tranh để bảo vệ hồ Ba Bể, đứng trước việc Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam đặt tại Vườn Quốc gia Tam Đảo bị đòi chiếm đất một cách vô lý đã khiến tôi một lần nữa “nhảy” sang mảng điều tra để đấu tranh giữ lại ngôi nhà được xem là thiên đường của loài gấu.
Với bút danh Hoàng Thảo Lê, tôi đã viết hai kỳ đầu tiên của loạt bài “Nguy cơ gấu mất “nhà”” đăng trên Nhân Dân điện tử vào tháng 4/2012, đó là loạt bài đầu tiên viết về vụ “cướp đất” hy hữu này. Sau đó, một số báo và đài đã vào cuộc. Những quan điểm và luận cứ mà phóng viên báo Nhân Dân đưa ra được sử dụng trở lại, thậm chí các phóng sự truyền hình lấy nguyên bài của Nhân Dân để làm kịch bản. Nhưng dường như những tiếng nói của báo chí lúc đó vẫn chưa làm lung lay ý chí lấy đất của nguyên giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Ông Tiến tiếp tục tung ra những chiêu bài đẩy Trung tâm cứu hộ gấu đối mặt với nguy cơ di dời, đến nỗi những nhân viên cứu hộ gấu phải khẩn thiết gửi đơn đi kêu cứu khắp nơi. Tháng 11/2015, Nhân Dân điện tử tiếp tục tung thêm ba kỳ nữa phản ánh về những vô lý chung quanh cáo buộc gấu gây ô nhiễm cùng những công văn vượt cấp ông Tiến gửi sang quân đội đề nghị bên đó kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển NT dừng dự án gấu...
Kết quả là Bộ Nông nghiệp & Phát triển NT phải trình vụ việc lên để Thủ tướng quyết định. Và tháng 1/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo tiếp tục triển khai xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu, kèm theo đó còn chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển NT làm rõ sai phạm của Giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo để xử lý. Cuối tháng 4, Bộ này đã cách chức Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo đối với ông Đỗ Đình Tiến. Năm 2013, tôi đã nhận Giải B Giải Báo chí Quốc gia cho loạt bài này.
Có thể nói, thể loại điều tra đã dạy tôi cách làm báo tổng hợp bởi cả hai loạt bài ấy, có cả thể loại phản ánh, ghi nhanh, phỏng vấn, bình luận, thậm chí làm tin khi có quyết định xử lý từ cơ quan chức năng. Nhưng tựu trung đều lấy điều tra làm chủ đạo để đạt mục đích cuối cùng là phơi bày sự thật./.
Hoàng Thảo Lê
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Ngày Xuân, suy ngẫm về những lời Bác dạy nhà báo (10:29 12/01/2023)
- Tình đồng nghiệp không biên giới (06:10 12/01/2023)
- Chuyển đổi nội dung số trong hệ thống cơ quan báo chí Trung ương Đoàn hiện nay (09:08 12/12/2022)
- Ứng xử văn hóa của nhà báo trong bối cảnh thông tin mạng xã hội (05:16 25/10/2022)
- Dễ và khó trong tác nghiệp báo chí thời điện tử hóa! (08:13 28/09/2022)